Sông Lam Nghệ An và những đôi chân pha lê

Hoài Hoan 24/09/2019 15:29

(Baonghean.vn) - Trong bóng đá, chấn thương là điều khó tránh khỏi, nhưng trong một mùa giải, có hàng chục trường hợp gặp chấn thương rồi tái phát chấn thương như SLNA thì quả là một vấn đề cần phải báo động.

Mùa này, tiền đạo Hồ Tuấn Tài đã có 8 bàn thắng cho đội bóng xứ Nghệ sau 15 trận đấu và đang trở thành chân sút nội tốt nhất của V.League 2019. Trong hai trận gần nhất, Tuấn Tài ghi 3 bàn thắng vào lưới Khánh Hòa và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trong một buổi tập chuẩn bị cho trận đấu gặp B. Bình Dương, tiền đạo sinh năm 1995 của SLNA đã gặp một chấn thương khá nặng.

Sau khi kiểm tra chấn thương, Tuấn Tài xác định bị lật cổ chân và phải nghỉ thi đấu ít nhất 1 tháng. Điều này khiến Tuấn Tài bỏ lỡ trận đấu gặp CLB Hà Nội và dễ đánh rơi phong độ trong giai đoạn quyết định của V.League 2019. Sự vắng mặt của Hồ Tuấn Tài càng khiến cho BHL SLNA thêm đau đầu bởi phong độ của chân sút Joel Vinicius là rất phập phù và Michael Olaha đang thiên về nhiệm vụ tổ chức hơn là ghi bàn.

Sau Phan Văn Đức, Hồ Tuấn Tài là trường hợp mới nhất gặp chấn thương. Ảnh: Đức Anh
Không những vậy, việc chấn thương dài hạn đã khiến cơ hội lên tuyển của Hồ Tuấn Tài đóng lại trước thềm hai trận đấu gặp Malaysia và Indonesia. Đáng tiếc hơn, khi mà Minh Tuấn, Anh Đức đều gặp chấn thương thì HLV Park buộc lòng phải gọi một tiền đạo khá vô danh là Việt Phong của Viettel.

Trong suốt V.League 2019, SLNA đã gặp phải hàng loạt những ca chấn thương nặng. Danh sách chấn thương của SLNA trong mùa giải này đã bao gồm: Trần Nguyên Mạnh, Phan Văn Đức, Võ Ngọc Đức, Lê Văn Hùng, Phạm Xuân Mạnh, Lê Thế Cường, Cao Xuân Thắng, Nguyễn Quang Tình, Hoàng Văn Bình, Hồ Phúc Tịnh... Trong đó, Văn Đức, Xuân Mạnh, Ngọc Đức, Văn Hùng, Thế Cường là những cầu thủ gặp chấn thương dài hạn.

Điều này rõ ràng đã khiến cho SLNA chắp vá lực lượng, không có được sự ổn định trong đội hình. Theo thống kê, trong những trận đấu đã qua, chỉ có Trần Nguyên Mạnh, Damir Memovic, Trần Đình Hoàng, Hoàng Văn Khánh, Michael Olaha thi đấu 23 trận, Khắc Ngọc 21 với trận. Duy nhất tiền vệ Võ Ngọc Toàn thi đấu đủ 24 trận vì may mắn có đôi chân lành lặn.

Nếu không có mưa, sân Vinh là nỗi ám ảnh với các cầu thủ. Ảnh: Đức Anh

Một trong những lý do đầu tiên khiến cho SLNA đối diện với những chấn thương dài hạn chính vì bị quá tải. Đó là trường hợp của Phan Văn Đức và Phạm Xuân Mạnh, cả hai cầu thủ này đều phải lên đường sang Singapore phẫu thuật chấn thương.

Trong năm 2018, Phan Văn Đức và Phạm Xuân Mạnh đã có 1 năm thi đấu căng thẳng với 3 mặt trận AFC Cup, Cúp QG, V.League trong màu áo CLB. Bên cạnh đó, trên cấp độ U23 và ĐTQG là VCK U23 châu Á, Asian Games, AFF Cup 2018 và Asian Cup 2019.

Sau khi phẫu thuật, Phan Văn Đức và Phạm Xuân Mạnh chưa kịp lấy lại phong độ thì lại bị tái phát chấn thương. Với mật độ thi đấu khoảng 50-60 trận/năm, các cầu thủ Việt Nam khó lòng đáp ứng được nếu không có sự chăm sóc của đội ngũ y tế hiện đại và khoa học.

Ngay cả một CLB chuyên nghiệp như Hà Nội cũng có nhiều trường hợp chấn thương vì quá tải khi các cầu thủ trở về từ ĐTQG. Cùng với Phan Văn Đức, cũng có nhiều cầu thủ khác của ĐTQG đang gặp khó khăn vì quá tải suốt thời gian qua như Đình Trọng, Trọng Hoàng, Văn Hậu...

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác các cầu thủ thường xuyên gặp chấn thương, cũng tái phát chấn thương đến từ công tác y tế của các CLB tại V.League. Theo tìm hiểu, mới chỉ có 6/14 đội bóng tại V.League có bác sỹ thể lực hoặc chuyên gia y tế đúng nghĩa.

Võ Ngọc Toàn là trường hợp duy nhất của SLNA thi đấu đủ 24 trận tại V.League 2019. Ảnh: FBNV

Với SLNA, chỉ có duy nhất 1 bác sỹ để chăm sóc cho gần 30 cầu thủ là điều rất bất cập. Không những vậy, chính bản thân các cầu thủ cũng chưa thực sự chuyên nghiệp và có ý thức bảo vệ đôi chân của mình. Có nhiều trường hợp vì nôn nóng ra sân khi chưa bình phục hoàn toàn nên dễ bị tái phát chấn thương.

Với SLNA, đa phần các trường hợp chấn thương đều đến trong những buổi tập. Và lý do lớn nhất chính là mặt sân Vinh đã xuống cấp trần trọng. Theo các cầu thủ SLNA, vấn đề không đến từ mặt cỏ, mà mặt sân đã quá cứng và nếu không cẩn thận sẽ rất dễ gặp vấn đề ở cổ chân. Với những cầu thủ đã có tiền sử chấn thương dây chằng hoặc sụn chêm thì đó lại càng trở thành nỗi ám ảnh.

Bóng đá chuyên nghiệp, một yếu tố quan trọng để đảm bảo chất lượng chuyên môn là mặt sân. Sân Vinh luôn bị xếp trong số những sân đấu kém chất lượng nhất V.League. Giải VĐQG có 14 đội bóng thì gần như 13 huấn luyện viên khi đến thi đấu tại sân Vinh kêu ca về vấn đề mặt sân.

Thiết nghĩ, đã đến lúc CLB SLNA cần phải gấp rút hành động nếu muốn hướng đến sự chuyên nghiệp mà đầu tiên là cải tạo lại mặt sân Vinh để kịp cho V.League 2020. Phần nào đó vì mặt sân, những đôi chân thép, vốn chơi máu lửa của các cầu thủ SLNA bỗng nhiên trở thành những đôi chân pha lê là điều khó có thể chấp nhận./.

Mới nhất

x
Sông Lam Nghệ An và những đôi chân pha lê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO