Sẽ sáp nhập các tổ chức hội có chức năng tương đương
(Baonghean.vn) - Trả lời kiến nghị của cử tri Quỳ Hợp, ông Trần Văn Mão - Phó trưởng Đoàn ĐBQH Nghệ An cho biết, Quốc hội đang xây dựng dự thảo Luật về các tổ chức hội. Hiện tại, có 65.000 tổ chức hội trên cả nước. Với tinh thần tinh giản, tiến tới sẽ sáp nhập các tổ chức hội có chức năng tương đương, nhằm giảm tải áp lực cho hoạt động của bộ máy.
Sáng 15/10, đại biểu Quốc hội gồm ông Trần Văn Mão - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; bà Hoàng Thị Thu Trang - Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn và ông Moong Văn Tình - cán bộ Huyện đoàn Quế Phong, có buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, tại xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Mỹ Nga |
Thay mặt Đoàn ĐBQH, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang báo cáo nhanh với cử tri nội dung chương trình kỳ họp thứ 8. Tại kỳ họp, Quốc hội xem xét và thông qua 11 dự luật như: Luật Cán bộ công chức, viên chức, Luật Chính quyền địa phương, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật Dân quân tự vệ và cho ý kiến 8 dự án luật.
Phát biểu tại hội nghị, cử tri đồng tình với công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội ngày càng được nâng cao về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, theo cử tri, quy định của Luật Văn bản quy phạm pháp luật, khi ban hành các luật phải có các thông tư, nghị định đi kèm nhưng với một số luật như Luật An ninh mạng, Luật Chống tham nhũng đến nay vẫn chưa có quy định kèm theo.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng các văn bản luật, cử tri đề nghị cần có cơ chế quy định rõ ràng trách nhiệm của người tham gia soạn dự thảo và ban hành luật.
Các cử tri tham gia kiến nghị tới các đại biểu Quốc hội. Ảnh: Mỹ Nga |
Cử tri Trần Xuân Lục phản ánh về hoạt động của một số tổ chức xã hội còn chồng chéo. Dẫn chứng về Hội Cựu thanh niên xung phong, Hội Chất độc màu da cam, cử tri cho biết, do không có phụ cấp Nhà nước chi trả, nên buộc xã phải phân bổ ngân sách dành cho các hội này, thêm vào đó còn phải bố trí cơ sở vật chất. Điều này khiến bộ máy quá cồng kềnh, trong khi đó 2 tổ chức hội này vẫn tham gia sinh hoạt với Hội Cựu chiến binh.
Cũng liên quan đến tổ chức hội, một số ý kiến khác lại cho rằng, cần có quỹ hỗ trợ cho các hội để phát huy đúng vai trò trong các hoạt động xã hội.
Liên quan đến việc tăng tuổi nghỉ hưu, cử tri Bùi Thanh Tùng kiến nghị, cần có cơ chế riêng cho những người có nhu cầu nghỉ hưu sớm, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ đảm nhiệm công việc.
Còn cử tri Bùi Thị Kim Thanh, một người công tác trong ngành Giáo dục thì đề nghị cần có cơ chế riêng cho ngành Giáo dục, bởi đây là ngành đặc thù, nhất là đối giáo viên miền núi khi tăng tuổi nghỉ hưu sẽ gặp nhiều bất cập trong giảng dạy.
Cử tri cũng dành nhiều thời gian phản ánh về nhiều vấn đề phát sinh trên địa bàn. Đó là những bất cập trong tình trạng nông dân bỏ ruộng; công tác thu - chi xã hội hóa trong giáo dục; giao đất lâm trường cho người dân; công tác quản lý đất đai, các tồn tại trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân; chế độ cho đối tượng chính sách, cựu thanh niên xung phong; công tác giám sát sử dụng các công trình, dự án...
Hội CCB xã Châu Đình, Quỳ Hợp khởi công xây nhà "Nghĩa tình đồng đội". Ảnh tư liệu: P.V |
Giải trình, trả lời trực tiếp tại hội nghị, lãnh đạo UBND xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp đã làm rõ một số vấn đề thuộc thẩm quyền. Trong đó tập trung vào các nhóm vấn đề: thu - chi xã hội hóa trong giáo dục; cấp đất lâm trường cho người dân; chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn.
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, ông Trần Văn Mão tiếp thu và tập hợp các ý kiến của cử tri để phản ánh tới các bộ, ngành Trung ương trong kỳ họp sắp tới, đồng thời mong muốn cử tri đồng hành và giám sát các hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới.
Về hoạt động của các tổ chức xã hội, đại biểu Trần Văn Mão cho biết, Quốc hội đang xây dựng dự thảo Luật về các tổ chức hội. Hiện tại, có 65.000 tổ chức hội trên cả nước. Với tinh thần tinh giản, tiến tới sẽ sáp nhập các tổ chức hội có chức năng tương đương, nhằm giảm tải áp lực cho hoạt động của bộ máy.