Sôi nổi phong trào xây dựng nông thôn mới

02/08/2012 15:13

(Baonghean) Hưởng ứng phong trào "Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới", thời gian qua các địa phương trên địa bàn tỉnh từ miền ngược tới miền xuôi đều nhất loạt đồng lòng, chung sức chọn cho mình cách làm phù hợp để bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.



Làm đường bê tông ở Tân Kỳ. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Nghĩa Hồng (Nghĩa Đàn)

Là một trong những xã nằm cách xa trung tâm huyện, đời sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, Nghĩa Hồng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong giao thông đi lại. Thấy được những khó khăn đó và nhận thức đúng về chủ trương của xã nên thời gian qua, nhân dân Nghĩa Hồng đã tự nguyện đóng góp tiền làm nhà văn hóa, sân bóng; hiến đất, đóng góp ngày công làm đường giao thông…

Xóm Hồng Đức là một trong những đơn vị đi đầu trong phong trào hiến đất làm đường của xã. Những hộ có đường đi qua đã tình nguyện hiến 3.000 m2 đất cho con đường. Chủ trương đề ra từ đầu tháng 12/2011 và được nhân dân thống nhất cao trong thời gian ngắn. Chỉ trong 2 ngày, 83 hộ dân cùng các phương tiện máy móc của xóm đã phát cây, san ủi mở được con đường rộng rãi. Anh Nguyễn Viết Ký - một trong những người hiến nhiều đất của xóm phấn khởi nói: “Tết ni có đường rộng rãi đi cũng thấy phấn khởi. Con đường mới mở giúp nhân dân tiết kiệm được một ngày bao nhiêu là tiền xăng vì nếu không có con đường này nhân dân phải đi vòng vèo, cơ cực, nhất là trời mưa”.

Còn với xóm Hồng Thọ thì việc xây dựng đời sống tinh thần được ban cán sự xóm quan tâm bằng những chủ trương thiết thực hiệu quả. Để giúp con em trong xóm có sân chơi luyện tập thể dục, thể thao, người dân đã đóng góp 12 triệu đồng mua xi măng, cát, sỏi… Bên cạnh đó, nhân dân còn ủng hộ ngày công, người biết xây thì làm thợ, người không biết xây thì tham gia phụ hồ… Ông Nguyễn Đình Thái - Chủ tịch UBND xã cho biết: Là một trong 5 xã được chỉ đạo điểm trong chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Nghĩa Đàn, để thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới, xã chú trọng huy động nội lực từ nhân dân. Từ phong trào hiến đất mở đường và đóng góp tiền xây nhà văn hóa, các công trình văn hóa của nhân dân, xã tiếp tục tuyên truyền nhân rộng các mô hình nhằm đẩy mạnh việc xây dựng nông thôn mới, thay đổi cơ bản bộ mặt của xã.

Quỳ Châu

Với địa bàn miền núi, để góp phần xây dựng nông thôn mới, huyện đã phát huy vai trò công tác dân vận.

Hiện nay, Quỳ Châu đã có 142/142 khối, bản thành lập khối dân vận cơ sở và xây dựng được 271 mô hình Dân vận khéo các loại. Nội dung hoạt động của các mô hình này rất đa dạng, gắn với các lĩnh vực đời sống của xã hội, như: Vận động nhân dân đưa các loại giống cây, con có năng suất cao vào thâm canh, xây dựng làng văn hóa và gia đình văn hóa, xây dựng quỹ khuyến học, vận động nhân dân hiến đất... Điển hình cho các phong trào này có bản Kẻ Bọn xã Châu Hạnh. Toàn bản có hơn 100 hộ, 457 nhân khẩu, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn và chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, khi có chủ trương làm đường giao thông vào khu công nghiệp nhỏ thị trấn Tân Lạc của UBND huyện, người dân ở đây đã tự nguyện hiến đất cho dự án. Trong đó, người hiến đất nhiều nhất là gia đình chị Lang Thị Lý với trên 30m2 đất và phá bỏ toàn bộ tường rào xây dài trên 30m cùng một số cây ăn quả của gia đình.

Năm 2011, huyện có 5.914 gia đình đạt Gia đình văn hóa, 95/142 số bản đạt Làng văn hóa, 60% số cơ quan, công sở đạt đơn vị văn hóa. Sắp tới, huyện Quỳ Châu tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác Dân vận của hệ thống chính trị, gắn dân vận với xây dựng nông thôn mới, phấn đấu số gia đình văn hóa đạt 65%, làng văn hóa đạt 70%, cơ quan, công sở văn hóa đạt 90%, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Nghi Hưng (Nghi Lộc)

Đến nay, Đảng bộ và nhân dân Nghi Hưng đã cơ bản hoàn thành 3/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đó là tiêu chí điện lưới, trường học và trạm y tế. Riêng năm 2011, xã đã đầu tư gần 20 tỷ đồng để xây dựng 3km đường giao thông, Trường THCS Hưng Đồng và trụ sở làm việc của UBND xã. Để có kinh phí xây dựng, chính quyền xã đã thực hiện tiết kiệm tối thiểu 10% chi ngân sách, cắt giảm các chi tiêu chưa thật cần thiết để tập trung đầu tư xây dựng các hạng mục công trình thiết yếu. Đã có gần 1 tỷ đồng và hàng ngàn m2 đất để xây dựng các công trình phúc lợi của xã.

Xác định việc phát triển làng nghề là "điểm nhấn" trong chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương, chính quyền xã đã đầu tư gần 4 tỷ đồng xây dựng đường giao thông phục vụ cho làng nghề. Sản phẩm chổi đót của 140 hộ trong hai làng nghề Khe Cù và Xuân Sơn không chỉ tiêu thụ ở địa bàn tỉnh mà còn sang các tỉnh bạn như Hà Tĩnh, Quảng Bình... Đến nay, hai làng nghề Khe Cù và Xuân Sơn của Nghi Hưng đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề. Đây là tiền đề, là động lực để bà con làng nghề Nghi Hưng khắc phục khó khăn trước mắt, tiếp tục duy trì và phát triển làng nghề trong thời gian tới.

Cùng với đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, Nghi Hưng còn tích cực vận động nhân dân tham gia vào các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp do Nhà nước hỗ trợ đầu tư. Những vùng đất nông nghiệp sản xuất không có hiệu quả được chính quyền xã vận động bà con dồn điền đổi thửa để xây dựng trang trại chăn nuôi có giá trị kinh tế cao. Đến nay, toàn xã đã có gần 20 trang trại, gia trại với gần 7 nghìn gia súc và gần 55 ngàn con gia cầm.


Đinh Thùy - Lê Hoàn - Hồng Vinh

Mới nhất

x
Sôi nổi phong trào xây dựng nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO