Sĩ tử lớp 12 băn khoăn khi đăng ký nguyện vọng chọn ngành, chọn trường
Một ngày sau khi có kết quả thi tốt nghiệp, các thí sinh lại bắt đầu hành trình đăng ký nguyện vọng vào các trường đại học. Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tạo mọi điều kiện cho các thí sinh nhưng để chọn một ngôi trường phù hợp cũng phải “nâng lên đặt xuống”, không dễ dàng.
Càng nhiều càng khó lựa chọn
Với 52,77 điểm, Bình Nguyên, nữ sinh đến từ một trường chuyên tại thành phố Vinh đã có thể hài lòng với kết quả thi tốt nghiệp THPT. Điều bất ngờ với em ở Kỳ thi này, đó là dù khối C chỉ là khối thi để xét tốt nghiệp nhưng em đạt mức điểm khá cao 27,25 điểm. Trong khi đó, khối xét tuyển vào đại học khối D lại chỉ đạt 26,50 điểm.
Trước đó, nữ sinh này đã được tuyển thẳng vào Đại học Thương mại nhưng vì mục tiêu của em là Trường Đại học Kinh tế quốc dân, nên em vẫn còn băn khoăn khi xét tuyển: Với điểm số hiện có, em nghĩ nếu xét tuyển theo khối C em có nhiều cơ hội trúng tuyển. Tuy nhiên, lại không có ngành nghề em yêu thích. Ngược lại, nếu xét điểm khối D vào Đại học Kinh tế quốc dân, cơ hội trúng tuyển của em không cao vì năm ngoái nhà trường chỉ có một số ngành có điểm chuẩn dưới 27 điểm. Em đang cân nhắc thêm Học viện Tài chính, Đại học Quốc gia Hà Nội và Học viện Ngân hàng.
Tương tự, em Bình Minh nhà ở phường Hưng Phúc, thành phố Vinh dù đã có thông báo trúng tuyển của 7 trường đại học nhưng em vẫn chưa quyết định sẽ chọn trường nào.
Nói về lý do của mình, thí sinh này cho biết: Em chủ yếu đăng ký các ngành như Báo chí, Truyền thông đa phương tiện và Quan hệ công chúng. Vì thế, em không gặp khó khăn khi chọn ngành. Nhưng em đang cân nhắc về mức học phí của các trường. Nếu học ở Thành phố Hồ Chí Minh em sẽ có môi trường học tập và điều kiện trải nghiệm tốt, mặc dù vậy chi phí sẽ cao. Ngược lại, nếu học Huế hoặc Đà Nẵng học phí thấp, chi phí tiết kiệm khá nhiều nhưng môi trường học tập sẽ không tốt bằng. Em đang lên các diễn đàn tham khảo trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Nếu như trước đây, việc xét tuyển vào đại học chỉ được thực hiện sau khi thí sinh có kết quả thi tốt nghiệp, nhưng hiện nay, với hơn 20 phương thức xét tuyển khác nhau, nhiều thí sinh đã nhận được kết quả trúng tuyển đại học sớm. Điều này, rõ ràng tạo thuận lợi cho các thí sinh trong quá trình chọn ngành, chọn nghề và các em có nhiều cơ hội để lựa chọn những ngành, nghề yêu thích.
Nhưng bên cạnh đó, không tránh khỏi những lúng túng, băn khoăn, nhất là khi hiện nay nhiều thí sinh dù đã học xong lớp 12 nhưng vẫn chưa hình dung được khả năng của mình và cũng chưa xác định được ngành, nghề trong tương lai.
Chị Lê Thị Lan - xã Hưng Lộc, thành phố Vinh chia sẻ: Gần 1 tuần nay tôi và con trai căng thẳng, bởi cháu muốn học Học viện Ngân hàng. Trong khi đó, tôi muốn cháu học Logistics của Học viện Tài chính. Khi bố mẹ định hướng ngành nghề cho con, thường đã tính tới đầu ra. Trong khi đó, các con lại thường chọn theo cảm tính, theo bạn bè hoặc theo sở thích nên thường xảy ra mâu thuẫn.
Thầy cô là "tư vấn viên"
Chọn ngành, nghề nào là vấn đề đã được rất nhiều học sinh lớp 12 đặt câu hỏi tại Hội nghị tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp dành cho học sinh lớp 12 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại thành phố Vinh vào đầu năm 2024.
Lý giải điều này, PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo - Trường Đại học Ngoại thương đã rất trăn trở khi nói rằng, việc học sinh lúng túng khi chọn ngành, chọn nghề là điều dễ hiểu. Đáng lẽ ở bậc THPT học sinh cần phải được trải nghiệm nhiều nghề nghiệp để có thể khám phá sở thích, đam mê và khi đó các em sẽ chọn được nghề đúng với năng lực và đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường khi ra trường. Khó khăn hiện nay đó là số trường phổ thông làm công tác định hướng nghề nghiệp không nhiều.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí - Đại học Quốc gia Hà Nội lại cho rằng, “tình trạng sinh viên ra trường làm trái ngành là do nhiều thí sinh đã chọn sai từ đầu, các em không được hướng nghiệp sớm, hoặc không có những thông tin đầy đủ khi lựa chọn hoặc chịu những tác động khách quan khác dẫn tới chọn sai”.
Về việc tư vấn chọn nghề, chọn trường cho học sinh, cô giáo Lê Thị Vinh - chủ nhiệm lớp 12C2 - Trường PT Dân tộc nội trú THPT số 2 cho biết: Do đặc thù của lớp chúng tôi, các em không có điều kiện để thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ nên hầu như không có học sinh xét tuyển thẳng sớm. Các em hiện nay đều lấy kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển vào đại học. Những ngày qua, rất nhiều học sinh nhờ cô hỗ trợ nên chọn ngành nào. Khó khăn với chúng tôi đó là đặc thù khối C không có nhiều trường, chủ yếu là các ngành như Sư phạm, Toà án, Viện Kiểm sát, Luật, Báo chí… Thế nên, trước khi tư vấn cho các em, tôi phải xem lại điểm chuẩn các trường các năm trước, hỏi kỹ sở thích, năng lực và cả hoàn cảnh của từng gia đình. Nếu không tính tới đầu ra, nhiều em sẽ gặp khó khăn khi ra trường và tôi không muốn lặp lại hoàn cảnh của một số học sinh các khoá trước. Không ít em học xong đại học đi làm trái ngành, thậm chí là đi làm thuê.
Cô giáo Lê Thị Vinh cũng cho biết thêm: Việc hướng nghiệp cho học sinh được nhà trường thực hiện trong suốt năm lớp 12. Tuy nhiên, vì ở độ tuổi các em còn hạn chế, vốn hiểu biết chưa nhiều nên học sinh còn nhiều lúng túng khi định hướng nghề nghiệp.
Tôi dạy ở cả lớp thường và lớp chọn của trường. Những em ở lớp chọn, trúng tuyển sớm thường các em sớm xác định được nghề nghiệp. Còn lại, các em đang băn khoăn ở việc có nên vào đại học, đi du học hoặc học nghề.
Với nhiều em vào đại học, các em thường chọn ngành “hot”. Vì thế, khi tư vấn cho các em, tôi thường khuyên các em nên chọn đúng ngành nghề mình yêu thích, cơ hội việc làm khi ra trường. Có những ngành nghề có thể “hot” thời điểm này nhưng vài ba năm nữa sẽ không còn thịnh hành và các em sẽ gặp khó khăn.
Thầy giáo Tô Vinh - chủ nhiệm lớp 12A5, Trường THPT Phan Thúc Trực (Yên Thành)
Khác với mọi năm, thí sinh có 2 tuần để đăng ký nguyện vọng thì năm nay các em chỉ có 1 tuần để “cân, đo, đong, đếm”. Theo quy định, thí sinh không bị giới hạn về nguyện vọng những chỉ được xét trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất. Do đó, đến trước ngày 30/7, các em cần phải cân nhắc và tham khảo kỹ càng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tất cả thí sinh đều phải tham gia đăng ký xét tuyển trên hệ thống, kể cả thí sinh đã xét, trúng tuyển sớm ở các cơ sở đào tạo.
Cụ thể:
-Từ ngày 18/7 đến 17h ngày 30/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần.
- Từ ngày 22/7 đến 17h ngày 31/7, đối tượng thí sinh diện xét tuyển thẳng xác nhận nhập học trên hệ thống (nếu có).
- Từ ngày 31/7 đến 17h ngày 6/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng xét tuyển bằng hình thức trực tuyến, theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
- Trước 17h ngày 19/8, các cơ sở đào tạo thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1.
- Trước 17h ngày 27/8, thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống.