Sớm đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên hợp đồng lâu năm ở Yên Thành

(Baonghean.vn) - Huyện Yên Thành vừa tuyển dụng đặc cách hơn 60 giáo viên là giáo viên hợp đồng huyện nhiều năm theo Công văn 5378/BNV-CCVC ngày 5/11/2019 của Bộ Nội vụ. Việc tuyển dụng đã giải quyết được phần nào bài toán thiếu trầm trọng giáo viên văn hóa ở bậc tiểu học nhiều năm qua, nhưng bên cạnh đó vẫn còn những điều chưa thỏa đáng.

Mòn mỏi chờ tuyển dụng

Cho đến thời điểm này, Yên Thành là một trong những huyện có số lượng giáo viên hợp đồng huyện đông nhất tỉnh. Vì lẽ đó, ngay sau khi chủ trương tuyển dụng giáo viên đặc cách được Bộ Nội vụ đưa ra, tất cả giáo viên trên địa bàn đều mong chờ và xem đây là một cơ hội “có một không hai” để các giáo viên được tuyển dụng một cách chính thức.

Sau hơn nửa năm chờ đợi, ngày 25/6, UBND huyện Yên Thành đã ra thông báo tuyển dụng với 144 chỉ tiêu, trong đó có 2 chỉ tiêu tiếp nhận (1 mầm non, 1 tiểu học) và 142 chỉ tiêu tuyển dụng (gồm: 96 chỉ tiêu giáo viên văn hóa, 25 giáo viên Tiếng Anh, 11 giáo viên Tin học, 10 giáo viên Tổng phụ trách Đội).

Việc thiếu giáo viên Tiếng Anh và các bộ môn Văn hóa ở bậc tiểu học diễn ra ở huyện Yên Thành trong nhiều năm. Ảnh: PV.
Việc thiếu giáo viên Tiếng Anh và các bộ môn Văn hóa ở bậc tiểu học diễn ra ở huyện Yên Thành trong nhiều năm. Ảnh: PV.

Trước đó, qua rà soát, huyện Yên Thành đang còn 308 giáo viên thuộc diện giáo viên hợp đồng. Trong đó, có 78 giáo viên cấp THCS (đã chuyển xuống giáo viên mầm non hợp đồng theo Thông tư 09 là 45 người), 90 giáo viên cấp tiểu học (đã chuyển xuống giáo viên mầm non hợp đồng theo Thông tư 09 là 24 người) và 140 giáo viên mầm non (chưa bao gồm 69 người từ THCS và TH chuyển xuống). Tuy nhiên, sau 2 ngày đăng thông tin tuyển dụng chỉ có 61 giáo viên đủ điều kiện để xét tuyển đặc cách, trong đó, có 46 giáo viên văn hóa, 7 giáo viên Tin học, 8 giáo viên Ngoại ngữ.

Từ khi đón nhận thông báo tuyển dụng đặc cách đến khi có kết quả nhiều giáo viên đang hợp đồng lâu năm ở huyện Yên Thành hết sức hụt hẫng và bày tỏ sự phản đối.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Hồ Sỹ H. (SN 1970), người có thâm niên gần 20 năm làm giáo viên Thể dục ở Trường Tiểu học Hợp Thành cho biết: Tôi đi bộ đội về rồi mới vào học Trường Cao đẳng Thể dục - Thể thao.Tốt nghiệp tôi được ký hợp đồng làm giáo viên Thể dục ở Trường Tiểu học Hợp Thành từ năm 2000 đến nay. Trong 20 năm qua, dù mức lương cho giáo viên hợp đồng rất bèo bọt từ vài trăm nghìn và nay chưa đến 2 triệu đồng nhưng tôi vẫn tâm huyết, gắn bó với nghề. Nhiều năm liền có học sinh đạt giải ở các Hội khỏe Phù Đổng. Hiện tại tôi cũng đang theo học hệ đại học tại chức để có bằng đại học.

Giờ tan trường của học sinh tiểu học huyện Yên Thành. Ảnh: PV
Giờ tan trường của học sinh tiểu học huyện Yên Thành. Ảnh: PV

Với nhiều năm cống hiến, sự nhiệt tình trong công việc, thầy giáo Hồ Sỹ H. cũng khẳng định mình có đủ điều kiện để tuyển dụng giáo viên đặc cách và xem đây là cơ hội cuối cùng vì năm nay thầy đã 50 tuổi. Tuy nhiên, nhận được thông tin tuyển dụng của UBND huyện thầy thực sự hụt hẫng bởi năm nay huyện không có chỉ tiêu cho giáo viên Thể dục. Nói thêm điều này, thầy cho biết: “Tôi biết, hàng chục trường ở huyện Yên Thành nhiều năm nay không có giáo viên Thể dục và đều đang phải sử dụng giáo viên hợp đồng. Vậy thì tại sao thời điểm này huyện không tuyển thêm giáo viên Thể dục khi đang còn thừa chỉ tiêu đặc cách.

Phải chăng môn Thể dục không được coi trọng, dù rằng ở trường chúng tôi vẫn làm việc, vẫn cống hiến như một giáo viên bình thường. Điều khác biệt là mức lương của chúng tôi bèo bọt hơn và hiện nay thì mức lương đó không đủ cho chúng tôi trang trải cuộc sống. Ngoài ra, dù đã làm việc 20 năm nhưng không có tiền thâm niên, không có tiền phụ cấp, không được tăng lương hàng năm theo đúng quy định?”.

Huyện có 114 chỉ tiêu nhưng thực tế chỉ tuyển dụng được 61 giáo viên đặc cách. Trong khi đó, còn nhiều giáo viên mong muốn được tuyển dụng lại không được tuyển. Nên chăng, trước khi trình xin biên chế, huyện cần phải rà soát lại toàn bộ đội ngũ giáo viên hợp đồng, số giáo viên bộ môn để cơ cấu cho đủ, vì hiện tại không chỉ giáo viên văn hóa mà giáo viên bộ môn Âm nhạc, Thể dục ở các trường cũng đang thiếu rất nhiều.

Cô giáo Phan Thị T. (giáo viên dạy Âm nhạc ở Trường Tiểu học Xuân Thành) đã hợp đồng 13 năm

 

Với mong muốn được tuyển dụng đặc cách nên sau khi huyện thông báo tuyển dụng, thầy giáo Hồ Sỹ H. và cô giáo Phan Thị T. đã vội vàng bỏ gần 2 triệu đồng để đăng ký một lớp chứng chỉ Tổng phụ trách Đội tại Vinh để có cơ hội tuyển dụng sang vị trí khác. Tuy nhiên, chứng chỉ chưa lấy thì huyện đã kết thúc thời gian nhận hồ sơ (từ khi thông báo đến khi kết thúc nhận hồ sơ chỉ 2 ngày) nên hiện tại chứng chỉ cũng phải gói lại không có cơ hội sử dụng. Một số giáo viên khác hiện đang là giáo viên mầm non cũng chờ đợi được tuyển dụng đặc cách trong đợt này, nhất là những người vốn là giáo viên THCS và giáo viên tiểu học được thuyên chuyển xuống. Tuy vậy, chỉ có một số giáo viên có chuyên ngành tiểu học mới đạt được tiêu chí đề ra.

Liên quan đến thông báo tuyển dụng của UBND huyện Yên Thành, nhiều giáo viên cho rằng, trong quy trình tuyển dụng có nhiều nội dung chưa thấu đáo. Cụ thể, nếu như giáo viên văn hóa, giáo viên Tiếng Anh, giáo viên Tin học huyện chỉ yêu cầu trình độ cao đẳng thì giáo viên Tổng phụ trách Đội lại yêu cầu trình độ đại học. Điều này là bất hợp lý, bởi trước thời điểm 1/7/2020 chuẩn giáo viên với giáo viên tiểu học vẫn là trình độ cao đẳng.

Ưu tiên giải quyết bài toán thiếu giáo viên văn hóa

Làm việc với các phòng, ban liên quan tại huyện Yên Thành về vấn đề này, đại diện các phòng, ban đều khẳng định: Việc đòi hỏi quyền lợi của 308 giáo viên là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, tại thời điểm này, huyện Yên Thành đang ưu tiên tuyển dụng giáo viên văn hóa để đảm bảo đủ cơ cấu số lớp theo quy định.

Thực tế, bài toán thiếu giáo viên tiểu học nhưng lại thừa thiếu giáo viên cục bộ diễn ra nhiều năm nay ở huyện Yên Thành và phần nào ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy và học của các nhà trường. Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, trong 2 năm trở lại đây, năm nào huyện Yên Thành cũng thực hiện điều chuyển giáo viên (từ bậc THCS xuống bậc tiểu học) nhưng việc thiếu giáo viên vẫn chưa giải quyết dứt điểm.

Trong những năm qua việc thừa thiếu giáo viên cục bộ khiến cho việc bố trí giáo viên của huyện gặp nhiều khó khăn. Ảnh: PV
Trong những năm qua việc thừa thiếu giáo viên cục bộ khiến cho việc bố trí giáo viên của huyện gặp nhiều khó khăn. Ảnh: PV

Với cơ cấu giáo viên hiện có, ông Trần Xuân Tĩnh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cho rằng: “Năm học 2020 - 2021 là năm học đầu tiên thực hiện việc thay sách giáo khoa cho học sinh lớp 1 nên chúng tôi cần phải bố trí đủ 1,5 giáo viên/lớp để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Các khối 2, 3, 4, 5 nếu học 1 buổi/ngày cũng cần phải bố trí đủ tỷ lệ 1,2 giáo viên/lớp. Ngoài ra, huyện còn cần giáo viên Tiếng Anh, Tin học và các môn năng khiếu khác.

Tổng hợp, nếu cân đối theo nhu cầu tối thiểu thì bậc tiểu học thiếu 226 giáo viên, trong đó thiếu 99 giáo viên văn hóa, 92 giáo viên Tiếng Anh (đủ dạy 4 tiết/tuần) và 17 giáo viên Tin học (đủ 1 giáo viên dạy 2 trường) và 32 giáo viên của các môn còn lại. Do thiếu quá nhiều giáo viên, chúng tôi ưu tiên bố trí tuyển đủ giáo viên văn hóa vì với bậc tiểu học, một giáo viên văn hóa có thể kiêm nhiệm nhiều môn (kể cả những môn năng khiếu)”.

Tình trạng này cũng có thể tiếp tục trong năm học tới, bởi theo thống kê năm học 2020 - 2021 huyện Yên Thành có 820 lớp ở bậc tiểu học. Nhưng hiện tại số giáo viên văn hóa đứng lớp chỉ còn lại 779 giáo viên/820 lớp, tỷ lệ chỉ đạt 0,95 giáo viên/lớp. Ngoài ra, giáo viên các bộ môn cũng thiếu khi toàn bậc tiểu học chỉ có 14 giáo viên Âm nhạc (trong đó Tổng phụ trách Đội 1 người), 44 giáo viên Mỹ thuật (trong đó, có 6 giáo viên Tổng phụ trách Đội) và 12 giáo viên Thể dục (trong đó, có 2 giáo viên Tổng phụ trách Đội).

Về việc đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên hợp đồng, huyện Yên Thành cũng cho rằng, toàn huyện có 308 giáo viên đủ điều kiện tuyển dụng giáo viên đặc cách nhưng chỉ tiêu tuyển dụng chỉ có 142 người. Thế nên, để tuyển dụng 100% giáo viên là điều không thể.

Việc thiếu giáo viên khiến cho việc tổ chức dạy học ở bậc học tiểu học gặp nhiều khó khăn. Nhiều trường học khó tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo đủ số tiết và không triển khai được chương trình Tiếng Anh 10 năm. Ảnh: PV
Việc thiếu giáo viên khiến cho công tác tổ chức dạy học ở bậc học tiểu học gặp nhiều khó khăn. Nhiều trường học khó tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo đủ số tiết và không triển khai được chương trình Tiếng Anh 10 năm. Ảnh: PV

Được biết, Yên Thành là một trong những huyện có số lượng giáo viên hợp đồng huyện nhiều nhất cả tỉnh. Không ít trường hợp việc ký hợp đồng không đúng quy định và đã có đoàn thanh tra, kiểm tra, kết luận. Từ thực tế này, từ năm 2015 đến nay, qua các đợt tuyển dụng huyện đã từng bước tuyển dụng số hợp đồng trên vào biên chế và vào hợp đồng được Nhà nước cho phép. Trong đó, có 62 giáo viên mầm non, 45 giáo viên tiểu học, 8 giáo viên công tác Đội tiểu học, 21 nhân viên (mầm non, tiểu học, THCS) và 2 giáo viên THCS (tuyển tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, nhằm mục đích tạo nguồn giáo viên chủ chốt cho ngành, được UBND tỉnh đồng ý về cơ cấu, vị trí việc làm).

Đặc biệt, huyện đã tuyển dụng 258 giáo viên mầm non hợp đồng theo Thông tư 09 và Nghị định 06/CP. Trong số này, có 24 giáo viên hợp đồng ở bậc tiểu học, 45 giáo viên hợp đồng ở bậc THCS chuyển xuống dạy mầm non.

Giờ ra chơi của học sinh Trường Tiểu học Hợp Thành (Yên Thành). Ảnh: PV
Giờ ra chơi của học sinh Trường Tiểu học Hợp Thành (Yên Thành). Ảnh: PV

Nhìn lại thời điểm 5 năm trước, việc tuyển dụng các giáo viên hợp đồng của huyện sang giáo viên mầm non hợp đồng theo Thông tư 09 và Nghị định 06/CP dù có thiệt thòi cho một số giáo viên văn hóa (ở bậc tiểu học và THCS) nhưng được xem là một giải pháp thiết thực, giải quyết bế tắc cho nhiều giáo viên đã hợp đồng huyện nhiều năm. Nhờ đó, nhiều giáo viên đang từ hợp đồng huyện lương chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng đã được nâng lên thành 5,6 triệu đồng/tháng và được hưởng các chế độ phụ cấp, thâm niên và các quyền lợi khác giống như một giáo viên đã vào biên chế và hưởng đầy đủ chế độ như viên chức.

Lý giải vì sao việc tuyển dụng khá vội vàng khi từ khi ra thông báo đến khi “chốt” hồ sơ chỉ có 2 ngày (từ ngày 25 - 26/6), ông Hoàng Danh Truyền - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành lý giải: Theo Luật Giáo dục sửa đổi, từ ngày 1/7/2020, yêu cầu trình độ chuẩn của giáo viên tiểu học là đại học.

Do đó, quá trình triển khai, UBND huyện đã tiến hành xét tuyển đặc cách để trình Sở Nội vụ công nhận kết quả xét tuyển trước ngày 1/7/2020, nhằm tạo điều kiện cho những giáo viên có trình độ chuyên môn cao đẳng được tuyển dụng để phù hợp với vị trí việc làm được xét đặc cách vào biên chế. Riêng với vị trí Tổng phụ trách Đội, theo quy trình còn phải thực hành kiểm tra năng lực chuyên môn và tổ chức sau ngày 1/7 nên huyện lấy tiêu chí có bằng đại học để đúng với chuẩn mới của Luật Giáo dục và đến nay cũng chưa có kết quả xét tuyển đặc cách trình Sở Nội vụ thẩm định.

Trong quá trình tuyển dụng giáo viên đặc cách, tất cả giáo viên có đủ tiêu chí đều được tuyển thẳng, trong đó có 12 người thuộc đối tượng ưu tiên (10 người con thương binh, 1 người con bệnh binh và 1 người con của người bị nhiễm chất độc hóa học). Số đối tượng còn lại, chúng tôi mong được chia sẻ vì trong 247 trường hợp còn lại đã có 195 người hợp đồng theo Thông tư 09 và họ đã có chế độ, quyền lợi đảm bảo như giáo viên biên chế. 52 giáo viên chưa được đặc cách, có 10 người tiếp tục được tuyển dụng vào vị trí Tổng phụ trách Đội trong thời gian tới. Một số giáo viên là giáo viên THCS đang dạy mầm non chúng tôi cũng sẽ tìm phương án, có thể là tạo điều kiện để họ đi học thêm chứng chỉ tiểu học để đủ điều kiện trở lại dạy tiểu học vì giáo viên THCS đang dôi dư quá nhiều.

Ông Hoàng Danh Truyền - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành 

Với 42 giáo viên còn lại, hiện huyện cũng đã nắm bắt được hoàn cảnh và nguyện vọng của từng giáo viên. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên, ông Phan Văn Tuyên - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho rằng: Nguyện vọng của các giáo viên là hoàn toàn chính đáng và huyện sẽ rút kinh nghiệm để có những giải pháp phù hợp.

Trước mắt, sẽ ra soát từng đối tượng, từng vị trí việc làm của các giáo viên. Trên cơ sở đó, trong số 71 chỉ tiêu còn lại đã được UBND tỉnh phê duyệt vị trí tuyển dụng nhưng chưa tuyển dụng, UBND huyện sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh cơ cấu, vị trí việc làm cần tuyển dụng để tuyển dụng đặc cách theo Công văn 5378/BNV-CCVC, đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên hợp đồng huyện còn lại.

tin mới

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

(Baonghean.vn) - Trên cơ sở 2.187 biên chế giáo viên được Trung ương bổ sung cho Nghệ An, UBND tỉnh đã xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh thẩm tra trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 19, khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, dự kiến tổ chức vào ngày 25/4/2024.

Trường nghề

Trường nghề loay hoay trước 'bài toán' giáo viên hợp đồng

(Baonghean.vn)- Nghệ An đang rà soát lại nhân viên hợp đồng ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 111 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Lớp 12

90 ngày 'đếm ngược' của sỹ tử lớp 12

(Baonghean.vn) - “90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024” là phong trào thi đua đang được các trường học trong toàn tỉnh triển khai, với mục tiêu cùng với ngành Giáo dục tỉnh nhà tăng ít nhất 4 bậc về thứ hạng trong mùa thi năm nay.

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

(Baonghean.vn) - Việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường chọn sách giáo khoa, đòi hỏi các giáo viên cần phải có trách nhiệm, tận tâm trong quá trình thẩm định để đảm bảo có thể chọn được những bộ sách đúng, trúng đối tượng, phục vụ hiệu quả công tác dạy và học.

Du học sinh

Cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định du học

(Baonghean.vn) - Du học nay đã không còn là lựa chọn của những học sinh có năng lực, có điều kiện. Thay vào đó, hiện nay, nhiều học sinh đã lựa chọn du học bởi đây là con đường gần nhất để các em vừa vẫn đảm bảo việc học nhưng sớm có cơ hội có nghề, tìm kiếm việc làm.

Mượn nhà tập thể của trường để ở, nhiều giáo viên không chịu trả lại

Mượn nhà tập thể của trường để ở, nhiều giáo viên không chịu trả lại

(Baonghean.vn) - Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An cho các giáo viên ở miễn phí trong khu tập thể, dù trong hợp đồng nêu rõ, khi nào nhà trường có nhu cầu, các hộ sẽ phải trả lại, nhưng đến khi trường cần mặt bằng để xây ký túc xá cho học sinh, những người này lại từ chối bàn giao.

Lớp 10

Thi lớp 10 ở thành phố Vinh: Cửa hẹp vào công lập

(Baonghean.vn) - Tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập là mong muốn của đông đảo phụ huynh, học sinh thành phố Vinh. Điều đó càng cấp thiết hơn khi năm nay, số lượng học sinh thi vào lớp 10 trên địa bàn tăng đột biến với hơn 800 em.