SLNA và những đội bóng đồng cảnh ngộ khi đang đứng trước các chiêu trò 'lấy người'

An Thanh 28/10/2019 20:00

(Baonghean.vn) - Đến giờ, những cầu thủ “có số, có má” của SLNA đã được các đội bóng nhanh tay đón rước. Các con mắt đang quay sang đổ dồn về Thanh Hóa, Nam Định… với khá nhiều chiêu trò khác nhau để “lấy người”.

Khác với 3 hợp đồng trước đây, năm ngoái Bắc Á chỉ còn muốn gắn bó với SLNA bằng hợp đồng 1 năm. Nói chính xác hơn là khi SLNA không thể “gả, bán” cho ai thì Bắc Á mới chìa bản hợp đồng ngắn hạn ra. Như vậy, cho đến khi hết năm tài khóa 2019, SLNA vẫn sẽ khó có được nguồn kinh phí để mua sắm cầu thủ và đành để cho các trụ cột lần lượt ra đi. Sau vụ việc Trọng Hoàng “bể kèo” năm ngoái, không còn cầu thủ nào dám đánh đu với “cơm, áo, gạo, tiền” dù tình yêu dành cho đội bóng quê hương vẫn đong đầy.

Tre già nhưng măng chưa mọc

SLNA đang phải lâm vào tình cảnh khá khó khăn, bầu Thanh dù đã vào tuổi “xưa nay hiếm” vẫn phải gánh vác chèo chống chạy ngược xuôi tìm kinh phí nuôi CLB. Ngay cả vị trí Giám đốc điều hành của ông Hồ Văn Chiêm vốn chỉ là công tác hành chính đơn thuần cũng không tìm ra người thay. Thường thì ít ai giữ cương vị làm sếp quá 2 nhiệm kỳ (10 năm) nhưng xem ra ở SLNA, không biết lúc nào mới có “măng” cho một mô hình quản trị mới khi "tre" đã quá già.

Nhiều cầu thủ sẽ không còn khoác áo SLNA ở mùa giải 2020. Ảnh tư liệu
Tình cảnh SLNA năm nay cũng hệt như Thanh Hóa năm ngoái, nếu như không có khuôn mặt mới xuất hiện thì người ta sẽ thấy một cận cảnh buồn đến gần. Những khuôn mặt như Bá Đức, Thành Lâm, Sỹ Nam, Văn Tiến, Văn Cường liệu có thể gánh vác được chuyên môn hay không khi bị nhốt thường xuyên trên ghế dự bị. Lại càng khó tin sẽ có tuyển thủ U21 SLNA nào đủ sức vào đá chính ngay mùa giải năm tới.

10 năm qua, người hâm mộ chỉ nhìn đến thành tích CLB SLNA mà không mấy ai để ý đến hiệu quả hoạt động của Công ty Cổ phần bóng đá SLNA, nơi chịu hoạch định chiến lược phát triển, đầu tư cơ sở vật chất cho đội bóng. SLNA mùa sau như thế nào phụ thuộc hoàn toàn vào UBND tỉnh Nghệ An, đó là câu trả lời duy nhất đến lúc này của những người có trách nhiệm của Công ty.

Cùng chung số phận

Ngay sau khi S.Khánh Hòa rớt hạng, hàng loạt cầu thủ đã bắn tín hiệu xin đi. Nếu như Thanh Hóa không giành chiến thắng trong trận play-off người ta cũng sẽ chứng kiến cuộc đào tẩu năm thứ 2 liên tiếp của các cầu thủ xứ Thanh. Đời cầu thủ vốn ngắn ngủi, ít người có cơ hội lại từ bỏ nó…

Một đội bóng khác cũng đang có số phận chả khác gì SLNA, đó là Nam Định. Về lý thuyết, nhà tài trợ Dược Nam Hà cam kết gắn bó với CLB bóng đá Nam Định trong 3 năm. Nhưng công ty này cũng thừa thông minh để cài vào hợp đồng điều khoản cho phép họ quyền tiếp tục đồng hành với CLB này ở những mùa tới hay không căn cứ vào thành tích thi đấu, hiệu quả quảng cáo của mùa giải này.

Ngay sau khi mùa giải vừa khép lại thì những cái tên như thủ môn Đinh Xuân Việt, hậu vệ Lâm Anh Quang, Quốc Hường, Văn Quý, tiền vệ Hữu Định, Thế Vương, Hạ Long, Sỹ Minh… đã được vài CLB đưa vào tầm ngắm.

Hàng loạt cầu thủ sẽ rời SLNA sau khi mùa giải 2019 kết thúc. Ảnh tư liệu
Thực tình mà nói, cũng như SLNA, các cầu thủ của “đội bóng quốc dân” này đã khá nhiều lần đăng đàn nói về tình yêu dành cho quê hương. Sau bài học của Sỹ Minh, phần lớn các cầu thủ Nam Định đều muốn gắn bó với sân Thiên Trường. Nhưng mọi sự chịu đựng đều có giới hạn thời gian, bởi nói cho cùng các cầu thủ còn phải lo cho nồi cơm của chính mình.

Giống như hoàn cảnh của HLV Đức Thắng của SLNA thì ngay GĐKT Nguyễn Văn Sỹ và HLV trưởng Nguyễn Văn Dũng và các ngoại binh cũng đều kết thúc hợp đồng sau mùa giải. Đến giờ thì các ngoại binh của Nam Định và SLNA cũng đã nói lời chia tay, hàng hiếm như D.Memović mà không có đội rước ngay mới lạ.

Điểm khác SLNA, quan hệ giữa nhà tài trợ, đội bóng và cổ động viên thành Nam chặt chẽ hơn rất nhiều. Suốt mùa giải qua, họ luôn đồng hành với nhau trong tất cả các hoạt động, thậm chí Hội CĐV Nam Định còn đảm nhận 1 phần khâu phân phối vé cho CLB. Điều này hứa hẹn xác xuất Dược Nam Hà gắn bó với Nam Định lớn hơn và mọi việc sẽ tiến triển sớm hơn.

Với những địa phương nghèo, việc nuôi được đội bóng chuyên nghiệp chưa bao giờ là điều dễ dàng. Sự lo lắng của người hâm mộ dành cho Nam Định, Thanh Hóa và SLNA là điều có thật, nhưng làm thế nào để giải quyết nó thì phải cần có người đủ tiền trong tay và có được tầm chiến lược kinh doanh bóng đá dài hạn.

Mới nhất
x
SLNA và những đội bóng đồng cảnh ngộ khi đang đứng trước các chiêu trò 'lấy người'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO