Sau 2 năm phát triển thương mại điện tử

16/07/2014 18:37

(Baonghean) - Mới đưa vào ứng dụng cách đây không lâu nhưng thương mại điện tử (TMĐT) đã làm thay đổi rõ rệt cách tiêu dùng truyền thống cũng như mang lại hiệu quả cho DN ở các khâu quảng bá sản phẩm, giảm chi phí tiếp thị, tăng sức cạnh tranh… Tuy nhiên, các doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An mới triển khai ứng dụng chủ yếu ở cấp độ cơ bản, sử dụng website để giới thiệu thông tin, tìm kiếm khách hàng qua mạng; liên hệ với khách hàng bằng email.

Công ty Xăng dầu Nghệ An là một trong những đơn vị tiên phong đã gặt hái được nhiều thành công nhờ việc ứng dụng TMĐT bán hàng online. Ông Đinh Viết Hoàng - Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu Nghệ An chia sẻ: “Gian hàng của công ty trên Sàn Giao dịch thương mại điện tử tỉnh Nghệ An bắt đầu hoạt động từ tháng 11/2012, hiện chúng tôi đang giới thiệu hơn 60 sản phẩm các loại, từ các mặt hàng dầu, mỡ nhờn, nước giặt cao cấp, gas, bếp gas… Sau hơn một năm rưỡi đi vào hoạt động, gian hàng đã có 42.000 lượt người truy cập, riêng lượng tiêu thụ sản phẩm dầu nhờn tăng hơn 30%, gas tăng hơn 10%, các sản phẩm khác cũng có xu hướng tăng so với cùng kỳ các năm trước”.

Nhận thức được thế mạnh của TMĐT, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đang từng bước tiếp cận. Ông Phạm Việt Phú - Giám đốc Công ty Thương mại & Dịch vụ Phú Minh (chuyên kinh doanh thảm trải sàn, hoa lụa, hoa cao su, hoa thủy sinh) cho hay: “Công ty chúng tôi đã có website từ đầu năm 2010, tuy nhiên nó chỉ đơn thuần là trang web để giới thiệu về Công ty và sản phẩm kinh doanh. Sắp tới, tôi đang có kế hoạch xây dựng website TMĐT để mặt hàng của công ty được biết đến rộng rãi hơn trên cả nước, giúp khách hàng có thể mua hàng trực tiếp từ công ty mà không qua khâu trung gian, cũng vừa tiết kiệm chi phí cho công ty vì không cần mở nhiều đại lý”. Cũng theo ông Phú, việc đầu tư xây dựng kênh quảng cáo này khá đơn giản, ngoài “phần cứng” DN phải trả ban đầu như chi phí thiết kế trang web, xây dựng tên miền, thuê hotting khoảng 3,5 - 4 triệu đồng, nếu tính toán giữa phí duy trì mỗi tháng thuê nhân viên quản lý hoạt động gian hàng trên sàn với tiền thuê nhân viên đi làm thị trường thì rẻ hơn mà hiệu quả kinh tế lại cao hơn… Với những ưu điểm vượt trội như vậy nên gần đây, lượng website của các DN tham gia mua bán, trao đổi trên mạng và các sàn giao dịch TMĐT ngày càng tăng, đặc biệt là các DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại…

Sàn giao dịch TMĐT Nghệ An giúp cộng đồng doanh nghiệp có một môi trường giao dịch trực tuyến.
Sàn giao dịch TMĐT Nghệ An giúp cộng đồng doanh nghiệp có một môi trường giao dịch trực tuyến.

So với nhiều tỉnh, thành khác, TMĐT ở tỉnh ta “sinh sau đẻ muộn”, mới chính thức được chú trọng từ năm 2010, khi có Quyết định 1703 QĐ/TTg ngày 12/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011- 2015. Năm 2011, toàn tỉnh có 197 trang điện tử trên internet, trong đó có 36 trang tin điện tử của các sở, ban, ngành địa phương và 161 trang của các DN giới thiệu quảng bá sản phẩm. 80% DN đã trang bị ít nhất một máy vi tính cho ứng dụng CNTT. Phần lớn các DN đã nhận thức được tầm quan trọng của TMĐT nhưng chưa có kế hoạch triển khai cụ thể và mạnh dạn đầu tư. Các giao dịch TMĐT qua mạng dạng DN với DN, DN với khách hàng, DN với cơ quan Nhà nước; giao dịch giữa các cá nhân với nhau, cơ quan Nhà nước với cá nhân đã hoạt động nhưng còn sơ khai.

Mặt khác, việc sử dụng internets để trao đổi TMĐT còn nhiều hạn chế, chưa mang tính chuyên nghiệp, thông tin chậm được cập nhật, phương thức thanh toán qua mạng còn gây nhiều khó khăn cho khách hàng và tính an toan bảo mật chưa cao… Thực hiện Quyết định số 1796/QĐ-UBND ngày 23/5/2011 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011-2015, Sàn Giao dịch thương mại điện tử tỉnh Nghệ An đã chính thức khai trương ngày 19/11/2012 tại địa chỉ www.ecna.vn. Tính đến tháng 7/2014, trên sàn đã có 147 gian hàng của 112 doanh nghiệp, 20 hộ kinh doanh cá thể và một số tổ chức tham gia, với lượng truy cập 1,66 triệu lượt. Một số DN tiên phong ứng dụng TMĐT bán hàng và cung cấp dịch vụ trực tuyến theo hình thức DN với khách hàng khá hiệu quả, như trang web của Công ty TNHH Ngôi nhà xanh, Công ty cổ phần Thương mại Thủy Ngân, Cửa hàng hoa Đức Hạnh - Hồng Lê...

Để giúp các doanh nghiệp tổ chức hoạt động trang web hiệu quả, thu hút lượng khách truy cập tìm hiểu thông tin, định kỳ hằng năm Sở Công Thương đều tổ chức các khóa tập huấn, trang bị kiến thức, cập nhật những thông tin mới có liên quan trên sàn giao dịch. Đặc biệt tháng 5 vừa qua, Sở Công Thương đã tổ chức tập huấn “Kỹ năng ứng dụng TMĐT” cho 50 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu ứng dụng TMĐT thông qua kỹ năng thực hành trực tiếp trên máy tính. Các DN đã được giảng viên của Cục TMĐT & CNTT giới thiệu, hướng dẫn các bước để xây dựng website thương mại điện tử; Kỹ năng quản trị website như cách thức quản trị thông tin, đơn hàng trên website TMĐT. Đồng thời, Ban Quản trị sàn giao dịch thương mại điện tử Nghệ An cũng đã hướng dẫn một số kỹ năng cơ bản thiết kế xây dựng các hình ảnh sản phẩm, hình ảnh doanh nghiệp, công cụ hỗ trợ marketing cho website. Các học viên được hướng dẫn thiết lập và quản trị gian hàng trên Sàn Giao dịch TMĐT Nghệ An…

Theo ông Nguyễn Xuân Thanh - Phó phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Công Thương: Sau gần 2 năm triển khai, đến nay một số DN đã từng bước sử dụng internet, tham gia TMĐT và thu được những kết quả khả quan. Năm 2012, Nghệ An đạt 56/100 điểm, năm 2013 đạt 59,6/100 điểm đứng thứ 13/47 tỉnh, thành về chỉ số xếp hạng ICT INDEX - chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin của các địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều DN chưa khai thác hết hiệu quả của hình thức này, một số trang web được lập rồi để “mốc meo” cũng không phải là trường hợp hiếm thấy. Nguyên nhân là do nguồn nhân lực dành cho TMĐT tại các DN chưa đồng đều, không có nhân lực để thường xuyên cập nhật thông tin sản phẩm và “chăm sóc” website của mình.

Bên cạnh đó, các website vẫn chỉ dừng ở mức cung cấp thông tin sản phẩm, giá cả, chưa tích hợp được chức năng thanh toán trực tuyến nên chưa phát huy hết tiện ích của TMĐT. Theo quy định, nếu gian hàng đăng ký sau 3 tháng không cập nhật thông tin sản phẩm hoặc vi phạm một số quy chế sẽ bị Ban Quản trị tạm dừng hoạt động, sau thời gian 2 tháng nếu không có thay đổi sẽ xóa gian hàng. Thời gian tới sẽ tiếp tục sàng lọc, không nhất thiết phát triển ồ ạt để không làm ảnh hưởng uy tín của Sàn Giao dịch TMĐT và những DN tham gia sàn.

Mục tiêu phát triển TMĐT của tỉnh đến năm 2015, các DN lớn tiến hành giao dịch TMĐT, loại hình DN với DN trong đó thúc đẩy 100% DN sử dụng thường xuyên thư điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; 90% DN có trang thông tin điện tử, cập nhật định kỳ thông tin hoạt động và quảng bá DN; 80% DN tham gia các trang website để mua bán sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan đến hoạt động SXKD của DN; 25% DN ứng dụng các phần mềm chuyên dụng trong hoạt động quản lý. Thúc đẩy các DN nhỏ và vừa tiến hành giao dịch thương mại điện tử loại hình DN với người tiêu dùng, DN với DN...

Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với các tổ chức đơn vị liên quan thực hiện tốt kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2011 - 2015 đã được UBND tỉnh phê duyệt; đồng thời tham mưu xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, từ nay đến năm 2020, tập trung xây dựng hệ thống thương mại điện tử quốc gia rộng rãi và tiến hành áp dụng hình thức thanh toán bằng thẻ một cách phổ biến nhằm phát triển giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng; áp dụng phổ biến việc chứng thực chữ ký số để bảo đảm an toàn, bảo mật trong các giao dịch thương mại điện tử; sử dụng hầu hết các tiêu chuẩn trao đổi thông tin dữ liệu trong các giao dịch giữa các doanh nghiệp. Kinh phí thực hiện chương trình cho giai đoạn 2014 - 2020 khoảng 450 tỷ đồng.

Triển khai thực hiện được gần 2 năm, song TMĐT vẫn đang là một lĩnh vực khá mới mẻ không chỉ riêng các doanh nghiệp, cá thể kinh doanh mà còn với hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh nhà. Nhận thức của họ về TMĐT khá hẹp, thói quen giao dịch truyền thống (đến tận nơi) dẫn đến chưa thật sự mạnh dạn ứng dụng TMĐT vào hoạt động kinh doanh, mua - bán… Hy vọng cùng với chính sách hỗ trợ đắc lực của Nhà nước, sự phối hợp triển khai đồng bộ, tích cực của các đơn vị và hơn hết là tầm nhìn xa của mỗi doanh nghiệp, tổ chức thì TMĐT sẽ là công cụ hữu hiệu góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm cơ hội giao thương, cạnh tranh lành mạnh. Từ đó đóng góp đáng kể trong việc thúc đẩy các thành phần kinh tế của tỉnh nhà ngày một phát triển.

Anh Ngọc

Mới nhất
x
Sau 2 năm phát triển thương mại điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO