'Siêu lừa' giăng bẫy khiến 5.000 người mất tiền

Đức Hùng 28/03/2022 06:59

Thu hơn 100 tỷ đồng của 5.000 người thông qua việc lừa bán bản thiết kế nhà, Lê Bá Hải thuê phiên dịch để mở rộng "thị trường" ra nước ngoài thì bị bắt.

Lê Bá Hải, 32 tuổi, quê huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa, tốt nghiệp đại học ngành Kiến trúc song không theo nghề, đi buôn bán nhiều mặt hàng trên mạng. Quá trình kinh doanh online, nhận thấy nhiều người có nhu cầu kiếm việc làm từ xa, Hải lên kế hoạch chiếm đoạt tài sản bằng chiêu lừa bán bản thiết kế.

Anh ta mua lại các Fanpage có nhiều lượt theo dõi lớn rồi đổi tên, thiết kế lại cho phù hợp với sản phẩm sẽ rao bán là các bản thiết kế công trình, chạy quảng cáo tăng mức độ phổ biến nhằm thu hút cộng tác viên. Dưới vỏ bọc kiến trúc sư, Hải tuyển hơn 50 nhân viên, làm việc tại 11 địa điểm ở Hà Nội và Thanh Hóa, mỗi văn phòng có một nhóm trưởng phụ trách, thu nhập của người này được trả bằng 1% tổng số tiền lừa đảo thu về hàng tháng. Nhân viên hưởng lương cứng 3-5 triệu đồng một tuần, ngoài ra còn thêm 8% tiền hoa hồng nếu bán được bản vẽ.

Nghi can Hải lúc bị bắt tại cơ quan điều tra. Ảnh: Công an cung cấp

Nhóm này lên Fanpage đăng tin tuyển cộng tác viên làm việc online bán thời gian, lương 2-3 triệu đồng một tuần, hàng ngày chỉ cần quảng bá việc kinh doanh của đường dây lên mạng xã hội. Nếu ai bán được một bản vẽ sẽ hưởng 30% "hoa hồng" tùy theo giá tiền. Công ty nhận chiết khấu 20-30% giá trị bản vẽ thanh toán, số còn lại cho cộng tác viên nợ. Một bản thiết kế ra giá 10-70 triệu đồng, một số ít do Hải tự vẽ, còn lại là tải trên mạng về "chào hàng".

Khi cộng tác viên tham gia đường dây, người trong nhóm của Hải sẽ lập Facebook ảo tiếp cận, nói có nhu cầu tìm mua bản thiết kế công trình. Lúc cộng tác viên gửi một số bản vẽ có sẵn để lựa chọn, "khách" chọn một cái, làm chứng từ đã thanh toán 10% giá trị hợp đồng vào tài khoản công ty.

Cộng tác viên sau đó báo lại với nhóm của Hải và được yêu cầu chuyển 70% giá trị hợp đồng để công ty gửi bản thiết kế chính thức, số tiền này cùng "hoa hồng" sẽ được chuyển lại khi khách hàng chốt giao dịch. Thông thường, nạn nhân sẽ bị lừa tiền ở giai đoạn này. Tiếp đó, nhóm của Hải sẽ "nghiên cứu hồ sơ Facebook" của cộng tác viên. Khi đánh giá "con mồi" có tiền hoặc cả tin, chúng sẽ cho người mới vào, dùng "bổn cũ soạn lại" để lừa, hoặc áp dụng chiêu mới.

Nếu "con mồi" được nhận định là có tiền, sau khi chuyển 70% giá trị hợp đồng, "khách ban đầu" sẽ chê bản vẽ xấu hoặc chưa đạt yêu cầu, đề nghị người bán sửa, nếu không sẽ hủy hợp đồng hoặc rút cọc. Lúc cộng tác viên báo về, nhóm trưởng sẽ bắt nộp thêm chi phí sửa bản thiết kế, hoặc nếu muốn hủy giao dịch thì phải đóng tiền "gỡ bản quyền" hộ khách.

Một số "chân rết" trong đường dây của Hải lúc bị bắt. Ảnh: Công an cung cấp

Nhiều cộng tác viên lỡ chuyển khoản trước, nóng lòng muốn được công ty hoàn tiền nên làm theo yêu cầu, song càng bị lừa thêm. Mỗi lần "diễn kịch" xong, nhóm "chân rết" của Hải cắt đứt liên lạc với cộng tác viên, chặn Facebook, hủy các SIM rác dùng để giao dịch trước đó.

Manh mối về đường dây được hé lộ vào tháng 10/2021, một người dân trên địa bàn trình báo Công an tỉnh Hà Tĩnh trong quá trình tham gia làm cộng tác viên bán bản thiết kế nhà qua mạng cho một công ty đã bị lừa hơn 700 triệu đồng.

Đại úy Nguyễn Văn Bảo - Đội trưởng Đội 1, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, 35 cán bộ, trinh sát kỹ thuật đã rà soát trên mạng suốt 2 tháng để tìm phương thức, thủ đoạn và danh tính những người cầm đầu. Lúc chứng cứ xuất hiện, ban chuyên án cử cán bộ tới các địa phương xác minh.

Theo đại úy Bảo, thủ đoạn lừa đảo trên không mới, song Hải là một người am hiểu công nghệ thông tin, rất tinh vi khi chọn mặt hàng đặc thù để lừa. Bản vẽ thiết kế là sản phẩm số, không tồn tại vật chất, giao dịch qua mạng nên dễ che giấu nguồn gốc. Ai nghi ngờ chỉ cần chặn Facebook, Zalo... là xóa sạch dấu vết.

Giữa tháng 12/2021, hồ sơ về đường dây đã được thu thập đầy đủ. Qua theo dõi, trinh sát phát hiện Hải đang chuẩn bị mở rộng thị trường ra nước ngoài, khi có động thái thuê phiên dịch làm các hệ thống Fanpage bằng tiếng Thái Lan. Việc lập văn phòng tại quốc gia này, khâu nối sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản... cũng được tính đến khi công ty vươn tầm "phủ sóng".

"Manh mối thu thập trên mạng chỉ là thông tin ban đầu, đa phần phải đi xác minh trực tiếp, do dịch Covid-19 nên việc này không đơn giản. Nhóm này đặt trụ sở tại các tòa nhà và văn phòng cho thuê, ít giao lưu với bên ngoài, cửa luôn khóa. Để tiếp cận, trinh sát phải dùng nhiều biện pháp nghiệp vụ", đại úy Bảo nói.

Ngày 29/12/2021, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hà Tĩnh, phối hợp với Công an TP Hà Nội, Thanh Hóa, huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đồng loạt đột kích 40 địa điểm, bắt 41 người, thu hơn 2 tỷ đồng tiền mặt cùng nhiều tang vật liên quan. Tại một chung cư ở phố Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội - nơi Hải đặt trụ sở chính, thấy cảnh sát đến anh ta liền chạy ra cổng định lên ôtô nổ máy tẩu thoát, song bị siết vòng vây.

Cảnh sát xác định, 6 tháng cuối năm 2021, khoảng 5.000 người ở 35 tỉnh, thành phố đã "sập bẫy" do Hải và đồng phạm đưa ra, cả nhóm thu lợi bất chính hơn 100 tỷ đồng. Theo cơ quan điều tra, việc các nạn nhân bị lừa một phần cũng vì ham lợi nhuận, "hoa mắt" trước những lời dụ dỗ "việc nhẹ lương cao".

Hôm 19/1, Hải cùng 40 đồng phạm đã bị khởi tố, bắt giam và cấm đi khỏi nơi cư trú về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo điều 174 Bộ luật Hình sự.

Theo vnexpress.net
Copy Link

Mới nhất

x
'Siêu lừa' giăng bẫy khiến 5.000 người mất tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO