Sản xuất vụ xuân trước dự báo bất lợi về thời tiết

04/01/2013 20:54

(Baonghean) Sang tháng 1, rét đậm, rét hại đã xuất hiện và sẽ còn 3-4 đợt rét đậm, rét hại xảy ra. Tuy nhiên, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương thì vụ xuân năm nay rất nhiều khả năng gặp thời tiết ấm hơn nhiều so với các vụ xuân trước đây, như thế dẫn tới nhiều bất lợi cho sản xuất nông nghiệp. Vì vậy cần có giải pháp thích hợp để hạn chế thiệt hại do thời tiết gây ra.

Trước hết, chúng ta có thể lượng định được những bất lợi sẽ xảy ra trong vụ sản xuất vụ xuân 2013, đó là lúa dễ trổ hơn so với năm bình thường, hạn hán cục bô xảy ra ở một số vùng; sâu bệnh có cơ hội phát triển mạnh, đầu vụ bệnh đạo ôn, giữa và cuối vụ rầy nâu, sâu đục thân.

Từ đó chúng ta cần áp dụng một số biện pháp kỹ thuật chủ yếu sau đây để hạn chế tối đa ảnh hưởng của khí hậu thời tiết cho vụ lúa xuân 2013:

Tuyệt đối không nên gieo cấy lúa sớm hơn lịch thời vụ do ngành NN và PTNN đã quy định. Qua kết quả tổng kết hàng chục vụ lúa xuân ở Nghệ An cho thấy, năm nào trời ấm thì năm đó năng suất lúa xuân thấp, thậm chí có cơ sở sản xuất gần như mất trắng là do lúa trổ sớm, trổ vào thời tiết thanh minh gặp không khí tràn về, nhiệt độ không khí xuống thấp dưới 230C làm cho hạt phấn chết, lúa trổ không thể tiến hành thụ tinh được và hậu quả là hạt lúa bị lép, vỏ hạt lúa thâm đen mà bà con nông dân thường gọi là lúa “bầm ruồi”.



Bà con xã Xuân Hòa (Nam Đàn) phủ nilon chống rét cho mạ. Ảnh: Văn Dũng

Thời vụ để cho lúa xuân trổ an toàn nhất là từ tiết Cốc vũ trở đi. Như vụ xuân 2013, tiết Cốc vũ xuất hiện từ ngày 20/4 và như vậy phải bằng mọi biện pháp điều tiết để lúa trổ từ sau ngày 20/4 dến 30/4 là an toàn, tránh được rét Thanh minh trước ngày 20/4 trở về trước; biện pháp tối ưu nhất là không gieo mạ sớm hơn lịch thời vụ quy đinh và chỉ nên gieo đúng hoặc gieo chậm lại 2-3 ngày càng tốt.

Khả năng hạn đất, hạn không khí sẽ xảy ra trong vụ xuân 2013 là rất lớn, nhất là vùng tưới nước hồ đập. Vì vậy, các địa phương cần chỉ đạo bà con nông dân không gieo sạ lúa (gieo thẳng) vừa đề phòng rét hại làm chết mạ có thể xảy ra, vừa chống lãng phí nước do gieo sạ. Đồng thời nên gieo cấy nhiều các giống lúa ngắn ngày năng suất cao, chất lượng tốt, để vừa không kéo dài thời gian cây lúa sống trong ruộng cần phải có nước tưới đủ. Đây cũng chính là hướng cơ cấu giống lúa hiện nay theo chủ trương của Bộ NN&PTNT mà nhiều tỉnh sẽ áp dụng mạnh ngay từ vụ lúa xuân 2013 này.

Ngoài ra, việc đắp bờ giữ nước, sử dụng nước tưới hết sức tiết kiệm trong vụ xuân 2013 là hết sức cần thiết để chống lãng phí nước, không để thiếu nước nhất la thời kì lúa trổ sẽ làm giảm năng suất lúa nghiêm trọng.

Đầu tư thâm canh cao ngay từ vụ đầu. Toàn bộ quy trình sử dụng phân bón trong những vụ lúa xuân thời tiết ấm cần áp dụng phương pháp bón phân nặng đầu nhẹ đuôi, hay nói cách khác là bón lót đậm để cây lúa phát trển mạnh ngay từ đầu, hạn chế lúa trổ sớm. Ngươc lại, bón ít phân trước khi cây lúa già hóa nhanh, dẫn đến lúa trổ sớm hơn bình thường là điều không nên.

Chủ động phòng chống sâu bệnh trong suốt quá trình sản xuất. Khả năng sâu bệnh phát triển sớm và nhanh hơn những năm bình thường do thời tiết thích hợp cho hầu hết các loại sâu bệnh phát sinh, phát triển. Các loại sâu bệnh gây hại trong vụ xuân thì có nhiều, nhưng đáng quan tâm nhất là bệnh đạo ôn, rầy nâu, sâu đục thân là ba đối tượng nguy hiểm nhất. Trong đó bệnh đạo ôn sẽ xuất hiện sớm đầu vụ trên một số giống lúa dễ nhiễm bệnh như: IR1820, AC5, BC15, Khải Phong1, Syn6, Nhị ưu 986… Rầy nâu thường xuất hiện từ đầu tháng 3 trở đi, rất khó phát hiện ở giai đoạn đầu và khi thấy lúa đã cháy vàng lá mới biết thì quá muộn. Sâu đục thân phát sinh, phát triển mạnh nhất thời kỳ lúa có đòng và lúa trổ nhất là vùng lúa bị hạn thì càng có cơ hội cho sâu phát triển mạnh.

Biện pháp phòng và chống các loại sâu bệnh gây hại trên lúa tốt nhất trong vụ xuân 2013 là phải thường xuyên thăm đồng để kiểm tra phát hiện sớm các loại sâu bệnh. Nếu phát hiện ra bất cứ một loại sâu bệnh nào xuất hiện thì báo cáo ngay với trạm bảo vệ thực vật huyện để kiểm tra và hướng dẫn phương pháp phòng trừ đúng đối tượng sâu bệnh và sử dụng đúng thuốc đúng liều lượng khi phun trừ.

Trên đây là một số giải pháp nhằm đảm bảo cho một vụ xuân 2013 thành công, được đưa ra trên cơ sở tích lũy kinh nghiệm sản xuất thực tiễn, từ tham khảo kỹ thuật thâm canh vụ xuân của các cơ quan, đơn vị nghiên cứu khoa học cũng như từ khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, vì vậy rất cần có sự chỉ đạo cho nhân dân các địa phương thực hiện tốt nhất lịch thời vụ và quá trình chăm sóc cây trồng.


Doãn Trí Tuệ

Mới nhất
x
Sản xuất vụ xuân trước dự báo bất lợi về thời tiết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO