Ông Phạm Sỹ Ân ở xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu: Quyết tâm xây dựng kinh tế vững mạnh xứng đáng là tấm gương sáng cho con cháu noi theo
Ảnh: Đình Tuyên |
Vào những năm tháng ác liệt nhất của chiến tranh. Tôi là một thanh niên như bao thanh niên khác trên mọi miền Tổ quốc đều tham gia học tập, chiến đấu trên nhiều mặt trận. Từ một sinh viên của trường xây dựng Việt Đức, với ước mơ là một kỹ sư mang lý tưởng và hoài bão của mình góp sức vào công cuộc khôi phục, xây dựng đất nước. Thế nhưng đến năm 1978, tiếng súng trên bầu trời biên giới lại vang lên, không kịp suy nghĩ nhiều, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tôi tình nguyện, xung phong cùng với hàng chục nghìn người con Diễn Châu đã lên đường tham gia nhập ngũ. Tôi tham gia vào quân ngũ tại mặt trên chiến trường Tây - Nam, rồi sang chiến trường Căm - Pu - Chia. Sau đó tôi bị thương và đến năm 1983 được về địa phương điều dưỡng và lập gia đình.
Tại thời điểm đó cuộc sống của gia đình tôi muôn vàn khó khăn và khắc nghiệt, trước nhu cầu việc làm mưu sinh cuộc sống của bản thân, trước khó khăn của nền kinh tế thị trường, trước nỗi cơ cực của những người dân miền trung quanh năm thiên tai, lũ lụt. Bản thân tôi luôn tâm niệm rằng: Mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều đồng đội đã phải nằm lại nơi chiến trường và luôn nhớ tới là lời dạy của Bác Hồ: "Thương binh tàn nhưng không phế". Với tinh thần, phẩm chất của anh bộ đội cụ Hồ, nghị lực của người chiến sỹ cách mạng tôi luôn trăn trở phải làm sao để mưu sinh và nuôi gia đình trên chính mảnh đất cha ông này.
Tôi còn nhớ khi đó đất đai còn manh mún, khô cằn, chua mặn, mọi thứ đều khó khăn. Năm 1993, Nghị định 64 ban hành về việc giao đất cho hộ gia đình. Tôi đã mạnh dạn chuyển đổi đất cho những hộ cạnh nhà thành ô thửa lớn để tiện chăm sóc và trồng cây ăn quả, chăn nuôi bò lợn gà để tăng thu nhập.
Với diện tích 3500m2 cây ăn quả cộng với chăn nuôi mỗi năm gia đình thu hoạch trên 100 triệu đồng. Số tiền này đối với các mô hình lớn khác là nhỏ nhưng đối với một thương binh có tỷ lệ thương tật 1/4 (81% ), cụt mất một cánh tay phải, trên cơ thể còn các mảnh đạn ở 16 vết thương khác và từng cơn đau hành hạ khi thời tiết trở trời là một sự nỗ lực rất lớn mà chỉ có những đồng chí, đồng đội đã trải qua mới hiểu được.
Đến nay, nhờ sự mạnh dạn, nỗ lực của bản thân, sự động viên khích lệ của gia đình, làng xóm, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, nên gia đình tôi đã ngày càng khấm khá hơn.
Để tiếp tục nêu gương sáng cho con cháu và cộng đồng tôi nguyện tiếp tục giữ vững tinh thần chiến đấu với thương tật, mãi mãi giữ vững bản chất “Bộ đội cụ Hồ” để xứng đáng với danh hiệu của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”.
Ông Phạm Sỹ Ân ở Diễn Phúc, Diễn Châu. Clip: Thanh Nga - Đình Tuyên |
Ông Phan Thanh Lơn ở xã Nam Cát, huyện Nam Đàn: Luôn nêu cao tinh thần sống kiên cường để nêu gương cho con cháu.
Ảnh: Đình Tuyên |
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình khó khăn, khi đất nước đang bị chiến tranh tàn phá nên tôi đã ấp ủ lý tưởng cách mạng từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường, đó là mong muốn được cầm súng đánh giặc để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước và giành độc lập tự do cho dân tộc. Năm 1972, khi vừa tròn 17 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc và làm đơn tình nguyện xin được gia nhập vào Quân đội nhân dân Việt Nam, tôi được phân công vào đơn vị Chủ lực B2, làm nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu, giải phóng Miền Nam, đó là những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, sau đó làm nhiệm vụ Quốc tế Campuchia và bị thương nên không đủ điều kiện phục vụ trong quân ngũ được tổ chức quân đội cho về hưởng chế độ thương binh, bệnh binh tại địa phương.
Năm 1980, chấp hành chủ trương của Đảng, Nhà nước, tôi trở về tham gia xây dựng kinh tế tại địa phương mang trong mình thương tật và di chứng của chiến tranh. Sinh được ba người con thì một người con do ảnh hưởng của chất độc hóa học nên trí tuệ không bình thường, hai người con còn lại may mắn phát triển bình thường. Những năm tháng ấy đối với tôi thật khó khăn, bản thân mang trên mình vết thương của chiến tranh, vợ sức khỏe yếu, thêm vào đó là những dị nghị của người đời về di chứng của chất độc hóa học để lại cho các con tôi. Tuy nhiên, với bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, tôi luôn cố gắng sống mẫu mực, động viên gia đình vợ con cùng vượt khó vươn lên, cố gắng phát triển kinh tế.
Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương cộng với những nỗ lực hết mình, tôi đã mạnh dạn nhận 5 ha đất hoang hóa để cải tạo và trồng lúa giống mới đem lại năng suất cao, vay thêm vốn để xây dựng trang trại chăn nuôi lợn với tổng đàn lợn lên đến 300 con, hàng năm thu nhập lên đến 100 đến 150 triệu đồng. Từ những thuận lợi bước đầu đó, bản thân không ngừng cố gắng và cải thiện chăn nuôi theo mô hình VAC và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh phát triển kinh tế, gia đình luôn gương mẫu trong mọi phong trào đóng góp của địa phương. Nhất là những năm gần đây, có chủ trương phát động xây dựng Nông thôn mới, gia đình đã hăng hái tham gia trong mọi hoạt động xây dựng kinh tế cũng như xây dựng đường làng, ngõ xóm sáng, xanh, sạch, đẹp.
Ông Phan Thanh Lơn, xã Nam Cát, huyện Nam Đàn. Clip: Thanh Nga - Đình Tuyên |
Ông Nguyễn Ngọc Khoát ở Quỳnh Thiện, TX Ông Hoàng Mai: Học tập, rèn luyện và cống hiến để xứng đáng với sự hy sinh to lớn của cha anh
Ảnh: Đình Tuyên |
Bố tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo nhưng giàu tinh thần cách mạng. Ông sớm giác ngộ và hoạt động cách mạng trong lực lượng du kích địa phương tại xã Quỳnh Thiện, huyện Quỳnh Lưu (nay là thị xã Hoàng Mai), Nghệ An.
Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, hệ thống ga đường sắt, cầu Hoàng Mai là cứ điểm quan trọng trung chuyển hàng hóa vào miền Nam cung cấp lương thực, khí tài cho tiền tuyến. Do vậy đây là trọng điểm Mỹ đánh phá ác liệt. Thời gian đó bố tôi phụ trách hệ thống phà phục vụ cho xe vận chuyển hàng hóa, khí tài qua sông Hoàng Mai để cung cấp cho chiến trường miền Nam.
Năm 1965 trong một trận oanh tạc ác liệt của Đế quốc Mỹ bố tôi đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Lúc đó tôi mới lên 4 tuổi.
Sự hi sinh của của bố là sự mất mát quá lớn đối với gia đình tôi nhưng đó cũng là niềm tự hào, là vinh quang đối với các thế hệ con cháu, Bố tôi đã anh dũng hi sinh bản thân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho độc lập tự do của Tổ quốc và đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân tôn vinh công nhận liệt sĩ, bà nội tôi được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Lớn lên trong vòng tay giáo dục của mẹ và người thân trong gia đình, tôi luôn tự hào mình là con của liệt sỹ; tôi luôn suy nghĩ và mong muốn được góp một phần nhỏ bé của mình để cống hiến sức mình cho quê hương, xứng đáng là con của liệt sỹ và tình yêu thương của mẹ.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, sống và làm việc trong thời kỳ bao cấp, kinh tế, của gia đình, quê hương khó khăn, cực khổ, tôi luôn trăn trở và cố gắng học hỏi, tìm cách phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình và quê hương. Năm 2002 tôi thành lập Công ty Sông Hoàng, tại khối Bắc Mỹ, Quỳnh Thiện để phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm cho bà con nhân dân tại địa phương. Đến nay, sau hơn 20 năm thành lập, doanh nghiệp của tôi từng bước phát triển, hàng năm tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động, đóng thuế đầy đủ hơn 500 triệu đồng vào ngân sách nhà nước.
Chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Khoát ở Quỳnh Thiện, Hoàng Mai. Clip: Thanh Nga - Đình Tuyên |
Là con của một liệt sĩ, tôi nguyện hứa sẽ tiếp tục phát huy và giáo dục các con tiếp nối tinh thần anh hùng cách mạng của cha anh, các bác thương, bệnh binh, người có công với cách mạng; luôn tự phấn đấu để là một công dân tốt, góp phần nhỏ bé của mình trong sự nghiệp xây dựng và phát triển chung của quê hương, đất nước.