Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An yêu cầu các trường tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh
(Baonghean.vn) - Động thái này được đưa ra sau vụ tai nạn sập trần nhà tại lớp học khiến nhiều học sinh và giáo viên bị thương, trong đó có học sinh bị thương rất nặng.
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công điện số 2074/CĐ-BGDĐT ngày 08/12/2023 về việc đảm bảo an toàn trường học.
Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ và nhằm đảm bảo an toàn trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản yêu cầu các nhà trường tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các thông tư, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên.
Bên cạnh đó, cần chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn tại địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất hiện có của nhà trường, tổ chức đánh giá lại chất lượng các công trình, lập kế hoạch cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, hệ thống cây xanh, tường rào, hệ thống điện… để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên.
Đặc biệt, không đưa vào sử dụng những cơ sở vật chất, công trình hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn khi chưa được cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, xây mới (quy định tại Nghị định số 03/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng).
Đối với các đơn vị đang có công trình xây dựng trong khuôn viên trường học, yêu cầu các nhà thầu phải có hàng rào ngăn cách, che chắn không để vật liệu rơi xuống khu vực có học sinh hoạt động, đi lại; có hệ thống biển báo nguy hiểm ở vị trí đang thi công, không để học sinh đến gần.
Sở cũng yêu cầu các nhà trường tăng cường giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng về phòng chống tai nạn thương tích, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, tai nạn giao thông, đuối nước, rơi, ngã…, các tệ nạn xã hội xâm nhập học đường, chú trọng phòng ngừa tình trạng bạo lực học đường.
Tăng cường kiểm tra, giám sát các điểm có nguy cơ mất an toàn cao như cháy nổ, ngập lụt, sạt lở trong các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các khu nội trú, bán trú, phòng thí nghiệm, thiết bị điện… Chủ động xây dựng phương án phòng ngừa, bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy trong nhà trường.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh các nhà trường cũng cần lưu ý khi có thiên tai, mưa lũ. Trong đó, cần xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh khi trên đường đến trường và về nhà; lên phương án đảm bảo an toàn các công trình, cơ sở vật chất, cây xanh trong khuôn viên nhà trường; di dời máy móc thiết bị dạy học, tài liệu hồ sơ lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi khác không có nguy cơ ngập lụt để tránh hư hại.
Trước đó, để khắc phục sự cố sập trần tại Trường Phổ thông Hermann Gmeiner (TP Vinh) khiến một số học sinh bị thương, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản yêu cầu nhà trường tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng xác minh sự việc; đồng thời tổ chức kiểm tra, rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất hiện có của trường để đánh giá lại chất lượng các công trình, lập kế hoạch cải tạo, sửa chữa để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên. Kiên quyết không đưa vào sử dụng những cơ sở vật chất, công trình hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn khi chưa được cải tạo, nâng cấp, sửa chữa.