Sáng tạo, xung kích – thế mạnh của tuổi trẻ

Từ niềm đam mê sáng tạo và thực tiễn lao động, học tập, nhiều ý tưởng, công trình đã ra đời, đánh dấu những dấu chân xung kích của tuổi trẻ Nghệ An trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội.

Khi nhắc đến sáng tạo khởi nghiệp, thường nghĩ ngay đến các sinh viên đến từ các nhóm ngành Kinh tế, Quản trị. Song khởi nghiệp không chỉ là kinh doanh, do đó, cơ hội được chia đều cho tất cả và ai cũng có thể “dấn thân” vào khởi nghiệp. Mô hình máy gieo hạt tự động của nhóm 5 sinh viên đến từ Khoa Điện tử, Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc đã được ứng dụng thành công vào đầu năm 2018. Trên thị trường, đây không phải là máy gieo hạt tự động đầu tiên xuất hiện, tuy nhiên tính sáng tạo khác biệt của sản phẩm chính là khả năng gieo hạt tự động được điều khiển bởi các mạch điện thông minh, qua đó người sử dụng có thể điều khiển bằng tay thông qua hệ thống nút nhấn tự nhả hoặc thông qua kết nối không dây (như Bluetooth, wifi).

Lãnh đạo tỉnh và các ngành tham quan các mô hình tại hội thi thiết bị đào tạo tự làm tỉnh Nghệ An năm 2018.
Lãnh đạo tỉnh và các ngành tham quan các mô hình tại hội thi thiết bị đào tạo tự làm tỉnh Nghệ An năm 2018.

Chia sẻ về “đứa con” khởi nghiệp, Trưởng nhóm Bùi Minh Bình cho biết: “Máy gieo hạt tự động là một thiết bị thực hiện công việc gieo hạt trên mảnh đất khô đã qua các bước xử lý ban đầu như cày, bừa, nhặt cỏ…Máy sẽ tự động rạch hàng, gieo hạt theo một khoảng cách cố định giữa các hạt, bón phân ban đầu, lắp hạt và phân đã gieo”. Với mô hình máy hiện nay (gieo hạt 2 hàng) thì năng suất đã tăng tối thiểu 4-5 lần so với gieo hạt bằng tay, do đó, máy chính là thiết bị hỗ trợ đắc lực cho người nông dân trong quá trình canh tác, nhằm nâng cao năng suất, giảm thời gian và công sức. So sánh giá thành của máy với các sản phẩm có cùng công năng trên thị trường, nhóm sáng chế cho biết, giá thành đầu tư máy khoảng 7 – 10 triệu đồng, chỉ bằng 1/3 giá thành của các máy gieo hạt hiện có trên thị trường. Không thừa nhận đã khởi nghiệp thành công, mà nhóm dự án chỉ xem là bắt đầu tự tin để bước tiếp, Bùi Minh Bình chia sẻ: “Dự án khởi nghiệp của chúng em không có gì lớn lao, mà chính là nhu cầu xã hội đang cần”.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông có hoàn cảnh khó khăn, Nguyễn Hữu Khánh (Phó Bí thư Đoàn phường Quang Phong, thị xã Thái Hoà) nuôi dưỡng khát khao khởi nghiệp trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bắt tay vào hiện thực hoá những giấc mơ, Hữu Khánh mạnh dạn tìm tòi, học hỏi, tiếp cận với nhiều nguồn thông tin, song mọi chuyện không hề dễ dàng với chàng trai trẻ, khi vấp phải “cú ngã đầu tiên” với mô hình trồng bí theo tiêu chuẩn VietGAP. Không nản lòng, Hữu Khánh một lần nữa “khởi động lại” với mô hình trồng cây dương xỉ Pháp. Đây là một loại cây trồng khá mới mẻ với nhiều nông dân Việt Nam, do đó, để có nền tảng kiến thức về loài thực vật này, Hữu Khánh đã không quản ngại đường xa, lặn lội vào Lâm Đồng, Đắk Nông để học các kỹ thuật trồng và chăm sóc cây.

Nguyễn Hữu Khánh (phải) chia sẻ về cây dương xỉ Pháp.
Nguyễn Hữu Khánh (phải) chia sẻ về cây dương xỉ Pháp.

Trở về quê hương, được sự ủng hộ và động viên của gia đình, Khánh mạnh dạn đầu tư 120 triệu đồng đưa giống cây “lạ” về thử nghiệm trồng trên diện tích 200m2 đất. Chỉ sau 10 ngày thử nghiệm đúng quy trình và tiêu chuẩn, cây đã bắt đầu cho những chiếc lá đầu tiên tươi xanh. Nguyễn Hữu Khánh cho biết thêm: “Khâu chăm sóc không quá cầu kỳ. Năm đầu tiên thì không đáng kể, nhưng càng về sau, chăm sóc tốt, lợi nhuận ổn định hơn. Dự kiến nếu mô hình trồng cây dương xỉ Pháp thành công sẽ cho lợi nhuận khoảng hơn 60 triệu đồng/200m2…”. Lá của cây dương xỉ Pháp được dùng phục vụ trang trí hoa cao cấp, với ưu điểm giữ được độ tươi lâu trong khi chất lượng vẫn đảm bảo.

Sức sáng tạo của những người trẻ không chỉ giúp họ tự thân lập nghiệp, mang lại giá trị thực cho chính bản thân, mà bên cạnh đó nhiều sáng kiến còn giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, hỗ trợ cho sự phát triển của tổ chức, doanh nghiệp, nơi họ cống hiến. Nhiều sản phẩm sáng tạo ứng dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả cao, qua đó khẳng định vai trò đóng góp của thanh niên trong thành công chung của đơn vị.

Nguyễn Anh Quý vận hành trung tâm điều khiển tự động.
Nguyễn Anh Quý vận hành trung tâm điều khiển tự động.

Ví như đoàn viên Nguyễn Anh Quý là một hạt nhân tiêu biểu trong phong trào “Sáng tạo trẻ” của Công ty Mía đường Nghệ An (NASU). Với sáng kiến “Cải tiến đo mức bã điều khiển tự động hệ thống lấy bã đốt lò hơi” đã giúp công ty khắc phục được những hạn chế khi ép mía. Trong thời gian sử dụng từ tháng 5/2009 đến nay đã tiết kiệm cho công ty gần 1,5 tỷ đồng. Với tinh thần xung kích, sáng tạo, anh Nguyễn Anh Quý đã có hàng chục sáng kiến, công trình và đề tài khoa học được Hội đồng khoa học công nghệ của Tập đoàn TH và NASU công nhận và đánh giá cao. Đoàn viên Nguyễn Anh Tú của NASU là người thợ duy nhất của tỉnh Nghệ An được tuyên dương “Người thợ trẻ giỏi toàn quốc” năm 2018.

Bình, Khánh hay Quý là những người trẻ trong hàng ngàn đoàn viên, thanh niên tỉnh nhà đang nỗ lực bền bỉ, đưa ra nhiều ý tưởng hay, khẳng định sáng tạo là sức mạnh của tuổi trẻ.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có hơn 1.000 mô hình thanh niên phát triển kinh tế cho thu nhập ổn định từ 50 triệu đồng/năm trở lên. Trong những năm qua, Tỉnh đoàn Nghệ An đã có rất nhiều chương trình, chính sách cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên, đồng thời tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo như tổ chức Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp” trong thanh niên Nghệ An…

Lễ tuyên dương 25 thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi năm 2018.
Lễ tuyên dương 25 thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi năm 2018.

Bên cạnh sáng tạo khởi nghiệp, mỗi đoàn viên thanh niên còn khẳng định vai trò tiên phong, nhiệt huyết của tuổi trẻ trong từng phần việc. Không ngại gian khó, nắng mưa, những bước chân của “đoàn quân áo xanh” in dấu tại những bản làng xa xôi nhất của tỉnh, triển khai thực hiện những công trình, phần việc hết sức thiết thực, góp phần xây dựng nông thôn mới. Công trình thanh niên “Mở đường lên bản” là một minh chứng đầy thuyết phục trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè 2018 vừa qua.

Lễ ra quân thực hiện công trình thanh niên “Mở đường lên bản” tại xã Lục Dạ, huyện Con Cuông.
Lễ ra quân thực hiện công trình thanh niên “Mở đường lên bản” tại xã Lục Dạ, huyện Con Cuông.

Bản Mọi, xã Lục Dạ, huyện Con Cuông vốn bị cô lập, nằm cách xa trung tâm xã gần 20 km, giao thông đi lại khó khăn khiến đời sống người dân gặp nhiều hạn chế. Trước yêu cầu cấp bách đó, với phương thức triển khai vận động, thu hút sự tham gia của hơn 500 đoàn viên, thanh niên của địa phương và đội hình sinh viên tình nguyện trong chiến dịch hè, cùng với người dân ở hai xã Môn Sơn, Lục Dạ xẻ núi, đào đắp, san lấp mặt bằng, mở đường với chiều dài 3 km. rút. Chỉ sau 1 tháng làm việc tích cực, chủ động, tràn đầy lòng nhiệt huyết, con đường từ sự quyết tâm của người trẻ từ bản Mọi đi Khe Thìn được hoàn thành, rút ngắn khoảng cách từ xã vào bản 15 km. Khác hẳn với những lớp gập ghềnh đá, sỏi, tuyến đường của miền đất Trà Lân giờ đây đã được khoác chiếc áo mới, góp phần giúp người dân nơi đây đi lại dễ dàng, giúp cán bộ tiếp cận cơ sở nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông trao đổi hàng hoá, phát triển kinh tế trên địa bàn.

Những sân chơi độc đáo từ phế liệu đã dần trở thành nơi vui chơi yêu thích, quen thuộc của các em nhỏ mỗi khi tan học hay vào ngày nghỉ. Ý tưởng xây dựng các sân chơi từ phế liệu xuất phát từ trăn trở về một sân chơi lành mạnh cho trẻ em vùng rẻo cao và nông thôn, nơi không có nhiều cơ hội được tiếp cận với những vật dụng, trò chơi hiện đại. Các đoàn viên thanh niên đã tìm tòi, học hỏi, sáng tạo và hiện thực hoá về một sân chơi miễn phí, hữu ích cho trẻ được làm bằng vật liệu tận dụng từ đồ phế thải.

Anh Lê Hồng Thái – Bí thư Huyện đoàn Tương Dương, là địa phương khởi nguồn cho đề án “Xây dựng khu vui chơi cho thiếu nhi” chia sẻ: Bắt tay vào thực hiện, tổ chức Đoàn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía các cấp ủy, chính quyền và người dân. Các vật liệu phế thải như lốp ô tô, ván gỗ được các bạn đoàn viên, thanh niên “hóa phép” thành đồ chơi. Chỉ với vài chiếc lốp cũ được chôn nửa bánh chắc chắn dưới đất, tô vẽ màu sắc cho bắt mắt, các em nhỏ đã có trò chơi nhảy qua lốp xe rất thú vị. Hay như cũng từ lốp xe lại có thể tạo nên trò bập bênh, xích đu hấp dẫn. Chất liệu của công trình gần gũi với tự nhiên, khiến không gian hòa hợp với khung cảnh đồng quê xung quanh. Sân chơi gồm xích đu, cầu bập bênh, một mảng dây thừng bện để trẻ leo trèo, những chiếc lốp xe để các em nhảy qua…

Nhân rộng mô hình ý nghĩa này từ Tương Dương, hiện nay nhiều Huyện đoàn đã bàn giao “Sân chơi cho thiếu nhi từ phế liệu” như Anh Sơn, Nghi Lộc, Đô Lương, Hưng Nguyên… Đánh giá về món quà đồ chơi sáng tạo từ phế thải của đoàn viên, thanh niên dành tặng, cô giáo Nguyễn Thị Bích Hằng, giáo viên Trường Mầm non xã Thọ Sơn, huyện Anh Sơn chia sẻ: “Những món đồ chơi đã tạo hứng thú đến trường cho trẻ nhỏ. Bên cạnh tạo được sân chơi đúng nghĩa cho các em, những món đồ chơi hết sức đặc biệt này giúp các cháu hiểu biết về thông điệp hãy bảo vệ thiên nhiên, môi trường”.

Với những cách làm, cách nghĩ đầy sáng tạo của thanh niên không chỉ làm phong phú các mô hình, mà còn nhận được sự ghi nhận, đánh giá cao của cấp ủy, chính quyền, qua đó vai trò vị trí của tổ chức Đoàn, Hội tiếp tục được nâng lên. Hơn thế nữa xây dựng được hình mẫu của thanh niên trong trong thời kỳ mới đã và đang hình thành một thế hệ mới của những người trẻ sẵn sàng cống hiến sức trẻ vì quê hương, đất nước. Bí thư Tỉnh đoàn Phạm Tuấn Vinh khẳng định: “Sáng tạo luôn là yếu tố mà tổ chức Đoàn luôn mong muốn, kỳ vọng ở mỗi đoàn viên thanh niên. Trong thời gian tới, phong trào “Sáng tạo trẻ” tiếp tục được Tỉnh đoàn xác định là phong trào “xương sống” trong mọi hoạt động.  Điều quan trọng nhất, tổ chức Đoàn, cũng như thế hệ thanh niên  phải mang lại giá trị thiết thực, có ý nghĩa đối với cộng đồng, xã hội”./.