Sở VH-TT Hà Nội lên tiếng việc diễn viên 'giàu' vẫn được hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19
Bà Phạm Thị Mỹ Hoa - Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội khẳng định làm đúng theo Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Thanh Hương, Hồng Đăng là 2 trong số 99 nghệ sĩ có tên trong danh sách nhận hỗ trợ. |
Ngày 31/8, chia sẻ về việc 99 nghệ sĩ của Hà Nội nằm trong danh sách được nhận tiền hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19, có một số gương mặt nhưThanh Hương, Hồng Đăng, Thúy Hà... xuất hiện khá đều đặn trong các phim truyền hình, có người có gia cảnh tốt, thậm chí có thể coi là khá giả, khiến dư luận phản ứng nhiều chiều, bà Phạm Thị Mỹ Hoa - Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội khẳng định làm đúng theo Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Theo danh sách Sở VH-TT Hà Nội đã công bố, có 99 viên chức hạng IV là đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ của 6 nhà hát trực thuộc Sở quản lý, gồm: Ca múa nhạc Thăng Long, Kịch Hà Nội, Chèo Hà Nội, Cải lương Hà Nội, Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội, Nhà hát Múa rối Thăng Long.
Lãnh đạo Sở VH-TT Hà Nội cho biết, danh sách này được cấp cơ sở rà soát và một số cơ quan chức năng thẩm định. “Sau khi Sở VH-TT Hà Nội nhận được Nghị quyết 68/NQ-CP đã ngay lập tức triển khai, gửi công văn đến các đơn vị nhà hát để rà soát những người theo quy định. Danh sách này được gửi lên Sở VH-TT để tổng hợp, sau đó Sở có các bước phối hợp với Sở LĐ-TB&XH Hà Nội họp, báo cáo gửi lãnh đạo UBND TP. Hà Nội. Thông qua Phòng Kế hoạch Tài chính, trình Sở Tài chính thẩm định danh sách đó để chi tiền. Vì đây là tiền ngân sách nên không có chuyện dễ dàng… Tiền này các nhà hát sẽ nhận trực tiếp từ kho bạc…", bà Phạm Thị Mỹ Hoa cho biết.
Chia sẻ về một số bất cập trong việc triển khai Nghị quyết này, lãnh đạo Sở VH-TT Hà Nội cho biết, thực tế cũng có một số trường hợp là lao động hậu kỳ phụ trách loa đài, nhạc công... mức thu nhập của họ còn thấp hơn các nghệ sĩ diễn viên hạng IV nhưng họ lại không thuộc đối tượng được hỗ trợ. Hiện Sở cũng đã có văn bản kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ đối tượng khó khăn này, tuy nhiên, chưa có phản hồi.
Trả lời thắc mắc về việc thẩm định này hoàn toàn mang tính chất kỹ thuật - có nghĩa là những nghệ sĩ, diễn viên thuộc hạng IV thì sẽ đương nhiên nhận được hỗ trợ, bà Phạm Thị Mỹ Hoa - Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội khẳng định đúng như vậy.
- Quá trình thẩm định, Sở VH-TT có lấn cấn về các trường hợp có cuộc sống tốt, không cần hỗ trợ mà vẫn thuộc danh sách được hỗ trợ?
Mọi việc được làm theo đúng quy định. Nhà hát họp và ký văn bản gửi danh sách lên. Các đơn vị phải chịu trách nhiệm về những trường hợp họ gửi lên có đúng quy định hay không. Với danh sách gửi lên Sở VH-TT Hà Nội, cũng được thẩm định đúng các tiêu chí của Nghị định 68 thì mới trình lên cơ quan cấp trên.
- Nếu có trường hợp nhà hát nhận tiền nhưng lại phân bổ cho các đối tượng khác không thuộc danh sách thì sẽ xử lý như thế nào?
Sẽ không có chuyện đó. Danh sách được phê duyệt và sẽ chuyển khoản tới đúng đối tượng. Nếu có như vậy thì sẽ là trục lợi chính sách.
- Những văn bản đưa ra là hỗ trợ những người yếu thế và gặp khó khăn. Danh sách được phê duyệt phải qua rất nhiều cơ quan khác nhau. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp người chưa tới mức, thậm chí có thể nói là không cần hỗ trợ nhưng vẫn nằm trong danh sách hỗ trợ thì có phải máy móc không?
Đây là quy định. Mọi việc từ phía cơ sở gửi lên. Sở không thể tự ý cắt ai, thêm bớt ai vào danh sách này. Cứ đúng quy định, tiêu chuẩn nhà hát trình lên thì sẽ làm danh sách. Sở không có việc cho người nọ, bỏ người kia. Tiền là do Sở Tài chính rót về các nhà hát.
Cũng theo lãnh đạo Sở VH-TT Hà Nội, hiện đang lên danh sách và xin ý kiến từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trợ cấp dành cho nghệ sĩ, nhân viên các nhà hát trực thuộc Bộ đóng trên địa bàn thành phố, khoảng 302 người.