Sắp xét xử vụ ông Trần Bắc Hà thao túng vay 3.100 tỷ đồng

Phạm Dự 25/10/2020 14:44

Ông Trần Bắc Hà - cựu Chủ tịch HĐQT BIDV, bị cáo buộc lập công ty "sân sau" thực hiện dự án chăn nuôi bò, thao túng việc vay trái quy định hơn 3.000 tỷ đồng.

Dự kiến 10 ngày liên tục từ 26/10, TAND Hà Nội xét xử sơ thẩm 12 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Thẩm phán Vũ Quang Huy làm chủ tọa.

Hơn 40 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. HĐXX cũng triệu tập đại diện UBND tỉnh Hà Tĩnh, Hội đồng tín dụng Trung ương và gần 100 cá nhân, tổ chức liên quan. Ông Trần Bắc Hà có vai trò quan trọng, xuyên suốt vụ án, song chết tại trại tạm giam do bệnh lý nên được đình chỉ điều tra.

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, đầu năm 2015, ông Hà gửi nhiều văn bản đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị hỗ trợ đầu tư dự án chăn nuôi bò ứng dụng công nghệ cao, cam kết BIDV sẽ tài trợ vốn và giới thiệu 2 nhà đầu tư có kinh nghiệm hỗ trợ là Công ty An Phú và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.

Tuy nhiên, Công ty An Phú do Trần Duy Tùng (con trai ông Hà, đang trốn truy nã) là tổng giám đốc nên theo quy định BIDV không được cấp tín dụng cho công ty này. Ông Hà vì thế chủ trương thành lập Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà, vốn điều lệ 200 tỷ đồng làm "sân sau". 2 trong số 3 cổ đông của Bình Hà chỉ đứng tên để góp vốn thay cho Trần Duy Tùng, người còn lại do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai giới thiệu. Tùng bị cáo buộc là trực tiếp điều hành chỉ đạo mọi hoạt động của công ty này.

Tháng 4/2015, ông Đinh Văn Dũng - Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà do Tùng "dựng" lên ký công văn đề nghị BIDV cung cấp vốn tín dụng cho dự án đầu tư chăn nuôi bò với quy mô 150.000 con 1 năm, tổng mức đầu tư 4.230 tỷ đồng tại huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Một góc dự án nuôi bò của công ty Bình Hà ở Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng.
Một góc dự án nuôi bò của Công ty Bình Hà ở tĩnh Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng.

Cáo trạng xác định, ông Hà ký quyết định tài trợ vốn cho Công ty Bình Hà để thực hiện dự án với tổng giá trị cho vay hơn 3.100 tỷ đồng. Bình Hà không đủ điều kiện để được cấp tín dụng nhưng quá trình thực hiện hợp đồng và giải ngân, BIDV hội sở và BIDV chi nhánh Hà Tĩnh đã 8 lần sửa đổi điều kiện cấp tín dụng theo hướng bỏ qua một số quy định hoặc nới lỏng điều kiện.

Từ 2015 đến tháng 11/2018, BIDV chi nhánh Hà Tĩnh giải ngân cho Bình Hà vay hơn 2.600 tỷ đồng. Quá trình giải ngân, BIDV không kiểm soát được dòng tiền có được sau kinh doanh để các cổ đông của Bình Hà sử dụng vốn vay không đúng mục đích, thông qua các nhà thầu chiếm đoạt và chiếm dụng tiền giải ngân, nhà chức trách cáo buộc.

Kể từ khi Công ty Bình Hà thực hiện dự án, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty lỗ lũy kế tổng cộng hơn 900 tỷ đồng. Tính đến thời điểm khởi tố vụ án hình sự (tháng 11/2018) thì tổng dư nợ gốc còn hơn 1.200 tỷ đồng. Tổng dư nợ tại BIDV không có khả năng thu hồi là gần 800 tỷ đồng.

Một góc dự án nuôi bò của công ty Bình Hà ở Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng.
Một góc dự án nuôi bò của Công ty Bình Hà ở tĩnh Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng.

Kết quả điều tra xác định quá trình cấp vốn cho Bình Hà, nhiều cấp dưới khai biết sai phạm nhưng bị ông Hà thúc ép nên đành phải chấp nhận thực hiện. Bị can Trần Lục Lang - cựu Phó Tổng Giám đốc phụ trách ban quản lý rủi ro tín dụng BIDV, từng thấy Bình Hà không đủ điều kiện về năng lực tài chính cũng như phương án chăn nuôi bò không có tính khả thi, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khi đề xuất, ông Lang đã yêu cầu doanh nghiệp bổ sung vốn tự có và tài sản đảm bảo nhưng không được ông Hà đồng ý. Bởi vậy, ông Lang đành phải ký các văn bản chỉ đạo chi nhánh cho vay, giải ngân, sửa đổi 8 lần điều kiện cấp tín dụng cho Bình Hà.

Ông Lang khai ban đầu chỉ biết Bình Hà là sản phẩm liên danh của Công ty An Phú và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Đến giữa năm 2018, ông Lang mới biết đây là công ty sân sau của ông Hà dùng để xin cấp phép đầu tư, vay vốn và thực hiện dự án.

Bị can Đoàn Ánh Sáng - cựu Phó Tổng Giám đốc phụ trách khách hàng doanh nghiệp thừa nhận việc ký phê duyệt các quyết định đã trái quy định của BIDV nhưng do ông Hà nhiều lần thúc ép và chỉ đạo ráo riết nên buộc phải ký. Sau này khi Công an tỉnh Hà Tĩnh điều tra về dự án chăn nuôi bò, ông Sáng mới biết Bình Hà và dự án chăn nuôi bò là "sân sau" của cựu Chủ tịch BIDV.

Khi dự án chăn nuôi bò của Bình Hà bắt đầu đổ vỡ, ông Sáng và ông Phan Đức Tú (Tổng Giám đốc BIDV, nay là Chủ tịch HĐQT) đã yêu cầu ông Hà phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả và hoàn trả tiền cho BIDV. Thấy vậy, ông Hà đề nghị BIDV cho tái cơ cấu lại khoản vay của Công ty Bình Hà thêm vài năm, ân hạn lãi suất và thời hạn trả nợ. Khi đó, ông Hà sẽ lấy doanh thu từ hoạt động đầu tư nông nghiệp tại Lào và Campuchia để trả nợ cho BIDV khoảng 200 tỷ đồng 1 năm, đến khi hết dư nợ. Hành vi của ông Sáng bị cáo buộc gây thiệt hại cho BIDV gần 800 tỷ đồng.

Như 2 Phó Tổng Giám đốc BIDV, bị can Kiều Đình Hòa, Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh, khai đã chưa mạnh dạn từ chối cho Bình Hà vay vốn nên đã có những đề xuất và giải ngân sai quy định.

Về quy trình vay vốn, ông Hòa khai Hội sở tiếp nhận khách hàng là Công ty Bình Hà sau đó mới giới thiệu xuống chi nhánh Hà Tĩnh để liên hệ làm thủ tục vay vốn. Quá trình giải ngân chi nhánh phát hiện một số vướng mắc của Bình Hà, không đáp ứng đủ các điều kiện theo ủy nhiệm nên ngừng giải ngân. Công ty Bình Hà sau đó phản ứng, gửi đơn lên Chủ tịch Hà. Vì việc này, ông Hà yêu cầu cách chức Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh.

Biết Công ty Bình Hà không đủ điều kiện để phê duyệt cho vay, ông Hòa với vai trò là Phó Tổ thẩm định vẫn ký công văn và tờ trình đề nghị BIDV Hội sở 8 lần sửa đổi điều kiện cấp tín dụng đối với dự án. Quá trình giải ngân vốn, ông Hòa đã không yêu cầu Bình Hà thực hiện đầy đủ các điều kiện như Hội sở chính đã phê duyệt dẫn đến việc các cổ đông của công ty này chiếm đoạt tiền giải ngân để sử dụng vào mục đích cá nhân, gây thiệt hại cho BIDV gần 800 tỷ đồng, VKSND Tối cao nêu.

Về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tiền bán bò thịt của bị can Đinh Văn Dũng và đồng phạm, cáo trạng xác định, tiền bán bò thu về từ các công ty môi giới và lò mổ phải chuyển về tài khoản của Bình Hà tại BIDV chi nhánh Hà Tĩnh để ngân hàng kiểm soát và đối trừ công nợ. Do không có tiền góp vốn nên theo sự chỉ đạo của Trần Duy Tùng, các bị can Đinh Văn Dũng, Trần Quang Anh và Thái Thành Vinh đã chiếm đoạt tiền bán bò để chi tiêu cá nhân và góp vốn chứng minh vốn đối ứng để BIDV tiếp tục giải ngân vốn vay. Các bị can bị cáo buộc đã chiếm đoạt của BIDV gần 150 tỷ đồng, song quá trình điều tra đã khắc phục 128 tỷ đồng.

8 người bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng", theo Khoản 4, Điều 206, Bộ luật Hình sự 2015, gồm: Trần Lục Lang (53 tuổi, cựu Phó Tổng Giám đốc BIDV phụ trách quản lý rủi ro), Đoàn Ánh Sáng (59 tuổi, cựu Phó Tổng Giám đốc BIDV phụ trách khách hàng doanh nghiệp), Kiều Đình Hòa (59 tuổi, cựu Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh), Lê Thị Vân Anh (36 tuổi, cựu Trưởng phòng khách hàng BIDV chi nhánh Hà Tĩnh), Ngô Duy Chính (57 tuổi, cựu Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành), Nguyễn Xuân Giáp (46 tuổi, cựu Phó Giám đốc BIDV Hà Thành), Phạm Hồng Quang (41 tuổi, cựu Trưởng phòng khách hàng BIDV Hà Thành), Đặng Thanh Nam (39 tuổi, cựu cán bộ BIDV Hà Thành).

4 bị can bị truy tố về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", theo Khoản 4, Điều 175: Trần Anh Quang (38 tuổi, cựu Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà), Đinh Văn Dũng (55 tuổi, cựu Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà), Đoàn Hồng Dũng (59 tuổi, cựu Giám đốc Công ty Trung Dũng), Nguyễn Thị Thanh Sơn (57 tuổi, thành viên góp vốn Công ty Trung Dũng).


Theo vnexpress.net
Copy Link
Mới nhất
x
Sắp xét xử vụ ông Trần Bắc Hà thao túng vay 3.100 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO