Siết chặt quản lý kinh doanh xăng dầu: Bài 1: Những vi phạm

Mặc dù là ngành kinh doanh đặc thù, có những tiêu chuẩn khắt khe, nhưng trên thực tế, rất nhiều tồn tại xung quanh hoạt động kinh doanh xăng dầu;  nhiều cửa hàng chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ, có trường hợp còn kinh doanh ngay trong nhà, chưa có giấy phép xây dựng, vi phạm hành lang an toàn giao thông…

Có mặt tại xã Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai), chúng tôi nhận thấy, mặc dù chưa đủ điều kiện kinh doanh nhưng các cửa hàng bán dầu diesel trên địa bàn này vẫn hoạt động công khai.

Có những cửa hàng, cột bơm được lắp đặt ngay trong nhà, được đậy lại bằng cửa cuốn hoặc các lưới thép B40; hầm chứa nằm ngay phía trên nền nhà, được đậy lại sơ sài bằng viên gạch lát hoặc tấm inox. Khi có tàu thuyền đến bơm dầu thì được chủ cơ sở mở cửa kéo vòi ra bơm.

Ảnh: Tiến Đông
Ảnh: Tiến Đông

Thời điểm chúng tôi có mặt, có cửa hàng đang nhập dầu, do không đủ diện tích nên xe bồn đậu ngay trên đường và kéo vòi vào bơm, gây cản trở giao thông. Bên cạnh đó, do không có khu vực nhập dầu theo quy định, lại kinh doanh trong một khu vực chật chội, kết hợp nhà ở khiến cho các cây dầu này luôn trong tình trạng ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu của Bộ Công Thương quy định rõ: Vị trí xây dựng cửa hàng xăng dầu phải phù hợp với quy hoạch, có diện tích tối thiểu 900m2, phải đảm bảo yêu cầu an toàn giao thông, an toàn phòng cháy chữa cháy và vệ sinh môi trường. Cửa hàng xăng dầu tiếp giáp với các công trình xây dựng khác phải có tường bao kín có chiều cao không nhỏ hơn 2,2m bằng vật liệu không cháy…

Tuy nhiên, khảo sát tại nhiều cửa hàng xăng dầu tại vùng ven biển cho thấy đều không đạt tiêu chuẩn này. Một người dân sống tại thôn Đồng Tiến (xã Quỳnh Lập) cho biết: Các cây dầu chủ yếu bán dầu cho tàu thuyền, khi nào có thuyền về thì họ mới mở bán, xong kéo cửa lại, đường ống thì vứt lăn lóc bên đường ra chỗ neo tàu. Do sống bên cạnh các điểm bán dầu nên lúc nào mùi dầu cũng xộc lên nồng nặc.

Cũng chính vì thế, rất nhiều cây xăng chưa đầy đủ thủ tục pháp lý như giấy phép xây dựng và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu. Ông S. kinh doanh dầu ở thôn Đồng Tiến (xã Quỳnh Lập) từ năm 2005, đến nay vẫn chưa có giấy phép xây dựng. Ông S. cho biết hiện nay gia đình đang hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục pháp lý theo quy định. Cái khó là do địa bàn Quỳnh Lập mật độ dân đông, khó tìm vị trí đủ rộng để có thể quy hoạch, xây dựng điểm kinh doanh xăng dầu theo đúng quy định.

Khi những cây xăng trong khu vực dân cư không đạt tiêu chuẩn vẫn ngang nhiên hoạt động thì người dân sống gần các cây xăng vẫn luôn thường trực nỗi bất an. Bởi những cây xăng này như những quả bom nổ chậm có thể phát nổ bất cứ lúc nào, đe dọa cuộc sống, an toàn tính mạng, tài sản người dân. (Ảnh: 2 cây dầu liền nhau ở xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) vi phạm hành lang ATGT và không đáp ứng đầy đủ QCVN 01-2013). Ảnh: Tiến Đông
Khi những cây xăng trong khu vực dân cư không đạt tiêu chuẩn vẫn ngang nhiên hoạt động thì người dân sống gần các cây xăng vẫn luôn thường trực nỗi bất an. Bởi những cây xăng này như những quả bom nổ chậm có thể phát nổ bất cứ lúc nào, đe dọa cuộc sống, an toàn tính mạng, tài sản người dân. (Ảnh: 2 cây dầu liền nhau ở xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) vi phạm hành lang ATGT và không đáp ứng đầy đủ QCVN 01-2013). Ảnh: Tiến Đông

Ông Nguyễn Văn Nho – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập cho rằng, đặc thù tại khu vực Quỳnh Lập là quỹ đất rất ít, có những chỗ quy hoạch xây dựng điểm bán xăng dầu thì lại nằm trong đất của HTX hoặc của công ty tư nhân, do chủ yếu bán lẻ xăng dầu cho tàu thuyền nên không thể quy hoạch sâu trong đất liền.

Chúng tôi cũng đã có mặt tại địa bàn huyện Quỳnh Lưu, tại xã Tiến Thủy, chứng kiến ngay khu vực Cảng cá Lạch Quèn có nhiều cửa hàng bán dầu diesel được xây dựng trong nhà, nằm sát ngay lề đường mà không hề có khoảng lùi để cho xe vào tiếp dầu. Các xe bồn của nhà phân phối khi đến nhập dầu cho cửa hàng đậu ngay trên đường rồi bơm. Xen kẽ giữa khu dân cư đông đúc của xã Tiến Thủy là các cửa hàng kinh doanh dầu diesel, bồn chứa thì được đặt ngay dưới nền nhà, chỉ đậy bằng gạch lát hoặc nắp inox, hệ thống vòi nối từ cột bơm ra cho tàu thuyền thì cũng nằm ngay bên lề đường, vết dầu loang, dấu dầu chảy xuống nền đường bóng loáng và bốc mùi nồng nặc. Khi thấy chúng tôi đưa máy ảnh lên chụp, nhiều người vội vàng kéo cửa cuốn lại rồi rời đi nơi khác.

Ông Hồ Bá N. (xóm Minh Sơn, xã Tiến Thủy), xây dựng cửa hàng từ năm 2000, hiện có 2 bể chứa với hơn 6m3 đặt ngay dưới nền phòng khách. Năm 2017, gia đình ông N đã được cấp lại giấy phép kinh doanh xăng dầu, tuy nhiên hiện tại nếu áp dụng theo QCVN 01:2013 thì có rất nhiều điểm không đạt, thậm chí còn vi phạm hành lang an toàn giao thông. Ông N. cho rằng, do đặc thù địa bàn vùng biển, đất chật người đông nên rất khó đạt được các tiêu chuẩn đề ra.

Ông Nguyễn Xuân T. (xóm Đức Xuân, xã Tiến Thủy), hiện cũng đang điều hành cửa hàng bán dầu do bố mẹ để lại ngay bên cảng Lạch Quèn đã cung cấp cho chúng tôi xem Giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu được Sở Công Thương cấp lại lần 2 vào ngày 20/11/2017, giấy chứng nhận có thời hạn trong vòng 5 năm. Trao đổi vấn đề ô nhiễm môi trường, ông T. cũng thừa nhận do không có thiết bị thu hồi hơi xăng dầu thoát ra ngoài nên mùi dầu bốc lên nồng nặc. Bên cạnh đó, diện tích không đủ nên rất khó đáp ứng được các tiêu chuẩn.

Không chỉ kinh doanh ngay trong nhà, chưa có giấy phép xây dựng, mà nổi cộm ở nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu hiện nay là vi phạm hành lang an toàn giao thông. Tại huyện Nam Đàn có 29 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang hoạt động. Có nhiều cửa hàng đã đầy đủ thủ tục pháp lý theo quy định và được Sở Công Thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu để hoạt động.

Tuy nhiên, có những cửa hàng xây dựng trong giai đoạn 2000 – 2010 thường có diện tích nhỏ hẹp, không có các công trình phụ trợ cần thiết, một số cửa hàng không đảm bảo chỉ giới hành lang an toàn giao thông. Trong số 29 cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở huyện Nam Đàn thì có đến 26 cửa hàng không đảm bảo hành lang an toàn giao thông; 13 cửa hàng thiếu công trình phụ trợ theo QCVN 01:2013.

Chủ một cơ sở kinh doanh xăng dầu trên đường 15A tại thị trấn Nam Đàn cho biết, gia đình kinh doanh xăng dầu từ năm 2008, và đã có đầy đủ các giấy tờ theo quy định. Tuy nhiên, trước đây do tuyến đường 15A chưa mở rộng nên diện tích kinh doanh của cửa hàng còn rộng rãi, nay đường đã mở rộng nên diện tích cây xăng bị thu hẹp lại, thành ra không đáp ứng được quy định đảm bảo hành lang an toàn giao thông.

Cửa hàng xăng dầu ở TP. Vinh vi phạm hành lang an toàn giao thông. Ảnh: Thu Huyền.
Cửa hàng xăng dầu ở TP. Vinh vi phạm hành lang an toàn giao thông. Ảnh: Thu Huyền.

Ông Nguyễn Văn Ước – Chủ tịch UBND xã Tiến Thủy cho biết: Sau đợt kiểm tra, rà soát của huyện và Sở Công Thương, một số hộ kinh doanh xăng dầu trên địa bàn đã tiến hành cải tạo, nâng cấp. Tuy nhiên, vẫn có một số cửa hàng không đáp ứng được yêu cầu về đảm bảo hành lang an toàn giao thông, một số cửa hàng có một phần công trình nằm trong hành lang đường bộ.

Về phía xã cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra, chủ yếu là nhắc nhở. Cái khó ở các xã ven biển, nhất là các xã có nghề đi biển phát triển như xã Tiến Thủy thì diện tích quá chật hẹp, mật độ dân cư đông nên rất khó tìm được vị trí xây dựng cây xăng dầu đáp ứng đủ các điều kiện, nếu có thì cũng nằm sâu trong nội địa, cách xa với điểm neo đậu của tàu thuyền.

Theo Nghị định 13 về an toàn công trình dầu khí trên đất liền cũng quy định khoảng cách an toàn đối với kho chứa xăng dầu của cửa hàng xăng dầu loại 3 – là loại nhỏ nhất hiện nay đến khu vực nhà dân tối thiểu là 15 m, khu vực đường giao thông tối thiểu là 20m. Tuy nhiên, cửa hàng xăng dầu nằm ngay sát đường giao thông đang rất phổ biến và không phải người dân nào cũng biết các quy định an toàn trên, các chủ cửa hàng, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thì “mũ ni che tai”, lơ là trong công tác quản lý…

(Còn nữa)