Sách "điên"?

20/11/2014 17:31

(Baonghean) - Vụ “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh” của tác giả có cái tên lạ hoắc Vũ Chất chưa kịp nguội, thì dư luận lại bàng hoàng về một cuốn sách “kinh điển” khác. Lần này thì là tài liệu luật hẳn hoi...

Bực, nhưng đúng là không nhịn được cười. Cười chảy cả nước mắt, diễn viên hài Công Lý bỗng nhiên

Bìa cuốn sách “Bộ Luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành” của Nhà xuất bản Lao động - Xã hội.
Bìa cuốn sách “Bộ Luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành” của Nhà xuất bản Lao động - Xã hội.
trở thành nhân vật nổi danh nhanh chóng đến khủng khiếp, điều thú vị mà dị thường của nó lại ở một lĩnh vực không liên quan gì đến đời tư hay showbiz. Cái tên Công Lý, “nghệ danh cúng cơm” của anh vừa được người ta lợi dụng để chơi “đuổi hình bắt chữ” ngay trên một cuốn sách mang tiếng “công” nhưng vô “lý” tột độ. “Nhảm nhí đến thế là cùng”, “quá nhảm nhí”, “nhảm nhí không thể tưởng tượng...”. Xin được mở ngoặc rằng, đây không phải là những phát biểu của người viết bài này, mà nó là lời than vãn mà ai cũng có thể tìm thấy trong vô số bình luận đính sau các bài viết về cuốn sách “Bộ Luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành” của Nhà xuất bản Lao động - Xã hội, nơi có in hình một diễn viên điện ảnh chuyên vào vai hài có tên Công Lý. Hình ảnh của anh bất đắc dĩ bị kéo tuột lên trang bìa trong trang phục “quần chíp”. Sốc!

Lấy cái tên riêng Công Lý để ám chỉ cho điều linh thiêng của xã hội là công lý thì còn gì nhảm nhí hơn không? Công bằng mà nói, điều này không quá tệ cho một ý tưởng mỉa mai nếu đấy là câu chuyện tầm phào chốn trà dư, tửu hậu. Rất tiếc không phải vậy. Nó là sách, sách từ một nhà xuất bản có tên có tuổi hẳn hoi. Khi một vị có trách nhiệm đại diện cho cơ quan quản lý trả lời với báo chí là đang “chờ báo cáo lên”, thì “cư dân” mạng đã kịp gửi lời chia buồn bởi số phận đen đủi của nó. Tiếc cho một tài liệu về pháp luật thuộc hạng cẩm nang đang ngấp nghé trở thành sách “gối đầu giường”, ấy vậy mà chưa kịp làm chẵn tháng đã phải chết yểu. Nghe nói mấy người bấm nút xuất bản đang dáo dác lùng sục để thu hồi bằng hết, mà theo như đồn đoán của thiên hạ thì chính họ phải bỏ tiền chuộc lại với mức giá có chữ “sâm”! Của khó người khôn, không loại trừ trường hợp “kẻ xấu” đang lợi dụng lúc dầu sôi lửa bỏng này để “găm hàng đầu cơ” trục lợi. Kinh! Thiên hạ, lại tiếp tục đồn đoán về việc có người sẵn sàng bỏ ra cả tháng lương mua nó. Để làm gì à? Thứ nhất là để được sở hữu một sản phẩm truyền bá kiến thức vừa kỳ quái, vừa hiếm vào hàng bậc nhất thế giới. Thứ hai, về góc độ kinh tế, biết đâu “ông xuất bản” lại tìm đến để chuộc lại cái bìa với một lượng tiền không giới hạn. Một cuốn thôi, kiểu sách ấy tồn tại thì sự ô nhiễm của nó cũng đã là đáng kể lắm. Mà cũng thương cho những người làm xuất bản, bỏ ra một đống tiền chế chế, in in với bao cơ ngàn trùng chi là kỳ vọng!

Dẫu sao đây cũng là bài học không rẻ cho không chỉ một người, cũng không chỉ một lần. Chỉ có điều, đây cũng không phải là bài học đầu tiên. Ai đó nghĩ rằng, người đời ú ớ đến mức sẽ ngốn cả những thứ tầm phào thì nhầm to. Cá giá của sự coi thường thiên hạ đang buộc họ phải trả cả gốc lẫn lãi đấy thôi. Mà thu hồi đâu phải là đã xong. Nghĩ rằng, thu hồi đủ bản coi như kết thúc vụ này cái rụp thì lại nhầm nữa. Không hổ danh là thời đại của công nghệ thông tin, chưa “kẹp nách” được một cuốn “Công Lý” thì người tò mò có thể “sớt” (search) nó trên Google. Chính xác là mất 3 cú nhấp chuột cùng 6 phím chữ cái để có được 1.990.000 kết quả. Thế là rõ, nó vẫn còn, có những thứ như uy tín và lòng tin thì đâu có dễ để thu hồi ngay được. “Bia miệng”, vụ này chắc còn nổi tiếng dài dài. Người ta không thể thiếu sách, sách không thể thiếu bìa, cũng như bìa thì không thể thiếu văn hóa. Bìa sách chính là điểm đến đầu tiên của đôi mắt. Một bìa sách thiết kế ấn tuợng sẽ mang đến đến hứng thú cũng như thiện cảm cho người đọc...

Có tận mắt soi cái bìa cuốn sách này, mới thấy hết độ nhảm nhí hết chỗ nói của nó. Tạm gác chuyện phân tích thẩm mỹ ở góc độ hội họa, cho dù nó có lòe loẹt hơn thế chăng nữa. Cái mà làm người ta “đắng lòng” chính là phần “nội dung” mà nó cố tình “thông điệp”. Kẻ đa nghi tất nhiên có thể liên tưởng về một sự xỉa xói thô thiển nào đó. Cái làm thiên hạ ngạc nhiên còn là khả năng “vượt tường lửa” của nó. Tại sao người ta có thể cả gan đưa nó lên bìa sách? Ghê hơn là tại sao nó qua mặt cơ quan kiểm duyệt? Xuất bản dễ ợt thế ư? Cấp phép tràn lan thế ư...?

Nguyễn Khắc An

Sách "điên"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO