Người phụ nữ ở Nghệ An bị lừa chuyển 2,2 tỷ đồng để nhận 20 triệu đô từ chiến trường Syria
(Baonghean.vn) - Người bạn quen trên mạng tâm sự rằng mình đang chiến đấu tại Syria và nhặt được một thùng tiền đầy đô la. Vì gặp khó trong việc vận chuyển về Mỹ để tiêu thụ nên buộc phải đưa qua Việt Nam.
Sự cả tin và cái giá 2,2 tỷ đồng
Là một phụ nữ gặp trắc trở trong hôn nhân, khi nhận được lời mời kết bạn và sự quan tâm đặc biệt đến từ một người đàn ông nước ngoài qua mạng xã hội Facebook, bà Lê Thị H (Tương Dương, Nghệ An) đã không mảy may nghi ngờ khi đồng ý kết bạn và trò chuyện. Từ những lời hỏi han, động viên ban đầu, tình cảm của cả hai dần trở nên thân thiết khi người đàn ông ngoại quốc kia tỏ ra rất chân thành và thực lòng chia sẻ, quan tâm đến những tâm sự và khó khăn của bà H.
Sau gần 4 tháng trò chuyện, người đàn ông ngoại quốc có tâm sự rằng mình đang chiến đấu tại Syria và nhặt được một thùng tiền đô la. Vì gặp khó trong việc vận chuyển về Mỹ để tiêu thụ nên buộc phải đưa qua một nước trung gian ở châu Á. Và bà H chính là người ông ta tin tưởng để chuyển thùng tiền kia về. Để tạo lòng tin, đối tượng trên còn hứa sau khi kết thúc chiến tranh sẽ trở về Việt Nam để mua nhà, định cư và đón bà H về ở cùng.
Nạn nhân trình báo tại cơ quan điều tra. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Hai ngày sau, có một người phụ nữ gọi điện cho bà H, tự nhận là nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất và thông báo cho bà H rằng bà có một kiện hàng được gửi về từ nước ngoài. Tuy nhiên, để nhận hàng, bà H phải đóng 40 triệu đồng tiền phí vận chuyển vào một tài khoản ngân hàng mà “nữ nhân viên” kia cung cấp.
Không ngần ngại, ngay lập tức bà H dùng toàn bộ số tiền dành dụm được bấy lâu để chuyển vào tài khoản trên. 3 ngày sau, người phụ nữ kia lại thông báo rằng nhân viên an ninh sân bay đã phát hiện ra kiện hàng trên chứa 20 triệu USD. Nếu muốn nhận tiền, bà H phải nộp phạt 200 triệu đồng cho sân bay. Nóng lòng muốn kết thúc sự việc, bà H bí mật cầm cố sổ đỏ của gia đình để vay tiền và chuyển cho đối tượng.
Suốt một khoảng thời gian dài sau đó, đối tượng trên liên tục gọi điện đòi bà H phải liên tiếp nạp các khoản phí như phí trông giữ, phí bảo hiểm… cho sân bay, mỗi lần nạp đều lên tới con số hàng trăm triệu đồng.
Vì suy nghĩ mình vẫn “hời” khi có thể sở hữu 20 triệu đô la nên bà H không chỉ cầm cố sổ đỏ của gia đình mà còn lấy cớ cần vốn kinh doanh để cầm cố sổ đỏ của bố mẹ đẻ, thậm chí còn vay nặng lãi để gom tiền chuyển cho đối tượng trên. Tính đến ngày 20/12, tổng số tiền bà H đã chuyển lên tới 2,2 tỷ đồng.
Hàng loạt hóa đơn trị giá hàng trăm triệu đồng bà H chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Khi không còn tiền để chuyển, bà H không thể liên lạc với người phụ nữ tự xưng là an ninh sân bay trên. Nhận thấy mình có dấu hiệu bị lừa đảo nên bà H đã viết đơn trình báo tới Công an tỉnh Nghệ An.
Tiếp nhận đơn trình báo, ông Hà Huy Đức - Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An cho biết, bà H chỉ là một trong số hàng trăm nạn nhân bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội trên địa bàn tỉnh ta trong những năm qua. Ước tính, mỗi năm ở Nghệ An xảy ra khoảng 10 vụ lừa đảo với chiêu thức trên, gây thiệt hại trên 4 tỷ đồng. Qua xác minh, hầu hết các đối tượng chủ mưu hầu hết là người nước ngoài gốc Phi, cấu kết với người Việt Nam để tiến hành lừa đảo.
Ngoài thủ đoạn trên, các đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ cao còn rất nhiều cách thức để chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân.
Lật tẩy những chiêu trò lừa đảo
Những tháng đầu năm 2018, nhiều người dân ở huyện Nghi Lộc hết sức hoang mang khi bị kẻ gian sử dụng messenger của người thân đang làm việc ở nước ngoài, yêu cầu chuyển tiền gấp vào một số tài khoản đối tượng đó đưa ra. Chỉ khi chuyển tiền xong, các nạn nhân mới biết mình bị lừa.
Nhận định đây là nhóm đối tượng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, tháng 3/2018, Công an huyện Nghi Lộc xác lập Chuyên án 418L. Ngày 17/4, tại TP. Đà Nẵng, Ban Chuyên án bắt giữ Phan Anh Tuấn và Hồ Văn Đức (cùng trú tại xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) khi đang thực hiện hành vi lừa đảo tại phường Hòa Khánh Bắc, TP. Đà Nẵng.
Các đối tượng khai nhận đã tìm cách hack mật khẩu Facebook của những người đang ở nước ngoài và sử dụng ứng dụng messenger nhắn tin cho người thân tại Việt Nam đề nghị chuyển tiền vì đang cần gấp. Nhiều gia đình thiếu hiểu biết, không kiểm tra xác minh đã bị Tuấn, Đức lừa đảo chiếm đoạt tiền. 2 đối tượng đã thực hiện trót lọt nhiều vụ lừa đảo liên quan các bị hại tại 10 tỉnh, thành phố, trong đó có Nghệ An với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng.
Cũng với chiêu thức trên, chỉ tính riêng năm 2018, toàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra 30 vụ, số tiền bị chiếm đoạt lên tới hàng chục tỷ đồng.
Trước đó, vào khoảng cuối năm 2017, phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Nghệ An đã nhận được 9 đơn tố giác tội phạm của người dân phản ánh về việc bị nhiều đối tượng giả mạo là công an hoặc thu cước viễn thông lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng phạm tội hack facebook để lừa đảo tiền của người dân sau khi bị bắt. Ảnh tư liệu |
Ban đầu, các đối tượng gọi điện xưng là cán bộ viễn thông, thông báo thuê bao điện thoại cố định đang nợ tiền cước cuộc gọi đi nước ngoài như Mỹ, Đài Loan, Canada... Theo phản ứng thông thường, ngay khi người dân thanh minh là mình không thực hiện các cuộc trên thì đối tượng sẽ kết nối với đường dây “nóng” của Bộ Công an để trình báo. Sau đó, một đối tượng vào vai Đại úy Công an thông báo cho người bị hại rằng họ liên quan đến đường dây ma túy và rửa tiền.
Rồi người này chỉ dẫn bị hại chuyển một khoản tiền lớn vào tài khoản để điều tra đã khiến các bị hại hoảng sợ thực hiện theo yêu cầu của chúng. Với phương thức này, tổng số tiền các nạn nhân bị chiếm đoạt lên tới gần 2 tỷ đồng.
Sau quá trình điều tra, ngày 1/9/2017, Phòng CSHS đã thực hiện lệnh bắt đối với Nguyễn Hữu Thu (SN 1991) và Phạm Đình Luận (SN 1993), đều trú tại xã Mỹ Hương, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh khi đang thuê phòng nghỉ tại tỉnh Hưng Yên.
Tại cơ quan điều tra, 2 đối tượng thừa nhận sử dụng giao thức truyền giọng nói qua internet (VoIP), hiển thị số điện thoại “ảo” có đầu số trùng với đầu số 113 của Công an. Đối tượng Thu và Luận được Phạm Đình Phi thuê mở hoặc thu gom thẻ ngân hàng với giá 1 triệu đồng/thẻ. Sau đó, rút số tiền lớn từ các tài khoản kể trên và chuyển cho 1 đối tượng thứ 3. Cứ mỗi lần rút tiền, Thu và Luận được hưởng 20% theo thỏa thuận từ trước. Trong vòng hơn 1 tháng, Thu và Luận đã rút từ các thẻ ngân hàng để chuyển cho Phi tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng.
Các hoạt động lừa đảo bằng công nghệ cao hoạt động ngày càng tinh vi và phức tạp. Đối với các hình thức lừa đảo này, các đối tượng thường sử dụng các tài khoản Facebook ảo và sim rác để liên lạc với bị hại gây khó khăn cho việc điều tra. Hoặc khi bị điều tra, các đối tượng phạm tội thường bỏ trốn ra nước ngoài khiến cho việc bắt giữ gặp nhiều khó khăn, khiến nhiều người vì mất cảnh giác hoặc nhẹ dạ cả tin mà bị chiếm đoạt số tiền lớn.