Xuất khẩu hồi phục, kim ngạch tăng hơn 12%

Thu Huyền 06/12/2023 11:50

(Baonghean.vn) - Mặc dù đối mặt với rất nhiều khó khăn, với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, hoạt động xuất khẩu của Nghệ An trong năm 2023 vẫn ghi nhận đà tăng trưởng khá.

bna_luxshare.jpeg
Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thăm dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Luxshare-ICT Nghệ An. Ảnh: T.H

Xuất khẩu khởi sắc trở lại

Theo Sở Công Thương, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 2,45 tỷ USD, tăng 12,02%, đạt 98,1% so với kế hoạch. Hàng hóa xuất khẩu khá phong phú, đa dạng, với hơn 70 mặt hàng/nhóm mặt hàng, nhiều mặt hàng có kim ngạch tăng trưởng khá.

Chẳng hạn như: Thiết bị, linh kiện điện tử tăng 11,4%, vật liệu xây dựng tăng 22,2%; giày, dép các loại tăng 62,8%, sắn và sản phẩm từ sắn tăng 96%; hàng thủy sản tăng 63,2%, hoa quả chế biến và nước hoa quả tăng 26%; viên nén gỗ tăng 13,8%; dây điện và cáp điện tăng 104,9%; hạt phụ gia nhựa tăng 8,1%; gạo tăng 102%,...

bna_đồ hoạ Trần Hải.jpeg
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Nghệ An ước đạt 2,45 tỷ USD, tăng 12,02%; các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xuất khẩu hàng hóa sang thị trường của 147 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đồ hoạ: Trần Hải

Ông Nguyễn Viết Hùng - Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Chế biến nông sản Hoa Sơn cho biết: Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 20 triệu USD. Sản xuất, kinh doanh nhìn chung thuận lợi, nhu cầu trong nước và xuất khẩu tăng cao, giá tốt, thiết lập ở mức cao. Nguyên liệu thu mua đến đâu chế biến, tiêu thụ hết đến đó. Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc có xu hướng tăng từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, do sự khan hiếm nguồn cung nguyên liệu nên chế biến chỉ đạt 70% công suất. Hiện nay, diện tích nguyên liệu sắn của nhà máy chỉ có 3.000 ha, tập trung ở các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương. Để phục vụ sản xuất, kinh doanh, chúng tôi phải thu mua nguyên liệu ở các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa…

bna_1tập kết nguyên liệu sản xuất tại Nhà máy chế biến sắn Hoa Sơn .jpg
Tập kết nguyên liệu sản xuất tại Nhà máy Chế biến sắn Hoa Sơn. Ảnh: T.H

Trong khó khăn của thị trường xuất khẩu, kết quả có được ghi nhận sự nỗ lực, năng động của cộng đồng doanh nghiệp. Năm nay, ngoài doanh nghiệp FDI, xuất khẩu hàng hóa còn ghi dấu ấn sự nỗ lực khắc phục khó khăn của nhiều doanh nghiệp trong tìm kiếm thị trường, đơn hàng. Theo thống kê, năm 2023, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xuất khẩu hàng hóa sang thị trường của 147 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 10,5% so với năm 2022.

Một số thị trường xuất khẩu chủ yếu như: Trung Quốc chiếm trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh; Hồng Kông chiếm trên 13%; Hàn Quốc chiếm 12%; Hoa Kỳ chiếm 11%; Đài Loan chiếm 5%;... Các thị trường mới liên tục được được doanh nghiệp khai thác, điển hình như: Mozambique, Serbia, Tunisia, Rwanda, Belize, Benin, Mauritania, Cộng hòa Dominica, Maldives, Paraguay,…

Thời gian qua, Sở Công Thương đã tích cực kết nối, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhiều hoạt động nhằm mở rộng, xúc tiến thị trường xuất khẩu. Phối hợp với thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương thường xuyên thông tin tình hình thị trường, sản phẩm, các rào cản thương mại cho các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu; hoàn thành xây dựng trang thông tin thị trường quốc tế, duy trì nhóm Zalo giữa các doanh nghiệp với Sở Công Thương để trao đổi thông tin thường xuyên và kịp thời.

bna_Quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương giữa dn Nghệ An và dn Australia .jpeg
Quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Nghệ An và doanh nghiệp Australia. Ảnh: T.H

Hoạt động xúc tiến xuất khẩu được triển khai thường xuyên, đa dạng và bước đầu đạt hiệu quả: Tổ chức đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài (Úc, New Zealand), tham gia đoàn công tác của tỉnh Nghệ An để giới thiệu tiềm năng, thúc đẩy xuất khẩu tại Hoa Kỳ, Singapore, Đài Loan...; Tổ chức doanh nghiệp tham dự Hội chợ Thương mại quốc tế Finefood (Sydney), Hội chợ Quốc tế Việt - Trung (Lào Cai), Hội chợ Thực phẩm FoodExpo (TP. Hồ Chí Minh)...

Bên cạnh đó, nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn cũng được tổ chức nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xuất khẩu.

Cần giải pháp đồng bộ

Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động xuất khẩu cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhiều mặt hàng có kim ngạch giảm so với năm 2022. Một số mặt hàng luôn nằm trong tốp đầu xuất khẩu của tỉnh thì năm 2022 sản xuất cầm chừng, thị trường khó khăn, hàng tồn kho lớn. Hàng dệt may giảm 7,16%; dăm gỗ giảm 25%; đá ốp lát giảm 21,06%, xơ sợi dệt các loại giảm 33%, nhóm nhựa thông, tùng hương giảm 25,1%.

Đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Haivina Kim Liên cho biết, năm nay, ngành dệt may hết sức khó khăn. Tập đoàn dệt may Haivina hiện có 4 nhà máy (2 nhà máy ở Hải Dương, 1 nhà máy ở Hà Tĩnh và 1 nhà máy ở Nghệ An) thì 3 nhà máy đã phải cắt giảm lao động. Riêng Công ty trách nhiệm hữu hạn Haivina Kim Liên còn trụ được, nhưng sản lượng, ngày công đều giảm khoảng 50%; 2.600 công nhân trước đây được bố trí làm thêm giờ, làm cả thứ Bảy, nhưng nay chỉ làm ngày 8 tiếng, nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật. Không có đơn hàng, để duy trì việc cho công nhân phải làm đơn của năm sau. Nếu tới đây tình hình tiếp tục khó khăn thì chúng tôi buộc phải cắt giảm lao động.

bna_dây chuyền may xuát khẩu của Công ty TNHH havina Kim liên- Nam đàn ảnh thu huyền.JPG
Dây chuyền may xuất khẩu của Công ty trách nhiệm hữu hạn Havina Kim Liên (Nam Đàn). Ảnh: T.H

Tương tự, Phó Giám đốc Công ty cổ phần may Minh Anh Nghệ An- ông Nguyễn Đình Vĩnh cho biết: 97% đơn hàng của công ty xuất sang thị trường Mỹ; trước chỉ quan hệ 3 tập đoàn là đủ đơn hàng, nay 8 khách hàng nhưng việc làm vẫn khó khăn do nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh. Hiện nay, các tập đoàn lớn sau dịch Covid-19 đứt gãy đã thay đổi chiến lược kinh doanh, lượng hàng chia nhiều túi hạn chế rủi ro, đơn hàng về Việt Nam ít…

Nguyên nhân chính của việc giảm các đơn hàng xuất khẩu trong năm nay là do lạm phát và việc thắt chặt chi tiêu ở các quốc gia trên thế giới khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ các nước này giảm. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu chính hàng dệt may, nhưng nhu cầu tiêu dùng giảm; suy thoái kinh tế, nhiều mặt hàng đưa vào danh sách phòng vệ thương mại. Hay với thị trường châu Âu, doanh nghiệp gặp khó bởi chính sách thắt chặt tiền tệ, lạm phát tăng, các tiêu chuẩn và quy định ngày càng khắt khe. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc mới mở cửa, chuỗi cung ứng chưa hồi phục, chính sách thắt chặt kiểm soát về hàng nông sản, thực phẩm.

Hiện nay, ở tầm vĩ mô, nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đang tiếp tục được triển khai tích cực, đồng bộ sẽ là những điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn KIDO Vinh cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nới lỏng chính sách tiền tệ, điều hành nhiều đợt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sẽ có tác động tích cực trong thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trong những tháng cuối năm. Ngoài ra, các hiệp định FTA đang có với các đối tác thị trường lớn của Việt Nam như thị trường châu Âu, châu Mỹ tiếp tục có tác động tích cực đối với thương mại, đầu tư và đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam.

bna_chính.tàu ăn hàng tại cảng Cửa Lò ảnh thu huyền.jpeg
Tàu ăn hàng tại Cảng Cửa Lò. Ảnh: T.H

Hoạt động xuất khẩu năm 2024 được dự báo sẽ tiếp tục đứng trước một số khó khăn, thách thức. Giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục được dự báo tăng cao, lạm phát tăng cao ở các thị trường, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu tận dụng được những cơ hội tham gia vào Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương và kinh nghiệm trong việc chủ động ứng phó, đa dạng hóa thị trường, nguồn hàng thì xuất khẩu của các doanh nghiệp có thể sẽ hạn chế được những rủi ro nhất định.

Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nỗ lực thúc đẩy phát triển xuất khẩu, mở rộng thị trường. Phấn đấu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 3 tỷ USD. Để đạt mục tiêu đề ra, ngành tập trung triển khai các nhiệm vụ thuộc Đề án “Phát triển xuất khẩu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025” và Đề án “Hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh Nghệ An đến năm 2025”. Nghiên cứu nhu cầu thị trường để tham mưu sản xuất các mặt hàng phù hợp với nhu cầu của thị trường trên thế giới. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics tỉnh Nghệ An đến năm 2025…

Mới nhất

x
Xuất khẩu hồi phục, kim ngạch tăng hơn 12%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO