Sáng tạo để nâng cao chất lượng dạy học

20/11/2013 14:29

(Baonghean) - Nhằm hướng tới mục tiêu đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục, hiện nay nhiều giáo viên đã chủ động sáng tạo tự làm đồ dùng phục vụ giảng dạy. Đây là quá trình tự học hỏi, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và phát huy sức sáng tạo, đồng thời thể hiện tình yêu nghề của mỗi giáo viên.

Giờ thực hành của trẻ 5 tuổi, Trường Mầm non Nghi Lâm (Nghi Lộc) sôi nổi hơn với trò chơi “Gắn quả lên cây”. Đây là đồ dùng dạy học do chính giáo viên nhà trường tự góp nhặt, tái chế từ những vật dụng rất đơn giản như: cành cây, các loại hoa, quả khô, miếng xốp, chai nhựa… sau đó trang trí màu sắc. Cô giáo Nguyễn Thị Phương Lan cho biết: “Đây là đồ dùng dạy học mang tính “mở” nên khuyến khích được khả năng chủ động, sáng tạo của trẻ và rèn luyện cho trẻ nhiều kỹ năng như làm việc nhóm, phân biệt màu sắc, các loài hoa, quả… Để có được những giờ học đáp ứng được nhu cầu và khả năng của trẻ, chúng tôi thường tranh thủ thời gian sau giờ lên lớp để sáng tạo ra các đồ dùng, đồ chơi”.

Cô trò Trường Mầm non Nghi Lâm – Nghi Lộc với trò chơi “Gắn quả trên cây”.
Cô trò Trường Mầm non Nghi Lâm – Nghi Lộc với trò chơi “Gắn quả trên cây”.

Những buổi học của trẻ mầm non thường được dạy theo chủ đề, chủ điểm nên đồ chơi, đồ dùng học tập được trang bị khó có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu cần thiết. Bởi thế, “Mỗi năm nhà trường phát động 3 đợt tự làm đồ dùng dạy học theo chủ đề. Thực hiện chấm và xếp loại, lấy đó làm tiêu chí để đánh giá cuối năm cho từng giáo viên. Nhờ vậy mà đến nay, số lượng đồ dùng dạy học do giáo viên tự làm chiếm khoảng 30% số đồ dùng dạy học của nhà trường; các loại đồ dùng này có thể sử dụng trong 3 - 4 năm học”, cô Nguyễn Thị Quyển - Hiệu trưởng Trường Mầm non Nghi Lâm cho biết.

Toàn huyện Nghi Lộc có 30 trường mầm non, thì 100% các trường đều duy trì hoạt động giáo viên tự làm đồ dùng dạy học. Chu kỳ 2 năm một lần, phòng giáo dục huyện tổ chức Hội thi đồ dùng dạy học tự làm cho giáo viên các trường. Bởi vậy, hoạt động sáng tạo đồ dùng dạy học luôn được các trường học mầm non trong toàn huyện chú trọng.

Còn ở huyện miền núi cao Tương Dương, các nhà trường có sáng kiến vận động phụ huynh cùng với giáo viên làm đồ chơi cho trẻ. Thông qua Câu lạc bộ “Cha mẹ nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, giáo viên các trường đã hướng dẫn phụ huynh tự làm đồ chơi bằng cách tận dụng nguyên liệu từ thiên nhiên. Nhờ vậy mà tất cả các trường mầm non trên địa bàn huyện đều có góc đồ chơi vừa đa dạng, mang đậm bản sắc dân tộc. “Theo thống kê năm học 2012 -2013, giáo viên 18 trường mầm non toàn huyện đã sáng tạo được 2.771 sản phẩm đồ chơi phục vụ dạy và học cho trẻ. Hiện có 137 “Góc đồ chơi thân thiện phụ huynh dành cho trẻ” trong các nhà trường. Đây không chỉ là những đồ dùng trực quan giúp trẻ dễ nhận biết và ghi nhớ mà còn phục vụ trẻ vui chơi, giúp trẻ tìm hiểu được những tập tục, nét văn hóa của chính dân tộc mình”, bà Lê Hồng Quang, chuyên viên phụ trách mầm non, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương cho biết.

Với các bậc học cao hơn, hoạt động sáng tạo đồ dùng dạy học của giáo viên xuất phát từ yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục. Bởi vậy, Trường THCS Anh Sơn coi đây như là nhiệm vụ chuyên môn của mỗi giáo viên. Ở hầu hết các bộ môn, nhà trường đều khuyến khích giáo viên tự làm các đồ dùng phục vụ bài giảng. Để nâng cao chất lượng bài giảng môn tiếng Anh, cô Đặng Thị Hiền Lương đã tự sáng tạo ra “Bộ tranh động đa năng”. Sản phẩm này đã đạt giải Nhất cấp tỉnh trong Hội thi đồ dùng dạy học tự làm năm học vừa qua. Nhờ sự hỗ trợ của “Bộ tranh động đa năng” này, học sinh dễ dàng hơn trong việc ghi nhớ từ điển, luyện nói, viết...

Cô Lương chia sẻ: “Môn tiếng Anh rất cần đến sự hỗ trợ của đồ dùng dạy học để tăng tính phản biện, hấp dẫn học sinh. Bởi vậy, từ khi ứng dụng bộ tranh động vào giảng dạy, các em rất hứng thú, tích cực và chủ động xây dựng bài. Kết quả học tập được nâng lên đáng kể”. Để khuyến khích giáo viên tham gia làm đồ dùng dạy học, từ năm 2006 đến nay, chu kỳ 3 năm một lần phòng Giáo dục huyện Anh Sơn tổ chức hội thi tự làm đồ dùng dạy học. Mỗi sản phẩm sáng tạo của giáo viên được giải đều được công nhận là sáng kiến kinh nghiệm giáo dục, nhờ vậy được đông đảo giáo viên tích cực hưởng ứng. Đồ dùng dạy học tự làm chiếm khoảng 30 – 40% đồ dùng, thiết bị dạy học trong các nhà trường hiện nay.

Trong điều kiện kinh phí dành cho việc trang cấp thiết bị giáo dục hạn chế như hiện nay, hoạt động sáng tạo đồ dùng dạy học cũng đồng nghĩa với sự chia sẻ khó khăn của đội ngũ giáo viên với ngành. Tuy nhiên, ở nhiều trường học, hoạt động tự làm đồ dùng dạy học còn phụ thuộc nhiều vào khả năng, điều kiện của mỗi giáo viên (nhà trường chỉ hỗ trợ một phần kinh phí nhỏ để thực hiện). Để khuyến khích phong trào tự làm đồ dùng dạy học trong các nhà trường, theo ông Nguyễn Trọng Hoàn - Phó chánh Văn phòng Sở GD&ĐT, sắp tới, sở sẽ xây dựng quy định chu kỳ tổ chức “Hội thi đồ dùng dạy học tự làm”; định hướng đưa vào phong trào thi đua cho giáo viên, nhà trường; những đồ dùng dạy học tự làm đạt giải sẽ được công nhận sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh và trao đổi với trung tâm ứng dụng công nghệ để nhân rộng.

Đinh Minh Nguyệt

Sáng tạo để nâng cao chất lượng dạy học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO