Sáp nhập bộ máy: Thí điểm ngay, nhận diện sớm những phức tạp, vướng mắc
(Baonghean.vn) -Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương Đảng khóa XII, tỉnh Nghệ An đang đứng trước “cuộc cách mạng” lớn về sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế.
Vào cuộc quyết liệt
Tại huyện Anh Sơn, đồng chí Nguyễn Bá Từ - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy cho biết, theo sự phân công của ban chỉ đạo, tổ giúp việc, ngay sau khi triển khai các bước để thực hiện Kế hoạch 111-KH/TU ngày 2/1/2018 về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ BCH Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, các thành viên đã “bắt tay” vào cuộc khảo sát, tìm hiểu, hiện đã trình 2 phương án bố trí để tham mưu thực hiện quy trình sắp xếp, bố trí cán bộ để thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh trưởng ban tuyên giáo huyện ủy đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện. Theo đồng chí Đặng Thanh Tùng – Bí thư Huyện ủy Anh Sơn, dự kiến Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ xem xét, thực hiện các bước theo quy định và ra quyết định nhất thể hóa chức danh Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy kiêm Giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị từ 1/4/2018.
Đến thời điểm này, huyện Anh Sơn đã cơ bản hoàn thành việc khảo sát thực trạng đội ngũ văn phòng đảng ủy, văn phòng HĐND-UBND 21/21 xã, thị trấn toàn huyện, tổ giúp việc đã trình phương án bố trí hợp nhất văn phòng từng xã, thị trấn. Trưởng Ban tổ chức huyện ủy Anh Sơn Nguyễn Bá Từ cho biết qua khảo sát đã phân ra 3 nhóm: nhóm có năng lực và đang là ủy viên BCH đảng ủy (6 đơn vị), nhóm có năng lực nhưng chưa là đảng ủy viên (11 đơn vị), nhóm có năng lực cầm chừng, không có triển vọng (4 đơn vị). Mỗi nhóm đều trình từng vị trí dự kiến bố trí cụ thể. Đồng chí Đặng Thanh Tùng cho biết Anh Sơn sẽ thí điểm ít nhất 3 đơn vị cấp xã trong tháng 4/2018, đến tháng 7/2018 sẽ tiến hành đồng loạt.
Box: Theo Kế hoạch 111 ngày 02/1/2018 của BTV Tỉnh ủy, có 06 đơn vị điểm tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, đánh giá, rút kinh nghiệm để nhân rộng toàn tỉnh, gồm: Thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, huyện Diễn Châu, huyện Con Cuông, Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Tỉnh đoàn.
Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn 06 đơn vị điểm tổ chức triển khai đồng bộ các nội dung, đánh giá, rút kinh nghiệm để nhân rộng toàn tỉnh, gồm: Sở Nội vụ, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tại huyện Con Cuông, theo đồng chí Nguyễn Văn Chất – Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy cho biết Huyện ủy Con Cuông đã xác định rõ những việc cần làm ngay có 40 nhiệm vụ; những việc thí điểm có 4 nhiệm vụ; những việc thực hiện theo kế hoạch và hướng dẫn của trung ương có 8 nhiệm vụ. Đồng chí Nguyễn Đình Hùng – Bí thư Huyện ủy Con Cuông cho biết chủ trương triển khai thực hiện sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế tạo được sự đồng thuận cao trong các cấp ủy đảng. Hiện các thành viên ban chỉ đạo, tổ giúp việc, các cơ quan, đơn vị đang vào cuộc với tinh thần khẩn trương, đồng thời đảm bảo tính khách quan, khoa học, thực tiễn. Huyện Con Cuộng chọn 4 đơn vị thí điểm để tập trung chỉ đạo gồm: Châu Khê, Chi Khê, Lục Dạ, Mậu Đức và Phòng GD&ĐT. Đồng thời sẽ tổ chức đoàn công tác đi học tập kinh nghiệm thực hiện sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế để thực hiện việc sáp nhập bộ máy và tinh giản biên chế đạt hiệu quả cao.
Tại thành phố Vinh, hiện dự thảo Đề án “Sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị thành phố Vinh giai đoạn 2018-2021 và những năm tiếp theo” đã được thông qua lần 1. Theo đồng chí Nguyễn Văn Chỉnh – Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vinh, thành phố Vinh đã xây dựng nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để sáp nhập các đầu mối như: sáp nhập Đài Truyền thanh – truyền hình thành phố với Trung tâm Văn hóa – Thể thao thành phố; văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất với trung tâm phát triển quỹ đất thành phố; ban quản lý chợ Vinh và Ban quản lý chợ Ga Vinh; sáp nhập công ty cổ phần môi trường và công trình đô thị Nghệ An, Công ty cổ phần công viên cây xanh, Công ty cổ phần quản lý và phát triển hạ tầng đô thị và ban Quản lý nghĩa trang thành phố;… Đặc biệt, đối với khối phường, xã, dự kiến thành phố sẽ khảo sát, nghiên cứu xây dựng đề án sáp nhập một số đơn vị chưa đảm bảo tiêu chí về diện tích, dân số. Bí thư Thành ủy Võ Viết Thanh khẳng định: Thành phố sẽ tiên phong đi trước. Chú trọng mục tiêu sắp xếp bộ máy, không chú trọng đến ai trưởng, ai phó, không để vấn đề nhân sự gây cản trở vấn đề sáp nhập.
Thận trọng đối với những vấn đề phức tạp, nảy sinh
Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế đã trở thành nhu cầu cấp bách của thực tiễn, phù hợp với nguyện vọng của đa số cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, còn có ý kiến cho rằng:
- Kế hoạch sắp xếp lại tổ chức bộ máy triển khai nhiều nội dung cùng thực hiện trong một khoảng thời gian nên có những khó khăn nhất định cho việc thực hiện tại huyện và cơ sở.
- Nội dung sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế chưa có mô hình cụ thể nên có nơi còn gặp những lúng túng khi xây dựng đề án, tiểu đề án. Việc quy hoạch, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau sắp xếp còn nhiều vướng mắc, nhất là với đối tượng là cấp ủy viên (trong cơ quan đảng, cơ quan chính quyền), đối tượng dôi dư (trong các đơn vị sự nghiệp).
Như tại huyện Anh Sơn, đồng chí Nguyễn Bá Từ - Trưởng Ban Tổ chức huyện Anh Sơn cho rằng khi tiến hành hợp nhất các chức danh văn phòng đảng ủy, văn phòng HĐND –UBND cấp xã, vướng mắc nhất là trong số 21 đồng chí cán bộ văn phòng đảng ủy, kỳ đại hội vừa rồi có 12/21 đồng chí trúng cử đảng ủy viên. Việc phân công, bố trí cấp ủy viên sau khi không giữ nhiệm vụ theo cơ cấu khi bầu cử là việc cần tính đến. Tương tự như vậy, với một số vị trí cán bộ cấp huyện là ủy viên ban chấp hành huyện ủy, sau khi không giữ vị trí nhiệm vụ như cơ cấu khi bầu cử (từ cấp trưởng đơn vị chuyển sang cấp phó), có tiếp tục để đồng chí đó giữ cấp ủy viên hay không là điều cần bàn đến. Theo đồng chí Nguyễn Văn Chất – Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Con Cuông, cần có chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng dôi dư sau sắp xếp, tinh giản.
Vẫn còn một số băn khoăn về hình thức, quy mô, chức năng nhiệm vụ của mô hình hoạt động các đơn vị sau sau hợp nhất:
- Tên gọi của các đơn vị sau hợp nhất như thế nào? Đài truyền thanh – truyền hình sáp nhập với trung tâm văn hóa thông tin thì gọi là tên gì?
- Văn phòng đảng ủy, văn phòng HĐND – UBND sau khi hợp nhất có tên gọi là gì?
- Mối quan hệ sau khi sáp nhập với cấp trên sẽ như thế nào, trực thuộc trực tiếp cơ quan nào?...
Đó là những điều cần làm rõ. Như sau khi sáp nhập các văn phòng cấp ủy, chính quyền cấp huyện, thì văn phòng đó thuộc sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy hay UBND huyện?...
Với Bí thư Thành ủy Vinh Võ Viết Thanh, ông cho rằng việc kiêm nhiệm, hợp nhất một số chức danh thì có thể làm ngay. Nhưng:
- Khi tiến hành hợp nhất, sáp nhập các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cũng như khi tinh giản biên chế, cần tính đến các văn bản pháp luật có phạm vi điều chỉnh liên quan còn hiệu lực thi hành.
- Kiên quyết thực hiện, nhưng không chủ quan, nóng vội. Việc sáp nhập một số đơn vị thuộc thẩm quyền ngành dọc như y tế, dân số, nông nghiệp, giáo dục… cần phải chờ đề án của ngành dọc cấp tỉnh.
Tại cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày 28/2/2018, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh khẳng định: Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm đầu mối, tinh giản biên chế phải được thực hiện toàn diện. Tuy nhiên cần xác định đơn vị, cơ quan làm điểm để tập trung chỉ đạo, thực hiện theo thứ tự cấp tỉnh trước, tiếp đến mới là cấp huyện, cấp xã. Không nên quá máy móc, cơ học, mà cần phải căn cứ thực tiễn từng lĩnh vực, cơ quan, đơn vị. Việc gì đã rõ thì làm, đủ điều kiện thì làm, còn việc gì chưa rõ, còn có ý kiến trái ngược thì cần tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu.
Việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là nhiệm vụ chính trị quan trọng trước mắt và lâu dài, ảnh hưởng lớn đến sự vận hành của toàn hệ thống chính trị và đời sống nhân dân. Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành, các địa phương, hy vọng rằng đây sẽ thực sự là “cuộc cách mạng” lớn về tổ chức bộ máy và biên chế”. Tuy nhiên, các cấp, ngành, địa phương cũng cần hết sức thận trọng, kiên trì tìm hiểu, nghiên cứu, học tập, sáng tạo để có giải pháp, biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhằm đưa Nghị quyết trung ương 6 vào cuộc sống đạt hiệu quả cao nhất, cả trước mắt và lâu dài.