Sinh động mô hình thoát nghèo bền vững

Trong 5 năm qua, tỉnh Nghệ An đã tập trung thực hiện tốt các chương trình giảm nghèo; qua đó, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh; tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của nhân dân,… Để có được kết quả này, một trong những điều kiện quan trọng nhất là hỗ trợ nguồn lực căn bản để mỗi người nghèo tự vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đó là những mô hình thoát nghèo từ những con số “0”, được sự hỗ trợ đồng bộ để nỗ lực vươn lên trở thành những điển hình; từ đó đúc rút được những bài học kinh nghiệm cần nhân rộng.

Gia đình ông Lương Văn Nam ở bản Na Khướn, xã Na Loi (Kỳ Sơn), nhiều năm trước phát triển kinh tế hộ bằng nuôi vịt bầu bản địa, nuôi ong và làm nương rẫy. Tuy nhiên, do  thiếu kỹ thuật nuôi trồng nên chưa thành công. Năm 2017, gia đình ông Nam đã được Trung tâm dạy nghề huyện phối hợp cùng Phòng Nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc vịt; hỗ trợ thêm con giống và thức ăn. Từ đó, gia đình ông Nam đã phát triển đàn vịt lên 500 con, cho nguồn thu tương đối ổn định.

Ông Nam cho biết: “Khi trưởng thành, mỗi con vịt nặng khoảng 2kg; bán ra với giá thành 150.000 đồng/kg. Được con nào lớn thì dân trong xã và quanh vùng mua hết, không kịp đưa ra khỏi địa bàn. Mỗi năm gia đình thu nhập từ nuôi vịt khoảng xấp xỉ 100 triệu đồng; thoát khỏi hộ nghèo, nuôi 3 con  học tốt. Hiện cháu đầu đã tốt nghiệp đại học sư phạm, đang làm việc ở Hà Nội, cháu thứ hai đang học đại học y, cháu thứ ba đang đi học nghề… Hội Nông dân huyện đang nhân rộng mô hình nuôi vịt của gia đình tôi cho 70 gia đình khác tại bản. Tôi đứng ra truyền thụ kinh nghiệm nuôi cho bà con”.

Ở Nghệ An, không riêng  huyện Kỳ Sơn mà ở tất cả các địa phương, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đều được thực hiện tốt, phát huy hiệu quả. Ông Sầm Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Châu Thắng (Quỳ Châu) cho hay: “Nhờ thực hiện tốt chương trình hỗ trợ con giống chăn nuôi bò, lợn địa phương, phát triển lâm nghiệp mà tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 41% (năm 2015) giảm xuống còn 24,6% (2020). Trên địa bàn đã xuất hiện nhiều gương thoát nghèo tiêu biểu”. Đơn cử điển hình là gia đình anh Vi Văn Hải (bản Liên Bận, xã Châu Thắng).

Anh Hải cho hay: “Thiếu đất sản xuất, không có nghề nghiệp, gia đình là hộ nghèo ở bản. Năm 2018, tỉnh và huyện hỗ trợ cho 1 cặp bò cái từ dự án của Trung tâm Khuyến nông tỉnh.  Được sự hướng dẫn của cán bộ Khuyến nông, gia đình cố gắng chăm nuôi tốt. Đến nay, 2 con bò đã phát triển thành 4 con, 2 bò mẹ lại sắp đẻ. Được đà, tôi nuôi thêm lợn, cá. Vợ cũng đi làm công ty ở Hải Dương. Bây giờ gia đình đã thực sự thoát nghèo”. Anh Hải cho biết thêm, ở bản, ngoài gia đình anh còn có 3 gia đình khác cũng nhận được bò hỗ trợ. Nhờ sự hướng dẫn chăn nuôi kỹ càng, cặp bò của các gia đình sinh trưởng, sinh sản tốt và phát triển thành đàn. Các gia đình đó cũng đã thoát nghèo.

Cũng ở bản Liên Bận còn có gia đình ông Lô Xuân Hạnh đã thoát nghèo từ được hỗ trợ trồng cây lùng. Ông Hạnh kể: “Trước đây ở địa phương, cây lùng bản địa mọc khá nhiều, tuy nhiên lùng mọc hoang chưa được khoanh nuôi, chăm sóc. Khi Nhà nước và tổ chức Quốc tế Oxfam bước vào hỗ trợ phân bón, giống, tiền cùng hướng dẫn trồng và chăm sóc, gia đình tôi đã phát triển thành rừng lùng 1 ha, cho thu nhập mỗi năm gần 30 triệu đồng. Số tiền thu được chưa phải là nhiều, nhưng được cây lùng trồng 1 lần thu hoạch hàng chục năm, không phải tái đầu tư, không phải thường xuyên chăm sóc, lại phát triển nhanh. Rừng lùng có thể trồng xen giắm các loại cây khác; đầu ra cây lùng tốt, được nhiều người thu mua… Thêm cây lùng, gia đình đã thoát nghèo”.

Nhờ hưởng lợi từ chương trình giảm nghèo như chương trình Ngân hàng bò, hỗ trợ vay vốn của Ngân hàng Chính sách, tặng gà, làm nhà, hỗ trợ việc làm… mà ngay cả gia đình “yếu thế” bậc nhất ở xã như gia đình ông Nguyễn Hữu Danh – bà Nguyễn Thị Thông (thôn 5, xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai) đã thoát nghèo. Những năm trước cuộc sống của họ hết sức khó khăn khi ông Danh và người con gái út mắc bệnh thiểu năng trí tuệ. Sinh kế hàng ngày dựa vào việc bà Thông đi nhặt nhạnh, hái lá Lằng mọc hoang ở trên rừng đi bán.

Cuộc sống thay đổi khi năm 2017, gia đình bà Thông được Nhà nước tặng 1 con bò, hướng dẫn chăn nuôi; ngân hàng hỗ trợ cho vay 40 triệu đồng để mua thêm 1 con nữa và làm chuồng. Sau 3 năm, 2 con bò của gia đình đã sinh sôi thành 6 con. Cùng năm, 3 trong số 4 đứa con của bà được hỗ trợ học nghề và đến nay đều đã đi làm ở khu công nghiệp… Bà Nguyễn Thị Thông phấn khởi chia sẻ: “Nợ đã trả hết, gia đình thoát nghèo, cuộc sống đã đỡ vất vả hơn rất nhiều”.

Thông qua những chương trình, dự án đã triển khai, nhiều kinh nghiệm quý về công tác giảm nghèo được rút ra. Đây chính là cơ sở để Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giảm nghèo trong thời gian tới.

Ông Thò Bá Rê – Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, cho hay: “Trong giai đoạn 2016-2020, Kỳ Sơn đã triển khai 17 dự án, 2 chương trình hỗ trợ cho gần 13.000 lượt hộ gia đình tham gia vay vốn từ đó xuất hiện nhiều mô hình thoát nghèo hiệu quả. Tính đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở Kỳ Sơn đã giảm từ 65% năm 2016 xuống còn 46% năm 2020. “Để xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thực sự hiệu quả thì thay vì hỗ trợ trực tiếp, cần hỗ trợ các điều kiện phát triển kinh tế cho người dân. Từ đó khích lệ người nghèo chủ động sản xuất, từng bước vươn lên”, ông Thò Bá Rê nói.

Ông Lê Thanh Hà – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho rằng: Quỳ Châu có 11/12 xã, thị trấn thuộc vùng đặc biệt khó khăn với 80% số dân là người dân tộc thiểu số. Huyện luôn đặt công tác xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm. Với phương châm “cho cần câu hơn xâu cá” thì việc hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất là giải pháp quan trọng nhất trong mục tiêu giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, đã đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 50,5% (năm 2015) giảm xuống còn 20,17% (năm 2020); thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 40 triệu đồng.

Ông Hà nói: “Để giảm được nghèo mỗi cấp chính quyền cần thực hiện tốt phong trào xã hội hóa công tác giảm nghèo; lồng ghép các chính sách, đồng bộ các giải pháp chống tái nghèo đối với các hộ đã thoát nghèo, thoát cận nghèo. Quan trọng là phát huy tính tự giác, sự nỗ lực của mỗi người dân đối với công cuộc giảm nghèo bền vững”.

Ông Vũ Lê Hùng – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Vinh (TX. Hoàng Mai)  chia sẻ: Thời gian qua, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Quỳnh Vinh giảm nhanh, từ 6,4% năm 2015 xuống còn 1,1% vào năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 28 triệu đồng/người/năm lên 48 triệu đồng/người/năm. Để có kết quả này, ngoài những chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo về vay vốn, nhà ở, tư liệu sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, giải quyết việc làm… thì phải nói rằng, Quỳnh Vinh được hưởng lợi từ việc người lao động trong độ tuổi có việc làm khi mà các nhà máy, khu công nghiệp vùng Nghi Sơn – Hoàng Mai đi vào hoạt động. Ngoài ra, tỉnh, thị xã cũng đã quan tâm đến chế độ chính sách nông nghiệp cho người dân; thực hiện tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp, dạy nghề; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động; đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, xã cũng đã gắn công tác giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới; khuyến khích các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả cao như trồng nghệ, trồng ớt…

Đề cập về thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn, ông Vi Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông khẳng định: Để phong trào giảm nghèo đi vào chiều sâu, việc thực hiện công tác thi đua, khen thưởng nhằm biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo cũng cần được chú trọng. Để động viên các hộ tự nguyện thoát nghèo, huyện đã huy động nguồn kinh phí xã hội hoá làm phần thưởng trong hội nghị tổng kết cuối năm. Đó chính là sự ghi nhận, trân trọng của chính quyền địa phương với những người có ý thức vươn lên trong cuộc sống. Năm 2020, ở huyện đã có tới 523 hộ nghèo tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.