Sớm hoàn thiện chính sách, đưa Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An hoạt động hiệu quả
(Baonghean.vn) - Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An được thành lập từ năm 2013, tuy nhiên đang hoạt động kiêm nhiệm còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, cần sớm hoàn thiện thể chế, đưa Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An vào hoạt động quản lý Nhà nước để cao năng lực quản lý.
Sáng 15/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức cuộc họp với Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An. Tham dự có bà Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn - Phó trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, cùng các ban, ngành liên quan.
Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, được Ủy ban Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận vào ngày 18/9/2007.
Đây là Khu dự trữ sinh quyển thế giới trên cạn lớn nhất Việt Nam với tổng diện tích gần 1,3 triệu ha, phạm vi thuộc địa giới hành chính của 9 huyện miền Tây Nghệ An gồm: Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Tân Kỳ, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp.
Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An được thành lập từ năm 2013. Những năm qua ban phối hợp với các ban, ngành xây dựng các đề án, nhiệm vụ nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị đa dạng sinh học. Ban đã lập được danh lục các loài động thực vật trong Khu DTSQ trong đó gồm: 209 họ, 1048 chi, 3019 loài thực vật; động vật có 39 bộ, 131 họ, 480 giống, 942 loài.
Bà Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Văn Trường. |
Ban tổ chức triển khai các chủ trương chính sách để thu hút người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng như chi trả dịch vụ môi trường rừng, giao khoán bảo vệ rừng nguồn kinh tế sự nghiệp, nguồn 30a, đến nay diện tích rừng toàn tỉnh trên 962.896,97 ha, độ che phủ rừng đạt 58,41 %.
Triển khai xây dựng mô hình sinh kế bền vững cho người dân: Như các mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng, phát triển mô hình nông, lâm kết hợp, trồng cây ăn quả … Thu hút đầu tư, kết nối dự án, hợp tác nghiên cứu khoa học.
Tại cuộc họp, bà Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ghi nhận những kết quả đạt được của Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, đồng thời đề xuất: Cần sớm hoàn thiện thể chế, chính sách đưa Khu dự trữ sinh quyển thành hệ thống chính thống, trong hoạt động quản lý Nhà nước về công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Rừng săng lẻ Tương Dương. Ảnh: PV |
Bên cạnh đó, huy động các nguồn vốn tài trợ không hoàn lại của các tổ chức quốc tế hỗ trợ, đầu tư cho công tác bảo tồn và phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển miền Tây, cải thiện sinh kế cho người dân sống phụ thuộc vào rừng.
Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, các cơ quan là thành viên của Ban quản lý, trong các hoạt động nhằm xây dựng Khu dự trữ sinh quyển thành mô hình phát triển bền vững của địa phương. Cần thành lập riêng Văn phòng Thường trực Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tập trung thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của Khu dự trữ sinh quyển. Tạo điều kiện nâng cao năng lực hoạt động của Khu dự trữ sinh quyển đạt hiệu quả hơn.
Cần có chính sách khai thác tiềm năng của khu dự trữ sinh quyển miền Tây
06/12/2018
Khánh thành Bảo tàng thiên nhiên - văn hóa mở tại Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An
16/12/2018