Tháo gỡ vướng mắc trong hoàn thuế giá trị gia tăng

Trân Châu - Văn Trường 16/11/2023 15:37

(Baonghean.vn) - Thời gian vừa qua, công tác hoàn thuế đã được Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn cần tháo gỡ.

Vẫn còn doanh nghiệp chưa được hoàn thuế

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc đẩy nhanh công tác giải quyết các hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thời gian qua, cơ quan thuế Nghệ An phối hợp với các ngành đẩy nhanh tiến độ giải quyết hoàn thuế; đẩy mạnh kiểm soát công tác hoàn thuế GTGT đảm bảo hoàn thuế chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Tính từ ngày 1/1 đến 8/11/2023, Cục Thuế tỉnh Nghệ An đã tiếp nhận 110 hồ sơ hoàn thuế với số tiền 573 tỷ đồng; hiện đã hoàn thuế được 110 hồ sơ, số tiền 544 tỷ đồng.

bna_van truong 1.jpeg
Đơn vị thu mua xuất khẩu tinh bột sắn ở Nghệ An khó khăn do chưa được hoàn thuế. Ảnh: Văn Trường

Tuy nhiên, địa bàn Nghệ An hiện đang tồn đọng 2 đơn vị chưa được hoàn thuế của năm trước. Cụ thể, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Trung Hưng ở TP. Vinh, chuyên kinh doanh thu mua tinh bột sắn, sau đó xuất bán sang thị trường Trung Quốc. Kỳ hoàn thuế từ tháng 11,12/ 2020 đến tháng 3/2021 với số tiền là 18 tỷ đồng, nhưng từ thời điểm đó đến nay, công ty này vẫn chưa được hoàn thuế.

Trước đó, ngày 24/8/2022, Cục Thuế tỉnh Nghệ An giải thích việc công ty này chưa được hoàn thuế là do: “Số thuế không đủ điều kiện hoàn tại Kết luận số 7783/CT-TTKT2 ngày 22/12/2021 của Đoàn thanh tra theo Quyết định số 13/QĐ - CT ngày 05/01/2021 là 18 tỷ đồng hiện vẫn đang trong thời gian chờ xác minh của cơ quan Công an theo chỉ đạo của Tổng Cục Thuế tại Công văn số 2413/TCT-TTKT ngày 7/7/2022 và Công văn số 607/CSKT ngày 16/7/2022 của Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Nghệ An”.

Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Trung Hưng cho biết, Công ty đã làm văn bản kiến nghị gửi Cục Thuế Nghệ An với nội dung: “Sau khi cơ quan điều tra đã xác nhận đơn vị chúng tôi không có dấu hiệu vi phạm pháp luật, hiện tại hồ sơ thủ tục của đơn vị là đầy đủ, có hợp đồng mua bán, có chứng từ nhập kho đầy đủ nhưng vẫn chưa được hoàn thuế.”

Một doanh nghiệp khác cũng chưa được hoàn thuế là Công ty TNHH Thanh Thành Đạt ở TP Vinh, đơn vị chuyên kinh doanh các mặt hàng gỗ công nghiệp MDF, dăm gỗ ở 10 tỉnh thành của cả nước, hàng năm xuất khẩu khá lớn các mặt hàng trên. Từ năm 2021 đến nay, số tiền chậm hoàn thuế VAT của công ty này là 120 tỷ đồng ở 10 cục thuế trên cả nước, trong đó có Cục Thuế Nghệ An.

Vì vượt tầm địa phương nên hồ sơ hoàn thuế của doanh nghiệp hiện đang được thẩm định. Trước khó khăn trên, Công ty TNHH Thanh Thành Đạt đã có đơn kiến nghị chung với Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam về vướng mắc trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT xuất khẩu đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm làm từ gỗ, nhưng đơn vị này vẫn đang phải chờ đợi...

bna_van truong m23.jpeg
Một số doanh nghiệp ngành gỗ ở Nghệ An chưa được hoàn thuế. Ảnh: Văn Trường

Nhiều vướng mắc, bất cập

Công tác hoàn thuế VAT thời gian qua đang còn những khó khăn, phát sinh những vướng mắc, bất cập nhất định. Cụ thể, một số quy định còn chưa thống nhất, rõ ràng; việc xác minh hóa đơn, phối hợp xác minh hóa đơn trong thực tiễn còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao, dẫn đến thời gian hoàn thuế trong nhiều trường hợp bị kéo dài. Việc này phần nào ảnh hưởng tới nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, vẫn còn bất cập trong truy xuất, xác minh nguồn gốc sản phẩm, ví như các doanh nghiệp xuất khẩu tinh bột sắn và dăm gỗ ở Nghệ An, theo quy định phải xác minh tới tận hộ trồng sắn hoặc trồng rừng ở từng xóm, bản.

Trong khi đó, địa bàn Nghệ An rộng lớn, một lô hàng xuất khẩu của doanh nghiệp được mua của nhiều hộ trồng rừng tại nhiều địa phương khác nhau, nên việc đi lại xác minh như quy định có phần bất khả thi. Một số trường hợp, các công ty đóng ở địa bàn Nghệ An mua hàng hoá, nguyên liệu ở các tỉnh, thành khác, cơ quan thuế phải lập phiếu xác minh để nhờ các Cục Thuế ở các tỉnh khác xác minh, các Cục Thuế này lại chỉ đạo chi cục thuế địa phương trực thuộc xác minh tiếp, gây kéo dài, thủ tục xác minh rất thủ công!

Có những trường hợp nghi ngờ có dấu hiệu vi phạm thì phải nhờ đến cơ quan chức năng vào cuộc. Để thực hiện tốt công tác hoàn thuế, thời gian qua, cơ quan chức năng Nghệ An đang thực hiện các giải pháp như: Kiểm soát chặt chẽ các dấu hiệu trốn thuế, gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng, phối hợp với cơ quan chức năng trong quản lý thuế, đặc biệt là cơ quan hải quan, quản lý thị trường để xác minh nguồn gốc hàng hóa, nắm bắt, trao đổi thông tin về các thủ đoạn gian lận đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu trốn thuế..., bảo đảm việc hoàn thuế đúng đối tượng, theo đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ông Nguyễn Đình Đức - Cục trưởng Cục Thuế Nghệ An cho biết: Thời gian qua, cơ quan thuế của cả nước phát hiện một số dấu hiệu nghi vấn trong hồ sơ hoàn thuế VAT của một số doanh nghiệp xuất khẩu hàng tinh bột sắn sang Trung Quốc như các doanh nghiệp không còn hoạt động hoặc đã mất tích; chứng từ thanh toán qua ngân hàng không đúng tên người mua hàng; chuyển khoản thông qua ngân hàng xuyên biên giới không đúng quy định về điều kiện thanh toán để được hoàn thuế…

Đối với 2 đơn vị nêu trên, cơ quan thuế đã phối hợp với các cơ quan liên quan xác minh, làm rõ một số nội dung theo yêu cầu của Tổng Cục Thuế Việt Nam về việc làm rõ nguồn gốc hàng hoá, vận chuyển… Theo trình tự, hiện nay, ngành thuế đang tiếp tục phối hợp xác định hợp đồng mua bán của doanh nghiệp xem có bị vô hiệu hoá hay không.

Vừa qua, đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với nhiều cục thuế trên cả nước và các doanh nghiệp. Kết quả cho thấy: Việc giải quyết hoàn thuế VAT trong năm 2022 và nhất là 6 tháng đầu năm 2023 còn chậm hơn so với các năm trước đó, số hồ sơ hoàn đã giải quyết, đạt 79%.

Cụ thể, trong khi tỉ lệ số hồ sơ kiểm trước tăng cao hơn so với các năm trước (25%) thì số hồ sơ tồn - đang giải quyết và chưa được hoàn là 1.839 hồ sơ, chiếm 17%. Các ngành bị chậm hoàn thuế gồm: ngành gỗ và các sản phẩm gỗ, tỉ lệ hồ sơ được giải quyết hoàn là 85%; ngành tinh bột sắn là 45%; ngành cao su là 62%; ngành linh kiện điện và điện tử là 59% (thấp hơn so với mức thông thường là trên 90%). Đáng chú ý, số tiền truy thu sau khi thanh kiểm tra chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ không đáng kể...

Bộ Tài chính cho biết: Đến hết ngày 31/10/2023, cơ quan thuế đã ban hành 15.025 quyết định tương ứng số thuế đã hoàn 112.873 tỷ đồng, bằng 70,5% ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội (160.000 tỷ đồng), bằng 91% cùng kỳ năm 2022.

bna_van truong 23.jpeg
Khâu xác minh các hộ trồng rừng bán cho doanh nghiệp thu mua gỗ keo để hoàn thuế còn nhiều bất cập. Ảnh: Văn Trường

Cụ thể: Hoàn cho xuất khẩu là 13.606 quyết định với tổng số tiền được hoàn là 93.546 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 82,9% tổng số đã hoàn, bằng 84% so với cùng kỳ năm 2022; Hoàn cho dự án đầu tư là 761 quyết định với tổng số tiền được hoàn là 18.875 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 16,7% tổng số đã hoàn, bằng 154% so với cùng kỳ năm 2022; Hoàn cho trường hợp khác như giải thể, chấm dứt hoạt động, dự án ODA, miễn trừ ngoại giao... là 658 quyết định với tổng số tiền được hoàn là 452 tỷ đồng.

Tổng cục Thuế cũng triển khai thanh tra, kiểm tra sau hoàn là 5.535 hồ sơ, với số tiền thuế phát hiện và truy thu hoàn là 190,6 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính là 64,7 tỷ đồng. Số thu hồi hoàn thuế Giá trị gia tăng (GTGT) đã nộp ngân sách nhà nước tính đến ngày 31/10/2023 là 915 tỷ đồng.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đang đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu hoàn thiện văn bản liên quan, đặc biệt là đề xuất sửa đổi Luật Quản lý thuế và Luật Thuế giá trị gia tăng, tập trung chỉ đạo trước ngày 31/12/2023 phải giải quyết, xử lý dứt điểm số hồ sơ đề nghị hoàn còn tồn đọng của một số ngành hàng xuất khẩu đang gặp vướng mắc…

Mới nhất
x
Tháo gỡ vướng mắc trong hoàn thuế giá trị gia tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO