Sẽ sửa xong cáp Internet AAG vào tối 10/5
Theo AAG, 14h chiều 5/5, tàu sẽ đến vị trí hàn nối cáp cho phân đoạn cáp SH1 từ TP Hồ Chí Minh đi Hong Kong bị đứt trước đó.
Trong những ngày qua việc liên lạc, trao đổi thông tin đi nước ngoài của khách hàng theo hướng Việt Nam đi quốc tế như dịch vụ web, e-mail, thoại, video… đã bị ảnh hưởng do lưu lượng chuyển sang các hướng dự phòng và có khả năng gây nghẽn. Tuy nhiên, các giao dịch, trao đổi thông tin trong nước không bị ảnh hưởng.
Theo tin từ Trung tâm điều hành cáp quang AAG, đến 14h chiều ngày 7/5 đơn vị này sẽ bắt đầu công tác hàn nối cho tuyến cáp quang bị đứt, và đến 6h sáng ngày 8/5 sẽ thực hiện xong mối nối đầu tiên.
Theo lịch trình của AAG, dự kiến 15h chiều 9/5 đơn vị sẽ thực hiện xong mối hàn cuối cùng.
Thông tin từ AAG cũng cho biết dự kiến đến 19h ngày 10/5, công tác hàn nối hoàn tất. Khi đó 100% kênh truyền được khôi phục. Như vậy, theo lịch trình này, rất có thể công tác khắc phục sự cố đứt cáp quang lần thứ 2 trong năm nay sẽ mất 17 ngày để hoàn tất, đưa Internet Việt Nam đi quốc tế trở lại hoạt động bình thường.
Tuyến cáp quang biển AAG dự kiến được đấu nối thành công vào ngày 10/5 tới.
Tuyến cáp quang biển AAG từng được coi là tuyến kết nối Internet quốc tế quan trọng với chi phí đầu tư lên tới 553 triệu USD. Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động vào tháng 11/2009, sau 6 năm, tuyến cáp quang này đã liên tục xảy ra sự cố, mỗi năm trung bình có tới 2-3 lần trục trặc và thời gian khắc phục kéo dài lên tới 3 tuần.
Trong năm 2015, chỉ trong 4 tháng đầu năm đã xảy ra liên tiếp 2 lần đứt tuyến cáp quang thuộc phân đoạn của Việt Nam. Chính điều này đã gây bức xúc với người dùng Internet và hầu hết mọi người đều hoài nghi về chất lượng của tuyến cáp quang biển này.
Nói về nguyên nhân của việc tuyến cáp quang AAG đi qua Việt Nam thường xuyên bị đứt, gây gián đoạn Internet, các nhà cung cấp Internet cho rằng nguyên nhân dẫn đến sự cố cáp quang AAG có thể có nhiều, có thể liên quan đến việc triển khai ban đầu (cáp hay ở những vùng biển không ổn định, hoặc nông, vùng giao thông đường thủy đông đúc ...). Với việc AAG hay bị sự cố như thế này, các ISP chỉ có giải pháp tốt nhất là tránh đổ nhiều lưu lượng qua hướng này, và luôn có sẵn biện pháp dự phòng, ứng cứu.
Thông tin từ FPT Telecom cho biết sau khi xảy ra sự cố, đơn vị này đã sử dụng các tuyến cáp đất liền để chuyển tiếp lưu lượng AAG bị ngừng hoạt động nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tới khách hàng. FPT Telecom cũng khuyến cáo người dùng nên sử dụng Internet quốc tế cho các dịch vụ quan trọng của mình, các dịch vụ khác nên chuyển sang các hướng trong nước để tối ưu hoá dung lượng truyền tải.
Trong khi đó, VNPT cho biết đã và đang phối hợp cùng các bên liên quan nhanh chóng định tuyến liên lạc qua các hệ thống cáp quang biển SMW3, cáp đất liền và thông tin vệ tinh, đồng thời bổ sung dung lượng qua các hệ thống này.
Nhà mạng Viettel cho biết đã bổ sung thêm 60Gbps để giúp khách hàng không bị ảnh hưởng bởi sự cố đứt cáp quang biển AAG, kể cả trong các khung giờ cao điểm.
Trước hàng loạt sự cố liên tục xảy ra trên tuyến cáp quang AAG trong thời gian qua, các nhà mạng lớn, như FPT, VNPT, Viettel và CMC Telecom cho biết đang tập trung đầu tư vào tuyến cáp quang biển Châu Á - Thái Bình Dương APG (Asia Pacific Gateway). Với chiều dài hơn 11.000km và băng thông dự kiến 4Tbps, tuyến cáp quang biển này sẽ góp phần vào việc đảm bảo lưu lượng băng thông truy cập ra hướng quốc tế cho Việt Nam. Tuyến cáp APG dự kiến ra mắt vào đầu năm 2016./.
Theo VOV.VN