Kinh tế

Siết chặt công tác đấu tranh chống hàng giả, gian lận thương mại - Bài 2: Hệ lụy lớn từ thảo dược không rõ nguồn gốc

Nhóm Phóng viên 09/07/2025 11:24

Những năm gần đây, mạng xã hội trở thành “kênh" tiếp thị cực kỳ "hiệu quả" cho các quảng cáo thảo dược gắn mác “lương y gia truyền”, “bài thuốc bí truyền dân tộc”... với thông tin thổi phồng công dụng. Tại Nghệ An, không ít người dân vì tin theo mà rơi vào cảnh "tiền mất, tật mang", thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

ẢNH BÌA TỔNG 2
ẢNH BÌA TỔNG 2

Những năm gần đây, mạng xã hội trở thành “kênh" tiếp thị cực kỳ "hiệu quả" cho các quảng cáo thảo dược gắn mác “lương y gia truyền”, “bài thuốc bí truyền dân tộc”... với thông tin thổi phồng công dụng. Tại Nghệ An, không ít người dân vì tin theo mà rơi vào cảnh "tiền mất, tật mang", thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Tiền mất, tật mang vì tin vào thuốc "gia truyền"

Tìm kiếm trên TikTok, Facebook hay YouTube với những cụm từ như “chữa ung thư bằng thảo dược”, “trị cận thị không cần mổ”, “điều trị thoái hóa xương khớp”..., chỉ sau vài giây, hàng trăm video hiện ra với nội dung bắt mắt, lời lẽ hoa mỹ, tự xưng là "lương y", "bác sĩ Đông y", giới thiệu các loại cao thảo dược, thuốc sắc, trà thảo mộc với công dụng “thần kỳ”: khỏi bệnh không cần phẫu thuật, không cần thuốc tây, không cần đến bệnh viện(!).

Điều rất đáng báo động, là những thông tin này đánh trúng tâm lý e ngại tân dược, mong muốn tìm đến “thuốc Nam lành tính” của nhiều người, đặc biệt là người cao tuổi và các bệnh nhân mãn tính. Không ít người tin theo lời quảng cáo, đặt mua thuốc qua mạng và sử dụng mà không có bất kỳ sự thăm khám hay tư vấn y tế nào.

Đơn cử trường hợp bà Giang Thị Tuyền (75 tuổi, trú tại xã Giai Lạc, Nghệ An) là một minh chứng rõ ràng. Nghe lời quảng cáo trên TikTok về loại “cao gắm thảo dược” chữa dứt điểm xương khớp chỉ sau 20 ngày, bà bỏ ra gần 4 triệu đồng mua dùng. Thế nhưng, sau 2 tháng kiên trì, không những bệnh không giảm mà bà còn bị phù nề, khó thở, phải nhập viện cấp cứu.

Một trường hợp khác là chị Trần Thị Minh ở xã Diễn Châu chia sẻ rằng, chị mua thuốc thảo dược trị tiểu đường cho bố từ một tài khoản Facebook rao bán "bài thuốc gia truyền 3 đời của người vùng cao", được quảng cáo là “khỏi dứt điểm sau 60 ngày”, giá tiền 6 triệu đồng/lộ trình; thế nhưng sau chưa đầy 3 tuần sử dụng, sức khỏe của người bố trở nặng, phải nhập viện trong tình trạng suy kiệt, hạ đường huyết nghiêm trọng.

Còn nữa, hàng loạt tài khoản trên TikTok và YouTube quảng cáo các sản phẩm như “trà ngừa K” với giá vài trăm nghìn đồng/gói, được tuyên bố có thể “tiêu u, tiêu ung thư”, “trị u tuyến giáp, u xơ tử cung”... Những lời lẽ “có cánh” như vậy không chỉ sai sự thật mà còn cực kỳ nguy hiểm, khiến người bệnh từ chối điều trị y tế, đánh đổi cả tính mạng vì tin vào hy vọng mong manh.

Qua tìm hiểu cho thấy, phần lớn các tài khoản rao bán thuốc thảo dược trên mạng không công bố địa chỉ cụ thể, không có giấy phép hành nghề, không có hóa đơn hay chứng từ chứng minh nguồn gốc sản phẩm. Người bán thường dùng hình ảnh người mặc áo blouse trắng, nói giọng miền núi, tự xưng là “thầy thuốc dân tộc” hay “người giữ bài thuốc bí truyền” để tăng độ tin cậy. Một số còn ngang nhiên mạo danh bác sĩ bệnh viện lớn hoặc sử dụng logo báo chí, truyền hình để “bảo chứng” cho sản phẩm.

Bên cạnh tình trạng quảng cáo thổi phồng công dụng, nhiều loại dược liệu hiện nay còn tiềm ẩn nguy cơ bị làm giả. Không ít sản phẩm được rao bán tràn lan bởi những “ông lang, bà mế” tự xưng. Thậm chí, một số trường hợp còn sử dụng chất bảo quản hoặc phụ gia bảo quản, tiềm ẩn nguy cơ gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia y tế khẳng định: Đến nay, chưa có bất kỳ loại thảo dược đơn lẻ nào được khoa học công nhận là chữa khỏi ung thư. Một số thảo dược có thể hỗ trợ nâng cao miễn dịch, cải thiện triệu chứng, nhưng hoàn toàn không thay thế được phác đồ điều trị y tế. Trên thực tế, trên đây là các chiêu thức lừa đảo có tổ chức, núp bóng thương mại điện tử và mạng xã hội; các đối tượng hoạt động qua nhiều lớp tài khoản ảo, hội nhóm kín trên Facebook, Zalo, Telegram… để bán hàng, livestream tư vấn sai lệch, thậm chí lôi kéo người mua tham gia cộng tác viên, đại lý phân phối tạo thành hệ thống đa cấp trá hình.

Tình trạng “thổi phồng” công dụng thảo dược, thực phẩm chức năng còn lan rộng tại nhiều khu chợ, quầy thuốc nhỏ lẻ ở nông thôn và vùng sâu, vùng xa. Tại đây, nhiều nhà thuốc lợi dụng sự thiếu hiểu biết và tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” của người dân để tư vấn, chèo kéo mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc, nhãn mác sơ sài, quảng cáo như “thần dược”. Những sản phẩm này được giới thiệu là "thuốc bổ gan, tiêu độc, tăng đề kháng, hạ đường huyết, giảm mỡ máu"… nhưng thực chất là thực phẩm chức năng thông thường, không có tác dụng điều trị bệnh. Thậm chí, nhiều chủ nhà thuốc còn gợi ý “uống thay thuốc”, khuyên người bệnh bỏ hẳn đơn thuốc của bác sĩ để chuyển sang dùng thực phẩm chức năng với lời cam kết “không tác dụng phụ”, “hiệu quả lâu dài”.

Một thảo dược chữa khớp không có nguồn gốc bán trên mạng. Ảnh: Văn Trường
Một loại thảo dược chữa bệnh về khớp không có nguồn gốc được rao bán trên mạng. Ảnh: Văn Trường

Tại các khu chợ quê, các hội chợ, không khó để bắt gặp những gánh hàng rong bày bán các loại rễ cây, lá khô, cao dán, rượu ngâm… được quảng cáo là "thuốc Nam quý hiếm", “bí truyền của người Dao, người Thái”, "đặc trị xương khớp, dạ dày, mất ngủ”… với giá chỉ vài chục đến vài trăm nghìn đồng. Người bán thường đi kèm những câu chuyện ly kỳ như từng chữa khỏi bệnh nan y, từng được “ông lang già” trong rừng truyền lại bài thuốc, khiến nhiều người nhẹ dạ tin tưởng mua về dùng mà không hề hay biết mình đang tự đặt sức khỏe, thậm chí tính mạng vào vòng nguy hiểm.

Đơn cử như trường hợp của bà B.T.L (60 tuổi), trú tại xã Xuân Lâm, tỉnh Nghệ An, suốt hơn 10 năm nay phải sống chung với tình trạng tê bì chân tay, đau nhức xương khớp khiến việc đi lại trở nên khó khăn. Thay vì đến bệnh viện kiểm tra, bà L đã tin tưởng làm theo lời giới thiệu của một người quen trên địa bàn xã, người này tự nhận “có bài thuốc dân gian kết hợp xoa bóp gia truyền”. Bà được hướng dẫn dùng một loại thuốc thảo dược uống kèm với liệu trình mát xa chân mỗi ngày, với giá trọn gói trên 10 triệu đồng. Những lời quảng cáo như “khỏi hẳn sau 1 tháng”, “đả thông kinh mạch, lưu thông khí huyết” đã khiến bà kỳ vọng vào một phép màu...

Thế nhưng, sau khi kiên trì thực hiện suốt hơn 1 tháng, tình trạng bệnh của bà B.T.L không những không thuyên giảm, mà còn có dấu hiệu nặng thêm. Khi người nhà đưa bà đến cơ sở y tế để thăm khám, bác sĩ kết luận các khớp của bà đã bị thoái hóa nặng, việc điều trị sẽ khó khăn hơn do đã bỏ lỡ thời điểm can thiệp y học hiệu quả. Trường hợp của bà L một lần nữa cho thấy hệ lụy đáng báo động từ việc nhẹ dạ cả tin vào các phương pháp chữa bệnh truyền miệng, không qua kiểm chứng y tế.

Tình trạng buôn bán và sử dụng các loại thảo dược, thực phẩm chức năng không được kiểm soát đang đặt ra nhiều thách thức trong công tác bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Trong bối cảnh đó, việc tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi quảng cáo sai sự thật, siết chặt quản lý thị trường dược phẩm truyền thống và nâng cao nhận thức của người dân là những giải pháp cấp thiết cần được triển khai đồng bộ và thường xuyên.

Tìm giải pháp xử lý triệt để các vi phạm kinh doanh thảo dược

Trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ, việc kiểm soát hoạt động bán thuốc trên mạng đang là một bài toán nan giải. Phần lớn giao dịch hiện nay diễn ra qua nền tảng không chính thống, không đăng ký với Bộ Công Thương, không hóa đơn chứng từ, khiến cơ quan quản lý gặp khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc và xử lý vi phạm.

Trước tình trạng này, Bộ Y tế đã nhiều lần ra thông báo cảnh báo người dân không tin vào những quảng cáo thổi phồng công dụng, chỉ sử dụng thuốc theo đơn, theo chỉ định của bác sĩ và có nguồn gốc rõ ràng. Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng đưa ra khuyến cáo mạnh mẽ về việc không nên tham gia các hội nhóm tư vấn chữa bệnh không chính thống, không mua thuốc từ các tài khoản không xác định.

Theo thông tin từ Chi Cục Quản lý thị trường Nghệ An, từ đầu năm 2025 đến nay, cơ quan này đã phối hợp với các lực lượng xử lý 28 vụ việc liên quan đến kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc qua mạng, xử phạt hành chính hơn 623 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là buôn bán thuốc giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, quảng cáo sai công dụng, sử dụng hình ảnh y, bác sĩ trái phép.

Tại Nghệ An, Chi cục Quản lý thị trường đã tổ chức tập huấn cho cán bộ nhận diện thuốc giả, hàng nhái; phân công lực lượng theo dõi hoạt động thương mại điện tử và truy quét các ổ nhóm bán thuốc online, tuy nhiên, gặp không ít khó khăn như việc đăng ký website và mua tên miền ở nước ngoài hiện rất dễ dàng, chỉ với vài thao tác đơn giản, cá nhân và tổ chức có thể lập nên các trang bán hàng “ảo” mà không chịu sự kiểm soát chặt chẽ từ cơ quan chức năng. Khi bị phát hiện hoặc phản ánh, các đối tượng này nhanh chóng xóa bỏ dấu vết hoặc chuyển sang các địa chỉ mới để tiếp tục hoạt động, gây không ít khó khăn cho công tác quản lý và xử lý vi phạm.

Nhằm siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh và sử dụng dược liệu, Bộ Y tế đã ban hành thông tư quy định rõ các điều kiện trong sơ chế, chế biến dược liệu. Đồng thời, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền cũng thường xuyên có văn bản gửi các Sở Y tế địa phương, yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát các phòng khám và cơ sở hành nghề y học cổ truyền. Trường hợp phát hiện dược liệu, thuốc đông y không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

thảo dược

Theo thống kê, mạng lưới y tế trên địa bàn Nghệ An bao gồm tổng số cơ sở hành nghề y, dược được cấp phép 3.635 cơ sở, trong đó 741 cơ sở hành nghề y (19 bệnh viện, 39 phòng khám đa khoa và 683 phòng khám chuyên khoa, dịch vụ y tế) và 2.894 cơ sở hành nghề dược (95 công ty và chi nhánh; 765 nhà thuốc; 2.034 quầy thuốc). Từ ngày 01/1/2024 đến ngày 31/5/2025, Sở Y tế đã cấp phép cho 894 cơ sở hành nghề dược (11 công ty và chi nhánh; 403 nhà thuốc; 480 quầy thuốc); cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề dược cho 875 cá nhân; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm cho 139 cơ sở thuộc lĩnh vực ngành Y tế quản lý.

(Còn nữa)

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Siết chặt công tác đấu tranh chống hàng giả, gian lận thương mại - Bài 2: Hệ lụy lớn từ thảo dược không rõ nguồn gốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO