Sanna Marin - 'Ngôi sao' báo hiệu sự thay đổi của chính trường Phần Lan

Phan Tùng 13/12/2019 08:31

(Baonghean) - Trở thành nữ thủ tướng trẻ nhất thế giới ở tuổi 34 tuổi, Sanna Marin xứng đáng là “ngôi sao đang lên” của chính trường Phần Lan. Điều đó báo hiệu một bình minh mới với chính trường quốc gia Bắc Âu này.

Nỗ lực vượt hoàn cảnh

Làn sóng những nhà lãnh đạo trẻ tuổi lên cầm quyền đang ngày một phổ biến khắp thế giới. Từ New Zealand tới Canada, từ Pháp sang Áo, họ mang tới màu sắc mới cho chính trị quốc tế, tạo ra sự hấp dẫn và tươi mới trong con mắt công chúng. Sự xuất hiện của tân Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cũng được cho là nằm trong xu hướng này. Tuy nhiên, điểm khác biệt của cô chính là xuất thân khiêm tốn.

Sanna Marin sinh ra trong một gia đình lao động bình thường. Bố mẹ cô chia tay khi cô còn rất nhỏ và những năm đầu đời, mẹ cô phải một mình tự xoay sở nuôi con. Gánh nặng tài chính của gia đình chính là thứ đeo đuổi suốt tuổi thơ của Marin.

Trên trang blog cá nhân, Sanna Marin từng miêu tả lại lần cô đi tìm việc làm thêm đầu tiên khi mới 15 tuổi tại một tiệm bánh. Cô cũng từng đi đưa báo để có thêm thu nhập khi còn học cấp 3. Nhưng những khó khăn, vất vả thời thơ ấu không chỉ có vậy.

Sanna Marin - Twitter

Trong cuộc phỏng vấn với trang Menaiset của Phần Lan năm 2015, Marin nhớ lại thời thơ ấu tủi nhục khi phải đối mặt với miệng lưỡi dư luận vì thành phần gia đình. Mẹ cô sống cùng người bạn đời đồng tính sau khi đổ vỡ hôn nhân. Có những lúc, Sanna Marin cảm thấy bản thân như “người vô hình” ở trường khi bị xa lánh. Cô cũng không thể nói chuyện cởi mở về gia đình. Nhưng điều tích cực duy nhất là mẹ của cô luôn trò chuyện để chia sẻ cùng Marin. Bà khiến cô tin rằng, cuộc đời là do cô quyết định và cô có thể hoàn thành bất cứ điều gì mà mình muốn. Sanna Marin trở thành thành viên đầu tiên trong gia đình tốt nghiệp trung học và theo tiếp lên đại học.

Thành công chính trị không đợi tuổi

Sanna Marin đến với chính trị từ lúc 20 tuổi. Hai năm sau cô chính thức bước ra chính trường với cuộc chạy đua cho vị trí trong Hội đồng thành phố Tampere - thành phố ở phía Bắc thủ đô Helsinki. Dù thất bại nhưng lần đầu tham gia tranh cử cũng mang lại cho cô những kinh nghiệm chính trị đầu tiên, mở ra những cơ hội sau này. Suốt 5 năm sau đó, dù nỗ lực, Sanna Marin vẫn chưa thể chinh phục mục tiêu có chân trong hội đồng thành phố. Tuy nhiên, cô cũng không phải buồn bởi rốt cuộc, cô cũng được chọn làm lãnh đạo Hội đồng năm 27 tuổi.

Sanna Marin và các thành viên nữ trong Chính phủ Phần Lan tại buổi họp báo công bố Chính phủ mới ở Helsinki. Ảnh: Reuters
Sanna Marin (thứ hai phải sang) và các thành viên nữ trong Chính phủ Phần Lan tại buổi họp báo công bố Chính phủ mới ở Helsinki. Ảnh: Reuters

Kể từ đó, sự nghiệp của nữ chính trị gia trẻ tuổi Sanna Marin cứ thế thẳng tiến. Cô nhanh chóng được cất nhắc lên vị trí cao trong đảng Dân chủ Xã hội (SDP) - đảng theo đường lối trung tả tại Phần Lan. Năm 2015, Marin trở thành nghị sỹ của SDP. Sanna Marin được xem là thuộc nhóm thiên tả trong SDP, và là người ủng hộ nhiệt thành cho quan điểm về nhà nước phúc lợi tại Phần Lan. Với chân nghị sỹ Quốc hội, Sanna Marin nhanh chóng “lấy điểm” trước lãnh đạo SDP Antti Rinne.

Không lâu sau khi bước vào Quốc hội, Marin trở thành cấp phó và là chỗ thân tín của Antti Rinne. Cơ hội thực sự đã tới với Sanna Marin mùa Đông năm ngoái khi Rinne mắc viêm phổi trong kỳ nghỉ lễ. Ông sau đó còn bị chẩn đoán xơ vữa động mạch vành, chứng bệnh khiến ông không thể quay lại với công việc đúng lúc đảng SDP cần tới ông nhất. Đó là lúc chiến dịch tranh cử ở Phần Lan đã chính thức khởi động.

Cơ hội vươn tới đỉnh cao và tỏa sáng đã đến với Sanna Marin vào chính khoảnh khắc đó, khi cô vẫn còn đang ở nhiệm kỳ đầu tiên của một nghị sỹ. Thay mặt Chủ tịch đảng, Marin đã điều hành SDP trong giai đoạn Rinne phải nghỉ ốm. Chiến thắng của SDP năm đó trong cuộc tổng tuyển cử vì thế cũng ghi danh chính trị gia trẻ tuổi Sanna Marin.

Sanna Marin phát biểu với báo giới tại tòa nhà Quốc hội hôm thứ ba (10/12/2019). Ảnh: EPA
Sanna Marin phát biểu với báo giới tại tòa nhà Quốc hội hôm thứ ba (10/12/2019). Ảnh: EPA

Bản lĩnh đối đầu sóng gió

Sau kỳ bầu cử đó, Marin được chỉ định làm Bộ trưởng Giao thông và Truyền thông trong chính phủ mới. Nhưng cô không có nhiều thời gian để thể hiện năng lực bởi sóng gió cứ liên tục kéo tới.

Chính phủ của Thủ tướng Antti Rinne đã bị chỉ trích vì cách giải quyết làn sóng đình công kéo dài từ giữa tháng 11 của nhân viên ngành Bưu điện. Họ đình công để phản đối quyết định của công ty dịch vụ chuyển phát thuộc sở hữu nhà nước đã cắt giảm lương của khoảng 700 nhân viên vào tháng 9 trước đó. Liên minh cầm quyền ở Phần Lan đã yêu cầu Thủ tướng Rinne đưa ra lời giải thích, song đảng Trung tâm cho rằng những lý lẽ của ông Rinne là “không thể chấp nhận được”. Áp lực khiến Rinnie phải từ chức khi vừa đảm nhận chức thủ tướng được vài tháng. Sanna Marin được bầu làm thủ tướng thay thế với số phiếu sít sao trong cuộc bỏ phiếu hôm Chủ nhật 8/12.

Sanna Marin là người ủng hộ quan điểm nhà nước phúc lợ

Áp lực là không hề nhỏ nhưng Sanna Marin vẫn vững vàng trước sóng gió. Cô phớt lờ những câu hỏi về năng lực và sự phù hợp của cô cho vị trí cấp cao. “Tôi chưa từng nghĩ về tuổi tác hay giới tính của mình. Tôi chỉ nghĩ về những lý do đưa tôi tới với chính trị và về những giá trị, những mục tiêu đã giúp chúng tôi giành được sự tín nhiệm của cử tri” - Sanna Marin trả lời như vậy ngay sau khi được bầu làm thủ tướng.

Có lẽ Sanna Marin đã nhận ra công việc bộn bề phía trước khi tuyên bố như vậy. Ngay sau khi cô nhận nhiệm vụ mới, các cuộc biểu tình còn nổ ra nhiều hơn, đe dọa tới tăng trưởng của nhiều công ty lớn nhất tại quốc gia trên bán đảo Scandinavi này.

Trong khi đó, đảng Người Phần Lan thực sự - đảng theo đường lối dân túy giành được 25% sự ủng hộ của cử tri, còn đảng SDP và một đối tác trong liên minh cầm quyền là đảng Trung tâm đang sụt giảm nhẹ. Đó chính là bài toán phải giải thời gian tới, trong bối cảnh Sanna Marin chưa có nhiều kinh nghiệm chính trị đỉnh cao.

Thủ tướng Sanna Marin điều hành cuộc họp chính phủ đầu tiên. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Sanna Marin điều hành cuộc họp chính phủ đầu tiên. Ảnh: Reuters

Sự thăng tiến của Sanna Marin cũng phần nào phản ánh một bức tranh chính trị đang nhiều thay đổi ở Phần Lan. Ngoài Marin, lãnh đạo 4 đảng còn lại trong liên minh cầm quyền của Chính phủ Phần Lan cũng đều là phụ nữ, trong đó có tới 3 người dưới 34 tuổi. Đó cũng có thể coi là một lợi thế với Sanna Marin vào lúc này. Cựu Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb trong bài đăng trên Twitter đánh giá chính phủ do phụ nữ lãnh đạo cho thấy Phần Lan là một quốc gia “hiện đại và tiến bộ”. “Một ngày nào đó, giới tính sẽ không còn quan trọng trong chính phủ, mà là những người tiên phong” - ông viết.

Mới nhất

x
Sanna Marin - 'Ngôi sao' báo hiệu sự thay đổi của chính trường Phần Lan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO