Sông Lam "biết khi mô cho cạn"
(Baonghean) - Năm 2013 có thể coi là một năm không mấy thành công của bóng đá trẻ Nghệ An khi họ chỉ có một chức vô địch duy nhất của các cầu thủ U13 tại giải vô địch U13 toàn quốc. Nhưng cho dù thế nào thì công tác đào tạo trẻ của CLB SLNA vẫn có một vị trí kiêu hãnh trong làng bóng đá Việt Nam...
Nghèo vượt khó...
Năm 2013 này, câu chuyện đáng chú ý nhất về bóng đá trẻ Nghệ An là sự kiện đội U13 SLNA vô địch Vòng chung kết Giải vô địch U13 quốc gia tranh Cup Yamaha, được tổ chức vào giữa tháng 7 tại Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Có 2 điều đặc biệt về chiếc cup vô địch này. Thứ nhất, đây là chiếc cup mà lứa U13 SLNA giành được sau 10 năm không tham dự giải U13 quốc gia. Và thứ hai, sẽ không có chiếc cup này nếu không có sự quyết tâm của cả thầy, trò và các bậc phụ huynh. Bởi theo dự toán tài chính mà Công ty Cổ phần SLNA lên kế hoạch từ đầu năm, đơn vị sẽ không cử các đội tuyển U11, U13 tham dự các giải đấu để tập trung kinh phí cho các đội tuyển U mà SLNA đã từng tham dự và có giải như U15, U17, U19 và U21. Nhưng sự quyết tâm của HLV Trần Quang Dũng và các học trò đã thay đổi tất cả.
Theo ông Nguyễn Hồng Thanh – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá SLNA, từ đầu năm, HLV Trần Quang Dũng đã nhiều lần lên gặp Ban lãnh đạo công ty trình bày nguyện vọng mong đưa U13 đi tham gia giải. Biết việc thiếu kinh phí, HLV Trần Quang Dũng đề nghị sẽ tự lo mọi chi phí để các học trò đi thi đấu. Trước sự quyết tâm của HLV Quang Dũng, lãnh đạo CLB đã đề nghị với ban kế toán lập lại dự toán để Đội U13 đi thi đấu. Điều đó đồng nghĩa với việc, SLNA sẽ phải cắt đi “suất” của Đội U15 trong năm nay. Không phụ sự tin tưởng của Ban lãnh đạo và sự “hy sinh” của lớp đàn anh, các cầu thủ U13 SLNA đã chơi xuất sắc, lội ngược dòng giành thắng lợi với tỉ số 2-1. Ngoài chức vô địch, các cầu thủ nhí SLNA còn ẵm luôn các giải thưởng cá nhân như “Vua phá lưới” (Lương Văn Hùng), Thủ môn xuất sắc nhất (Hồ Viết Đại) và có 2 cầu thủ lọt vào đội hình tiêu biểu của giải (Tạ Quốc Tiến và Lương Văn Hùng). Thành tích này làm nức lòng người hâm mộ bóng đá Nghệ An và hàng trăm cổ động viên đã tổ chức cho các cầu thủ U13 SLNA diễu hành biểu dương ăn mừng chiến thắng khắp các đường phố của Thành Vinh.
Nhiều cầu thủ đã trưởng thành từ Giải bóng đá TN - NĐ Cup Báo Nghệ An hàng năm. Ảnh: Đ.C |
Trước đó, các cầu thủ đàn anh U17, với tư cách là đương kim vô địch, đã bất ngờ bị loại ngay từ vòng bảng Vòng chung kết giải U17 quốc gia tổ chức tại TP Hồ Chí Minh sau trận hòa thất vọng trước U21 Viettel. Sau đó, vào đầu tháng 10, các cầu thủ U21 SLNA cũng không thể bảo vệ được ngôi vô địch sau khi để thua Hà Nội T&T trong trận bán kết. Nhưng người hâm mộ Nghệ An không vì thế mà buồn, bởi ai cũng hiểu, để chuẩn bị cho mùa giải mới, cả ở cấp độ đội một và các đội trẻ, SLNA đã gặp khó khăn như thế nào về tài chính, khi nhà tài trợ Ngân hàng Bắc Á đã cắt giảm số tiền tài trợ từ 70 tỷ đồng xuống còn 30 tỷ đồng. Do đó, thành công của U13 SLNA ở Giải bóng đá Thiếu niên toàn quốc Cup Yamaha năm nay được ví như việc cậu học trò nghèo vượt khó và tiếp thêm nghị lực, quyết tâm cho những người làm bóng đá ở SLNA.
Lửa thử vàng...
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn, dân số đông và ngay từ khi thành lập trung tâm đào tạo bóng đá trẻ, những người làm bóng đá xứ Nghệ đã xác định cần xây dựng hệ thống “chân rết” ở các địa phương để hạn chế việc bỏ sót tài năng bóng đá. Nếu như trước đây, các HLV của SLNA phải lăn lộn xuống các địa phương để tìm kiếm những cầu thủ nổi bật thì từ năm 2004, CLB đã ký hợp đồng với cán bộ, HLV công tác tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao ở các huyện, thành, thị để đảm trách việc tuyển chọn tài năng từ cơ sở. Hiện nay, SLNA đã xây dựng được 10 điểm “chân rết” ở TP.Vinh, Quỳnh Lưu, Thị xã Thái Hòa, Hưng Nguyên, Yên Thành, Thanh Chương, Đô Lương, Con Cuông, Anh Sơn, Thị xã Cửa Lò. Các điểm “chân rết” này có nhiệm vụ sàng lọc các cầu thủ nhí thông qua những giải bóng đá nhi đồng, thiếu niên cấp huyện và Giải bóng đá Thiếu niên – Nhi đồng Cup Báo Nghệ An hàng năm. Các cầu thủ được tuyển chọn sẽ được đưa về CLB, tập trung trong vòng 1 tháng, ai thể hiện tốt nhất sẽ được CLB giữ lại, ký hợp đồng đào tạo. Cách làm bài bản này đã giúp SLNA không bỏ sót nhân tài và lựa chọn ra những cầu thủ nhí tốt nhất từ các tuyển U11, U13…
Hiện nay, ban đào tạo trẻ của SLNA có gần 20 HLV và các trợ lý đứng lớp cho các lứa tuổi từ U11 đến U21. Ngoài “thâm niên” tuyển chọn cầu thủ từ các sân bóng đá phong trào, các HLV đều trải qua lớp đào tạo HLV do Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) tổ chức và đều nắm vững, áp dụng nhuần nhuyễn những bài tập bài bản, hiện đại. Bên cạnh đó, hệ thống sân tập của CLB cũng đã được nâng cấp, với 1 sân cỏ 11 người và 2 sân cỏ nhân tạo theo chuẩn FIFA. Bên cạnh việc cho các tuyến trẻ tập luyện hằng ngày, các sân này được cho thuê vào khoảng thời gian trống nhằm giúp CLB có thêm nguồn kinh phí nuôi các đội trẻ. Khu nhà ở dành cho các cầu thủ trẻ mà cách đây khoảng chục năm bị ví là “khách sạn ngàn sao” do quá tồi tàn, rách nát, thì nay đã được tu sửa lại khang trang. Đặc biệt, từ năm 2013, các lứa trẻ của SLNA được hưởng hỗ trợ từ ngân sách tỉnh. Khoản tiền này dù không lớn, nhưng đủ để SLNA nâng mức ăn của cầu thủ trẻ từ 60.000 đồng/ngày lên 90.000 đồng/ngày. Nhờ đó, các cầu thủ đã có sữa để uống, bổ sung dinh dưỡng, tăng cường thể hình, thể lực.
Sau những trường hợp các cầu thủ của CLB chưa kịp trưởng thành đã mắc “bệnh sao” hay tệ hơn là dính vào tệ nạn xã hội hoặc phạm pháp khiến sự nghiệp tàn lụi và hình ảnh đội bóng bị ảnh hưởng, CLB đã tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức của các cầu thủ trẻ. Trước hết, lãnh đạo CLB quán triệt không đặt nặng vấn đề thành tích. Theo ông Nguyễn Hồng Thanh - Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đá Sông Lam: “Chúng tôi đào tạo các em, không lấy thành tích làm trọng mà sàng lọc, cho thử lửa thật nhiều để có sự trưởng thành, cung cấp cho đội 1. Mặt khác, một khi có thành tích, các em dễ nhầm tưởng mình hay rồi, đá giỏi rồi nên không cố gắng rèn giũa chuyên môn, bê trễ trong tập luyện, dẫn đến dễ sa ngã”. Còn ông Nguyễn Đình Nghĩa - Phó phòng Đào tạo trẻ của CLB cho biết: “Trong hợp đồng đào tạo với các cầu thủ trẻ, chúng tôi có một điều khoản bắt buộc là, trong quá trình cầu thủ về sinh hoạt tại gia đình, nếu sa vào tệ nạn, gia đình chịu hoàn toàn trách nhiệm và chịu hình thức kỷ luật, thanh lý, đưa ra khỏi CLB. Ngoài ra, CLB đã tăng cường cán bộ quản sinh để kiểm soát việc sinh hoạt của các cầu thủ. Khi cầu thủ bị phát hiện sa vào tệ nạn, không chỉ cầu thủ đó bị kỷ luật mà bản thân người quản sinh cũng chịu hình thức kỷ luật”. Nhờ đó, trong 3 năm qua, không có cầu thủ nào của SLNA sa vào tệ nạn xã hội hay các vụ phạm pháp, các cầu thủ trẻ được đôn lên đội 1 đều thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo.
“Sông Lam biết khi mô cho cạn”
Cùng với lối chơi máu lửa và sự cổ vũ nhiệt tình của các CĐV, có thể nói truyền thống kỹ năng đào tạo trẻ là một phần bản sắc của CLB SLNA. Tuy vậy, theo ông Nguyễn Hồng Thanh, hiện nay tình hình tài chính của CLB đang vô cùng khó khăn, vì vậy các tuyến đào tạo trẻ cũng ảnh hưởng rất lớn. Mặc dù rất cố gắng, đội vẫn chưa đủ chỗ ở cho các cầu thủ nhí, gần 40 em hiện đang ở cùng gia đình hoặc ở nhờ nhà người thân. Bên cạnh đó, trong công tác đào tạo trẻ, CLB đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của những trung tâm đào tạo mới nổi lên, có tiềm lực tài chính mạnh như HAGL - Arsenal, Viettel, PVF… Trong khi SLNA không thể lo đủ kinh phí để ra ngoại tỉnh thì các trung tâm này vươn tầm ra toàn quốc để tuyển sinh và chính trên đất Nghệ An, nhờ “bạo vì tiền”, các trung tâm này đã lấy đi khá nhiều cầu thủ chất lượng mà các “chân rết” của CLB tuyển chọn được từ các địa phương.
Sông Lam Nghệ An ra quân tại V. League 2013. Ảnh: Đ.C |
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Hồng Thanh, SLNA hoàn toàn đứng vững trước sự cạnh tranh này. “Lò đào tạo SLNA vẫn có đặc thù, lợi thế riêng. Nếu như các trung tâm đào tạo bóng đá khác chỉ có những lớp riêng lẻ thì SLNA đào tạo nhiều lớp, có hệ thống từ U11 trở lên. Họ đào tạo để kinh doanh cầu thủ, còn SLNA đào tạo cầu thủ trẻ là để phục vụ cho đội 1. Chúng tôi đã xây dựng được một đội bóng giàu bản sắc, được người hâm mộ ủng hộ nhiệt tình và hầu hết các tài năng bóng đá của chúng tôi đều đến từ các địa phương trong tỉnh nên các cầu thủ nhí có được sự đoàn kết và đều khát khao được chơi bóng cho CLB bóng đá quê hương, tính tự tôn, tinh thần “màu cờ, sắc áo” rất cao. Do đó, dù chịu sự cạnh tranh như thế nào thì hàng năm các tuyến trẻ của chúng tôi cũng sẽ cho ra lò nhiều cầu thủ có chất lượng làm nguồn bổ sung cho đội 1. Và tinh thần thi đấu cũng như đội bóng và tình cảm của người hâm mộ quê nhà, các tài năng trẻ mà SLNA sản sinh ra luôn dồi dào, như “sông Lam biết khi mô cho cạn”.
Năm 2010, thông qua một nhà môi giới bóng đá Anh, lãnh đạo CLB SLNA đã đàm phán với CLB Liverpool về việc liên kết đào tạo bóng đá trẻ và bước đầu việc đàm phán diễn ra khá suôn sẻ. Theo kế hoạch, CLB thuê chuyên gia của Liverpool sang trực tiếp đào tạo cầu thủ trẻ, còn sản phẩm đào tạo được hoàn toàn thuộc về CLB. Cách làm này hơi khác so với Học viện Bóng đá HA.GL Arsenal JMG, khi sản phẩm họ đào tạo ra được phải chia 50% cho CLB Arsenal. Tuy nhiên, do gặp khúc mắc về vấn đề tài chính nên kế hoạch đó không thể thực thi. |
Minh Quân - Mỹ Hà