Sẵn sàng đáp ứng đủ nguồn vốn

(Baonghean) - Thực hiện Quyết định 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV), với đặc điểm phục vụ trên địa bàn rộng, đối tượng và nhu cầu vay vốn lớn, Ngân hàng CSXH Nghệ An quán triệt tinh thần “Không để bất kỳ sinh viên nào có hoàn cảnh khó khăn phải bỏ học vì thiếu tiền đóng học phí”. Và thực tế nguồn vốn đến với người dân kịp thời, mang lại cơ hội học tập cho hàng trăm ngàn sinh viên nghèo Nghệ An.

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, chương trình tín dụng HSSV trên địa bàn tỉnh, tính đến 30/9/2012 tổng nguồn vốn ước đạt 3.087 tỷ đồng.  Doanh số cho vay đạt 3.001 tỷ đồng; tổng dư nợ đến 30/9/2012 là 2.736 tỷ đồng, với 159.000 HSSV thuộc 122.300 hộ gia đình đang vay vốn,  gấp 456 lần (tương ứng 2.730 tỷ đồng) so với thời điểm trước khi có Quyết định 157/2007/QĐ-TTg, và hoàn thành 99,57% kế hoạch nguồn vốn được Trung ương thông báo.

 Giải ngân vốn HSSV tại xã Kim Liên (Nam Đàn).

Kết quả doanh số thu nợ đạt 271 tỷ đồng, đạt 73% tổng nợ đến hạn, trong đó riêng 9 tháng đầu năm 2012 thu 124,6 tỷ đồng. Đến nay đã có 163.000 sinh viên được vay vốn với tổng số tiền 2.795 tỷ đồng để học tập, chiếm 8,1% tổng dư nợ chương trình trong toàn quốc (Nghệ An là tỉnh có dư nợ chương trình HSSV đứng đầu trong toàn quốc). Một số đơn vị có dư nợ cho vay lớn như: Quỳnh Lưu 346 tỷ đồng, Diễn Châu 313 tỷ đồng, Yên Thành 329 tỷ đồng, Thanh Chương 246 tỷ đồng, Đô Lương 229 tỷ đồng, TP.Vinh 198 tỷ đồng, Nam Đàn 155 tỷ đồng, Nghi Lộc 150 tỷ đồng, Anh Sơn 144 tỷ đồng, Tân Kỳ 124 tỷ đồng, Nghĩa Đàn 110 tỷ đồng, Hưng Nguyên 101 tỷ đồng,…

Gia đình ông Võ Yên Thanh, xóm Đồng 2, xã Kim Liên (Nam Đàn) là một hộ nghèo, hoàn cảnh rất khó khăn, vợ bị bệnh hiểm nghèo qua đời, một mình ông nuôi 4 người con và mẹ già. Khi người con gái út là Võ Thị Phương học xong lớp 12 đỗ cả 2 trường: Đại học Lâm nghiệp Hà Nội và Đại học Vinh. Cầm giấy báo gọi nhập học của con trên tay, ông Thanh vừa mừng vừa lo, mừng là con thi đỗ đại học, lo biết lấy đâu ra tiền nuôi con ăn học ở Thủ đô… khi một mình ông làm 5 sào ruộng,  độc canh cây lúa, ngoài ra không có thu nhập gì thêm... Lúa chỉ đủ lương thực để ăn, giá lúa rẻ, khó bán. Ông Thanh chia sẻ: Nhờ có chế độ chính sách của Nhà nước cho vay vốn HSSV, gia đình tôi mới có điều kiện cho con theo học đại học. Năm học 2011 – 2012,  được vay 10 triệu đồng, nay bước sang năm học mới 2012- 2013 tiếp tục được vay thêm 5 triệu đồng của học kỳ I.

Hộ bà Trần Thị Ngụ, xóm Hồng 2, xã Kim Liên có 2 con học đại học, hoàn cảnh gia đình cũng rất khó khăn. Chồng bị bệnh tai biến mất sức lao động, một mình bà Ngụ chăm chỉ làm ruộng nuôi 2 con ăn học quanh năm túng thiếu. Người con đầu là Nguyễn Trung Kiên, đang học năm thứ 4 Đại học công nghiệp Hà Nội, và em gái Nguyễn Thị Oanh, học năm thứ nhất Đại học Vinh. Bà Ngụ cho biết: Gia đình tôi được vay vốn HSSV cho cháu Nguyễn Trung Kiên đã 3 năm rồi với số tiền 27,6 triệu đồng. Học kỳ I năm học mới 2012- 2013, chúng tôi tiếp tục vay 10 triệu đồng cho 2 con. Nguồn vốn này vô cùng quý  đối với gia đình, nay thêm con gái thứ hai đậu đại học, nếu không có chương trình cho vay có lẽ tôi không thể nuôi nổi 2 đứa ăn học”. Ông Nguyễn Đức Nông, xóm Mậu 4, xã Kim Liên đang làm thủ tục vay vốn HSSV cho 2 con học đại học và cao đẳng, cho hay: “Gia đình tôi vất vả lắm, vợ đau ốm thường xuyên, tôi phải làm thêm đủ nghề. Nhờ có chủ trương của Nhà nước cho con em được vay vốn đi học, gia đình đã được vay 36,4 triệu đồng cho 2 cháu. Học kỳ I năm học 2012 – 2013, tiếp tục vay thêm 5 triệu đồng cho cháu thứ hai. Dù túng bấn, khó khăn đến mấy tôi cũng quyết tâm cho các cháu ăn học đến nơi đến chốn”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Văn Lý – Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Nam Đàn cho biết: Từ khi có quyết định 157 của Chính phủ đến nay, dư nợ cho vay sinh viên trên địa bàn huyện tại thời điểm cao nhất là 163 tỷ đồng. Hiện nay còn dư nợ 155,4 tỷ đồng, với 9.381 sinh viên được vay vốn tại 7.628 gia đình. Bước vào năm học mới 2012- 2013, dự kiến dư nợ cho vay sinh viên năm 2012 tăng 21 tỷ đồng so với đầu năm. Hiện Ngân hàng CSXH huyện Nam Đàn đã chuẩn bị sẵn sàng 16,4 tỷ đồng để đáp ứng đầy đủ nguồn cho vay sinh viên. Ngân hàng làm tốt công tác tuyên truyền đến tận người dân, tất cả các hộ vay vốn thuộc Quyết định 157 đều được hưởng, tạo điều kiện tiếp sức cho sinh viên yên tâm học tập. Không có trường hợp nào thuộc diện vay vốn mà không được tiếp cận chính sách ưu đãi này.  Sau khi các cháu tốt nghiệp đại học, cao đẳng, nhiều hộ sinh viên đã tích cực trả nợ vốn vay cho ngân hàng. Đến nay, doanh số thu nợ của vốn vay chương trình HSSV trên địa bàn huyện Nam Đàn đạt gần 18,4 tỷ đồng, trong đó riêng 9 tháng đầu năm 2012 thu nợ gần 8,4 tỷ đồng. Kết quả thu lãi từ khi triển khai chương trình đến nay được gần 14,5 tỷ đồng. Từ nguồn thu nợ và thu lãi tiếp tục được tái đầu tư cho các sinh viên mới vay.

Bà Trần Thị Hương – Phó phòng Kế hoạch nghiệp vụ Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: Năm học 2012 – 2013, toàn tỉnh Nghệ An có khoảng 65.000 HSSV tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, đào tạo nghề. Với mức được vay 1 triệu đồng/sinh viên/tháng, Ngân hàng CSXH tỉnh dự kiến nguồn vốn từ 320 – 350 tỷ đồng để giải ngân cho học kỳ I năm học 2012 – 2013. Khả năng nguồn vốn đáp ứng đủ cho vay. Và 20/20 phòng giao dịch huyện, thành, thị của Chi nhánh Ngân hàng CSXH Nghệ An đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn và nhân lực để giải ngân kịp thời cho HSSV vay. Bên cạnh đó, Ngân hàng phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức nhận ủy thác gồm Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh, Đoàn Thanh niên và 8.330 tổ tiết kiệm và vay vốn tại tất cả các thôn, xóm trên địa bàn tỉnh để kịp thời đáp ứng nguồn vốn  nhanh nhất.

Chương trình tín dụng đối với HSSV là chương trình có tính chất xã hội hóa cao từ khâu xét duyệt cho vay đến khâu thu hồi nợ, đối tượng thụ hưởng rộng, thời gian dài trong khi nguồn lực của Nhà nước có hạn. Để nguồn vốn thực sự phát huy hiệu quả, hạn chế thấp nhất rủi ro, tăng nhanh vòng quay vốn giúp cho nhiều thế hệ HSSV nghèo, hoàn cảnh khó khăn được thụ hưởng, đòi hỏi người trực tiếp sử dụng tiền vay cũng như những người được hưởng lợi từ chương trình phải có  trách nhiệm trong  sử dụng vốn vay và trả nợ tiền vay đầy đủ, đúng hạn như đã cam kết.

Quỳnh Lan

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.