Sẽ thành lập tổ chức Công đoàn và xây dựng thỏa ước lao động tập thể
Trong 2 ngày (6 và 7/8), gần 800 công nhân Công ty TNHH BSE Việt Nam đóng tại Khu công nghiệp Nam Cấm (Nghi Lộc) tổ chức đình công kiến nghị về giờ làm, tăng tiền lương, việc luân chuyển ca làm việc giữa ngày và đêm và nâng cao chất lượng bữa ăn. Được sự ủy quyền của Tổng Giám đốc Công ty, Giám đốc hành chính nhân sự Công ty TNHH BSE Việt Nam, ông Choiilki đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Nghệ An xung quanh vấn đề này.
(Baonghean) - Trong 2 ngày (6 và 7/8), gần 800 công nhân Công ty TNHH BSE Việt Nam đóng tại Khu công nghiệp Nam Cấm (Nghi Lộc) tổ chức đình công kiến nghị về giờ làm, tăng tiền lương, việc luân chuyển ca làm việc giữa ngày và đêm và nâng cao chất lượng bữa ăn. Được sự ủy quyền của Tổng Giám đốc Công ty, Giám đốc hành chính nhân sự Công ty TNHH BSE Việt Nam, ông Choiilki đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Nghệ An xung quanh vấn đề này.
PV: Chào ông, xin ông cho biết tình hình sản xuất kinh doanh của công ty và nguyên nhân của việc ngừng làm việc tập thể của công nhân vừa qua là gì?
Ông Choilki: Tập đoàn BSE xây dựng Nhà máy BSE Việt Nam tại khu C Khu Công nghiệp Nam Cấm là nhà máy thứ 6 của Tập đoàn (5 nhà máy trước gồm 2 nhà máy ở Hàn Quốc, 2 nhà máy ở Trung Quốc và 1 nhà máy ở Hải Dương- Việt Nam), sản phẩm của nhà máy là loa, linh kiện điện thoại cung cấp cho các hãng điện thoại Samsung, Nokia. Hiện nay, nhà máy đang đầu tư ở giai đoạn 1, tổng đầu tư đã thực hiện 13 triệu USD/tổng mức đầu tư 31 triệu USD. Hệ thống nhà xưởng gồm 2 nhà xưởng, mỗi nhà xưởng rộng 5.000m2, hai nhà văn phòng, nhà ăn. Số lượng công nhân hiện nay là 760 người. Khi hoạt động hết công suất sẽ cần tới 5.000 người. Nhưng hiện nay sản phẩm của nhà máy chưa bán được do Tập đoàn Samsung chưa vào để phê duyệt chất lượng.
Công nhân làm việc tại dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử của Nhà máy BSE Việt Nam (KCN Nam Cấm). Ảnh: C.L
Nguyên nhân của việc đình công là do công nhân lo lắng kiến nghị về giờ làm, tăng tiền lương, việc luân chuyển ca làm việc giữa ngày và đêm và nâng cao chất lượng bữa ăn. Cụ thể: Công nhân phản ứng khi từ 12/8, công ty thông báo sẽ áp dụng thời gian làm việc 2 ca: ca 1 từ 4 h30’ -13h 30’, ca 2 từ 13h30’- 22h30’, thay cho làm việc theo giờ hành chính như trước đây. Thời gian làm việc là 9h/ca, trong đó thời giờ nghỉ ca 1h, bao gồm: nghỉ giải lao giữa ca 10 phút/lần và 3 lần/ca; nghỉ ăn ca 30 phút. Do đó công nhân kiến nghị công ty thay đổi giờ ca: ca 1 từ 5h30’-13h30’; ca 2 từ: 13h30’- 21h30’. Về vấn đề ăn ca: đề nghị Công ty cải thiện bữa ăn ca đảm bảo sạch sẽ, hợp vệ sinh và tăng thêm thức ăn. Về tiền lương: đề nghị công ty tăng lương 6 tháng một lần theo quy định của Luật Lao động và theo cam kết của công ty. Đồng thời, đề nghị công ty xem xét tăng phụ cấp xăng xe, phụ cấp chuyên cần, thực hiện chế độ bảo hiểm y tế cho công nhân và thành lập tổ chức công đoàn theo quy định. Bà Đặng Thị Nga - Đại diện cho tập thể người lao động tại Công ty BSE Việt Nam:Việc công ty thay đổi giờ làm việc như hiện nay sau khi có ý kiến của các ban, ngành, công nhân cơ bản là đồng ý. Nhưng sẽ có một số nghỉ việc do con nhỏ không thể đi làm ca đêm. Cái khó khăn của người lao động ở đây là không có ký túc xá, phải thuê nhà ở và đi về nhà sau giờ làm việc khá xa, đặc biệt nếu đi làm đêm. Nhưng Tổng Giám đốc đã quyết định, chỉ có hai khung giờ đó nên người lao động buộc phải đồng ý. Tôi đã làm việc được 3 tháng, thu nhập sau khi trừ BHYT, BHXH được 2,1-2,2 triệuđồng/tháng. Ông Nguyễn Anh Thương - Quản lý sản xuất nhà máy: Nhà máy hiện nay đang rất khó khăn, đầu tư lớn nhưng chưa tiêu thụ được sản phẩm. Bản thân tôi dù biết còn nhiều thiệt thòi đối với công nhân và ngay cả với mình nhưng cũng phải chia sẻ khó khăn với công ty. Việc sản xuất của công nhân cũng chưa hoàn thiện, sản phẩm còn phải sửa chữa nhiều. Công nhân đình công là tự phát nhưng nay tất cả đã vào sản xuất trở lại.
PV: Thưa ông, các kiến nghị của công nhân có hợp lý không?
Ông Choilki: Theo tôi, các kiến nghị của công nhân hầu hết là hợp lý. Tuy nhiên, việc công nhân tự phát đình công khiến công ty rất lo ngại. Theo khảo sát môi trường làm việc ở các công ty khác thì ở công ty tôi: điều kiện làm việc của công nhân có nhiều ưu điểm: có điều hòa phục vụ ở các nhà xưởng, không hề có bụi do yêu cầu công việc sản xuất linh kiện điện tử, công nhân khi làm việc được ngồi chứ không phải đứng hoặc đi lại.
PV: Được biết là từ ngày 2/8, công nhân đã có đơn kiến nghị gửi công ty. Có phải do công ty chậm trả lời công nhân nên công nhân đình công?
Ông Choilki: Không. Ngày 2/8 công nhân có đơn kiến nghị nhưng đó là ngày thứ 6 cuối tuần. Chiều thứ 6 ngày 2/8, hai giám đốc là giám đốc hành chính và giám đốc sản xuất đã họp với công nhân, nghe kiến nghị nhưng không giải quyết được, chúng tôi thống nhất là sẽ báo cáo lên Tổng Giám đốc. Sau ngày nghỉ cuối tuần, thứ 2 mồng 5/8, họp Ban Giám đốc có cả Tổng Giám đốc, tôi đã báo cáo sự việc với Tổng Giám đốc. Tổng Giám đốc trả lời là giao trách nhiệm cho tôi nghiên cứu lại pháp luật Việt Nam để tìm hướng giải quyết tốt nhất. Chiều 5/8, tôi và trưởng phòng Tổng vụ đã lên Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam để được tư vấn giải quyết, tư vấn về giờ làm việc. Lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam cũng đề xuất là công ty tổ chức cuộc họp công nhân để thống nhất các kiến nghị. Trong khi tôi đang tìm giải pháp để trình Tổng Giám đốc thì ngày 6/8 công nhân đã bỏ việc, đình công.
PV: Thưa ông, vậy đến nay các kiến nghị của công nhân đã được giải quyết ra sao?
Ông Choilki: Sau cuộc họp với Đoàn liên ngành của tỉnh, Tổng Giám đốc Back Heng Hyun đã thống nhất một số nội dung cụ thể: Về thời gian làm việc: Ca 1 từ 7h30’-16h30’, trong đó gồm 1h ăn trưa không tính vào thời gian làm việc, 30’ nghỉ theo tính chất công việc được tính vào thời gian làm việc. Ca 2 từ 20h00’- 5h00’ (trong đó 45 phút giữa ca được tính vào giờ làm việc, 1 giờ làm thêm thực hiện chế độ tiền lương làm thêm. Về đổi ca: công ty đang xem xét, bàn bạc trong Ban Giám đốc theo hướng 1 tuần/lần hoặc 1 tháng/lần. Sau khi thống nhất sẽ có thông báo cho người lao động. Về vấn đề ăn ca: Hiện nay công ty đang hoàn thiện nhà ăn do nhà thầu thực hiện chậm tiến độ nên việc cung cấp suất ăn công ty đang thuê bên ngoài cung cấp với giá 18.000 đồng/suất (chưa bao gồm thuế GTGT) và công ty hỗ trợ toàn bộ chi phí này. Do đó, công ty không thể tăng thêm giá trị suất ăn. Công ty cam kết sẽ làm việc với đơn vị cung cấp khẩu phần ăn để đảm bảo ăn uống sạch sẽ, hợp vệ sinh. Nếu không đáp ứng được đơn vị sẽ thay thế nhà cung cấp suất ăn khác.
Về tiền lương: Hiện nay công ty đang áp dụng lương cơ bản là 2.030.000 đồng/tháng, cao hơn mức lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định (Vùng IV: 1.650.000 đồng/tháng - Nghị định số 103/2012/CP). Phụ cấp xăng xe 200.000 đồng/tháng, phụ cấp chuyên cần 150.000 đồng/tháng (nếu làm đủ 26 ngày công). Công ty không có cam kết nào tăng lương 6 tháng/lần đối với công nhân. Còn việc tăng thu nhập của người lao động, công ty căn cứ kết quả sản xuất sẽ có chính sách thưởng phù hợp. Về BHYT: Trong thời gian qua, việc chậm thực hiện thẻ BHYT cho công nhân là có. Công ty sẽ kiểm tra những trường hợp chưa có thẻ BHTY để thực hiện cho công nhân theo đúng quy định. Việc tham gia BHYT, BHXH, BHTN thực hiện theo qui định của pháp luật Việt Nam. Về vấn đề ứng xử của bộ phận quản lý: Thời gian qua, bộ phận kế toán của công ty xử lý trả lương cho công nhân chưa rõ ràng, còn thiếu sót, công ty đã chấn chỉnh (một số cán bộ đã bị sa thải). Công ty sẽ tiếp tục chấn chỉnh trong thời gian tới.
PV: Được biết, công ty chưa thành lập tổ chức Công đoàn, chưa có Thỏa ước lao động tập thể?
Ông Choilki: Đúng. Công ty đang trong giai đoạn chờ Tập đoàn Samsung kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm. Vì vậy, ngay sau khi Tập đoàn Samsung duyệt chất lượng sản phẩm, thì công ty mới chính thức hoạt động, lúc đó công ty sẽ tiến hành thành lập tổ chức Công đoàn và xây dựng Thỏa ước lao động tập thể.
PV: Xin cảm ơn ông!
Châu Lan (thực hiện)