Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh thay hệ thống dẫn nước RO chạy thận sau sự cố

An Nhiên - Tiến Hùng 05/08/2019 14:36

(Baonghean.vn) - Trong đợt vào hỗ trợ bảo dưỡng mới đây, các chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai cũng đã có sự cảnh báo về nguy cơ nhiễm khuẩn và đề nghị Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An thay thế hệ thống đường ống dẫn nước RO nhưng không được tiếp thu.

Lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An thông tin về sự cố y khoa chạy thận nhân tạo. Ảnh: PV
Lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An thông tin về sự cố y khoa chạy thận nhân tạo. Ảnh: PV

Nước chạy thận bị nhiễm khuẩn!

Thông tin tại buổi họp báo trưa 5/8 do Sở Y tế Nghệ An tổ chức về sự cố y khoa chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, đại diện Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường Hà Nội - đơn vị đã thực hiện xét nghiệm mẫu nước RO chạy thận do Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An cho biết, trong 3 mẫu nước được xét nghiệm thì mẫu số 3 (được lấy ở điểm cuối đường ống dẫn nước RO) có lượng vi khuẩn cao. Kết luận là nước bị nhiễm khuẩn vượt ngưỡng.

Phóng viên VTV1 đặt câu hỏi cho lãnh đạo Sở Y tế và Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh. Ảnh: PV
Phóng viên đặt câu hỏi cho lãnh đạo Sở Y tế và Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh. Ảnh: PV
Tìm kiếm nguyên nhân nước bị nhiễm khuẩn, Hội đồng chuyên môn do Sở Y tế Nghệ An thành lập cho rằng: Trong hệ thống dẫn nước RO có những điểm nối và gấp góc, có điểm chết làm ứ đọng nước, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng Khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện Bạch Mai cho biết thêm: Nước RO dùng để chạy thận là nước siêu tinh khiết nhưng không phải nước vô khuẩn. Khi hệ thống dẫn nước RO có những điểm gấp góc sẽ hình thành những mảng bám, để vi khuẩn tồn tại ở đây và sinh sôi.

“Sự cố chạy thận tại tỉnh Hòa Bình 2 năm trước là do hóa chất, còn ở đây là do nước nhiễm vi khuẩn”, ông Dũng so sánh.

Kết quả kiểm tra nhanh hệ thống nước R.O. Ảnh: PV
Kết quả kiểm tra nhanh hệ thống nước R.O. Ảnh: PV

Tại cuộc họp báo, nhiều phóng viên tham dự họp báo đã đề nghị Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Mội trường Hà Nội, Sở Y tế, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cung cấp bản kết quả xét nghiệm. Đại diện Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho biết “sẽ cung cấp sau”.

Còn theo bản kết quả kiểm tra mẫu nước nhanh của Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa sau khi xảy ra sự cố vào ngày 1/8 thì có tiêu chuẩn “Độ cứng nước mềm không đạt”.

Có hay không việc đảm bảo vệ sinh thường xuyên?

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: PV
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: PV

Cũng tại buổi họp báo, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng cho biết: Bệnh viện Bạch Mai chịu trách nhiệm giúp đỡ, chỉ đạo, hướng dẫn Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh chứ không phải là đơn vị đối tác hay được thuê, mướn. Chỉ khi Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An yêu cầu thì Bệnh viện Bạch Mai mới cử người vào. Mỗi năm Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An có yêu cầu từ 1-2 lần.

Tiến sĩ Dũng cho biết thêm: Theo quy định của Bộ Y tế, việc kiểm tra, vệ sinh hệ thống chạy thận nhân tạo không quá 3 tháng cần phải được thực hiện 1 lần. Riêng ở Bệnh viện Bạch Mai, việc kiểm tra, vệ sinh được thực hiện 1 tháng/1 lần. Trong đợt vào hỗ trợ mới nhất cho Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An vào ngày 23/6, các chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai cũng đã có sự cảnh báo về nguy cơ sự cố này và đề nghị thay thế hệ thống đường ống dẫn nước RO (gấp góc và sử dụng đã được 5 năm nay). Nhưng sau đó không được Bệnh viện này tiếp thu.

Ông Nguyễn Văn Hương - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An thừa nhận đã nhận được sự cảnh báo trên nhưng theo ông Hương thì "bệnh viện chưa kịp thay đường ống thì xảy ra sự cố".
“Sau sự cố này, chúng tôi sẽ cho thay toàn bộ hệ thống đường ống để đảm bảo an toàn”, ông Hương nói.

Tiến sĩ Dũng cho biết theo quy định của Bộ Y tế thì không quá 3 tháng hệ thống chạy thận cần được bảo dưỡng, vệ sinh 1 lần. Ảnh: PV
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng cho biết theo quy định của Bộ Y tế thì không quá 3 tháng hệ thống chạy thận cần được bảo dưỡng, vệ sinh 1 lần. Ảnh: PV

Xung quanh vấn đề này, tại buổi họp báo, các phóng viên đã yêu cầu Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa cung cấp hồ sơ, kết quả xét nghiệm nước RO những lần gần nhất, tuy nhiên bệnh viện chưa đáp ứng.

Chưa làm rõ trách nhiệm cá nhân

PGS.TS Dương Đình Chỉnh cho biết sẽ cho phép hệ thống chạy thận Bệnh viện HNĐK hoạt động trở lại khi đáp ứng tất cả các tiêu chí bảo đảm an toàn. Ảnh: PV
PGS.TS Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết sẽ cho phép hệ thống chạy thận Bệnh viện HNĐK hoạt động trở lại khi đáp ứng tất cả các tiêu chí bảo đảm an toàn. Ảnh: PV

PGS.TS Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho hay, trách nhiệm để xảy ra sự cố thuộc về Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa. “Việc có xử lý kỷ luật hay không thì lãnh đạo Sở Y tế sẽ xem xét. Nếu ở mức độ phải xử lý kỷ luật, Sở Y tế sẽ thành lập Hội đồng kỷ luật, họp và trình UBND tỉnh quyết định. Đối với trách nhiệm các khoa phòng, cá nhân thuộc phạm vi Bệnh viện quản lý, Sở Y tế giao cho Giám đốc Bệnh viện xem xét”, ông Chỉnh nói.

Tại buổi họp báo, các phóng viên đã đặt lại vấn đề: Trong sự cố này có 10 bệnh nhân bị diễn biến xấu. Cả 10 bệnh nhân này chỉ lọc máu ở 3/21 máy. Điều này cho thấy, sau khi xảy ra những sự cố đầu tiên, ê kíp trực của Khoa Nội thận - Tiết niệu - Lọc máu vẫn tiếp tục cho bệnh nhân lọc máu trên các máy đã từng xảy ra sự cố. Đồng thời cũng cho thấy trong ngày 30/7, phải có ít nhất 3 lượt bệnh nhân được chạy thận. Phải chăng sự cố đã có thể diễn ra ở mức độ nhẹ hơn nếu 3 máy này tạm dừng phục vụ? Trách nhiệm y bác sĩ ở đây là như thế nào?

Trả lời câu hỏi này, những cán bộ có trách nhiệm giải đáp chỉ nêu lên 20 phản ứng xấu có thể xảy ra đối với người chạy thận và chưa đi vào trách nhiệm cụ thể của y, bác sĩ đối với sự an toàn của bệnh nhân.

Kết thúc buổi họp báo, đại diện Sở Y tế Nghệ An cho hay: Sẽ chỉ đạo Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh thay hệ thống đường dẫn nước RO gấp góc cũ bằng hệ thống đường ống uống. Khi nào việc khắc phục các nguyên nhân ở Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa được thực hiện triệt để, kết quả xét nghiệm đạt chuẩn và ổn định, Sở Y tế mới cho phép Hệ thống chạy thận ở đây hoạt động trở lại.

Liên quan đến sự cố này, ngày 2/8, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản giao Sở Y tế Nghệ An chỉ đạo thực hiện việc rà soát toàn bộ quy trình chạy thận nhân tạo để xác định chính xác nguyên nhân của sự cố nêu trên, triển khai khắc phục triệt để, đảm bảo tuyệt đối an toàn trước khi hệ thống chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh hoạt động trở lại; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân nếu có sai phạm.

Mới nhất

x
Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh thay hệ thống dẫn nước RO chạy thận sau sự cố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO