Sẽ điều tra, đánh giá hiệu quả sản phẩm OCOP của 21 huyện, thành, thị ở Nghệ An

Thanh Phúc 24/05/2024 12:00

(Baonghean.vn) - Ngày 24/5, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo khoa học góp ý vào đề cương nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá hiệu quả của các sản phẩm OCOP đạt hạng sao được công nhận từ năm 2019 - 2022 của tỉnh Nghệ An và đề xuất giải pháp”.

bna_tc.JPG
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Thanh Phúc

Tham gia hội thảo có đại diện các sở, ngành liên quan và các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Hoàng Nghĩa Nhạc - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì hội thảo.

Nghệ An là một trong số các các địa phương phát triển mạnh các sản phẩm OCOP. Sau hơn 05 năm triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã trở thành phong trào sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh có 567 sản phẩm OCOP, trong đó: 37 sản phẩm đạt hạng 4 sao; 529 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 1 sản phẩm đạt hạng 5 sao.

bna_c Tú.JPG
Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Tú - Giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Nghệ An, đơn vị chủ trì nhiệm vụ phát biểu đề dẫn. Ảnh: Thanh Phúc

Qua chương trình, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo, bứt phá đi lên góp phần đưa sản phẩm hàng hóa nông nghiệp của tỉnh dồi dào về số lượng, phong phú về thể loại, chất lượng, tăng giá trị sản phẩm. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân và thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới.

Theo đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025”, Nghệ An phấn đấu có ít nhất 650 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 10% sản phẩm đạt hạng 4 sao; có ít nhất 5 sản phẩm đạt hạng 5 sao. Củng cố và nâng cấp ít nhất 30% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm. Ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu có ít nhất 35% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể OCOP là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

bna_c An.JPG
Bà Nguyễn Thị Thành An - Phó Giám đốc Sở Du lịch góp ý về nội dung xây dựng các sản phẩm trở thành hàng hoá du lịch. Ảnh: Thanh Phúc

Có ít nhất 10% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng. Có ít nhất 5% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống.

Tuy nhiên, đa số sản phẩm OCOP và số xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu đang tập trung ở các huyện miền xuôi và thành phố; Thiếu sự hài hòa giữa chất và lượng các sản phẩm; không xác định được sản phẩm làm chủ lực để xây dựng thành sản phẩm lớn của tỉnh; tiêu thụ các sản phẩm còn nhiều khó khăn, hạn chế...

bna_anh Sơn.JPG
Ông Trần Anh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tiêu biểu tỉnh phát biểu về vấn đề đầu ra cho sản phẩm OCOP. Ảnh: Thanh Phúc

Để lượng hóa được hiệu quả, sự đóng góp của các sản phẩm OCOP đạt hạng sao và đề xuất các giải pháp hữu ích, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Nghệ An đề xuất thực hiện nhiệm vụ: “Điều tra, đánh giá hiệu quả của các sản phẩm OCOP đạt hạng sao được công nhận từ năm 2019 - 2022 của tỉnh Nghệ An và đề xuất giải pháp”.

Theo đó, nhiệm vụ tập trung nghiên cứu, đánh giá các nội dung sau: Thực trạng sản xuất, tiêu thụ và phát triển các sản phẩm OCOP đạt hạng sao (3 sao trở lên) của tỉnh Nghệ An từ năm 2019 đến 2022; Khảo sát, đánh giá hiệu quả của các sản phẩm OCOP đạt hạng sao (3 sao trở lên) được công nhận từ năm 2019 - 2022 của tỉnh Nghệ An; Đề xuất giải pháp nhằm duy trì và nâng cao giá trị các sản phẩm OCOP được công nhận đạt hạng sao trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Tại hội thảo, các đại biểu đã góp ý vào đề cương nhiệm vụ điều tra, nghiên cứu của nhóm. Theo đó, tập trung vào các nhóm vấn đề: Cụ thể hoá các tiêu chí mang tính định lượng; Bổ sung đối tượng khảo sát vào phiếu câu hỏi; Điều tra phân tích vì sao các sản phẩm đã được gắn sao lại rớt hạng; Việc xây dựng sản phẩm OCOP thành hàng hoá du lịch; Ứng dụng công nghệ số vào quản lý nhà nước sản phẩm OCOP; Đánh giá hiệu quả của các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP…

bna_Vũ.JPG
Ông Đào Quang Vũ - Đơn vị trưng bày, giới thiệu và kinh doanh đặc sản xứ Nghệ góp ý về vấn đề ứng dụng công nghệ số vào quản lý sản phẩm OCOP. Ảnh: Thanh Phúc

Thay mặt nhóm thực hiện điều tra, đồng chí chủ trì hội nghị tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham gia. Đề nghị nhóm nghiên cứu dựa vào các ý kiến đóng góp để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện để thực hiện nhiệm vụ sát với thực tiễn nhất.

Qua đó, có những đánh giá cụ thể, chính xác nhất, từ đó, đưa ra các giải pháp hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm OCOP được công nhận đạt hạng sao trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Sẽ điều tra, đánh giá hiệu quả sản phẩm OCOP của 21 huyện, thành, thị ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO