Soi sáng Cách mạng 4.0 bằng tư tưởng của Các Mác

Luân Dũng 04/05/2018 11:32

Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, những vấn đề mới đang đặt ra trong thực tiễn như cách mạng công nghiệp 4.0 cần được soi sáng bằng tư tưởng của Mác.

Ngày 4/5, nhân kỷ niệm 200 ngày sinh Các Mác, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo T.Ư, Hội đồng Lý luận T.Ư tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Di sản tư tưởng của Các Mác và ý nghĩa thời đại". Hội thảo có sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Tại hội thảo, các nhà khoa học đánh giá, hiện nay, cách mạng khoa học công nghệ và toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, nhân loại đang bước vào cuộc cách mạng 4.0, chủ nghĩa tư bản đã và đang tự điều chỉnh, nhiều vấn đề mới nảy sinh. Do đó, cần phải tiếp tục bổ sung, phát triển tư tưởng của Mác trong thời đại ngày nay.

Nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh C.Mác - Nhà tư tưởng thiên tài, nhà cách mạng vĩ đại, lãnh tụ kiệt xuất của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng
Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, những vấn đề mới đang đặt ra trong thực tiễn như cách mạng công nghiệp 4.0 cần được soi sáng bằng tư tưởng của Mác.

Có ý kiến cho rằng, trong nền kinh tế tri thức và công nghiệp 4.0, sứ mệnh lịch sử hiện nay không còn thuộc về giai cấp công nhân mà là thuộc về một số tầng lớp, giai cấp khác, thậm chí là thuộc về người máy...

Tuy nhiên, theo ông Thắng, nhờ lý luận Mác, chúng ta thấy rõ, dù nền sản xuất hiện đại được tự động hóa, nhưng xét về nội dung kinh tế thì giai cấp công nhân hiện đại vẫn là người sản xuất ra của cải vật chất chủ yếu cho xã hội.

Ở khía cạnh tư tưởng, chính trị thì chỉ có giai cấp công nhân mới tập hợp được các giai tầng lao động khác do Đảng Cộng sản lãnh đạo để xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do dân, vì dân. Do đó chỉ có giai cấp công nhân mới giải quyết được các vấn đề chính trị - xã hội trong quá trình xây dựng xã hội mới.

Về góc độ văn hóa - tư tưởng, chỉ có giai cấp công nhân mới là lực lượng xác lập được các hệ giá trị mới như lao động, công bằng, dân chủ, bình đẳng, tự do... để thay thế cho hệ giá trị tư sản cũ.

Sự phát triển hiện nay của lực lượng sản xuất dựa trên nền tảng tiến bộ khoa học công nghệ đang đưa nhân loại tới những mô hình phát triển rất mới như công nghiệp 4.0, xã hội siêu thông minh 5.0 là phù hợp với học thuyết về sự thay thế, phát triển các hình thái kinh tế - xã hội của Mác.

Cùng với đó, những mục tiêu mà các mô hình này đặt ra như: mang đến cho con người một cuộc sống tiện nghi, không phân biệt về tuổi tác, sức khỏe, giới tính, địa lý, ngôn ngữ, không để một ai bị tụt lại phía sau, giải phóng và phát triển con người... cũng chính là luận điểm căn bản mà Mác đã tiên lượng trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản cách đây 170 năm, phù hợp với bản chất nhân văn cao đẹp của chủ nghĩa xã hội.

“Ý nghĩa thời đại của học thuyết Mác với những tiên lượng và giá trị trường tồn của nó, là luận cứ khoa học đầy sức thuyết phục, luôn thôi thúc chúng ta xây dựng khát vọng và tầm nhìn phát triển hướng tới xã hội hiện đại, nhân văn, bao trùm và bền vững, vì con người, lấy con người làm trung tâm, do con người và giải phóng con người như một giá trị cốt lõi, phổ quát nhất của nhân loại”, ông Thắng nhìn nhận.

Đề cập đến tư tưởng của Mác về dân chủ, GS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận T.Ư cho rằng, Mác chính là người đặt một mốc đặc biệt quan trọng đánh dấu một giai đoạn mới có tính cách mạng trong nhận thức về vấn đề này. Khi xem xét tư tưởng Mác về dân chủ, có thể thấy vấn đề cốt lõi trung tâm là tự do và vai trò quyền lực của nhân dân.

Theo GS. Tạ Ngọc Tấn, trải qua quá trình lịch sử cách mạng, những nhận thức của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam về nội dung, vai trò và ý nghĩa của dân chủ, về những nguyên tắc và biểu hiện cụ thể của chế độ dân chủ ngày càng sâu sắc hơn, càng mang ý nghĩa nhân văn, tiến bộ hơn.

“Mặc dù ngày nay khi cuộc sống đã có nhiều thay đổi vô cùng to lớn so với thời đại Mác sống, nhưng những tư tưởng của Mác về một nền dân chủ chân chính, tiến bộ vẫn còn nguyên giá trị.

Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay không chỉ là thể hiện sinh động những tư tưởng của Mác về một nền dân chủ mới, trong đó nhân dân là chủ nhân của xã hội, mọi quyền lực trong xã hội đều thuộc về nhân dân, mà còn được phát triển sáng tạo, làm cho phong phú hơn, toàn diện hơn trong điều kiện cụ thể ở nước ta”, GS. Tấn nhìn nhận.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, học thuyết Mác có ba bộ phận lớn là: Triết học Mác với chủ nghĩa duy vật biện chứng, kinh tế học của Mác mà cốt lõi nhất là học thuyết giá trị thặng dư và học thuyết về chủ nghĩa xã hội.

Theo tienphong.vn
Copy Link

Mới nhất

x
Soi sáng Cách mạng 4.0 bằng tư tưởng của Các Mác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO