Sản vật Thung Giàng

27/03/2014 15:39

(Baonghean) - Bạn tôi, quê Đô Lương, trong một lần ngồi nhàn bên ly cà phê bỗng ao ước, giá như có được bát nước chè xanh quê nhà... Và anh hỏi, làm báo đi nhiều có biết nước chè xanh ở đâu ngon nhất? Trả lởi: Xứ Nghệ mình nổi tiếng nhất chè Gay, còn để uống được xem ra nhiều lắm. Nào chè Thanh Chương, Anh Sơn, Đô Lương..., hay như ở Quỳ Hợp có chè "đâm" cũng thật là thú vị... Nghe tôi nói, anh cười ý nhị: Quê mình có vùng chè Thung Giàng, thôn Thống Nhất, Đông Sơn thơm ngọt lắm. Những ngày lễ tết, biết mình về, thể nào các bác ở quê cũng dậy từ 4 giờ sáng, ra chợ Lường để cố mua cho bằng được một vài bó, rửa sạch, om sẵn một ấm đầy. Nước chè chát ngọt, thơm thì đúng là nhiều vùng có, nhưng nghiệm ra, chỉ cây chè quê mình mới giữ được dư vị rất lâu sau khi thưởng thức.

Vào một ngày giữa tháng ba này, chúng tôi có cơ may ghé đến xã Đông Sơn. Hóa ra, Đông Sơn chỉ cách chợ Lường chừng gần 2 km. Đến đầu cổng UBND xã hỏi đường về thôn Thống Nhất, người dân đã biết chúng tôi tìm đến đất chè. "Đi một quãng ngắn, rẽ trái chừng 300m đến dốc Giang, vượt qua dốc Giang là đến đất chè. Chè ở đấy ngon tuyệt hảo...", một bà cụ nói.

Sản vật Thung Giàng
Sản vật Thung Giàng

Dốc Giang thoai thoải giữa ba bề bốn bên là những đồi thông đang trong kỳ cho nhựa. Đứng trên đỉnh dốc, đã thấy thấp thoáng dưới những chân đồi là các vườn chè. Rẽ vào ngôi nhà đầu tiên của thôn Thống Nhất, vợ chồng chủ nhà, anh Trương Đình Thành, chị Nguyễn Thị Tâm rất vui khi chúng tôi ngỏ ý tìm hiểu cây chè. Chị Tâm nhanh nhảu: Có bí quyết chi, chè ở đây là loại chè trồng từ hạt, để cây lớn tự nhiên, không thúc phân, chỉ làm cỏ rồi tủ gốc quanh năm bằng lá bổi... Anh Thành thì điềm đạm bày bát, và rót từ trong chiếc ấm tích nhỏ ra thứ nước màu vàng sáng mà theo anh "chè nước hai" để mời chúng tôi uống. Là "nước hai", chè vẫn nguyên vị. Và như bạn tôi đã mô tả, nước đã uống rồi nhưng trên đầu lưỡi dường như hẵng đọng lại chút sin sít nhựa chè, nên mãi còn dư vị chát ngọt thơm quyến rũ.

Ý chừng thấy khách cũng cảm được vị chè, anh Thành bắt đầu say sưa kể. Chè nơi đây có nhiều điểm khác biệt so với chè các vùng. Về hình thức, bởi được ủ kín gốc, thân bằng cây bổi (một loại cây họ dương xỉ), nên từ thân đến lá đều rất sáng màu. Hầu hết các vườn chè đã rất lâu năm, thân chè thấp, nhỏ, nhiều cành, lá chè nhỏ, dày, có màu xanh hơi ngả vàng sáng và rất giòn. Mỗi khi om, rửa sạch đặt vào lòng bàn tay chỉ cần khẽ bóp nhẹ, lá chè sẽ vỡ chứ không mất công vò. Còn nước chè thì đã từng uống sẽ cảm nhận được vị ngon khác lạ, luyến nhớ mãi...

Theo chân chị Tâm ra thăm vườn chè của gia đình, dưới mái một đồi thông xanh ngun ngút. Chị bảo, vườn chè này đã gần gấp đôi tuổi của chị, do bố mẹ trồng từ những năm 1960. Tính ra, đã hơn 50 năm tuổi mà đến nay vẫn không có gì thay đổi, kể cả cách chăm sóc, thu hái vẫn theo các cụ ngày xưa. "Mà cũng chẳng chi gia đình em, người dân Thống Nhất đều chung một cách làm như vậy...". Rồi vừa hái, chị vừa nhẩn nha cho biết, cả thôn có 265 hộ, hộ ít trồng 1 sào, hộ nhiều nhất, như anh Trần Văn Thanh trồng 7 sào. Cùng với nghề nông, chăn nuôi, thu nhựa thông thì chè là một nguồn thu nhập chính, bên cạnh đó, lại có cái phục vụ gia đình. Với gia đình chị Tâm, ngoài 2 sào do bố mẹ để lại, anh chị đã vỡ hoang đất đồi gieo hạt trồng thêm được 2 sào nữa.

Hàng năm, cần mẫn chăm sóc thu hái tính ra cũng được khoảng 30 triệu đồng. "Để có vườn chè, thì phải vất vả thời gian đầu. Chứ đến kỳ chè trưởng thành thì kể ra cũng nhàn hạ. Vợ chồng em chỉ mất công làm sạch cỏ, vào rừng thu lượm cây bổi, rồi đem phủ kín thân, gốc cây chè. Ngoài ra, chỉ bỏ công thu hái chứ chẳng phải làm gì nữa. Chè hái được bao nhiêu là người ta gom bấy nhiêu, chứ cũng không phải đem đi bán. Mà thực ra, cũng chỉ có để nhập cho thương lái chợ Lường chứ chẳng có hàng cho khách các nơi. Chè Thung Giàng, Thống Nhất chưa bao giờ lo ế...". Hỏi vui chị Tâm rằng đắt hàng vậy sao không thúc bón phân, hay sử dụng công nghệ sinh học để cây chè sinh trưởng nhanh, cho ra nhiều sản phẩm để tăng được doanh thu. Chị cười, chè Thung Giàng, Thống Nhất được các nơi biết đến là bởi người dân ý thức trong việc giữ nghề của làng. Chè thơm ngon bởi được trồng, chăm sóc theo cách tự nhiên. Anh cứ rảo một vòng thôn Thống Nhất sẽ thấy các vườn chè ở đây đều cùng một cách thức chăm sóc như nhau...

Một góc chè trên 50 tuổi
Một gốc chè cổ thụ trên 50 tuổi

Vào sâu Thung Giàng, cảnh thu hái chè thật vui. Bên chồng chè xanh cao đến ngực được bó gọn gàng, chị Nguyễn Thị Xuân (vợ anh Trần Văn Thanh, hộ có nhiều diện tích nhất thôn Thống Nhất) cho biết "đang quá bận vì phải tranh thủ đóng hàng cho khách quen Hà Nội". Hỏi sao tận thủ đô mà người ta biết tìm về? Chị tự hào, người Đô Lương xứ nào chẳng có. Mà đã người Đô Lương thì ai cũng thích uống chè xanh, mà nhớ đến sản vật Thung Giàng. Một người về quê, dăm bảy người nhắn gửi... rồi cứ thế truyền nhau. Như đợt này, khách về bằng ô tô, họ đặt cả hàng trăm bó. Một bó 15.000 đồng. Tôi cố đóng cho họ tròn trăm... Với chị Xuân, để tạo nên chất lượng chè một phần do chăm sóc như vợ chồng anh Trương Đình Thành đã nói. Bên cạnh đó, còn một điểm rất quan trọng là "thôn Thống Nhất, mà đặc biệt vùng Thung Giàng, được thiên nhiên ưu đãi, có chất đất đặc biệt phù hợp với cây chè". Đồng tình với ý kiến chị Xuân, anh Nguyễn Danh Dũng, chủ một vườn chè rộng hơn 1 sào cho biết, chất đất bàn son (giống như sáp, có màu vàng) ở Thung Giàng đã nâng vị chè nơi đây thêm thơm ngon đặc biệt. "Tôi cũng kiểm chứng rồi, ở thôn Thống Nhất cũng có một số khu vực đất lèn, đá xanh. Chè những khu vực ấy chất lượng có kém hơn một ít so với chè trồng trên đất bàn son...", anh Dũng nói.

Và bởi vùng đồi Thung Giàng cơ bản là trồng thông, người dân chỉ canh tác chè các khoảnh dưới chân đồi, diện tích có hạn, nên, anh Dũng ước ao: “Chè quê tôi đúng là một sản vật vùng. Giá như Thung Giàng rộng hơn, để người dân Thống Nhất được mở mang thêm nhiều diện tích. Tiếc thay, sản lượng còn quá ít nên chỉ người Đô Lương biết đến, không nổi tiếng như chè Gay. Cũng vì ít nên đã có tình trạng những người buôn bán pha trộn các loại chè nơi khác, rồi mạo nhận chè Thống Nhất...

Chúng tôi rời Thung Giàng khi trời chạng vạng tối. Vượt qua dốc Giang, ngoái nhìn lại những nương chè, nhớ lời chị Tâm: "Các cụ thường nhắc con cháu, bón phân gì vào cũng đều sẽ làm cây chè biến chất. Chỉ có tủ cây bổi, giữ cho cây chè được mát trong trời hạ, ấm trong trời đông, lá bổi phân hủy tự nhiên sẽ tạo thêm dinh dưỡng cho chè. Tinh túy của chè thôn Thống Nhất có được là còn nhờ vậy, nên phải giữ...". Thấy trọng những người dân thôn Thống Nhất!

Nhật Lân

Mới nhất
x
Sản vật Thung Giàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO