Sách Công nghệ giáo dục triệt tiêu thói quen học thuộc lòng

Đức Thành 15/09/2018 07:26

Học thuộc lòng là thói quen thâm căn cố đế của học sinh, hậu quả học xong trả lại thầy cô, không biết giải quyết vấn đề trong đời sống.

Không đi sâu vào cách đánh vần của GS Hồ Ngọc Đại, độc giả Đức Thành nhìn ra ưu điểm khác của phương pháp giáo dục này.

Tôi biết về tranh cãi đánh vần khi một người bạn chia sẻ video, trong đó cô giáo hướng dẫn học sinh đọc theo ô vuông, ô tròn, tam giác. Khi đó tôi bật thốt lên: "Ồ dạy như thế này mới đúng chứ, hóa ra là vậy".

"Hóa ra là vậy" là một sự vui mừng của tôi khi tìm ra được đáp án cho câu hỏi "Tại sao học sinh lại tư duy kém như vậy". Câu hỏi này tôi đặt ra từ lúc ngồi trên ghế nhà trường. Tôi không phải là học sinh giỏi nhất, nhưng được bạn bè hỏi bài nhiều nhất.

Tại sao? Vì tôi không hướng dẫn bạn bè gì cả, tôi chỉ lắng nghe vấn đề nằm ở đâu và đặt câu hỏi "tại sao?". Một câu hỏi tại sao hợp lý, nằm đúng vấn đề sẽ khiến bạn tôi tìm ra được đáp án. Mọi người đều rất vui vì cảm giác tự bản thân giải quyết vấn đề. Nó rất khác cảm giác đạt điểm 9-10 vì học thuộc bài. Nhưng những câu hỏi tại sao của tôi chìm nghỉm trong tâm trí bạn bè vì những áp lực phải học thuộc công thức này đến công thức khác, môn này đến môn khác.

Chắc những ai đi qua thời cấp 3 đều cảm thấy choáng ngợp với hóa hữu cơ 11, công thức lượng giác, điện, điện từ... Tôi quan sát bạn bè (và học sinh sau này) phải học thuộc công thức này đến công thức khác, tự hỏi tại sao phải học thuộc nhỉ, những công thức này đâu cần nhớ?

Tôi đi học nhưng chưa bao giờ phải học thuộc lấy một công thức nào cả. Tôi luôn chủ trương học nhớ càng ít càng tốt. Vì dụ tôi xem dấu + và dấu - là một, dấu x và dấu / là một, sin và cos là một, tang và cotang là một... Nếu tưởng tượng kiến thức phải nhớ là một trang giấy lớn thì việc của tôi là gấp nó thành 2 lần, thành 4 lần, thành 16 lần... đến mức nhỏ nhất có thể.

Tôi có những nguyên tắc để gấp kiến thức như "quy tắc phản chiếu, quy tắc đồng dạng, quy tắc dầu loang". Những quy tắc tôi gọi là tư duy, có thể áp dụng chúng cho bất kỳ môn học nào, vấn đề nào ngoài đời sống.

Tôi rất vui mừng và muốn truyền tải phương pháp này cho bạn bè và sau này là học sinh của tôi. Thoạt nhìn thì phương pháp của tôi có hiệu quả vì dễ hiểu, dễ áp dụng. Nhưng tôi nhanh chóng nhận ra một điều là học sinh không thể thoát ra thói quen học thuộc lòng. Nó như một thói quen thâm căn cố đế trong mỗi học sinh.

"Học xong trả lại thầy cô", không biết phân tích, giải quyết vấn đề đời sống là hậu quả của phương pháp này. Nguyên nhân chính là không ai dạy trẻ cách tư duy từ ban đầu mà chỉ dạy nó như thế này thì con cứ áp dụng thay thế vào là được. Ban đầu ít công thức nên nhiều trẻ giỏi, nhưng càng ngày càng nhiều công thức. Trẻ vẫn giữ thói quen học thuộc lòng và càng ngày càng học không nổi.

Càng lớn càng nhiều trẻ trở thành nỗi thất vọng của cha mẹ, dù những đứa trẻ đã cố gắng nhưng chẳng hiểu do đâu. Chúng tự nghĩ rằng bản thân kém cỏi, trong khi thực ra là không ai hướng dẫn trẻ học như thế nào mà chỉ hướng dẫn bắt chước như thế nào. Vì áp lực thành tích mà nhiều phụ huynh đã vội vàng cắt đứt sự phát triển của trẻ ngay từ rất sớm.

Tôi đã bỏ cuộc trong ước muốn thay đổi giáo dục nước nhà. Nhưng khi tôi nhìn thấy video phương pháp dạy từ bộ sách của giáo khoa thì đã tìm được cho đáp án mình muốn lâu nay. Khi nhìn thấy quá nhiều những sự tranh luận, phản biện hời hợt thì tôi đã viết bài này để bảo vệ bộ sách.

Thứ nhất, sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục chỉ thay đổi duy nhất cách đánh vần. 29 chữ cái đọc sao viết vậy. /k/ đọc là ca, /c/ đọc là /cờ/... Nhưng khi đánh vần thì /k/, /c/, /q/ đều đọc là /cờ/. Các bạn nên hiểu đánh vần chỉ là phương pháp biến tiếng nói thành con chữ. Mà đã là phương pháp thì đi con đường nào nhanh, ngắn gọn là được.

Sau này chúng ta nói chuyện, viết chữ chứ ai quan tâm đã đánh vần như thế nào. Cho nên xin khẳng định Công nghệ giáo dục không thay đổi tiếng Việt trong phát âm hay chữ viết, chỉ thay đổi con đường từ tiếng nói sang con chữ.

Thứ hai, cách đánh vần trong Công nghệ giáo dục có tính khoa học từ ít lên nhiều. Ví dụ ngày xưa từ "bà" sẽ đánh vần là "bờ a ba huyền bà". Nhưng sách Công nghệ giáo dục chia thành hai bước. Trước trẻ sẽ học đánh vần thanh ngang trước "ba là bờ a ba", thời gian sau sẽ đánh vần trực tiếp là "ba huyền bà", nhanh và gọn.

Thứ ba, việc trừu tượng hóa mặt chữ với ô vuông, ô tròn là hết sức ý nghĩa. Trẻ nhớ ô vuông ô tròn dễ hơn rất nhiều. Trong video nhiều người đã xem thì thấy đứa bé nhớ được tiếng, nhớ ô vuông, ô tròn chứ không hề nhớ mặt chữ. Ô vuông, ô tròn trở thành một chiếc cầu để trẻ có thể giảm áp lực ngay khi vào học lớp 1 đã phải học mặt chữ.

Những trẻ ngây thơ nghĩ rằng "Tất cả các con chữ đều có thể biến thành ô vuông, ô tròn". Đây là suy nghĩ ngây thơ nhưng sẽ là chiếc cầu nối tư duy cho trẻ sau này. Tôi đã áp dụng suy nghĩ này trong việc gấp kiến thức của tôi. Tôi tâm đắc cuốn sách nhất ở điểm nghĩ ra việc trừu tượng hóa này.

Sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục dùng các hình vuông, tam giác, tròn... để đếm tiếng trong chuỗi lời nói.

Thứ tư, khi phản đối, hay phản biện thì tôi nghĩ mọi người nên mang theo tinh thần tôn trọng. Tôn trọng ở đây là gì, là hãy tìm hiểu kỹ rồi hãy góp ý. Đừng góp ý một cách hời hợt, a dua. Đến nay vẫn nhiều nghĩ sách Công nghệ giáo dục hướng dẫn trẻ đọc C/K/Q là cờ.

Bộ sách này đã đi qua 40 năm, đã có những sai sót, đã có những sửa chữa, đã được thẩm định. Bộ sách đã được mở rộng đến 50% học sinh trong sự lựa chọn chứ không phải sự ép buộc thay thế. Các bạn lựa chọn như thế nào trước một cuốn sách đã dạy mình đọc thông viết thạo và một cuốn sách mới mẻ hoàn toàn khác. 40 năm bộ sách đã đi hành trình của nó, và hơn 800.000 học sinh lựa chọn học cuốn này là kết quả cho sự công nhận.

Thứ năm, nhiều người phản đối sách Công nghệ giáo dục, tại sao không ai phản đối sách giáo khoa hiện nay? Phải chăng chính chúng ta được tạo ra từ nó nên không thể phản đối. Một nhược điểm lớn nhất của sách giáo khoa hiện nay là tạo nên thói quen học thuộc lòng.

Áp lực từ việc học thuộc lòng các mặt chữ với các bé là quá lớn, tạo nên một cái bóng tâm lý rất lớn là phải học thuộc tất cả vấn đề sau này. Công nghệ giáo dục đã giảm đi rất nhiều áp lực bằng việc trừu tượng hóa hình vuông, hình tròn, bằng việc đánh vần khoa học, bằng việc tóm gọn cách đánh vần lại.

Cuối cùng Tiếng Việt Công nghệ giáo dục cũng chỉ là một bộ sách. Quan trọng nhất là sự hướng dẫn của thầy cô, bố mẹ.

Xin cảm ơn giáo sư Hồ Ngọc Đại và những người đã tâm huyết trong bộ sách này. Sẽ là một con đường dài để cải cách, nhưng tôi tin rằng bộ sách là điểm khởi đầu cho những thay đổi tiến bộ trong giáo dục.

Cuối tháng 8, video cô giáo hướng dẫn cách phát âm chữ cái c/k/q đều đọc là /cờ/ gây xôn xao dư luận vì khác phương pháp được dạy đại trà cho học sinh. Cách đánh vần đó là theo sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại làm chủ biên và Bộ Giáo dục cho phát hành.

Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định cuốn Tiếng Việt Công nghệ giáo dục - PGS Bùi Mạnh Hùng cho biết, tài liệu gây tranh cãi, tuy nhiên thực tế cho thấy phương pháp dạy đánh vần trong đó đã giúp học sinh phát triển khá hiệu quả kỹ năng đọc thành tiếng và viết đúng chính tả. Đến nay gần 50 tỉnh, thành phố với khoảng 800.000 học sinh lớp 1 (chiếm gần một nửa số học sinh lớp 1) đang dùng cuốn sách này.

GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ sách được xây dựng trên nguyên tắc "muốn học cái gì thì phải tự tay làm cái đấy". Khi áp dụng, học sinh sẽ là người làm việc, còn giáo viên chỉ giao nhiệm vụ và quan sát, hướng dẫn phương pháp. Ông tự tin sách tồn tại vĩnh viễn, nền giáo dục mình xây dựng là đúng đắn vì có nền tảng lý thuyết là triết học, tâm lý học, có công nghệ giáo dục hỗ trợ.

Theo vnexpress.net
Copy Link
Mới nhất
x
Sách Công nghệ giáo dục triệt tiêu thói quen học thuộc lòng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO