Sáp nhập trường lớp ở huyện Thanh Chương: Trao cơ hội học tập tốt nhất cho học trò

Mỹ Hà 16/04/2024 07:36

(Baonghean.vn) - Sáp nhập trường lớp là xu hướng tất yếu nhằm tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học của các trường. Đây cũng là mục tiêu huyện Thanh Chương đang kiên trì thực hiện, với mong muốn đem đến môi trường giáo dục tốt nhất cho các học trò.

Giữa tháng 4 này, huyện Thanh Chương đã thực hiện sáp nhập điểm trường Thanh Nam của Trường Tiểu học Ngọc Sơn về với điểm trường chính. Trong năm học 2023 - 2024, đây là điểm trường thứ 5 trên toàn huyện được sáp nhập.

Xóa điểm trường cũ, trường xuống cấp

Trường Tiểu học Ngọc Sơn có 606 học sinh với 20 lớp. Tuy nhiên, điểm trường chính chỉ có 10 lớp. Số lớp còn lại lâu nay đang học ở 2 điểm trường Lam Thắng và Thanh Nam.

Nhiệm kỳ 2020- 2025, thực hiện Nghị quyết số 09- NQ/HU ngày 21/9/2021 về “Quy hoạch mạng lưới trường lớp, nâng cao chất lượng giáo dục gắn với xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 – 2025”, Đề án số 2119/ĐA-UBND ngày 20/9/2021, huyện Thanh Chương chủ trương sáp nhập điểm trường Thanh Nam về điểm trường chính.

d93c1c5b2a31846fdd20.jpg
Trường Tiểu học Ngọc Sơn được đầu tư khang trang với dãy phòng học mới. Toàn bộ các phòng học này được ưu tiên cho các học sinh từ điểm trường Thanh Nam sáp nhập về. Ảnh: Mỹ Hà

Năm 2022, Đảng ủy xã Ngọc Sơn đã ban hành Kế hoạch số 18 về quy hoạch mạng lưới trường học và UBND xã cũng ban hành kế hoạch số 274 về sáp nhập điểm trường Thanh Nam về điểm trường chính.

Việc sáp nhập điểm trường Thanh Nam phù hợp với yêu cầu hiện nay của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 khi học sinh phải học theo chương trình mới với 2 môn bắt buộc là Tin học và Tiếng Anh, tạo điều kiện để các em được học, thực hành trong các phòng học đảm bảo về chất lượng. Hơn nữa đây cũng là cơ sở để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác quản lý, nâng cao chất lượng giảng dạy của trường.

ông Trần Xuân Hà – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Chương

3f3e0dd03bba95e4ccab.jpg
Điểm trường Thanh Nam được xây dựng từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước, đã xuống cấp nhiều năm nay. Ảnh: Mỹ Hà

Thực tế cũng cho thấy, đây không phải là lần đầu tiên việc sáp nhập điểm trường Thanh Nam được thực hiện. Rút kinh nghiệm từ đợt sáp nhập năm học 2021 - 2022, việc sáp nhập trong năm 2024 được thực hiện đầy đủ và khá bài bản.

Theo đó, từ tháng 8/2023, khi đưa ra lộ trình sáp nhập, lãnh đạo xã Ngọc Sơn, đại diện trường tiểu học và mầm non xã, ban vận động đã có cuộc họp làm việc với người dân 3 xóm Nam Phong, Nguyệt Bổng, Nam Thượng (các xóm có học sinh học tại điểm trường lẻ Thanh Nam), lắng nghe các tâm tư, nguyện vọng, đề xuất.

bna_12.jpg
Các phòng học đã xuống cấp tại điểm trường Thanh Nam. Ảnh: Mỹ Hà

Cũng tại cuộc họp, xã đã thống nhất trong tháng 4/2024 - thời điểm dự kiến các công trình xây dựng tại điểm trường chính hoàn thành - 100% học sinh điểm trường Thanh Nam chuyển về học tại điểm chính. Các biên bản cũng ghi rõ phụ huynh nhất trí với chủ trương này.

Trước đó, khảo sát đánh giá cho thấy, điểm trường lẻ Thanh Nam đã xuống cấp nghiêm trọng vì đã được xây dựng từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước. Qua hơn 40 năm sử dụng, nhiều hạng mục đã hư hỏng, mối mọt và đang phải gia cố tạm thời. Không gian trong các lớp học ẩm mốc, thiếu ánh sáng và ẩm thấp, không đảm bảo việc dạy học.

Để chuẩn bị đón học sinh về điểm trường chính, từ tháng 7/2023, UBND huyện, UBND xã Ngọc Sơn đã tập trung nguồn lực đầu tư, huy động nguồn vận động tài trợ xã hội hóa giáo dục để nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học. Qua đó, đã xây mới 6 phòng học, sân, bờ rào, cổng trường, cải tạo nâng cấp văn phòng, 5 phòng chức năng; mua mới 30 máy vi tính, 11 ti vi, 70 bộ bàn ghế …

Trước khi học sinh về điểm trường chính, từ nguồn tài trợ, UBND huyện Thanh Chương cũng ưu tiên đầu tư xây dựng sân cỏ nhân tạo cho học sinh của Trường Tiểu học Ngọc Sơn. Tổng giá trị đầu tư cho các dự án này hơn 8,8 tỷ đồng.

a1c418552e3f8061d92e.jpg
Trường Tiểu học Ngọc Sơn nằm trên cùng trục đường với Trường THCS và trường mầm non xã Ngọc Sơn. Ảnh: Mỹ Hà

Điểm trường chính của Trường Tiểu học Ngọc Sơn nằm trong quy hoạch vùng trung tâm giáo dục của cả xã, liền kề với trường THCS và trường mầm non. Trước đó, từ đầu năm học này, xã Ngọc Sơn cũng đã thực hiện sáp nhập điểm trường mầm non Thanh Nam về điểm trường chính và được phụ huynh đồng tình, ủng hộ, thực hiện nghiêm túc.

Sau khi công trình hoàn thành, ngày 8/4, Trường Tiểu học Ngọc Sơn cũng đã tổ chức cuộc họp phụ huynh với toàn bộ phụ huynh 5 lớp ở điểm trường Thanh Nam, thông qua chủ trương và bàn kế hoạch chuyển về điểm trường chính. Ngày 10/4, việc sáp nhập chính thức được thực hiện.

Từ đó đến nay, việc dạy và học cho học sinh ở điểm trường chính được thực hiện bình thường. Dự kiến cuối tuần này, Trường Tiểu học Ngọc Sơn sẽ tổ chức giải bóng đá tại sân bóng cỏ nhân tạo cho học sinh lớp 5, chào mừng ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 và ngày Quốc tế Lao động 1/5.

Tạo môi trường học tập tốt nhất cho học trò

Liên quan đến việc chuyển học sinh về điểm trường chính, qua tổng hợp của nhà trường, đến sáng 15/4, trong số 152 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 ở điểm trường Thanh Nam đã có 124 học sinh về học bình thường (có 4 học sinh nghỉ học với lý do sức khỏe). Còn lại có 28 học sinh chưa đi học do nhiều phụ huynh phản đối với lý do như đường xa. Phụ huynh cũng mong muốn được lưu lại ngôi trường cũ vì đây là ngôi trường đã xây dựng lâu đời và có nhiều thế hệ học sinh của xã đã học tập.

IMG_0003.JPG
Học sinh lớp 1C- điểm trường Thanh Nam đã chuyển về điểm trường chính, trong các phòng học khang trang, hiện đại. Ảnh: Mỹ Hà

Sáng 12/4 và 15/4, một số phụ huynh đã đưa các học sinh xuống phòng Tiếp dân của UBND tỉnh để phản đối việc sáp nhập học sinh về điểm chính.

Về các vấn đề phụ huynh phản ánh, ông Thái Văn An - Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn cho biết: Khoảng cách từ các xóm Nam Phong, Nguyệt Bổng, Nam Thượng đến điểm trường chính xa nhất chỉ 3km, gần hơn so với nhiều xóm khác trong xã. Việc di chuyển cũng dễ dàng vì ngoài đường Quốc lộ 46 thì còn 3 trục đường bê tông khác trong xóm thuận lợi cho phụ huynh đưa con đi học.

bna_22.jpg
Sau 4 ngày sáp nhập, một số lớp học sinh vẫn chưa đến trường. Ảnh: Mỹ Hà

Chúng tôi cũng nhận thấy, việc phản đối của phụ huynh là chưa thỏa đáng vì thực tế, trước khi vào lớp 1, phụ huynh có con 5 tuổi đã đi trên cung đường này để đưa con đi học ở trường mầm non. Việc đi lại hoàn toàn thuận tiện, đảm bảo an toàn.

Việc đưa học sinh về điểm trường chính ngoài tạo điều kiện có môi trường học tập tốt cho học sinh thì UBND xã Ngọc Sơn cũng có điều kiện để mở rộng diện tích trụ sở xã, thay cho phần diện tích quá chật chội hiện nay. Ngoài ra, một phần diện tích cũ của trụ sở cũ sẽ được dùng để xây dựng nhà văn hóa xóm Nam Thượng do nhà văn hóa cũ đã xuống cấp và diện tích không đảm bảo.

ông Thái Văn An - Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn

a4f3d09de7f749a910e6.jpg
Trụ sở UBND xã Ngọc Sơn đã xuống cấp, không đủ diện tích để quy hoạch xây dựng theo Chương trình nông thôn mới. Sau khi chuyển học sinh về điểm trường chính, xã dự kiến mở rộng một phần diện tích sang điểm trường Thanh Nam. Một phần diện tích còn lại của trường sẽ xây dựng nhà văn hóa xóm. Ảnh: Mỹ Hà

Có mặt tại điểm trường chính của Trường Tiểu học xã Ngọc Sơn trong ngày 15/4, theo ghi nhận, việc dạy và học của nhà trường vẫn diễn ra bình thường.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà – chủ nhiệm lớp 2C cho biết: Lớp còn 4 em chưa đi học. Những ngày qua, tôi vẫn cập nhật nội dung bài học và bài tập về nhà cho học sinh lên nhóm phụ huynh của lớp nhưng phụ huynh của 4 em này hầu như không tương tác. Có phụ huynh lại nói rằng có đưa con đến điểm trường cũ nhưng không có giáo viên đến dạy. Thấy học sinh nghỉ học dài ngày, tôi rất lo lắng cho các em vì lực học của các em này chủ yếu ở mức trung bình khá. Trong khi đó, thời điểm này đang là cuối học kỳ và có rất nhiều tiết luyện tập để rèn kỹ năng làm bài của các em.

bna_33.jpg
Thầy giáo Lưu Viết Tuyết - chủ nhiệm lớp 5C lo lắng khi đã cuối năm học nhưng nhiều học sinh vẫn chưa đến trường. Ảnh: Mỹ Hà

Tại lớp 5C, hiện có 22/31 học sinh đến lớp. Các em học sinh đi học tại điểm trường đều rất vui vì được học chung với các bạn, trường học khang trang, sạch đẹp, thoáng mát.

Thầy giáo Lưu Viết Tuyết – chủ nhiệm lớp 5C bày tỏ lo lắng khi hiện nay đã bước sang tuần 31 và chỉ một thời gian ngắn nữa học sinh lớp 5 sẽ thi khảo sát cuối kỳ. "Đây là giai đoạn nước rút và nếu gián đoạn việc học sẽ ảnh hưởng đến việc tiếp thu bài của các em".

Khi sáp nhập về điểm trường chính, điều mong muốn lớn nhất của chúng tôi là để các em có môi trường học tập tốt hơn, các em được đảm bảo an toàn, nhất là mùa mưa bão. Sau khi sáp nhập, theo lộ trình trong năm nay chúng tôi cũng sẽ hoàn thành thủ tục để công nhận trường chuẩn quốc gia. Đây là mong mỏi bấy lâu nay của người dân trên địa bàn vì hiện nay toàn huyện chỉ còn 4 trường tiểu học chưa được công nhận trường chuẩn.

ÔNG Bùi Xuân Ân – Hiệu trưởng TRƯỜNG TIỂU HỌC NGỌC SƠN

bna_44.jpg
Trường Tiểu học Ngọc Sơn là một trong số ít trường tiểu học trên địa bàn huyện Thanh Chương được đầu tư sân bóng cỏ nhân tạo. Ảnh: Mỹ Hà
bna_5.jpg
Về điểm trường chính, học sinh có điều kiện học Tin học, Ngoại ngữ trong các phòng học được đầu tư đầy đủ máy móc hiện đại. Trong khi đó, ở điểm trường cũ chỉ trang bị 3 máy vi tính, học sinh phải luân phiên nhau học. Ảnh: Mỹ Hà

Việc sáp nhập điểm trường, sáp nhập trường là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo môi trường tốt nhất cho con trẻ. Đây cũng là chủ trương của huyện, của xã đã được thông qua và được đại đa số người dân ủng hộ. Nếu phản đối việc sáp nhập, không cho học sinh đến trường là vi phạm quyền trẻ em, quyền được giáo dục, được học tập của trẻ em.

ông Trình Văn Nhã – Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương

Được biết, trong năm học này, ngoài sáp nhập điểm trường Tiểu học Thanh Nam, huyện Thanh Chương cũng đã sáp nhập thêm 4 điểm trường khác, trong đó có 3 điểm trường tiểu học và 1 điểm trường mầm non của xã Ngọc Sơn.

Trên toàn huyện, thực hiện Nghị quyết 09-NQ/HU của Ban chấp hành Đảng bộ huyện và Đề án 2119/ĐA-UBND của UBND huyện về “Quy hoạch mạng lưới trường lớp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và xây dựng trường chuẩn quốc gia, giai đoạn 2021- 2025”, từ đầu nhiệm kỳ đến nay toàn huyện đã sáp nhập được 12 trường và 10 điểm trường lẻ.

Trong đó có những điểm trường lẻ rất khó khăn, các em học sinh phải đi 5-6 km để đến trường như điểm trường Xuân Sơn của Trường Tiểu học Đặng Thai Mai; điểm trường Bản Muỗng, điểm trường Nhạn Pá, điểm trường Bản Hiển của Trường Tiểu học Hương Tiến; điểm trường Chà Coong của trường Tiểu học Kim Lâm.

Xác định rõ mục tiêu sáp nhập trường, điểm trường là để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho con em mình nên thời gian qua, cán bộ, đảng viên, nhân dân, phụ huynh học sinh luôn đồng tình, hưởng ứng. Đến nay, các trường, điểm trường sau sáp nhập đã nhanh chóng ổn định công tác dạy và học.

Mới nhất

x
Sáp nhập trường lớp ở huyện Thanh Chương: Trao cơ hội học tập tốt nhất cho học trò
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO