Scotland - tâm điểm của làn sóng ly khai tại châu Âu

13/09/2014 18:10

(Baonghean.vn) - Một tuần trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về một Scotland độc lập vào ngày 18/09, một cuộc khảo sát mới của viện nghiên cứu YouGov lại cho kết quả lá phiếu "không" dẫn đầu, tờ The Times và The Sun đưa tin ngày 11/09.

Một tấm áp-phích kêu gọi bỏ phiếu phản đối Scotland độc lập, gần biên giới Anh.
Một tấm áp-phích kêu gọi bỏ phiếu phản đối Scotland độc lập, gần biên giới Anh.

Theo kết quả cuộc khảo sát lần này, 52% cử tri Scotland, được phỏng vấn trong khoảng từ ngày 9 đến ngày 11/09, mong muốn Scotland tiếp tục là một phần của vương quốc Anh thống nhất. Trong khi chỉ vài ngày trước đó, phiếu bầu "có" cho một Scotland độc lập chiếm đa số trong một cuộc khảo sát tương tự.

Tỉ lệ phiếu "có" vẫn khá cao, 48%, tức cao hơn 10 điểm so với kết quả khảo sát hồi đầu tháng 8. Viễn cảnh Scotland tự trị đã khơi dậy một cơn sóng gió trong giới chính trị và thị trường tài chính Anh. Thủ tướng Anh David Cameron thậm chí đã phải viện đến chiêu bài tình cảm khi tuyên bố tình yêu của mình dành cho Scotland trước 4 triệu cử tri vào thứ 4 ngày 10/09 tại Edimbourg.

Tuy nhiên có lẽ người Scotland không thay đổi ý kiến vì bài phát biểu của ngài Thủ tướng, mà vì những lý do khác, ví dụ như tuyên bố dời trụ sở đến Anh nếu Scotland độc lập của ngân hàng Hoàng gia Scotland vào thứ 5 ngày 11/09. Hiện, nguồn vốn lưu động của các ngân hàng Scotland tương đương với 12 lần GDP của Scotland trong vòng 1 năm. Trong đó, riêng ngân hàng lớn nhất Scotland, ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) chiếm đến 8 lần GDP cả nước. Để có 1 mức so sánh, lấy ví dụ nước Pháp nơi mà các ngân hàng sở hữu nguồn vốn lưu động "chỉ" tương đương với 4 lần GDP Pháp. Hoặc, Iceland - 8,8 lần hay đảo Síp - 7 lần. Đây cũng là 2 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng tài chính ngân hàng.

Thực chất, con số này nói lên điều gì? Nó có nghĩa là nền kinh tế của một quốc gia và tình hình, tiềm lực kinh tế của các ngân hàng của nó có sự chênh lệch lớn. Theo các chuyên gia kinh tế của Tập đoàn tài chính ngân hàng Natixis (Pháp): "Với một Scotland độc lập, lĩnh vực ngân hàng sẽ trở thành gánh nặng cho một nền kinh tế có kích thước không tương xứng, tăng nguy cơ rủi ro trước những cú sốc tài chính". Ví dụ, một cuộc khủng hoảng tương tự như năm 2008 sẽ biến sứ mệnh giải cứu các ngân hàng thành một bài toán khó cho Scotland. Nên nhớ rằng năm 2008, Vương quốc Anh đã phải chi ra một khoản tiền tương đương với 211% GDP của Scotland để "cứu cánh" cho RBS. Thế nên, việc RBS tuyên bố dời trụ sở đến Anh nếu kết quả bỏ phiếu nghiêng về Scotland độc lập là điều dễ hiểu. Hiện, trụ sở RBS đóng tại Edimbourg với khách hàng chủ yếu là người Anh.

Không chỉ đơn thuần là một mối đe doạ về tài chính, kích thước "quá khổ" của các ngân hàng Scotland còn là một mối đe doạ về chính trị, đối với những ai ủng hộ cho ý tưởng tách Scotland ra khỏi khối Vương quốc Anh thống nhất. Bởi, để kêu gọi cử tri, Alex Salmond của Đảng quốc Scotland tuyên bố sẽ thương lượng giữ nguyên đồng bảng làm đơn vị tiền tệ của Scotland độc lập. Tuy nhiên, Ngân hàng Anh rất có thể sẽ từ chối đề nghị này, nếu không muốn phải chi viện cho các ngân hàng Scotland trong trường hợp khủng hoảng. Giải pháp cho các ngân hàng Scotland là đồng loạt dời trụ sở về Anh để tìm kiếm một chỗ dựa vững chắc hơn.

Ngoài vấn đề tài chính và tiền tệ, nhiều câu hỏi khác phát sinh xung quanh việc Scotland tách ra khỏi khối Vương quốc Anh thống nhất. Ví dụ: Nữ hoàng Elizabeth II có còn là Nữ hoàng của Scotland hay không? Câu hỏi này liên quan đến tổ chức chính trị của Scotland, tiếp tục là một nước quân chủ lập hiến hay thay đổi? Hoặc Scotland có gia nhập Liên minh châu Âu hay không? Tuy nhiên, với việc Scotland đang là nguồn cảm hứng cho các vùng đòi ly khai ở Tây Ban Nha và Bỉ thì việc giành được lá phiếu ủng hộ của các quốc gia này để gia nhập Liên minh châu Âu có lẽ sẽ không dễ dàng. Trước làn sóng ly khai ở châu Âu, không thể không liên hệ đến Ukraina - Crimea và đặt ra câu hỏi: đây có phải là một trong những lý do khiến châu Âu kiên quyết can thiệp vào khủng hoảng tại Ukraina hay không? Một hành động nghĩa hiệp đơn thuần hay là kế sách "giết gà doạ khỉ"?

Nấm Linh Chi

Mới nhất
x
Scotland - tâm điểm của làn sóng ly khai tại châu Âu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO