Sinh viên học thuê: Nỗi niềm bỏ ngỏ
(Baonghean) - Buổi tối, các phòng ký túc xá sinh viên trường Đại học H đông đúc nhộn nhịp. Sau tiếng gõ cửa phòng, một phụ nữ với dáng vẻ sang trọng nở nụ cười làm quen. Người khách đi thẳng vấn đề: Mình muốn tìm người học hộ, tiền công theo "giá thỏa thuận", mình có thể trả ngay theo buổi học hoặc trả vào cuối tháng, bạn nào giúp mình được không?
Nói đoạn, người phụ nữ trẻ ngồi xuống bên thành giường, bắt đầu tự giới thiệu: Mình học lớp tại chức, ngành Kế toán Khoa Kinh tế của Trường Đại học H. Học vào buổi tối, mỗi tuần trung bình học 3 buổi, mỗi buổi mình trả 50.000 đồng còn hôm nào làm bài kiểm tra mình sẽ gửi gấp đôi. Bạn nào đi học giúp mình chỉ cần có mặt ở lớp, ghi chép bài, hôm nào ôn thi thì ghi âm lại".
Do nhìn cứng tuổi hơn các bạn trong phòng nên tôi được khách hàng lựa chọn. Sau khi "tập huấn" cho tôi, chị xin số điện thoại ghi địa chỉ, tên tuổi của tôi và thỏa thuận "hợp đồng".
Một tuần sau tôi nhận được điện thoại của "thân chủ" thông báo tối thứ 3 vào lúc 19h em có mặt tại lớp học. Nhận được lệnh tôi tìm đến giảng đường theo hướng dẫn. Có mặt tại giảng đường, đã quá 15 phút nhưng lớp học vẫn trống hoắc, thầy giáo vào lớp ngồi chờ sinh viên. Là người chưa có kinh nghiệm trong việc học thuê nên tôi hơi hồi hộp, lo lắng.
Tôi ngồi khép nép dưới bàn cuối lớp quan sát mọi người. Lớp học có 32 người hôm nay buổi học đầu của môn học nên lớp đi đầy đủ. Điểm danh xong, đến tên "thân chủ" mình, tôi chỉ việc có. Xong phần "nghi lễ", thầy giáo thông báo nội dung chính của môn học và cứ việc thực hiện nhiệm vụ giảng bài. Mỗi buổi học gần 3 giờ đồng hồ nhưng giáo viên rất ít đặt câu hỏi để trao đổi thảo luận, sinh viên việc ai nấy làm, lớp học thỉnh thoảng có người ra vào lộn xộn. Với lại trước khi đi học thân chủ đã dặn dò tôi kỹ lưỡng, đi học biết cái gì không được phát biểu, tránh sự chú ý của giáo viên và các sinh viên trong lớp và tránh làm quen, giao lưu với các bạn trong lớp, quan trọng là phải hoàn thành nhiệm vụ điểm danh. Có khi điểm danh xong là "chuồn", thời gian đầu mỗi buổi học, tôi đều báo cáo sơ bộ với thân chủ, nhưng việc này cũng thưa dần và hình như thân chủ phó mặc cho tôi.
Mỗi tuần 3 buổi tối học hộ với thu nhập 150 nghìn đồng/tuần, số tiền này đối với sinh viên là không nhỏ. Tìm hiểu từ các bạn sinh viên từng đi học thuê, bạn Nguyễn Ngọc Linh chia sẻ: "Đi học thuê tại chức chủ yếu vào buổi tối, chỉ từ 2-3 tiếng đến điểm danh không phải làm việc nặng nhọc như gia sư, đi bán hàng, chạy bàn... nên sinh viên bọn em có thể sắp xếp được thời gian. Có đứa bạn em đi học thuê một lúc cho hai người ở hai trường khác nhau.
Sau khi đi học thuê, hầu hết các sinh viên này cũng "kiêm" luôn cả việc... "môi giới", có ai đặt vấn đề cần thuê người học hộ là nói với đội bạn sinh viên cùng đi, thế là tạo được công ăn việc làm cho các bạn khác. Phòng em có 3 đứa thuê trọ với nhau thì cả ba đều làm "nghề" này. Không chỉ học thuê chúng em còn thi thuê, có hôm biết thầy giáo dễ tính đi thi bảo quên thẻ thầy vẫn cho thi, còn không dán ảnh mình vào thẻ, giám thị không chú ý kỹ nên không phát hiện được.
Những buổi đi thi hộ, sinh viên được trả 100-200 nghìn đồng, gặp những người có điều kiện mỗi tháng còn được "bo" thêm mấy trăm ngàn đồng. Nghề học thuê đang thu hút nhiều sinh viên kể cả nam và nữ tham gia. Học thuê vừa được tiền, lại có thêm kiến thức - nhất cử lưỡng tiện - đó là lời sinh viên tên H, người đã theo "nghề" học thuê hai năm nay. Khi được hỏi: "Em học thuê thế không sợ bị nhà trường kỷ luật sao?"; H chỉ cười: "Lớp học đông thế thầy biết ai với ai mà kỷ luật...!".
Không chỉ xảy ra ở các lớp học tại chức, văn bằng hai mà còn có chuyện học thuê ở những lớp học chính quy, cao học, đặc biệt là những lớp học năm cuối, khi sinh viên đã bắt đầu bận rộn với công việc kiếm thêm tiền bên ngoài, không còn thời gian dành cho việc học. Điều đáng nói là ở các trường đại học, chuyện học thuê dù đã trở nên khá phổ biến như vậy nhưng trong quy chế học tập của các trường đại học không có một quy định xử phạt nào đối với hành vi học thuê của sinh viên.
Việc học thuê, thi hộ đã được phản ánh nhiều nhưng nó vẫn đang diễn ra phổ biến tại các trường đại học nhưng các cơ quan chức năng liên quan vẫn làm ngơ trước sự việc này. Bộ GD&ĐT cần khuyến cáo các cơ sở đào tạo kiểm tra người học một cách nghiêm ngặt để làm sao ngăn chặn tình trạng này, lớp học đi theo đúng hướng, người học đi học một cách nghiêm túc. Người đi thuê người khác học hộ đã có chế tài xử lý như đình chỉ học tập hay buộc thôi học, còn người học thuê cũng phải xử lý nghiêm túc. Ngăn chặn tình trạng này phải xuất phát từ chính các thầy đứng lớp. Giảng viên không thể đến lớp dạy mà không biết người ngồi nghe là ai. Bộ phận quản lý lớp học cũng cần giám sát chặt chẽ hơn.
T.L