Đề xuất 12 nội dung và 6 giải pháp sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012
(Baonghean.vn) - Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13 về đổi mới kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thực hiện Luật Hợp tác xã trong lĩnh vực phi nông nghiệp do Liên minh HTX Viêt Nam tổ chức sáng 7/12 tại Hà Nội.
Dự và chủ trì hội nghị từ điểm cầu Hà Nội có đồng chí Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới kinh tế tập thể HTX. Cùng dự có đại diện các bộ, ngành liên quan và điểm cầu 63 tỉnh, thành phố.
Chủ trì hội nghị từ điểm cầu Nghệ An có đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có đại diện các sở, ngành liên quan.
TIẾP TỤC ĐỔI MỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ
Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW khóa IX về đổi mới kinh tế tập thể từ điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải |
Thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX ngày 18/3/2002 về đổi mới phát triển kinh tế tập thể, trong 20 năm qua với các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, Nhà nước đã ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể phát triển.
Cụ thể, cùng với triển khai các lớp tập huấn để thay đổi nhận thức về phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp, thể chế về phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã (HTX) ngày càng hoàn thiện; từng bước hỗ trợ các HTX triển khai xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; chính sách hỗ trợ thành lập mới và chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX.
Tham gia xúc tiến thương mại hay xây dựng sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP là giải pháp để các sản phẩm làng nghề của HTX phi nông nghiệp tiếp cận với thị trường lớn. Ảnh Tư liệu Báo Nghệ An |
Từ năm 2002 - 2021, cả nước có 20.234 HTX phi nông nghiệp ra đời, bình quân 1.012 HTX ra đời/năm; dưới tác động của Nghị quyết 13, cơ cấu các HTX thay đổi theo hướng tích cực, một số HTX là bà đỡ cho sản phẩm OCOP; thành lập mới 21 liên hợp HTX, đồng thời giải thể 7 liên hợp HTX; thành lập mới 33.307 tổ hợp tác; đến cuối năm 2021, lĩnh vực HTX, tổ hợp tác lĩnh vực phi nông nghiệp thu hút gần 3 triệu thành viên; hầu hết các HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2003 đã được chuyển đổi theo Luật năm 2012. Đến cuối năm 2021, trừ quỹ tín dụng nhân dân, vốn điều lệ bình quân mỗi HTX là 2,88 tỷ đồng/HTX, tăng gấp 1,6 lần so với năm 2011 và 8,2 lần so với năm 2002, gấp 1,4 lần so với HTX nông nghiệp.
Đại diện MTTQ tỉnh và các sở, ngành theo dõi sự kiện từ điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải |
Bên cạnh kết quả tích cực trên, trên cơ sở đánh giá và các tham luận báo cáo của đại diện các bộ, ngành, Ban Chỉ đạo đổi mới kinh tế tập thể cũng mạnh dạn nêu lên một số tồn tại, hạn chế. Đó là chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với HTX ban hành nhiều nhưng còn phân tán, dàn trải và thiếu đồng bộ, thiếu cụ thể; số lượng cán bộ, thành viên HTX được đào tạo, bồi dưỡng còn ít so với nhu cầu; số HTX, thành viên, người lao động tham gia BHXH còn ít và không ổn định; tỷ lệ số lượng HTX được tiếp cận chính sách áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao còn thấp; việc tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia còn hạn chế; số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý HTX còn thiếu, yếu và bất cập.
SỬA ĐỔI, HOÀN THIỆN LUẬT HỢP TÁC XÃ
Thành lập các HTX phi nông nghiệp theo mô hình mới và tăng cường các cơ chế, kênh hỗ trợ vốn là giải pháp để các HTX phi nông nghiệp phát triển, vươn tầm. Trong ảnh: Người lao động của HTX Cam tại huyện Con Cuông chăm sóc vườn cam. |
Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, Luật HTX đã phát sinh bất cập, hạn chế. Đó là các văn bản hướng dẫn cơ chế thi hành Luật còn chậm, chưa cụ thể; một số quy định của Luật HTX còn chồng chéo với quy định khác và làm cản trở sự phát triển của HTX, nhất là quy định về tư cách pháp lý để HTX tiếp cận các nguồn vốn tín dụng; các chính sách chủ yếu tập trung hỗ trợ, ưu đãi đối với HTX, liên hiệp HTX lĩnh vực nông nghiệp còn HTX phi nông nghiệp rất ít; hệ thống liên minh HTX còn thiếu nguồn lực, bộ máy quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể, HTX phi nông nghiệp còn phân tán, chưa tập trung; quy mô HTX phi nông nghiệp còn nhỏ và số thành viên có xu hướng giảm dần.
Đại diện Liên minh HTX Nghệ An tham gia một hội chợ xúc tiến thương mại giới thiệu hàng hóa do ngành Công Thương 6 tỉnh Bắc Trung Bộ tổ chức. Ảnh Tư liệu |
Tại Nghệ An, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 13/NQ-TW và 10 năm thực hiện Luật HTX năm 2012, toàn tỉnh có 3.016 tổ hợp tác, trong đó, 252 tổ hợp tác thành lập mới, doanh thu bình quân là 2,056 tỷ đồng; có 974 HTX phi nông nghiệp, có 34 sản phẩm của các HTX nông nghiệp đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; thành lập mới 2 Liên hiệp HTX.
(Nguồn: Liên minh HTX Nghệ An)
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá cao ý nghĩa hội nghị này và sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo để đánh giá mô hình hoạt động của HTX nông nghiệp. Đồng tình và ghi nhận các ý kiến phát biểu tham luận của các bộ, ngành về đổi mới kinh tế tập thể và HTX, trong thời gian tới, để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX ở nước ta, sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung Luật HTX năm 2012 và coi là giải pháp mang tính đột phá để khắc phục các hạn chế, tồn tại trên. Theo dự thảo của Liên minh HTX trình bày, có 12 nội dung được đề xuất sửa đổi Luật và 6 giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành Luật HTX./.