Chuyện những người “gác đền” V-League 2018
(Baonghean.vn) - Hơn ai hết, các đội Nam Định, HAGL, SLNA và mới đây là FLC Thanh Hóa thấu hiểu được tầm quan trọng của vị trí thủ môn trong mùa giải vừa qua. Điều khá lạ là có đội “khủng hoảng thiếu” như HAGL đã đành, “khủng hoảng thừa” như FLC Thanh Hóa cũng “biếu không” Cúp Quốc gia cho B.Bình Dương.
Vốn xuất thân từ cầu thủ nên HLV Văn Sỹ của Nam Định hiểu hơn ai hết tầm quan trọng của vị trí thủ môn. Có trong tay 3 thủ môn, nhưng Quang Phán và Tiến Tạo không làm cho Văn Sỹ yên tâm và BHL Nam Định đã dang tay đón Nguyễn Minh Nhựt về làm dự bị số 1 (lúc đó đang bị án treo giò) cho Nguyễn Quốc Thiện Esele.
Một quyết định hoàn toàn chính xác và sự xuất sắc của thủ môn Quốc Thiện Esele tại trận play-off với Hà Nội B trong đợt sút phạt penalty đã giúp đội bóng thành Nam trụ hạng thành công.
Miền đất dữ của thủ môn
Ngoại binh tồi và không có thủ môn tốt được coi là nguyên nhân khiến cho những toan tính của bầu Đức vụn tan. Khi Văn Tiến và Văn Trường không tạo được sự tin tưởng thì thủ môn Rmah Sươ sinh năm 1996 cũng không làm được gì hơn ngoài việc nhớ đến Tô Vĩnh Lợi vừa rời đội về Cần Thơ. Được bầu Đức “bật đèn xanh” nhưng thủ môn trẻ người dân tộc này kém xa đàn anh Văn Tiến là người có nhiều kinh nghiệm nhất với 12 trận V.League 2017.
Một điều khá ngạc nhiên là từ trước đến nay, bầu Đức chưa bao giờ có một "người gác đền" đáng tin cậy. Nói một cách hài hước như dân trong nghề vẫn đùa vui thì Pleiku không phải là vùng đất hợp thổ với các thủ thành.
Bằng chứng là nhiều thủ môn sau khi chia tay HAGL lại chơi rất tốt như Tuấn Mạnh của Khánh Hòa, Văn Lâm của Hải Phòng. Chưa biết người bắt chính mùa giải năm sau cho HAGL là ai nhưng với những gì đã thể hiện thì cả Rmah Sươ, Văn Tiến và Văn Trường khó lòng được trao găng.
Sau khi chia tay HAGL, thủ môn Tuấn Mạnh (Khánh Hòa), Văn Lâm (Hải Phòng) đều được gọi lên đội tuyển. Ảnh: Internet |
Mùa giải này, đội bóng xứ Nghệ lại lâm vào tình trạng “thừa dự bị, thiếu bắt chính”. Có trong tay 4 thủ môn nhưng khi Nguyên Mạnh chấn thương, BHL SLNA đã trao cơ hội cho thủ môn dự bị số 1 Văn Hùng (1992) nhưng chàng thủ môn 26 tuổi này không tạo sự yên tâm.
Bất đắc dĩ, SLNA đành phải mượn thủ môn Phan Đình Vũ Hải (1994) từ Hải Phòng về thi đấu. Đã 26 tuổi nhưng mùa giải này Văn Hùng chỉ là “dự bị cho thủ môn dự bị Hải Phòng” thì không biết nên trách ai, Văn Hùng hay BHL SLNA?
Khi Nguyên Mạnh trở lại sau chấn thương, BHL SLNA sẽ phải cân nhắc, tính toán về phương án xây dựng thủ môn dự bị cho thủ môn sinh năm 1991 này. Ai trong 3 thủ môn Lê Văn Hùng, Lê Quang Đại, Trần Văn Tiến sẽ được trao cơ hội, câu trả lời sẽ dành cho HLV Đức Thắng, vốn xuất thân từ vị trí thủ môn. Nếu không được tung vào sân thi đấu thì không chỉ Văn Hùng mà bất cứ thủ môn trẻ nào cũng sẽ bị khớp khi được trao cơ hội.
Oái ăm xứ Thanh
FLC Thanh Hóa là đội đang bị “ma ám khung gỗ”, khá nhiều cổ động viên xứ Thanh đã nhận định như thế. Mùa trước thủ môn Thanh Thắng mắc lỗi ngớ ngẩn khi chuyền bóng cho tiền đạo Dyachenko của Than Quảng Ninh ghi bàn mất đi cơ hội vàng cho đội bóng đua tranh chức vô địch. Mùa giải năm nay, FLC.Thanh Hóa đã đăng ký 3 thủ môn có chất lượng và đều có thể bắt chính.
Ngoài Nguyễn Thanh Thắng còn có Trần Bửu Ngọc, Bùi Tiến Dũng, các đời HLV FLC.Thanh Hóa luân phiên sử dụng 3 thủ môn đang có. Trong đó, Tiến Dũng là người ra sân nhiều nhất với 11/26 trận bắt chính, kế đến là Thanh Thắng 8 trận và Bửu Ngọc 7 trận. Oái oăm chính là chỗ đó, không biết dùng ai, bỏ ai nên rốt cuộc FLC Thanh Hóa mất cúp về tay B.Bình Dương do 2 sai lầm chết người của thủ môn Tiến Dũng.
Bi kịch không dừng lại ở đó, sau trận chung kết Cúp QG 2018 trên sân Tam Kỳ (Quảng Nam) với B.Bình Dương và để thua chung cuộc 1-3, có 2 thủ môn của FLC Thanh Hóa đã nói lời chia tay với đồng đội cũng như các CĐV nhà, gồm Thanh Thắng và Bửu Ngọc.
Trong tâm trạng thất vọng, Trần Bửu Ngọc đã nói lời chia tay với các cổ động viên trên mạng xã hội. Năm nay đã 27 tuổi, từng khoác áo U23 Việt Nam lẫn ĐT Việt Nam…anh không muốn ngồi dự bị, nhìn đàn em sai sót nhưng vẫn được bắt chính.
Liệu Bùi Tiến Dũng có nhân cơ hội trở thành thủ môn số 1 ở Thanh Hóa. Ảnh: Internet |
Trước khi gia nhập FLC Thanh Hóa vào đầu năm 2018, Bửu Ngọc từng đầu quân cho TĐCS Đồng Tháp, Vissai Ninh Bình và Cần Thơ.
Hồi đầu năm 2014, khi quyết định rời CLB Đồng Tháp để chuyển sang khoác áo XSKT Cần Thơ, Bửu Ngọc đã nhận được bản hợp đồng có mức “lót tay” lên tới 6,6 tỷ đồng/3 năm, đồng thời trở thành thủ môn “đắt giá” nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Không khó để thủ môn này kiếm suất bắt chính ở V-League, nên ngồi dự bị ở Thanh Hóa như vậy chắc là đủ.
Sinh năm 1988 nên cơ hội bắt chính cho thủ môn Thanh Thắng không còn nhiều, việc anh ra đi cũng không phải quá bất ngờ. Cách đây 2 mùa bóng, anh rời Hải Phòng, gia nhập FLC Thanh Hóa và là thủ môn số 1 của đội bóng, trước khi phải chia sẻ vị trí này với Bùi Tiến Dũng. Thanh Thắng từng khoác áo Đồng Nai FC, Kienlongbank Kiên Giang và Hải Phòng…
Có trong tay 3 thủ môn có đẳng cấp, để rồi cuối mùa chỉ còn lại 1 thủ môn mắc đến 2 sai lầm trong 1 trận chung kết là câu chuyện không ai muốn nhưng đó lại là sự thật ở FLC Thanh Hóa.