Nhật Lân • 18/07/2024
Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ tỉnh Nghệ An lại tiếp tục có văn bản kiến nghị UBND tỉnh xem xét xử lý các cơ sở chế biến gỗ dăm trái phép. Đáng nói, ở lần kiến nghị này còn phản ánh, sau khi đoàn liên ngành kết thúc công tác kiểm tra thì đã xuất hiện thêm nhiều xưởng gỗ dăm trái phép!
------
PHẢN ÁNH CỦA PHÍA HIỆP HỘI CHẾ BIẾN GỖ
Như đã thông tin qua tuyến bài “Phía sau các xưởng gỗ dăm không phép” (Báo Nghệ An ngày 2 - 5/7/2024), vào tháng 8/2023, Hiệp hội Chế biến gỗ và Lâm sản ngoài gỗ tỉnh Nghệ An có Văn bản số 07/HHCBG&LS gửi UBND tỉnh đề nghị kiểm soát tình trạng cơ sở băm gỗ dăm trái phép. Xuất phát từ đây, đến ngày 1/12/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3967/QĐ-UBND thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra hoạt động chế biến, băm dăm gỗ trên địa bàn toàn tỉnh.
Đầu tháng 6 năm nay (2024), từ kết quả kiểm tra của Đoàn liên ngành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có báo cáo UBND tỉnh, trong đó, đề xuất bộ giải pháp tăng cường công tác quản lý hoạt động chế biến, dăm gỗ trên địa bàn tỉnh.
Vậy nhưng mới đây, vào ngày 4/7/2024, Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ tỉnh Nghệ An lại tiếp tục có Văn bản đề nghị UBND tỉnh xem xét xử lý các cơ sở chế biến gỗ dăm trái phép. Văn bản này liệt kê chi tiết các cơ sở băm gỗ dăm có vi phạm đã được Đoàn liên ngành kiểm tra làm rõ; đồng thời phản ánh, sau khi Đoàn liên ngành kết thúc công tác kiểm tra thì ở một số địa phương xuất hiện mới nhiều cơ sở băm gỗ dăm trái phép.
Nguyên văn Văn bản này nêu: “Đoàn kiểm tra liên ngành đã chỉ ra các sai phạm của các cơ sở hoạt động chế biến dăm gỗ không đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là các cơ sở chưa được cơ quan chức năng chấp thuận chủ trương đầu tư; tại quyết định chủ trương đầu tư quy định không được băm dăm gỗ nhưng lắp đặt dây chuyền sản xuất dăm gỗ để hoạt động; hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa đúng mục đích sử dụng đất; nhưng một số cơ sở hoạt động không đúng quy định của pháp luật về đầu tư, không đúng mục đích sử dụng đất chưa bị đình chỉ hoạt động. Sau khi đoàn kiểm tra kết thúc thời gian kiểm tra; tại một số địa phương đã có thêm nhiều cơ sở chế biến dăm gỗ được thành lập mới mà không được cơ quan chức năng chấp thuận chủ trương đầu tư...”.
Hiệp hội Chế biến gỗ và Lâm sản ngoài gỗ tỉnh Nghệ An diễn giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như sau: “Qua thông tin của các thành viên hiệp hội, hiện có một số doanh nghiệp tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã đầu tư kinh phí cho một số doanh nghiệp, cá nhân mở các cơ sở chế biến dăm gỗ hoạt động không phép trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Các doanh nghiệp này có các nhà máy chế biến dăm tại Thanh Hóa. Vào khoảng năm 2020-2022, các doanh nghiệp này đã đầu tư cho các cá nhân mở cơ sở băm dăm không phép trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa để mua lại dăm gỗ do các cơ sở này bán lại. Tuy nhiên, do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo kiên quyết xử lý, đình chỉ, tháo dỡ các cơ sở chế biến dăm gỗ trái phép; giao Điện lực tỉnh ngừng cung cấp điện do hoạt động trái phép; yêu cầu Lãnh đạo UBND các huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm nếu để tình trạng băm dăm không phép trên địa bàn, nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật do để xảy ra tình trạng băm dăm không phép. Vì vậy, hiện các doanh nghiệp này đã chuyển địa bàn, đầu tư cho các doanh nghiệp, cá nhân mở các cơ sở băm dăm không phép tại Nghệ An, thậm chí xây dựng các nhà máy trên đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp...”.
Cũng theo Hiệp hội Chế biến gỗ và Lâm sản ngoài gỗ, đầu tư cho mỗi nhà máy băm dăm không phép chỉ khoảng 3-5 tỷ đồng. Trong khi đó, nhà máy chế biến gỗ chuyên sâu, hiện đại cần đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Thế nên, với tình trạng này, tỉnh rất khó thu hút các nhà đầu tư lớn đầu tư các dự án chế biến sâu về gỗ. Để từ đây hiệp hội nêu kiến nghị UBND tỉnh: “Xem xét, chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã đình chỉ hoạt động của các cơ sở sản xuất dăm gỗ chưa được cơ quan chức năng chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc không đúng nội dung tại quyết định chủ trương đầu tư; hoạt động sản xuất, kinh doanh không đúng mục đích sử dụng đất; yêu cầu cơ quan Điện lực ngừng cung cấp điện đối với các cơ sở này; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp sản xuất, chế biến gỗ dăm trái phép trên địa bàn tỉnh, đưa hoạt động chế biến gỗ trên địa bàn đi vào hoạt động ổn định, đúng pháp luật, góp phần tăng cường quản lý đất đai, môi trường, PCCC, tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư các dự án sâu, quy mô lớn; góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà”.
SỚM XÁC MINH, BÁO CÁO UBND TỈNH
Tiếp nhận kiến nghị của Hiệp hội Chế biến gỗ và Lâm sản ngoài gỗ tỉnh Nghệ An, ngày 8/7/2024, UBND tỉnh ban hành Công văn số 5703/UBND-NN thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ với nội dung: “Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã xem xét các thông tin và đề xuất của Hiệp hội Chế biến gỗ và Lâm sản ngoài gỗ tỉnh Nghệ An tại Văn bản nói trên, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện theo đúng quy định”.
Chúng tôi (PV) liên hệ một số UBND cấp huyện như: Thanh Chương, Tân Kỳ, Con Cuông, Quỳ Hợp... để hỏi có hay không tình trạng xưởng băm dăm trái phép tiếp tục mọc lên? Được thông tin trở lại, UBND các huyện đã tiếp nhận Công văn số 5703/UBND-NN ngày 8/7/2024 của UBND tỉnh gửi kèm Văn bản số 07/HHCBG&LS của Hiệp hội Chế biến gỗ và Lâm sản ngoài gỗ, tuy nhiên không hề có tình trạng này!
Với huyện Thanh Chương, Chủ tịch UBND huyện Trình Văn Nhã trao đổi rằng, trên địa bàn chỉ duy nhất có một xưởng băm gỗ dăm chưa đúng quy định nằm trên địa bàn xã biên giới Thanh Thủy, trong phạm vi đất do Tổng đội TNXP số 5 quản lý. Thời gian qua, huyện đã chỉ đạo xã Thanh Thủy và đơn vị chức năng tăng cường giám sát, không để tái diễn hoạt động băm dăm trái quy định.
Địa bàn Thanh Chương không phát sinh mới xưởng băm dăm trái phép, tôi khẳng định điều này...”.
Ông Trình Văn Nhã - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương
Ở huyện Quỳ Hợp, Phó Chủ tịch UBND huyện Quán Vi Giang cho biết, thời gian qua theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện đã tham gia góp ý Dự thảo văn bản của UBND tỉnh về quản lý hoạt động chế biến, dăm gỗ trên địa bàn tỉnh; trong nội dung Dự thảo có yêu cầu cấp huyện phải quản lý chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng xưởng chế biến dăm gỗ hoạt động trái pháp luật.
Huyện Quỳ Hợp nhất trí cao với nội dung dự thảo, tuy nhiên, có đề xuất UBND tỉnh và các sở, ngành cấp tỉnh xem xét cho các doanh nghiệp trên địa bàn được phê duyệt bổ sung các sản phẩm gỗ băm, dăm... trong quyết định chủ trương chấp thuận đầu tư, nhằm tận thu các loại cành, ngọn của cây keo nguyên liệu, tránh lãng phí, tăng thu nhập cho nhân dân và doanh nghiệp.
Trong khi chờ văn bản chính thức của UBND tỉnh, huyện Quỳ Hợp đã siết chặt công tác quản lý, không để xảy ra tình trạng xưởng băm gỗ dăm trái phép thành lập mới. Việc này có ở địa phương nào chứ trên địa bàn huyện Quỳ Hợp thì không có...”.
Ông Quán Vi Giang - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp
Còn đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến nay sở đã hoàn thiện Dự thảo văn bản về quản lý hoạt động chế biến, dăm gỗ trình UBND tỉnh. Về phản ánh “Sau khi đoàn kiểm tra kết thúc thời gian kiểm tra; tại một số địa phương đã có thêm nhiều cơ sở chế biến dăm gỗ được thành lập mới mà không được cơ quan chức năng chấp thuận chủ trương đầu tư...” của Hiệp hội Chế biến gỗ và Lâm sản ngoài gỗ tỉnh Nghệ An, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Chi cục Kiểm lâm tổ chức xác minh. “Nội dung này sẽ được Chi cục Kiểm lâm tổ chức xác minh làm rõ. Sau đó, sở sẽ có báo cáo UBND tỉnh, và trả lời Hiệp hội Chế biến gỗ và Lâm sản ngoài gỗ tỉnh Nghệ An...” - vị đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định.