Sản xuất lúa ở Nghệ An: Cần hướng đến nhu cầu thị trường
(Baonghean) Sau vụ xuân 2012, thóc lúa lai khó bán. Một số bài báo đã nêu ra thực trạng này và đặt câu hỏi: Sao Dự trữ quốc gia lại kén mua thóc lúa lai? Và, nếu thế, liệu có nên tiếp tục đưa các giống lúa lai vào sản xuất? Xin có đôi điều trao đổi sau đây:
Khoảng 50 năm lại đây, sản xuất lúa của Nghệ An đã có 2 bước đột phá (cũng có thể nói là 2 bước ngoặt) là chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và đưa giống lúa lai vào sản xuất.
Sản xuất lúa truyền thống của Nghệ An có hai vụ/năm: Vụ chiêm và vụ mùa. Sau khi các nhà tạo giống đã tạo ra được một số giống mới ngắn ngày hơn, thấp cây hơn, chịu rét hơn và năng suất cao hơn so với các giống lúa chiêm truyền thống, một số tỉnh phía Bắc - trước hết là Thái Bình, đã đưa các giống mới này vào sản xuất ở vụ lúa đầu tiên trong năm. Vụ xuân đã thay thế cho vụ chiêm. Từ kết quả rõ rệt ở Thái Bình, tỉnh ta lúc đó đã cử một đoàn cán bộ gồm lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành nông nghiệp và các cán bộ kỹ thuật ra Thái Bình học cách làm vụ xuân. Từ “vốn liếng” thu được, tỉnh chủ trương đưa vụ xuân vào thay thế cho vụ chiêm ở Nghệ An, bởi vụ xuân chắc ăn hơn, sản lượng cao hơn và còn tạo thêm quỹ thời gian (do ngắn ngày) để tính đến các vụ khác (trước hoặc sau vụ xuân).
Niềm vui được mùa. Ảnh: Hồ Lan.
Nhờ các thành tựu tạo giống mới, cùng với quỹ thời gian mà vụ xuân dành cho, nên có thể tính đến việc sản xuất lúa vụ hè – thu thay thế vụ mùa. Nghệ An là tỉnh đầu tiên ở miền Bắc làm điều này. Lúa vụ mùa thường bấp bênh bởi bão lũ cuối vụ. Vụ hè – thu đã khắc phục được về cơ bản sự bấp bênh này. Thành công của vụ hè thu góp phần tăng sản lượng lương thực của tỉnh đồng thời tạo quỹ thời gian để cùng với quỹ thời gian của vụ xuân (do có thể cấy muộn hơn) để tính đến vụ đông (chủ yếu trồng rau màu, cây lương thực trồng cạn – đặc biệt là ngô). Vậy là 2 vụ lúa truyền thống chiêm – mùa đã gần như hoàn toàn được thay thế với 2 vụ mới: xuân – hè thu. Đây có thể coi là một cuộc cách mạng về mùa vụ trong sản xuất lúa ở Nghệ An ta.
Tuy chuyển đổi mùa vụ đã tạo nên bước phát triển mới nhưng sản lượng lúa của tỉnh vẫn chưa đủ đáp ứng yêu cầu lương thực của một tỉnh đông dân như Nghệ An. Thế rồi một loại giống mới được tạo ra: giống lúa lai. Nếu như các giống lúa ngắn ngày trước đây dùng cho vụ xuân, vụ hè thu chủ yếu được tạo ra đầu tiên ở Viện lúa quốc tế (trụ sở chính ở Philippines) thì các giống lúa lai trước tiên được tạo ra ở Trung Quốc. Nhờ giống lúa lai cùng với các biện pháp thâm canh mà Trung Quốc đã cơ bản giải quyết được vấn đề lương thực cho một quốc gia có trên 1 tỉ người. Ưu thế lớn nhất của các giống lúa lai là năng suất rất cao (có thể đạt 8 – 10 tấn/ha/vụ). Thấy rõ ưu thế này, tỉnh ta đã có chủ trương và đi liền với đó là các cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ để đưa các giống lúa lai vào sản xuất. Đầu tiên là đưa lúa lai vào vụ xuân, sau đó đưa vào vụ hè thu những nơi có điều kiện phù hợp. Khi giống lúa lai đã trở thành giống chủ lực, sản lượng lúa của tỉnh ta có bước tăng vọt, vượt con số 1 triệu tấn/năm (có năm xấp xỉ 1,1 triệu tấn).
Dẫu đóng góp của “lúa lai” là cực kỳ ấn tượng đối với nông nghiệp Nghệ An nói chung và với sản xuất lương thực nói riêng, nhưng việc tiêu thụ lúa lai hiện nay gặp không ít khó khăn. Thóc lúa lai nhìn chung khó bảo quản lâu dài (do vỏ trấu mỏng) nên Dự trữ quốc gia cũng kén mua. Gạo lúa lai lại không được ngon cơm nên người tiêu dùng ở đô thị, ở tầng lớp trung lưu trở lên cũng kén mua. Chưa đủ ăn thì lúa lai là nhất. Còn đủ ăn, thừa ăn thì lúa lai không là nhất nữa vì khó bán. Vậy bỏ lúa lai chăng? Không! Những hộ sản xuất lúa tự túc tự cấp, những bản, thôn, xã chưa đủ thóc ăn vẫn phải lấy các giống lúa lai làm giống chủ lực. Còn với những hộ, những xã, những vùng sản xuất lúa để bán thì phải cân nhắc, tính toán theo 2 hướng: Đưa vào sản xuất những giống lúa lai có năng suất xấp xỉ hoặc thấp hơn một chút so với các giống lúa lúa lai đang gieo cấy hiện nay nhưng có có chất lượng gạo cao; Tạo ra được những giống lúa có chất lượng cao hoặc giống lúa đặc sản có giá trị cao.
Vậy là đã đến lúc phải quy hoạch các vùng sản xuất lúa ở tỉnh ta theo 2 hướng: Sản xuất lúa để tự cung tự cấp và sản xuất lúa hàng hóa. Sản xuất tự cung tự cấp lấy năng suất, sản lượng làm mục đích chính còn sản xuất sản xuất lúa hàng hóa phải lấy chất lượng để đi liền với đó là giá trị thu được trên một đơn vị diện tích làm mục đích chính. Mỗi hướng sản xuất lúa như vậy cần có, cần được cung ứng những giống phù hợp với quy trình sản xuất tốt nhất và được liên kết chặt chẽ giữa người tạo giống, đơn vị cung ứng giống, với người trồng lúa và cuối cùng là với tổ chức thị trường.
Trương Công Anh