Số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới tại Nghệ An tăng cao
(Baonghean.vn) - Theo Cục Thống kê Nghệ An, quý 1/2024, Nghệ An có 444 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký thành lập 6.176 tỷ đồng, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, 3 tháng đầu năm 2024 (tính đến ngày 20/3/2024), trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 444 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 0,91% (+4 doanh nghiệp) so với cùng kỳ năm 2023, với tổng số vốn đăng ký thành lập 6.176 tỷ đồng, tăng 2,2 lần (+3.455,7 tỷ đồng).
Số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thành lập mới là 158 đơn vị, tăng 3,27% (+5 đơn vị). Có 291 doanh nghiệp hoạt động trở lại giảm 8,78% (-28 doanh nghiệp). Số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoạt động trở lại là 25 đơn vị, giảm 41,86% (-18 đơn vị). Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 752 doanh nghiệp, tăng 24,5% (+148 doanh nghiệp) so với cùng kỳ; Số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký tạm ngừng hoạt động 76 đơn vị, tăng 24,59% (+15) đơn vị); Số doanh nghiệp đã giải thể là 57 doanh nghiệp, giảm 5% (-3 doanh nghiệp); Số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đã giải thể 70 đơn vị, giảm 14,63% (-12 đơn vị); Số doanh nghiệp thông báo giải thể là 94 doanh nghiệp, tăng 4,9 lần (+75 doanh nghiệp).
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp 3 tháng năm 2024 bằng 96,58% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá của một số doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn, xu hướng kinh doanh quý I/2024 cho thấy, có 64,13% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2024 ổn định và tốt hơn so với quý IV/2023, có 35,87% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.
Dự kiến quý II/2024, có 80,43% doanh nghiệp lạc quan cho rằng, tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và tốt hơn quý I/2024 và có 19,57% doanh nghiệp dự báo tình hình sẽ khó khăn hơn so với quý I/2024.
Các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chế biến, chế tạo hiện nay: Tính cạnh tranh của hàng trong nước cao, nhu cầu thị trường trong nước thấp, nhu cầu thị trường quốc tế thấp, khó khăn về tài chính, thiết bị công nghệ lạc hậu, không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu, thiếu nguyên nhiên vật liệu…
Với quan điểm phát triển doanh nghiệp lớn mạnh trở thành nòng cốt kinh tế của tỉnh, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai kịp thời, đồng bộ các cơ chế, chính sách của Trung ương, địa phương nhằm chủ động nắm bắt các vướng mắc, tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp để đạt được mục tiêu phát triển số lượng và chất lượng doanh nghiệp trong thời gian tới.