Sáng thêm chữ tâm và trách nhiệm người thầy

20/11/2015 11:09

(Baonghean)- Nghệ An luôn được tôn vinh là đất học, một trong những cái nôi giáo dục truyền thống của cả nước. Truyền thống ấy góp phần quan trọng để những người thầy phấn đấu luôn là những tấm gương “đạo đức tự học và sáng tạo”, thực sự vừa hồng, vừa chuyên, được học sinh, phụ huynh và cả xã hội tin cậy, gửi gắm.

Sáng chữ tâm

Thầy giáo Hoàng Kỳ năm nay đã 83 tuổi. Về hưu hơn 20 năm nhưng suốt thời gian qua ngôi nhà nhỏ của thầy ở khối Quang Tiến, phường Hưng Bình (TP. Vinh) chưa ngày nào vắng bóng học trò. Những học sinh tìm đến thầy, hầu như ai cũng có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có rất nhiều em mồ côi, gia cảnh nghèo khó… Chăm chút cho lớp học miễn phí này, thực sự là niềm vui, niềm hạnh phúc của thầy giáo Hoàng Kỳ.

Lớp học miễn phí của thầy giáo Hoàng Kỳ.
Lớp học miễn phí của thầy giáo Hoàng Kỳ.

Năm 1988 về hưu từ Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP. Vinh), thầy giáo Hoàng Kỳ cùng các đồng nghiệp mở Trường THPT Nguyễn Trường Tộ. Đây là mô hình dân lập đầu tiên của tỉnh lúc bấy giờ. 18 năm giữ cương vị Phó hiệu trưởng ngôi trường này, thầy băn khoăn nhiều nhất là chất lượng học sinh. Không ít em vì học kém, không theo kịp bạn bè đã chán nản dẫn tới bỏ học, hư hỏng. Từ thực tế này, sau khi về hưu, thầy quyết định mở lớp dạy thêm ở nhà, mục đích chính là phụ đạo, giúp học sinh yếu kém củng cố kiến thức, tạo cho các em niềm tin và hứng thú với việc học.

Lớp học đầu tiên được mở vào đầu những năm 2000. Từ bấy đến nay đã có hàng chục thế hệ học sinh được thầy giáo Hoàng Kỳ trực tiếp dìu dắt, dạy dỗ và đã có nhiều em ra trường, thi đậu vào nhiều trường đại học có uy tín. Thầy chia sẻ: Người thầy giáo ai cũng muốn học sinh học khá, giỏi. Trên thực tế, vì nhiều lý do khác nhau, vẫn có nhiều em không theo kịp chương trình. Người giáo viên tâm huyết là không được ứng xử tạo cảm giác xa cách đối với học sinh như thế. Mà ngược lại càng cần phải gần gũi, tận tình động viên, giúp đỡ. Tôi nhận phụ đạo cho học sinh yếu kém vươn lên, có nhiều khó khăn, vất vả, nhưng khi đạt thành quả thì vui sướng gấp nhiều lần.

Các em học sinh Trung tâm dạy nghề khuyết tật Nghệ An tri ân thầy cô giáo.
Các em học sinh Trung tâm dạy nghề khuyết tật Nghệ An tri ân thầy cô giáo.

Trên thực tế, để làm tròn trách nhiệm của một người giáo viên trong bối cảnh thực tế các nhà trường và cả ngành giáo dục nước nhà nói chung hiện nay không dễ; nếu như người thầy không nhìn thẳng vào khó khăn thực tế và không ngừng trau dồi phẩm chất nghề, khắc phục những hạn chế của mình.

Cô Võ Thị Thùy Linh, Giáo viên dạy Anh văn ở Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (Hưng Nguyên) chia sẻ: “Kỳ thi THPT vừa rồi, Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (Hưng Nguyên) có 252 em tham gia thi môn Ngoại ngữ nhưng chỉ có 7 em được 5 điểm. Tôi rất buồn và tự suy ngẫm xem lại trách nhiệm của mình. Có thể, năng lực của các em hạn chế, nhưng chúng tôi sâu sát, tận tụy hơn, đưa ra giáo án, chương trình dạy phù hợp hơn thì chắc chắn kết quả sẽ khả quan hơn nhiều. Đây cũng là bài học để chúng tôi nghiêm túc rút kinh nghiệm và có giải pháp thiết thực hơn cho năm học này”.

Thầy giáo Hoàng Việt Thắng, Tổ trưởng Tổ Vật lý ở Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (TP. Vinh) tâm sự: “Áp lực luôn đè nặng lên những trường học mà nguồn tuyển sinh đầu vào thấp. Ở trường chúng tôi, học sinh đa phần đều có học lực trung bình, thậm chí có nhiều em yếu kém. Điều đó, cũng tác động đến tính cách các em, nhiều em ngỗ ngược, khó bảo... Trong hoàn cảnh đó, giáo viên đến trường mà chỉ “biết dạy chữ” thì thất bại. Chúng tôi phải nắm bắt, tìm hiểu tâm lý từng em và uốn nắn dần. Dạy người, dạy cách đối nhân xử thế rồi mới tính đến dạy chữ, dạy kiến thức”…

Hun đúc truyền thống

Ở Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, ngôi trường chất lượng hàng đầu của cả tỉnh, các thầy, cô giáo cũng luôn phải trăn trở về trách nhiệm người thầy của mình. Tâm sự về điều này, cô giáo Trần Thị Minh Nguyệt, giáo viên dạy Tiếng Nga, chưa quên những khó khăn của mình 12 năm trước khi đang từ một giáo viên dạy Anh được điều sang dạy tiếng Nga ở một trường chuyên: “Lúc đó tôi rất lo lắng bởi thực tế tôi đã không sử dụng tiếng Nga 15 năm.

Cô và trò Trường chuyên Phan Bội Châu trong niềm vui chiến thắng.
Cô và trò Trường chuyên Phan Bội Châu trong niềm vui chiến thắng.

Nhiều lúc tôi đã định buông xuôi. Sau này, có nhiều người hỏi điều gì đã giúp tôi vượt qua khó khăn đó. Phải nói là tôi đã phải trăn trở ý thức rất nhiều về cái tâm của người giáo viên, trách nhiệm truyền dạy để các em gắn bó với môn học, với trường, với lớp. Từ đó xác định bản thân phải nỗ lực trau dồi chuyên môn, hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy”…

Tại Trường Tiểu học Nghi Tân (TX. Cửa Lò) có một lớp học đặc biệt dành cho những học sinh khuyết tật. Đây cũng là trường duy nhất trong cả tỉnh thực hiện mô hình này. Qua đó, tạo cơ hội để những học sinh kém may mắn được đến trường, được học hòa nhập với tất cả học sinh bình thường. Thầy giáo Nguyễn Tiến Minh, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Trước đây, khi quyết định xin chủ trương của phòng để mở lớp học này, chúng tôi rất băn khoăn bởi lâu nay học sinh khuyết tật thường học riêng ở trường đặc thù...

Vượt qua khó khăn, nhờ vào sự quyết tâm, nỗ lực của tập thể, giáo viên nhà trường, lớp học dành cho học sinh khuyết tật dần ổn định và được phụ huynh trong vùng tin tưởng. Nhiều phụ huynh ở các xã lân cận thuộc huyện Nghi Lộc như Nghi Thiết, Nghi Hợp, Nghi Quang cũng đã đến xin cho con học. Thậm chí, đến thời điểm này, có những em đã 15, 16 tuổi, phụ huynh vẫn mong muốn nhà trường cho các em ở lại học tiếp”.

Nói về công việc của mình, cô Lưu Thị Huế, giáo viên phụ trách lớp học đặc biệt ấy chia sẻ: “Khi mới nhận quyết định về dạy học ở lớp này tôi mất ngủ suốt một đêm và bản thân chưa hình dung được dạy cho học sinh thuộc đối tượng đặc biệt này thì phải như thế nào. Nhưng rồi càng gắn bó với lớp, tôi càng thấy yêu công việc này. Bởi các em dù có nhiều hạn chế về nhận thức, nhưng rất tình cảm; vẫn luôn khát khao được đến trường, được biết chữ. Các thầy cô giáo tận tình, yêu thương các em thì các em yêu kính lại, ngoan ngoãn, cố gắng tiến bộ”...

Còn nhiều nữa những trăn trở, sẻ chia đầy tâm huyết của các thầy cô giáo. Giai đoạn hiện nay nền giáo dục nước nhà được cả xã hội hết sức quan tâm, nhất là khi ngành giáo dục đang đẩy mạnh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo; có rất nhiều quan điểm, cách nhìn nhận về các khó khăn, hạn chế trong giáo dục mà bức thiết phải giải quyết … Bối cảnh đó, trước hết đòi hỏi chữ tâm và trách nhiệm của người thầy đứng trên bục giảng càng thêm nặng nề.

Đan Hà

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Sáng thêm chữ tâm và trách nhiệm người thầy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO