Sáp nhập văn phòng UBND, HĐND, Đoàn ĐBQH: Làm sao để vẹn cả đôi đường?

Thanh Trường 23/07/2019 10:11

Trong quá trình thí điểm hợp nhất 3 văn phòng UBND, HĐND và Đoàn ĐBQH tại các địa phương đã nảy sinh một số bất cập.

Một trong những nội dung được Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp thứ 35 vừa qua là dDự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Tại phiên thảo luận, theo các đại biểu, trong quá trình thực hiện thí điểm hợp nhất 3 văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND ở một số địa phương đã nảy sinh các bất cập cần được nghiên cứu thấu đáo trước khi triển khai diện rộng.

Nhiều ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc hợp nhất 3 văn phòng mới thí điểm ở 12 tỉnh, thành trong thời gian ngắn nhưng cũng đã cho thấy có nhiều vấn đề nảy sinh.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, nếu sáp nhập 3 văn phòng thì đơn vị vừa trình vấn đề của Ủy ban nhân dân, vừa trình báo cáo thẩm tra của Hội đồng nhân dân. Ông Hiển ví von “văn phòng như cái cổ, giờ một cổ phụ hai đầu, không biết ngoái kiểu nào”. Do vậy, phương án sắp xếp này cần phải xem xét thấu đáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình cũng băn khoăn, không biết lãnh đạo HĐND, Đoàn ĐBQH và UBND sẽ chỉ đạo văn phòng theo cơ chế nào khi 3 văn phòng hợp nhất.

Ông Vũ Mão - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Bình luận về các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện thí điểm việc sáp nhập 3 văn phòng ở các địa phương, ông Vũ Mão - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, chúng ta phải có trách nhiệm tổng kết lại ưu điểm, nhược điểm của các mô hình khác nhau, từ đó nghiên cứu kỹ để đưa ra phương án hợp lý nhất.

“Khi nhập lại, thấy không ổn phải tách ra, tách ra để đúng theo chức năng, nhiệm vụ. Văn phòng của Đoàn ĐBQH và văn phòng của HĐND cũng có lúc tách, có lúc nhập, nhập vào thì thấy không ổn, một bên là văn phòng Đoàn ĐBQH phục vụ cho Quốc hội, Nhà nước; một bên là văn phòng HĐND phục vụ cho địa phương; có những tính chất, nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn khác nhau. Tôi đề nghị phải tổng kết lại, nghiên cứu kỹ để đưa ra phương án hợp lý nhất”, ông Vũ Mão nhận định.

Đây là lần thứ 3 tách nhập và cứ mỗi lần tách nhập lại thay đổi các con dấu và nhiều phiền toái khác cũng như nhiều hệ lụy khác. Theo ông Vũ Mão, việc thay đổi nhiều lần như vậy nói lên rằng, người lãnh đạo mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn phải có những nhận thức, quan điểm và tư duy khác nhau: “Tôi đề nghị các cơ quan có trách nhiệm nên mở rộng cho nhân dân được tham gia ý kiến vì vấn đề này ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân dân, kể cả vấn đề nhập xã cũng phải hết sức thận trọng”.

Đề cập đến những lợi ích và bất cập nếu chỉ có một phương án: hoặc là sáp nhập cả 3 văn phòng hoặc là sáp nhập văn phòng HĐND, Đoàn ĐBQH, giữ nguyên văn phòng UBND; hoặc là giữ nguyên cả 3 văn phòng, dựa trên nghiên cứu thực tiễn và qua kinh nghiệm nhiều năm, ông Vũ Mão cho rằng, nên giữ nguyên cả 3 văn phòng. Vấn đề ở đây là phải làm cho tinh gọn lại, thay vì sáp nhập quá cồng kềnh thì mỗi văn phòng cần gọn lại và làm đúng chức năng, phải tinh giản cơ cấu sao cho hợp lý cả về mặt tổ chức lẫn nhân sự và phải có hiệu quả.

“Rõ ràng, qua các Nghị quyết của Trung ương đã tổng kết hàng chục năm vừa qua, chúng ta đã trải qua nhiều lần tách, nhập. Trên thực tế, có những căn cứ khoa học, thực tiễn cũng như lý luận nhất định thì Trung ương mới gợi mở giải pháp như vậy. Tuy nhiên, cần tránh tư tưởng “trên bảo nhập thì ta cứ nhập” mà phải dựa vào thực tiễn và thảo luận sao cho phù hợp. Hội nghị Ban chấp hành Trung ương đã đưa ra những vấn đề như vậy nhưng trong thực tiễn, trong thảo luận thấy có vấn đề cần phải báo cáo, trình bày để xem xét một cách thận trọng. Chúng ta phải nói đúng thực trạng, đúng quan điểm, tư tưởng một cách khoa học, có nghiên cứu đầy đủ”, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định.

Về việc tổng kết thực tiễn khi thí điểm, thực hiện một cách khoa học, bài bản để đảm bảo tính ổn định và mang tính hệ thống, không xảy ra tình trạng sáp nhập rồi lại tách ra, rồi lại sáp nhập như thời gian vừa qua, ông Vũ Mão đưa ra giải pháp: “Phải nhìn lại ít nhất là 40 năm hoặc 50 năm vừa qua, các mô hình tổ chức của chúng ta về văn phòng diễn biến như thế nào, lập luận của mỗi thời kỳ như thế nào, so với thực tiễn hiện nay có ưu điểm, nhược điểm gì để trên cơ sở đó tìm rõ nguyên nhân và đưa ra các giải pháp. Đồng thời, chúng ta cũng phải đưa ra những kinh nghiệm của các nước trên thế giới để từ đó rút ra thảo luận”, ông Vũ Mão thẳng thắn đưa ra đề xuất dựa trên kinh nghiệm sau nhiều năm công tác.

Theo vov.vn
Copy Link
Sáp nhập văn phòng UBND, HĐND, Đoàn ĐBQH: Làm sao để vẹn cả đôi đường?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO