Giáo dục

Sĩ tử lớp 12 'hóng' phương án tuyển sinh của các trường đại học

Mỹ Hà 01/04/2025 11:02

Năm 2025 là năm đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp được tổ chức theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Vì thế, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh về quy chế tuyển sinh khiến nhiều thí sinh lo lắng.

Không còn lợi thế "tuyển sinh sớm"

Em Nguyễn Minh Nhật, học sinh lớp 12A2 - Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh) vừa hoàn thành Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và đạt 90 điểm. Đây là mức điểm thấp hơn dự kiến, nên từ nguyện vọng vào Trường Kinh tế quốc dân, Nhật chuyển hướng sang khối kỹ thuật.

Nhật cũng cho biết, dù xác định đổi nguyện vọng nhưng đến nay em chưa chắc chắn về phương án chọn ngành, chọn trường đại học. Trước mắt, Nhật đang tập trung cho Kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh để tăng cơ hội trúng tuyển.

Trước đó, chuẩn bị cho việc xét tuyển vào đại học, Nguyễn Minh Nhật đã chuẩn bị khá nhiều phương án, trong đó có thi để lấy chứng chỉ IELTS. Mặc dù vậy, gần đến cuối năm lớp 12, Nhật lại càng hoang mang vì quy chế thi và tuyển sinh năm nay có nhiều thay đổi.

bna-gio-hoc-cua-hoc-sinh-lop-12-truong-thpt-le-viet-thuat.-anh-my-ha.jpg
Giờ học của học sinh lớp 12, Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh). Ảnh: Mỹ Hà

Em lo lắng khi năm nay Bộ không thực hiện phương thức xét tuyển sớm và sử dụng quy tắc đổi điểm về cùng một mức. Như vậy, với những thí sinh tham gia các kỳ thi riêng như chúng em sẽ không còn lợi thế. Hơn nữa, chúng em chưa biết hình dung các trường đại học sẽ quy đổi như thế nào để đảm bảo công bằng cho tất cả các phương thức.

Học sinh Nguyễn Minh Nhật

Cùng với lớp Minh Nhật, học sinh Nguyễn Anh Minh lại vừa lỡ Kỳ thi đánh giá năng lực. Đặt mục tiêu vào Trường Đại học Giao thông Hà Nội, giờ mọi hy vọng của Minh chỉ còn trông chờ vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Nguyễn Anh Minh cho biết: "Em đã dành hẳn một buổi sáng trước màn hình máy tính để đăng ký Kỳ thi đánh giá năng lực nhưng đã không thành công. Bỏ lỡ đợt thi này, em không còn cơ hội nào để tham gia nữa, vì toàn bộ các chỗ thi đã được đăng ký hết. Hiện tại, em đang tập trung cho Kỳ thi tốt nghiệp lớp 12, nhưng em không tự tin lắm vì đây là kỳ thi có tính cạnh tranh rất cao.

Năm 2024, ngành học em yêu thích lấy gần 27 điểm, cao nhất trường. Vì thế, em hy vọng năm nay sẽ thấp hơn vì đề thi của năm nay khác và khó hơn các năm trước, thí sinh khó đạt điểm cao.

Em cũng hy vọng khi Bộ quy về một phương thức xét tuyển, các trường đại học sẽ dành nhiều tiêu chí hơn cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp, tránh tình trạng chỉ tiêu ít và điểm xét tuyển quá cao như trước đây".

Học sinh Nguyễn Anh Minh

Sau một thời gian đưa ra phương án dự thảo, giữa tháng 3 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chốt quy chế tuyển sinh năm 2025 với nhiều điểm mới.

Với sự thay đổi này, năm 2025 khi đăng ký xét tuyển, thí sinh không cần chọn mã phương thức hoặc tổ hợp xét tuyển. Hệ thống tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tự động xét tuyển theo phương thức có kết quả cao nhất của thí sinh, giúp giảm tải và tăng cơ hội trúng tuyển.

Tiết học Tiếng Anh của học sinh Trường THPT Nam Đàn 1. Ảnh: Mỹ Hà
Tiết học Tiếng Anh của học sinh Trường THPT Nam Đàn 1. Ảnh: Mỹ Hà

Năm 2025, tất cả các trường đại học sẽ không còn xét tuyển sớm. Ngoài ra, các trường phải dùng kết quả học tập của cả năm lớp 12 để xét tuyển; công khai quy tắc quy đổi tương đương điểm trúng tuyển; không giới hạn số tổ hợp xét tuyển. Ngoài ra, các trường có thể sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ phù hợp để quy đổi thành điểm môn ngoại ngữ trong xét tuyển.

Theo quy định năm nay, tổng điểm cộng không vượt quá 10% mức điểm tối đa của thang điểm xét tuyển, tránh tình trạng có những ngành phải hơn 30 điểm mới trúng tuyển như các năm trước.

Thí sinh trúng tuyển thẳng phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống và xác nhận nhập học. Tại kỳ thi này, việc tính điểm xét tốt nghiệp chỉ còn 50% điểm thi tốt nghiệp THPT, còn lại 50% tính điểm từ quá trình 3 năm học THPT.

Theo quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, những thay đổi này phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đó là tập trung phát triển năng lực, phẩm chất người học.

Nói về những thay đổi này, thầy giáo Trần Nghĩa Công - Hiệu trưởng Trường THPT Nam Đàn 1, cho biết: "Với việc thực hiện quy tắc quy đổi tương đương điểm trúng tuyển, tôi nghĩ sẽ đem đến công bằng cho tất cả các thí sinh và chia đều các cơ hội trúng tuyển, chia đều các phương thức. Ở trường chúng tôi, với sự thay đổi này, tôi thấy học sinh học tập nghiêm túc và tập trung hơn, không còn tình trạng lơ là việc học vì đã được xét tuyển sớm như các năm trước. Chúng tôi cũng động viên học sinh tập trung 4 môn thi tốt nghiệp vì nếu đạt điểm cao, các em có thể sẽ được xét tuyển đại học ở 6 tổ hợp khác nhau. Như vậy, cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn".

Trường đại học thay đổi phương án tuyển sinh

Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh năm 2025, nhiều trường đại học cho biết sẽ phải thay đổi phương án tuyển sinh trong năm 2025. Trong đó, điều mà thí sinh quan tâm nhất, chính là việc quy đổi như thế nào giữa các phương thức để đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh cùng tham gia xét tuyển.

bna_hoc-sinh-truong-thpt-ha-huy-tap-tim-hieu-ve-phuong-an-tuyen-sinh-cua-cac-truong-dai-hoc.-anh-my-ha-21d996f3c8508320496c7a898f354dab(1).jpg
Học sinh Trường THPT Hà Huy Tập tìm hiểu về phương án tuyển sinh của các trường đại học. Ảnh: Mỹ Hà

Tại Trường Đại học Vinh, trong thông báo cũ, nhà trường dự kiến sẽ tuyển sinh với 5 phương thức gồm tuyển thẳng, tuyển sinh thí sinh học trường chuyên có chứng chỉ Tin học, Tiếng Anh quốc tế, tuyển sinh qua xét tuyển học bạ, tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT...

Tuy nhiên, mới đây qua trao đổi với Báo Nghệ An, GS.TS Nguyễn Huy Bằng - Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh cho biết, nhà trường sẽ có những điều chỉnh trong quy chế tuyển sinh năm nay để phù hợp với các quy định mới.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tổ chức cuộc họp với các trường đại học để bàn về phương án tuyển sinh năm nay, trong đó có hướng dẫn về quy đổi các phương thức tuyển sinh. Sau khi tham dự cuộc họp này, trường sẽ họp, xem xét điều chỉnh và sớm công bố giúp thí sinh có đủ thông tin để lựa chọn nguyện vọng.

GS.TS Nguyễn Huy Bằng

Tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, TS Võ Tiến Trung - Trưởng phòng Đào tạo cho biết: Những điều chỉnh mới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác tuyển sinh là phù hợp. Về phía các trường sẽ phải tính toán công thức quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển. Các thí sinh không cần phải quá lo lắng vì việc quy đổi điểm sẽ được công khai và hoàn toàn công bằng, khách quan.

Giờ học của sinh viên Khoa công nghệ thông tin - Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh. Ảnh - Mỹ Hà
Giờ học của sinh viên Khoa công nghệ thông tin - Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh. Ảnh: Mỹ Hà

Trên cả nước, ngoài đối tượng được tuyển thẳng như học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, hiện các trường đại học cũng đã bỏ xét tuyển sớm, không chia chỉ tiêu theo phương thức, dự kiến thêm các tổ hợp xét tuyển mới và đang tính toán công thức quy đổi điểm theo thang chung, sau điều chỉnh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về vấn đề này, theo dự thảo hướng dẫn tuyển sinh đại học năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới được công bố ngày 29/3/2025, Bộ cũng yêu cầu các trường việc quy đổi phải đơn giản, dễ hiểu, thuận lợi cho việc áp dụng. Trong đó, các trường sử dụng dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc kết quả học tập bậc THPT làm gốc, kết hợp hàng loạt tiêu chí để các trường đại học xây dựng công thức quy đổi đổi điểm xét tuyển năm 2025.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Sĩ tử lớp 12 'hóng' phương án tuyển sinh của các trường đại học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO