Sớm điều chỉnh để thích ứng với các kỳ thi tuyển sinh vào đại học theo chương trình mới

Mỹ Hà 17/02/2024 13:38

(Baonghean.vn) - Sau 2 năm triển khai ở bậc trung học phổ thông, chương trình mới và việc thay đổi phương thức thi đã làm thay đổi khá nhiều về cách lựa chọn môn học, môn thi của học sinh ở các trường. Sự thay đổi này cũng buộc các trường phải thích ứng, dù còn rất nhiều khó khăn.

Nhiều môn học không còn là lợi thế

Xồng Y Thái, học sinh lớp 11C1 – Trường Trung học phổ thông Kỳ Sơn (huyện Kỳ Sơn) đang đặt mục tiêu theo đuổi khối C để đặt ước mơ vào đại học sư phạm. Thời điểm này, ngoài học chính khóa ở trường, buổi chiều Thái vẫn học thêm các môn Văn, Toán, Ngoại ngữ. Tuy nhiên sắp tới, Thái có thể học thêm Lịch sử, Địa lý và tạm thời sẽ không còn học thêm Ngoại ngữ.

Chia sẻ về điều này, Thái cho biết: Năm tới chúng em chỉ thi 4 môn tốt nghiệp, ngoài 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, em sẽ chọn 2 môn tự chọn là Lịch sử, Địa lý. Đây cũng là môn xét tuyển sinh đại học của em nên em nghĩ mình học sẽ nhẹ nhàng hơn và không quá áp lực như trước đây.

gio-hoc-cua-hoc-sinh-truong-thpt-ky-son-8313-8413.jpg
Giờ học của học sinh Trường Trung học phổ thông Kỳ Sơn. Ảnh: Mỹ Hà

Năm học này là năm thứ 2, Chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai ở bậc trung học phổ thông với 2 lớp 10 và lớp 11. Chương trình mới với sự thay đổi khá nhiều trong việc lựa chọn các môn bắt buộc và các các môn tự chọn cũng đã làm thay đổi việc dạy và học ở các trường. Sự thay đổi này càng rõ ràng hơn sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phương án thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025.

Theo đó, thay vì thi 6 môn như hiện nay, trong đó có 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ thì từ năm 2025, số môn thi tốt nghiệp chỉ còn lại 4 môn với 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn còn lại là môn tự chọn trong số 9 môn gồm Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Nói thêm về điều này, thầy giáo Lê Văn Tảo – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Kỳ Sơn cho biết: "Từ sau khi có phương án thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, trường chúng tôi đã tổ chức 2 lần tư vấn cho học sinh, mục đích là để học sinh lựa chọn môn học phù hợp với năng lực, đúng với sự yêu thích nhưng cũng không cảm tính để sau này các em còn có thể lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Thực tế cũng cho thấy, ngoài 2 môn bắt buộc, xu hướng các môn tự chọn thường thiên về các môn xã hội. Ví dụ ở trường tôi, có 36% học sinh đăng ký môn Lịch sử, 33% học sinh đăng ký môn Địa lý, Sinh học hơn 30%, Công nghệ hơn 20% và số còn lại nằm rải rác ở các môn khác như Vật lý, Hóa học, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Đặc biệt, với môn Ngoại ngữ, tỷ lệ học sinh đăng ký chưa đến 6%".

gio-hoc-cua-hoc-sinh-truong-thpt-nam-dan-2-2-copy-8936-8597.jpg
Giờ học của học sinh Trường Trung học phổ thông Nam Đàn 2. Ảnh: Mỹ Hà

Không chỉ ở các huyện miền núi cao, học sinh ở các huyện đồng bằng cũng đã có nhiều sự thay đổi trong các lựa chọn môn học khi Bộ đưa ra phương án thi mới.

Chia sẻ về điều này, học sinh Đặng Thị Ban Hồng, lớp 10C6 – Trường THPT Nam Đàn 2 (huyện Nam Đàn) cho biết: "Em ước mơ thi vào Trường Đại học Luật Hà Nội và theo như truyền thống sẽ xét tuyển khối C. Hiện tại, em đang tập trung chính vào 3 môn để luyện thi đó là Lịch sử, Địa lý và Văn học. Các bạn ở lớp em cũng đang có xu hướng đăng ký lựa chọn môn theo tổ hợp khối xét tuyển vào đại học, trong đó tập trung vào khối C và khối D".

Về việc dạy và học hiện nay dành cho học sinh theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới, thầy giáo Phạm Xuân Phú – Hiệu trưởng Trường THPT Nam Đàn 2 cho biết: Để thực hiện phương án thi tốt nghiệp 2 +2, chúng tôi đã tiến hành khảo sát để học sinh lựa chọn đăng ký các môn tự chọn. Trước đó, chúng tôi cũng đã tư vấn, định hướng và cho các em thời gian để về tham khảo ý kiến của phụ huynh, vì điều này sẽ liên quan đến việc lựa chọn nghề nghiệp của các em sau khi tốt nghiệp. Hiện tại, qua thống kê cho thấy, tùy theo từng lớp, tùy theo nhu cầu của các em nên việc lựa chọn môn học có sự khác biệt khá rõ rệt.

Hầu hết, xu hướng các em đều lựa chọn những môn mà các em tự tin nhất, tập trung chính vào tổ hợp các môn như: Toán – Ngữ văn – Lý – Hóa, Toán – Văn – Lịch sử - Địa lý, Toán – Văn – Lịch sử - Kinh tế pháp luật.

Khó định hướng

Cũng theo thầy giáo Phạm Xuân Phú, với phương thức thi tốt nghiệp theo hình thức 2 +2, học sinh khá thuận lợi khi đăng ký xét tốt nghiệp. Như ở Trường Trung học phổ thông Nam Đàn 2, ở khối 10 và khối 11, hiện mỗi khối có 10 lớp. Trong đó có 4 lớp, học sinh có năng lực, hầu hết các em đều có nguyện vọng thi đại học nên dễ dàng đăng ký các môn thi tốt nghiệp và đều theo xu hướng khối A, B, C và D.

Tuy nhiên, ở 6 lớp còn lại, học sinh chủ yếu chỉ thi tốt nghiệp và đi làm nên việc chọn môn tự chọn khá đa dạng, trong đó có không ít em đăng ký thi các môn như Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ nông nghiệp. Với sự thay đổi này, việc dạy học ở nhà trường cũng phải điều chỉnh, dù gặp nhiều khó khăn.

gio-hoc-cua-hoc-sinh-truong-thpt-nam-dan-2-copy-967-1893.jpg
Việc học và thi theo Chương trình mới khiến một số nhà trường gặp khó khăn trong bố trí giáo viên. Ảnh: Mỹ Hà

Chúng tôi đã tổ chức dạy thêm cho học sinh theo nguyện vọng đăng ký mới và hiện nay trường dạy rất nhiều môn. Tuy nhiên, tỷ lệ các môn lại có sự chênh lệch khá lớn, như môn tiếng Anh chỉ có 3/10 lớp đăng ký. Các môn còn lại như Lịch sử 6/10 lớp, Địa lý 5/10 lớp, Giáo dục kinh tế - pháp luật 3/10 lớp, Công nghệ 2/10 lớp, Vật lý, Hóa học, Sinh học chủ yếu chỉ học sinh thi khối A, B mới đăng ký.

Với việc chia lẻ số học sinh này, việc bố trí giáo viên và bố trí học sinh khá khó khăn vì có thể các em không học cùng lớp và bị trùng lịch học. Bên cạnh đó, có tình trạng, có những giáo viên dạy quá nhiều lớp và nhiều số tiết. Trong khi đó, có những môn giáo viên dạy không đủ tiết và phải kiêm nhiệm thêm một số môn học khác.

Thầy giáo Phạm Xuân Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nam Đàn 2


Thực tế cũng cho thấy, qua tìm hiểu ở các nhà trường và tìm hiểu nhiều phụ huynh, học sinh, với phương án thi 2+2, Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025 được xem là khá nhẹ nhàng so với phương thức thi như hiện nay. Nhưng bên cạnh đó, phương thức xét tuyển vào đại học lại có nhiều thay đổi nên nếu chỉ học theo phương thức cũ lại khó đảm bảo sự chắc chắn.

Nói về những băn khoăn của mình, học sinh Nguyễn Bình Nhi – Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh) cho biết: Em thấy xu hướng hiện nay, nhiều trường đại học không ưu tiên sử dụng phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và không ưu tiên xét tuyển bằng học bạ.

Thay vào đó, xu hướng chủ yếu là lấy kết quả của các kỳ thi đánh giá năng lực và kỳ thi đánh giá tư duy, các kỳ thi riêng của các trường đại học với nhiều môn thi tổng hợp. Vì vậy, nếu chỉ học để thi tốt nghiệp và để xét tuyển theo tổ hợp khối sẽ là một bất lợi cho các học sinh ở các kỳ thi tới.

Vì vậy, em cho rằng, thay vì chỉ lựa chọn một số môn để thi tốt nghiệp, học sinh cần phải học đều tất cả các môn để không học lệch, học tủ và có thể tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực. Tuy nhiên, nếu học quá nhiều môn, học sinh sẽ rất áp lực.

ban-chuong-trinh-moi-5451.jpg
Với việc tổ chức nhiều kỳ thi riêng các học sinh sẽ gặp khó khăn trong việc đăng ký thi tuyển sinh vào các trường đại học. Ảnh: Mỹ Hà

Dù có những băn khoăn nhưng khó khăn là hiện nay, ngoài phương án thi tốt nghiệp thì từ năm 2025, các trường đại học đều chưa đưa ra các phương án thi đánh giá năng lực. Vì vậy, học sinh và cả giáo viên, các nhà trường vẫn đang phải khá “mò mẫm” để đưa ra định hướng dạy và học phù hợp. Thậm chí sự thay đổi này cũng sẽ ảnh hưởng đến xu hướng chọn trường, chọn khối chuyên cho học sinh Trung học phổ thông từ các năm tới.

Nhiều quan điểm cũng nghi ngại, nếu xét tuyển đại học không còn nhiều ưu tiên tuyển thẳng cho học sinh trường chuyên, không ưu tiên tuyển thẳng cho học sinh xét tuyển bằng điểm học bạ thì phụ huynh, học sinh sẽ phải cân nhắc để lựa chọn trường, chọn lớp phù hợp, đảm bảo học thật, thi thật mới có thể đáp ứng được yêu cầu của các kỳ thi trong những năm tới.

Mới nhất
x
Sớm điều chỉnh để thích ứng với các kỳ thi tuyển sinh vào đại học theo chương trình mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO