'Sinh viên Việt Nam cần có suy nghĩ tầm quốc tế'

PGS Mai Anh Tuấn – Cẩm Lệ 04/01/2018 11:35

“Sinh viên Việt Nam rất ham học. Tôi để ý thấy họ học tập siêng năng và có trách nhiệm. Điều đó mới tuyệt vời làm sao! Quan trọng là các bạn phải có suy nghĩ tầm quốc tế và trở thành công dân toàn cầu trong giới khoa học…”.

Đó là lời khuyên của ông Antonius Albert Ignatius Aanink chuyên gia người Hà Lan, người đã gắn bó với phòng sạch bán dẫn, Viện Đào tạo quốc tế về Khoa học vật liệu (ITIMS), Trường ĐHBK Hà Nội hơn 20 năm.

Ông Antonius Albert Ignatius Aanink, mọi người thường gọi ông với cái tên thân mật - Tom Aanink.

Ông Tom Aanink.

Công việc của ông Tom Aanink là hướng dẫn nghiên cứu sinh, hỗ trợ các nhà khoa học làm việc trong phòng sạch bán dẫn. Với vị trí quan trọng và chuyên môn sâu, ông đã làm việc và chứng kiến sự thành công của nhiều nhà khoa học, những doanh nhân trưởng thành từ trung tâm MESA+ và NANOCENTER thuộc ĐH Twente (Hà Lan).

Hơn 30 năm làm việc tại Hà Lan, trải qua rất nhiều dự án về công nghệ IC, vi điện tử và bán dẫn, ông đã gắn bó với Đại học Bách khoa trên 20 năm.

Ở ĐH Twente, ông là người liên lạc, hỗ trợ các đoàn công tác từ Việt Nam sang làm việc, tìm hiểu và xúc tiến hợp tác khoa học, công nghệ.

Tom Aanink cũng là cầu nối đưa sinh viên Hà Lan sang thực tập, học tập và tìm hiểu văn hóa Việt Nam. Điển hình là ở dự án Ngời Sáng 2008 (một dự án của Chính phủ Hà Lan) với gần 30 sinh viên ĐH Twente đã sang Việt Nam thực tập trong thời gian 3 tuần.

Với từng ấy thời gian, ông đã dành nhiều tâm huyết và kinh nghiệm tích lũy được để truyền đạt cho sinh viên Việt Nam, để họ hiểu và có đầy đủ kiến thức cho nghiên cứu của mình. Vừa qua, ông được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục.

Ông đến Việt Nam lần đầu tiên khi nào? Đó là một chuyến du lịch hay là một chuyến đi nằm trong khuôn khổ hợp tác Hà Lan – Việt Nam?

Tom Aanink: Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên năm 1996 trong khuôn khổ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hà Lan. Lúc đó tòa nhà ITIMS đang xây dựng ngổn ngang, không chỉ riêng tôi, nhiều nhà khoa học và kỹ sư Hà Lan từ Twente và Amsterdam cũng sang cùng với đồng nghiệp người Việt Nam hoàn thiện công trình.

Bản thân tôi giúp các bạn Việt Nam vận hành và bảo trì phòng sạch cũng như hỗ trợ xây dựng các quy trình công nghệ phục vụ nghiên cứu.

Với những đóng góp của mình, Tom được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục.

Chúng tôi biết rằng, ông không những đến Việt Nam để hỗ trợ giảng viên và sinh viên tại đây mà còn hỗ trợ rất nhiều sinh viên Việt Nam ở ĐH Twente nữa. Đâu là lý do để ông tự nguyện làm việc đó?

Tom Aanink: Phải nói rõ với bạn rằng, tôi hỗ trợ tất cả các nghiên cứu sinh tại ĐH Twente thực hiện nghiên cứu của họ. Nhưng tôi cũng phải công nhận rằng, tôi cảm thấy cảm giác ấm áp khi làm việc với sinh viên Việt Nam.

Tính đến nay đã 21 năm tôi tới làm việc tại đây, dù ít hay nhiều, tôi đã trở thành một thành viên của gia đình ITIMS, Bách Khoa. Có khá nhiều sinh viên đến Hà Lan làm việc, và tôi rất tự hào vì họ đã làm việc rất tốt trên đất nước tôi. Tôi cũng thấy tự hào vì mình đã góp một phần bé nhỏ vào sự thành công của dự án nữa.

Điều gì khiến ông gắn bó nhiều với đất nước Việt Nam nói chung và sinh viên Trường ĐHBK Hà Nội nói riêng đến vậy?

Đầu tiên phải nói đến sự đón nhận của sinh viên Việt Nam và cán bộ Viện ITIMS dành cho tôi. Tôi rất cảm kích.

Tôi có cơ hội để được đến Bách Khoa nhiều năm để làm việc cho dự án với ITIMS, được chứng kiến sự thay đổi to lớn về khoa học và công nghệ của trường ĐH kỹ thuật hàng đầu trong suốt 20 năm qua cũng là động lực cho tôi.

Việt Nam là một đất nước rất đẹp, tôi có cơ hội khám phá những nét văn hóa ở một đất nước "mới lạ", đặc biệt là những năm đầu tôi được đến đất nước xa xôi như Việt Nam. Ở Hà Lan, không nhiều người có đặc ân và cơ hội như vậy.

Thời gian qua đi, tôi thấy mình có trách nhiệm phải duy trì mối quan hệ với Bách Khoa, dĩ nhiên mối lương duyên này đến từ hai phía. Dần dần, tôi trở thành bạn và thành viên của gia đình ITIMS. Thật tuyệt vời khi được trở lại "gia đình" Bách Khoa mỗi năm.

Ông có lời khuyên nào dành cho sinh viên khi tham gia học tập và nghiên cứu khoa học?

Sinh viên Việt Nam rất ham học. Tôi để ý thấy họ học tập siêng năng và có trách nhiệm. Điều đó mới tuyệt vời làm sao! Quan trọng là các bạn phải có suy nghĩ tầm quốc tế và trở thành công dân toàn cầu trong giới khoa học.

Cải thiện khả năng nói tiếng Anh là rất quan trọng. Các bạn có thể hát karaoke bằng tiếng Anh. Xin đừng ngượng ngùng vì chẳng có ai hoàn hảo cả và mọi người đều có thể mắc sai lầm.

Tom cảm thấy ấm áp khi làm việc với sinh viên Việt Nam.

Ông có cảm nghĩ gì khi được Bộ GD&ĐT Việt Nam vinh danh nhờ đóng góp của ông cho sự nghiệp giáo dục ở đất nước này?

Tom Aanink: Tôi thực sự không trông đợi điều đó. Đương nhiên, tôi rất hạnh phúc khi nhận được giải thưởng này. Bạn biết đó, qua hàng chục năm tôi đã đào tạo người Việt Nam, nhưng cũng qua hàng chục năm tôi học được rất nhiều từ người Việt nam.

Mối quan hệ hợp tác đến từ hai phía. Phần thưởng này do người Việt dành tặng vô cùng có ý nghĩa và giá trị đối với tôi.

Trân trọng cảm ơn ông rất nhiều!

PGS Nguyễn Văn Quy – Phó Trưởng Phòng Khoa học Công nghệ: “Tom luôn là một người nhiệt tình, tận tụy và nghiêm túc trong công việc. Anh sống chan hòa với tất cả các đồng nghiệp ở Viện ITIMS và luôn giúp đỡ hết mình mọi người khi cần.

Tôi còn nhớ những năm 2001-2002, khi đó các linh kiện, thiết bị phục vụ cho việc nghiên cứu ở Việt Nam rất khan hiếm, thậm chí là không có. Mỗi lần Tom sang công tác, trong hành lý của anh sang Việt Nam là một vali to với lỉnh kỉnh các phụ tùng mà anh tự tìm kiếm ở Hà Lan mang sang để thay thế cho các thiết bị ở Viện ITIMS.

Chính nhờ có anh mà các thiết bị của Viện ITIMS được duy trì tốt sau hơn 20 năm. Cũng nhờ đó mà Viện ITIMS có được các công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc và trở thành một Viện nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực vật liệu nano.

Trong cuộc sống hàng ngày, anh rất hòa đồng và thân thiện với mọi người. Nhắc đến Tom là tất cả gia đình của các cán bộ Viện ITIMS đều biết và rất quý mến. Mỗi lần anh sang Việt Nam đều được các gia đình chào đón và mời anh về nhà như người thân trong gia đình vừa đi công tác xa về. Trong suy nghĩ của chúng tôi, Tom luôn một thành viên của Viện ITIMS”.

TS Nguyễn Văn Toán – Viện ITIMS: “Tôi là người làm việc cùng ông Tom Aanink từ khi đến ITIMS. Cảm giác ban đầu khi gặp đó là một người đàn ông cao lớn (hơn mình cả một cái đầu), nhưng rất dễ gần. Tiếng Anh là một rào cản đối với người Việt mình nên ông cố gắng nói thật chậm, sử dụng mọi thứ ngôn ngữ để làm cho mọi người hiểu được.

Ông giúp đỡ tôi cũng như mọi người rất nhiều trong công việc. Cùng với Ban lãnh đạo Viện, tôi, anh Hồng, anh Chính là những kỹ thuật viên được cử sang Hà Lan học tập, trau dồi kiến thức dưới sự giúp đỡ của Tom Aanink cùng hai kĩ thuật viên Hà Lan nữa. Trong thời gian ở bên đó, môi trường sống thay đổi, mọi thứ bỡ ngỡ thì Tom và các bạn đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều.

Tôi có cảm nhận, Hà Lan là nơi sinh ra Tom, còn Việt Nam trong Tom như ngôi nhà thứ hai của mình. Ngôi nhà đó có Tom và chúng tôi - những cán bộ của Viện ITIMS. Và chúng tôi biết Tom đã đóng góp rất nhiều công sức cũng như tình cảm để xây dựng nên ngôi nhà đó”.

Theo dantri.com.vn
Copy Link
Mới nhất
x
'Sinh viên Việt Nam cần có suy nghĩ tầm quốc tế'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO