Sông Lam Nghệ An và liều thuốc chữa 'chảy máu tài năng'
(Baonghean.vn) - Khi SLNA cải thiện nhiều mặt nhằm hướng tới mục tiêu trụ hạng thành công và tham vọng xa hơn thì đương nhiên các đội bóng khác cũng không thể ngồi im. Sự cạnh tranh trên tất yếu diễn ra và cũng tất yếu diễn ra tình trạng “chảy máu nhân tài”...
Việc ngăn “chảy máu tài năng” của SLNA đến thời điểm này có thể nói đã rất khả quan, bằng sự kiện nhà tài trợ mới chủ động sớm nhằm giữ chân tiền vệ Phan Văn Đức và từng bước đàm phán để có được các trụ cột khác yên tâm ở lại cống hiến cho đội bóng.
Nhà tài trợ mới còn tính đến chuyện mời trở lại các ngôi sao đã chuyển đi những mùa giải trước, tìm kiếm những nhân tố phù hợp từ các lò khác để tập trung thực hiện tham vọng đặt ra, đáp ứng “trên cả mong đợi” ước ao được thi đấu cho đội bóng quê nhà của bản thân các cầu thủ gốc SLNA cũng như mong đợi của người hâm mộ.
Dù chặng đường phía trước của SLNA mùa này còn rất gian nan nhưng với những thay đổi mạnh mẽ từ nhà tài trợ và đội bóng người hâm mộ xứ Nghệ có thể tin tưởng vào một tương lai không xa CLB SLNA sẽ tạo nên những kỳ tích mới. Ảnh tư liệu: Đức Anh |
Khi SLNA cải thiện nhiều mặt nhằm hướng tới mục tiêu trụ hạng thành công và tham vọng xa hơn thì đương nhiên các đội bóng khác cũng không thể ngồi im. Sự cạnh tranh trên tất yếu diễn ra và cũng tất yếu diễn ra tình trạng “chảy máu nhân tài” mà SLNA là một trong những nạn nhân dai dẳng nhất trong quá khứ. Tới đây, SLNA dù có thực lực và nhiều tham vọng nhưng nếu không cao tay trong mọi việc thì cũng chưa dám nói điều gì sẽ xảy ra?
BHL trẻ trung này vực dậy được con tàu đắm SLNA? Ảnh: CLB SLNA |
Nếu mọi việc hanh thông từ sự mát tay của ông bầu và ban huấn luyện, cầu thủ A sau khi ký hợp đồng thi đấu 3 mùa với đội bóng đã thực sự cống hiến hết mình, xứng với “đồng tiền, bát gạo”, cần phải tính đến chuyện ký tiếp hợp đồng, không để ai đó nhăm nhe, dòm ngó và bất ngờ “cuỗm” mất.
Cũng có thể có tình trạng cầu thủ B vì lý do chính đáng nào đó, chỉ dốc sức trong 2 mùa đầu, còn mùa thứ 3 nếu để ý kỹ sẽ thấy sự giữ sức, giữ đôi chân lành lặn để chuẩn bị “chuồn” thì biết cách để “giải phóng” sớm, tránh thiệt hại cho cả CLB lẫn cầu thủ.
Bảo vệ cầu thủ là nguyên tắc hàng đầu, nhưng điều đó nếu ảnh hưởng không có lợi cho CLB thì tất yếu phải tìm ra giải pháp hợp tình, hợp lý.
Một hướng rất hay và chuyên nghiệp của SLNA vừa được nói đến là xây dựng các đội tuyển trẻ tham gia thi đấu ở các giải hạng nhì, hạng nhất, tạo nguồn bổ sung trực tiếp cho đội 1 SLNA. Sẽ đi vào quá khứ việc có thành tích long lanh từ các đội U, nhưng sau đó chỉ thưa thớt vài ba cầu thủ được gọi vào đội 1. Cũng sẽ chỉ vì không có tên trong các đội trẻ thi đấu giải hàng năm thì mới nằm trong danh sách cho mượn vẫn làm nhộn nhịp mà hiệu quả đến đâu mấy chục năm nay chưa từng được đánh giá, tổng kết, rút bài học?
Liệu SLNA có mang được những công thần như Quế Ngọc Hải quay về đội bóng quê hương? Ảnh: Đức Anh |
Các cầu thủ trụ cột, các ngôi sao xuất sắc ở đội 1, các tiềm năng hứa hẹn ở các đội trẻ là nhân tố chính cho mọi bước đi căn cơ của đội bóng. Nhiệm vụ ngay lúc này là kết tụ và phát huy cao nhất sức mạnh trong từng con người, vị trí, tuyệt đối không để mất, làm rơi, làm hỏng dù chỉ là một phần nhỏ bé năng lực và ý chí của “các chiến binh áo vàng trên thảm cỏ xanh”.
Tóm lại vẫn là câu chuyện muôn thuở trong cuộc sống, trong đó có bóng đá, mà cha ông đã truyền lại, cấm có sai bao giờ, rằng “cầm vàng, đừng để vàng rơi”!