Sáng mãi truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam
(Baonghean.vn) - Hơn nửa thế kỷ qua, phong trào học sinh, sinh viên và tổ chức Hội sinh viên Việt Nam đã có những cống hiến xuất sắc và trưởng thành vượt bậc qua các thời kỳ lịch sử cách mạng, là niềm tự hào của thế hệ học sinh, sinh viên ngày nay.
Trong giai đoạn 1925-1945, được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giác ngộ, các tổ chức học sinh, sinh viên yêu nước lần lượt ra đời, như: Tổ chức Học sinh Đoàn, Đội Ngô Quyền, Tổng Hội Sinh viên đã lãnh đạo phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên dưới ngọn cờ của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Tự hào đối với các thế hệ học sinh, sinh viên là việc thành lập chi bộ Đảng đầu tiên, thành lập và hợp nhất các tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng Sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn và các chi bộ Đoàn, tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản mà hầu hết đảng viên, đoàn viên đều là những đồng chí xuất thân từ học sinh, sinh viên, như: Trần Phú, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Tự Trọng…
Hồ Chủ tịch nói chuyện với các học viên trường Nguyễn Ái Quốc năm 1963. |
Ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bí mật về nước để cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng, cuộc vận động hình thành Tổng Hội Sinh viên hoạt động công khai nhằm liên kết lực lượng sinh viên yêu nước, có cảm tình với cách mạng. Cùng với sự phát triển của phong trào sinh viên, phong trào học sinh các trường trung học ngoài Bắc, trong Nam cũng phát triển ngày càng mạnh bởi được ảnh hưởng của cuộc đấu tranh chung do Mặt trận Việt Minh và các Đoàn thể cứu quốc hướng dẫn.
Sau cách mạng Tháng Tám, học sinh, sinh viên hăng hái học tập, rèn luyện và tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, xung kích thực hiện 3 nhiệm vụ lớn: Diệt giặc dốt, diệt giặc đói, diệt giặc ngoại xâm do Bác Hồ và Chính phủ đề ra.
Những năm 1949 - 1950, phong trào bãi khóa, biểu tình của học sinh sinh viên Việt Nam diễn ra rầm rộ ở cả ba miền (Ảnh: Internet) |
Từ năm 1947 đến 1949, ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội đã thành lập Hội Học sinh kháng chiến, Đoàn sinh viên kháng chiến sau đó phát triển ra nhiều trường ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam; số lượng học sinh, sinh viên được kết nạp vào Đoàn và Đảng khá đông. Các hoạt động của học sinh, sinh viên kháng chiến ngày càng phong phú và đa dạng hơn. Với khẩu hiệu: “Tích cực cầm cự chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công” đã tiếp thêm sinh lực mới cho phong trào học sinh, sinh viên. Cuộc đấu tranh của học sinh đã lan ra cả Đông Dương.
Ngày 9/11/1949, học sinh Huế bãi khóa. Phan Văn Giáo, Tổng trấn bù nhìn Trung bộ đã thẳng tay khủng bố. Học sinh, sinh viên quyết định bãi khóa để phản đối.
Ngày 22/11/1949, trong lúc tại Huế đang tranh đấu, học sinh Sài Gòn bí mật vận động kỷ niệm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa và đề xướng hưởng ứng phản đối việc các nữ sinh Huế bị bắt, đồng thời yêu sách cải tổ chính sách giáo dục.
Ngày 25/11/1949, học sinh Chu Văn An quyết định bãi khóa , trong các lớp trên tường la liệt khẩu hiệu. Toàn trường vang dậy những khẩu hiệu “học sinh bãi khóa”, “trả lại tự do cho bạn chúng ta”, “đả đảo bù nhìn”.
Học sinh-sinh viên xuống đường biểu tình ngày 09/1/1950 (Nguồn ảnh: lhu) |
Trong những năm 1949-1950, phong trào đấu tranh của thanh niên, học sinh, sinh viên các đô thị diễn ra liên tục, rầm rộ và rộng khắp, nhất là ở Sài Gòn-Gia Định. Ngày 9/1/1950, Đoàn thanh niên Cứu Quốc và Đoàn học sinh, sinh viên Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn đã tổ chức vận động trên 10.000 nhân dân, trong đó đông đảo nhất là học sinh sinh viên, xuống đường.
Trần Văn Ơn - người thanh niên tiêu biểu cho lòng yêu nước và ý chí đấu tranh bất khuất của học sinh, sinh viên, sau khi đã dũng cảm hứng chịu những xô đẩy và dùi cui để che chở cho các em học sinh nhỏ tuổi hơn, anh đã bị trúng đạn. Anh hy sinh vào lúc 15 giờ 30 phút chiều ngày 9/1/1950 khi chưa tròn 19 tuổi.
Với sự kiện lịch sử đó, noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn và học sinh, sinh viên trong những ngày đầu kháng chiến, Đại hội toàn quốc Liên đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 2 năm 1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9 /1 hàng năm làm Ngày truyền thống học sinh sinh viên.
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V (22-23/11/1993) tại Thủ đô Hà Nội đã quyết định đồng thời lấy ngày 9 /1 làm Ngày truyền thống của Hội Sinh viên Việt Nam.
Học sinh, sinh viên Việt Nam luôn kế tục và phát huy những truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha an.Ảnh minh họa |
Trải qua lịch sử hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, học sinh – sinh viên Việt Nam có quyền tự hào rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, học sinh, sinh viên Việt Nam luôn kế tục và phát huy những truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh; được Đảng và Nhà nước dày công bồi dưỡng.
Ngày nay, thông qua các hoạt động của mình, HSSV góp phần giáo dục, bồi dưỡng để hình thành lớp HSSV mới "vừa hồng, vừa chuyên"; có kiến thức vững vàng, phong phú, có khả năng tiếp cận trí tuệ của thời đại, thiết tha với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có hoài bão lớn, lối sống đẹp, có sức mạnh truyền thống và bản sắc dân tộc, có trách nhiệm cao với cộng đồng, củng cố và phát triển rộng rãi tổ chức Hội sinh viên Việt Nam, tập hợp, đoàn kết đông đảo SV thi đua học tập, rèn luyện, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.