Sẽ có nhiều đợt thi tuyển sinh ĐH
Ngày 3-12, bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã chủ trì cuộc họp về công tác tuyển sinh ĐH, CĐ 2014. Một loạt định hướng mới cho kỳ tuyển sinh năm tới đặt ra và được coi như bản lề quan trọng cho những đổi mới thi cử sau năm 2015.
Giám thị phổ biến quy chế thi tại Trường ĐH Sài Gòn trong kỳ thi đại học 2013 - Ảnh: Như Hùng |
Sau 10 năm tuân thủ chặt chẽ “ba chung”, dự kiến sẽ có những trường được tuyển sinh riêng. Và cũng sau hàng chục năm duy trì chế độ ưu tiên cộng điểm theo khu vực, sẽ có điều chỉnh theo hướng giảm điểm cộng với vùng, khu vực mà điều kiện kinh tế - xã hội đã có những bước phát triển vượt trội so với lịch sử.
Thi riêng: phải có giáo viên cơ hữu ra đề
Theo thông báo của chính Bộ GD-ĐT, đến thời điểm này đã có 17 trường ĐH, CĐ đề xuất phương án tuyển sinh riêng. Trong số này sẽ có trường nào thực hiện được tuyển sinh riêng ngay trong năm 2014?
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngay sau cuộc họp quan trọng này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho hay dự kiến bộ sẽ ban hành Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2014 vào tháng 1-2014 để các trường và cả thí sinh đủ thời gian chuẩn bị. Song không phải trường nào đề xuất tuyển sinh riêng cũng được thực hiện ngay.
Đáp lại sự lo lắng của nhiều chuyên gia giáo dục e ngại bộ “thả cửa” tuyển sinh riêng sẽ khiến nhiều trường đang “khát” thí sinh sẽ dễ dãi trong một kỳ thi riêng do nhà trường tổ chức, Bộ GD-ĐT đã đặt ra “hàng rào” các điều kiện ràng buộc đối với các trường muốn tự tổ chức một kỳ thi tuyển sinh. Theo đó, trường phải chứng minh được năng lực tổ chức tốt một kỳ thi và cam kết việc tuyển sinh riêng không để xảy ra hiện tượng ôn luyện thi tràn lan như đã từng xảy ra khi các trường tự tổ chức thi hơn 10 năm trước.
“Thực tế, ngay trong kỳ thi “ba chung”, các trường ĐH cũng đã phải coi thi, chấm thi. Vấn đề quan trọng, đáng quan tâm và cũng rất đáng lo về năng lực tổ chức một kỳ thi riêng, do đó chính là khâu ra đề thi. Bộ sẽ không chấp nhận phương án tuyển sinh riêng mà trường lại đi thuê hoàn toàn giáo viên bên ngoài để ra đề. Nếu vậy, không may xảy ra sự cố đề thi hay xuất hiện những bất cập của đề, sẽ quy trách nhiệm được cho ai? Vì vậy, sẽ có quy định cứng về tỉ lệ giảng viên cơ hữu của trường tham gia ra đề trong tổng số người tham gia ban đề thi” - ông Ga nhấn mạnh.
Theo ông Ga, với tuyển sinh riêng, các trường không nhất thiết phải thi theo khối thi truyền thống A, B, C, D mà có thể thực hiện hình thức thi tích hợp, một bài thi bao hàm cả kiến thức toán, ngữ văn, chấm điểm thông qua bài thi đánh giá năng lực... Tuy nhiên, trường lựa chọn các phương thức thi khác kiểu thi truyền thống lại sẽ phải có sự giải trình đầy đủ hơn nữa về lực lượng tham gia coi thi, chấm thi. Trong khi coi thi “ba chung”, nhiều trường đưa cả sinh viên, giáo viên các trường phổ thông cùng tham gia thì nếu đánh giá qua hình thức phỏng vấn, người phỏng vấn không thể theo hướng “tận dụng” như vậy được nữa.
Có nhiều đợt thi
Thay vì kỳ thi ĐH, CĐ duy nhất được thực hiện trong năm vào tháng 7, từ năm 2014 dự kiến thi ĐH được tiến hành các đợt theo số nhiều. Đã có trường trong phương án tuyển sinh riêng đang xây dựng dự định sẽ tổ chức nhiều đợt thi trong năm theo nhu cầu của trường và nhu cầu dự báo từ thí sinh.
“Thời điểm chính xác các đợt thi sẽ được đưa ra bàn tại hội nghị tổng kết năm học các trường ĐH, CĐ sắp tới vì ngoài thi “ba chung” sẽ có các kỳ thi riêng. Nhưng không phải trường muốn thi lúc nào cũng được mà bắt buộc phải đăng ký tổ chức thi theo những đợt thi mà bộ quy định để tránh lộn xộn” - ông Ga nói.
Thay đổi chính sách ưu tiên theo khu vực
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, quy định ưu tiên theo khu vực được áp dụng hàng chục năm qua không thay đổi mà điều kiện phát triển kinh tế - xã hội nhiều vùng đã có những thay đổi không ngừng là bất hợp lý. “Bộ đã làm việc Ủy ban Dân tộc, Cục Người có công Bộ Lao động - thương binh và xã hội để rà soát việc thực hiện cộng điểm ưu tiên. Chủ trương của bộ là sẽ thay đổi việc cộng điểm, những vùng kinh tế phát triển không thể duy trì mức điểm cộng tương đồng với những vùng kém phát triển hơn vì khái niệm khu vực theo cách phân chia hiện tại tương đối rộng. Vùng nào cần duy trì điểm cộng ưu tiên, vùng nào phải bỏ hoặc bớt việc cộng điểm ưu tiên sẽ được quy định cụ thể sau khi tập hợp ý kiến bộ ngành liên quan và các số liệu thống kê cụ thể” - ông Ga nhấn mạnh.
Tháng 12 tổ chức hội nghị tuyển sinh
Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức hội nghị thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2014 ngay trong tháng 12-2013. Đây là một thay đổi lớn trong kế hoạch tuyển sinh khi suốt nhiều năm qua hội nghị này thường được tổ chức vào tháng 1 hoặc tháng 2 của đúng năm tuyển sinh. Theo Bộ GD-ĐT, việc đẩy kế hoạch tổ chức hội nghị tuyển sinh, nơi bàn bạc và “chốt” các phương án cuối cùng cho những thay đổi của mùa tuyển sinh mới nhằm tạo thuận lợi cho các trường, đặc biệt các trường sẵn sàng phương án tuyển sinh riêng có thời gian chuẩn bị để bảo vệ và thực hiện phương án của riêng mình. Nhiều trường ĐH phàn nàn việc bộ quy định khi xét tuyển, thí sinh được rút hồ sơ nếu chuyển nguyện vọng, trong khi với ba phiếu báo điểm gốc, thí sinh thoải mái đăng ký vì thời gian xét tuyển cũng chỉ có tối đa ba đợt xét tuyển. Ông Ga cho biết những thay đổi về kỹ thuật sẽ đưa ra bàn bạc cụ thể tại hội nghị tuyển sinh.
Theo TTO